“Trật tự công quyền” và bọn ăn vụng… lịch sử

Lê Trọng Hiệp

Tin mới nhất... về vụ bổ nhiệm thần tốc của hot girl Trần Vũ Quỳnh Anh”, “Tiết lộ gây sốc về khối tài sản “khủng” của Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ”, v.v., truyền thông lề phải đang “hot” với các hàng tít như thế.

Tuy nhiên đây chỉ là hai cái tên mới nhất và là trò giật gân để câu khách mới nhất vì gắn liền với yếu tố diễm tình cộng đấu đá quyền lực: cô nàng “hotgirl” bị đồn là tình nhân ông Giám đốc Sở trước khi sang tay ông Bí thư Tỉnh ủy; còn ông chủ tịch sồn sồn thì bị đồn là có vợ bé (theo tin lề trái).

Chuyện của các quan lại cách mạng này còn dài ra với nào là “Bố Giám đốc Sở” bổ nhiệm con trai làm trưởng phòng là do lỗi… “không kiểm tra kỹ đề xuất của cấp dưới”; lái xe của Thứ trưởng trở thành... Phó Viện trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng Khoa học, cơ quan có 19 người thì hết 13 làm lãnh đạo nhưng hoàn toàn đúng quy trình. Những chuyện cười ra nước mắt này cho thấy bộ máy công quyền ở nước ta đã lâm vào tình trạng “hết thuốc chữa”, đã bệ rạc đến độ không thể bệ rạc thêm được nữa.

Ngày 3.4.2017 báo điện tử VTC News đăng bài của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội “Bổ nhiệm người nhà: Trật tự bất công trước Cách mạng Tháng Tám đang âm thầm quay lại”. [1]

Bài viết này có nhiều bất cập, không rõ ông Dũng không nắm đủ thông tin, không thấu được bản chất của sự việc hay ông giả mù sa mưa vì trên thực tế, “trật tự bất công” này đã hình thành ngay từ sau Cách mạng tháng Tám rồi!

Ông Dũng viết:

Việc đề bạt, bổ nhiệm người nhà, người thân đang xảy ra ngày một tràn lan trong không ít các bộ, ngành và các địa phương. Đây là vấn đề gây bức xúc và dị nghị rất lớn trong dư luận.

Chính vì vậy, chúng ta không nên làm ngơ, mà phải kiên quyết đối mặt với vấn đề này. Ngoài ra, cho dù chúng ta có cố quay lưng lại với nó, thì nó vẫn đang ở phía trước mặt chúng ta và đang ngày càng trở thành thách thức khôn cùng cho tính chính danh của hệ thống quyền lực công ở Việt Nam.

Thứ nhất, ông Dũng đã ưu tiên một ở cái ngọn chứ không phải cái gốc. Ngay từ đầu tiên ông chỉ lo lắng vì sự “bức xúc” và những lời “dị nghị” của dư luận cũng như tính chính danh của chính quyền. Nếu thực sự quan tâm đến vận nước tất ông sẽ nhìn khác. Vấn đề không phải là “tính chính danh” của hệ thống cầm quyền mà là khả năng tồn tại và cạnh tranh của đất nước trong thời đại toàn cầu, đặc biệt là khi phải đối mặt với một láng giềng lăm le nuốt chửng mình.

Rõ ràng, tình trạng này là nguyên nhân chính trong sự thiếu năng lực và thối nát của hệ thống công quyền.

Thứ hai, nếu tình trạng đã đến mức “ngày một tràn lan trong không ít các bộ, ngành và các địa phương” thì hệ thống này còn “chính danh” cái gì nữa? Mà ngay từ đầu, muốn “chính danh” thì hệ thống quyền lực mệnh danh là “của nhân dân” thì phải để nhân dân chọn lựa qua các cuộc bầu cử minh bạch và công bằng!

Sau đó ông Dũng viết:

Dưới đây xin được nêu ra một vài lý do tại sao.

Trước hết, một trật tự xã hội mà “Con vua thì lại làm vua. Con sãi ở chùa lại quét lá đa” đã bị Cách mạng Tháng Tám năm 1945 xóa bỏ trên đất nước ta. Trật tự xã hội này bị xóa bỏ đơn giản là vì nó bất công.

Từ đó đến nay, về cơ bản trên đất nước ta, không ai chỉ là con vua, cũng không ai chỉ là con sãi. Cho dù với những mức độ khác nhau qua từng thời kỳ, về cơ bản, cơ hội đã được mở ra tương đối bình đẳng cho tất cả mọi người.

Con nông dân vẫn có thể làm chủ tịch tỉnh, và con chủ tịch tỉnh cũng có thể làm bộ đội. Tuy nhiên, với cách thức đề bạt, bổ nhiệm người nhà, người thân ngày một tràn lan như hiện nay, không khéo trật tự xã hội bất công trước Cách mạng Tháng Tám đang được âm thầm tái lập trở lại.

Mà như thế thì sẽ hết sức rủi ro cho sự phát triển hòa bình, dân chủ và bền vững của đất nước. Bởi vì rằng một trật tự xã hội mà “Con vua thì lại làm vua. Con sãi ở chùa lại quét lá đa” không sớm thì muộn sẽ dẫn tới chuyện “dân nổi can qua”.

Việc đề bạt, bổ nhiệm người nhà, người thân tất yếu gây ra bất công và bất bình xã hội. Nếu tất cả quyền lực công đều rơi hết vào tay nhóm người thân hữu, thì còn cơ hội gì cho quảng đại quần chúng nhân dân?

Ông Dũng thực lòng tin rằng “trật tự xã hội bất công trước cách mạng” đã bị xóa bỏ hoàn toàn rồi ư?

“Trật tự xã hội” thì quá rộng, khó mà bàn thấu đáo trong bài này, do đó xin thu hẹp trong đề tài “trật tự công quyền”. Trên thực tế sự bất công vẫn còn đó, thậm chí còn phổ biến và trầm trọng hơn.

Bản chất của cuộc “cách mạng” mà Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện là gì nếu không phải là tranh giành “quyền lợi giai cấp”? (Bài Quốc tế ca: “Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình”). Nếu các dòng họ làm vua trong các triều đại quân chủ bảo vệ quyền lực của mình theo lối cha truyền con nối thì các bậc “vua quan cách mạng” cũng làm y hệt với chủ trương “quy hoạch cán bộ nguồn”. Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Thanh Nghị, Trần Tuấn Anh là con của ai? Hoàng Trung Hải là con rể của ai? Trần Kim Tiến là cháu của ai?

Ngay sau Cách mạng thì các vua quan cách mạng đã tính toán việc nuôi cấy 100 hạt giống đỏ khi nhờ Liên Xô “đào tạo cán bộ lãnh đạo tương lai cho Việt Nam”. Đó là 100 học sinh ưu tú tuổi từ 9 đến 14, là con cái của các “vua quan cách mạng” lúc đó như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Chu Huy Mân, Đặng Việt Châu, Văn Tiến Dũng, Lê Trọng Tấn, Trần Huy Liệu, Nguyễn Xiển, Trần Duy Hưng, Lê Khắc. (Trong 100 học sinh này có hai học sinh Lào, trong đó có con trai của Hoàng thân Xuvanuvong, người sau làm Chủ tịch nước Lào).

Liên Xô đã chi khá nhiều tài nguyên để dưỡng dục nhóm này: cử 50 nhân viên người Nga để để phục vụ 100 việc ăn ở, sinh hoạt của 100 học sinh. Có thể xem đây là một cách “buôn vua” kiểu Lã Bất Vi: đây sẽ là những uỷ viên bộ chính trị, ủy viên trung ương đảng và bộ trưởng tương lai của Việt Nam: “nắm” được con tin đám học trò này thì nay mai họ cũng sẽ “nắm” cả hồn lẫn xác của “Cách mạng Việt Nam”. [2]

Trước “cách mạng” là chế độ quân chủ của nhà Nguyễn (không phải “chế độ phong kiến” như các tài liệu lịch sử nhà nước thường viết) và hệ thống chính quyền thuộc địa. Ở đây chỉ nói về triều nhà Nguyễn: dù vẫn có tình trạng thối nát và nhũng nhiễu dân lành, xem ra cái “trật tự công quyền” này còn tôn ti, nề nếp hơn tình trạng hiện tại rất nhiều.

Thời Nguyễn, vua Minh Mạng đã lập ra Ðô sát viện để giám sát việc hành chính của quan lại và đưa ra nhiều quy định để bài trừ tham nhũng, lấy thí dụ:

- Cấm quan lại thụ nhiệm ở tỉnh nhà, hay ở nơi cách tỉnh nhà dưới 500 dặm. Quy định này có mục đích ngăn ngừa việc bà con hay thân hữu của quan cậy thần thế để ức hiếp và nhũng lạm người khác.

- Cấm quan lại tậu đất đai nhà cửa trong địa hạt nhiệm sở để ngăn ngừa tình trạng họ hiếp bách dân để mua rẻ.

- Cấm quan lại lấy vợ nơi trị hạt để ngăn ngừa tình trạng gia đình bên vợ cậy thế lực để nhũng nhiễu dân lành.

- Cấm quan lại hồi hưu không được lui tới chống nha môn để cầu cạnh.

Năm 1822 một viên quan coi kho tên Ðặng Văn Khuê được lệnh triều đình xuất 25000 hộc thóc để bán cho dân cứu đói ở Quảng Ðức, Quảng Trị. Thế nhưng trong lúc đong thóc, viên quan này đã cố tình đong non lại để chấm mút nên đã bị vua Minh Mạng ra lệnh chém ngay làm gương. Bốn năm sau viên quan coi kho ở kinh đô là Trần Công Trung đã bị chém vì đã gây khó dễ cho những người đến lĩnh tiền ở công khố để vòi tiền. Theo vua Minh Mạng thì “tang vật không quá 10 lạng nhưng luật quý ở chỗ làm cho lòng người sợ hãi, nếu như để sống một mạng thì e sau này những kẻ khinh nhờn pháp luật sẽ nhiều ra, không thể giết hết được”.

Không ai khác, chính lời của ông Dũng sau đây đã chứng tỏ rằng hệ thống công quyền hiện tại còn bết hơn thời Minh Mạng:

Hai là, việc bổ nhiệm người nhà, người thân còn làm tổn hại đến chất lượng của nền quản trị công của đất nước. Trước hết, đây là biểu hiện rất đặc trưng của tình trạng công, tư lẫn lộn.

Thử tượng tượng mà xem, nếu ở cơ quan trên, cơ quan dưới, ở cơ quan chỉ đạo, cơ quan thi hành, ở cơ quan kiểm tra, cơ quan xét xử… đâu cũng chỉ thấy toàn người nhà với người nhà, thì làm sao phân biệt được đâu là việc nhà và đâu là việc nước.

Ngoài ra, việc cha làm quan trên, con làm quan dưới còn là biểu hiện trần trụi nhất của sự xung đột lợi ích. Cha quá nghiêm khắc với con, thì mọi nhà được nhờ, nhưng nhà mình lại mất nhờ và ngược lại.

Đưa quan hệ ruột thịt vào công vụ, sẽ rất khó xác lập kỷ cương. Không chỉ ông bố rất khó nghiêm khắc với ông con, mà tất cả các ban ngành có liên quan muốn làm gì cũng ngại.

Đó là chưa nói tới chuyện ông con có thể dựa vào bóng ông bố mà làm cho các cơ chế kiểm soát và áp đặt trách nhiệm bị mất hết tác dụng.

Ngay từ thời của vua Lê Thánh Tông, cha ông chúng ta đã biết rất rõ rằng, muốn bảo đảm sự công tâm, sự bất thiên vị, muốn phép công được coi trọng, thì phải ngăn cấm hiện tượng cha, con, người thân cùng làm quan một nơi.

Luật Hồi tỵ thời đó đã quy định rất nghiêm: “Những người thân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học, người cùng quê… không được làm quan cùng một chỗ”.

Hơn thế nữa, làm quan ở đâu thì không được lấy vợ ở đó. Làm quan ở đâu thì không tậu ruộng vườn, nhà cửa ở đó. Tại sao chúng ta lại lạc hậu quá nhiều so với cha ông mình 500-600 năm trước đây như vậy?

Cũng cần nói thêm rằng, không bổ nhiệm người nhà trong lĩnh vực công là chuẩn mực chung của thế giới văn minh. Chúng ta đang hội nhập với thế giới thì chúng ta cũng cần phải tiếp nhận chuẩn mực này.

Cuối cùng, cho dù việc đề bạt, bổ nhiệm người nhà, người thân là đúng quy trình, thì việc đó cũng không thể đúng. Việc đó chỉ cho thấy là quy trình đang có vấn đề mà thôi.

Thiết nghĩ, mọi quy trình đều cần phải bắt đầu từ những nguyên tắc đã được Luật Hồi tỵ của cha ông xác lập từ 500-600 năm trước đây, nghĩa là không được bổ nhiệm người thân, người nhà để làm quan cùng một nơi.”

Các lời lẽ biện minh “đúng quy trình” của các quan chức từng đỡ đầu “hot girl Trần Vũ Quỳnh Anh” làm chúng ta nhớ lại nguyên tắc “bảo cử” thời Trịnh Tạc.

Trịnh Tạc (1606-1682) là vị chúa thứ ba của nhà Trịnh, cai trị từ năm 1657 đến 1682. Đây là Chúa Trịnh duy nhất chứng kiến toàn bộ bảy cuộc chiến bất phân thắng bại giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài từ năm 1627 đến 1672. Trịnh Tạc cũng là người xóa sổ nhà Mạc ở Cao Bằng.

Trên phương diện quản trị công quyền, Trịnh Tạc áp dụng cách tuyển mộ quan lại gọi là “bảo cử”, tức “tiến cử có bảo đảm”:

- Quan nhị phẩm được bảo cử 4 người.

- Quan tam phẩm được bảo cử 3 người.

- Quan lục phẩm được bảo cử 2 người.

Nhưng không phải tiến cử “đúng quy trình” là phủi tay. Theo quy định thì kẻ đề cử phải trực tiếp chịu trách nhiệm từ năng lực của kẻ được mình bảo trợ. Nếu kẻ đó chứng tỏ được năng lực, người đề cử sẽ được thăng thưởng thích đáng. Ngược lại, nếu tiến cử kẻ tầm thường, vô đạo, họ sẽ bị khiển trách đích đáng. Trường hợp kẻ đó có hành vi phạm pháp, kẻ đề cử sẽ bị liên đới trách nhiệm nếu không đứng ra tố cáo từ đầu, trường hợp tìm cách bao che sẽ bị xem là đồng lõa.

Nếu áp dụng cách này thì viên thứ trưởng từng “cơ cấu” tài xế riêng của mình vào chức vụ “chủ tịch hội đồng khoa học” có thể biện minh “đúng quy trình” để trút bỏ trách nhiệm?

Trịnh Tạc còn tổ chức các cuộc thị để sát hạch lại các quan lại xem cón có đủ năng lực làm việc hay không, những ai không chứng tỏ năng lực thì loại bỏ.

Nếu áp dụng cách này, liệu bộ máy công quyền ở nước ta còn giữ được kỷ lục “nhiều tiến sĩ nhất” hay không?

Trịnh Tạc cấm quan lại không được lập trang trại tại nơi mình trấn nhậm để ngăn ngừa tình trạng cậy quyền quyền thế uy hiếp lấy ruộng đất của dân, sử dụng đó như là phương tiện để nuôi dưỡng thủ hạ để quấy nhiễu người dân.

Với cách này thì những ông tri phủ hay tổng đốc xã hội chủ nghĩa như Huỳnh Đức Thơ có thể nào vướng vào tai tiếng về khối tài sản khổng lồ đầy bất minh?

Thay lời kết

Thời đại nào cũng vậy, luật pháp kỷ cương chỉ giữ được ở thời thịnh trị. Liên tiếp mấy đại hội đảng với “quyết tâm trong sạch hóa đội ngũ”, phép nước và kỷ cương vẫn bị chà đạp. Sự thật đau lòng là đất nước đang ở trong thời kỳ suy vong, chờ sự thay đổi.

Nhưng đừng tưởng rằng thay đổi hay “cách mạng” là phá bỏ cái cũ để xây dựng cái hoàn toàn mới. Tình trạng đất nước tệ hại đến độ phải học hỏi từ đầu, từ cả một triều đại trong thời kỳ được xem là suy tàn như thời Trịnh - Nguyễn phân tranh.

Tại sao dù đã thống nhất một cõi, đất nước lại suy tàn còn tệ hơn là thời bị chia cắt?

Ngày trước nước Việt Nam có bị chia cắt làm hai thì dẫu sao, đó vẫn là của người Việt Nam với nhau, với một ranh giới rõ ràng về mặt địa lý.

Ngày nay, về địa lý, đất nước cũng đang bị chia cắt với những ranh giới mập mờ khi những “tô giới” hay “nhượng địa” của người Tàu mọc lên ở hầu như bất cứ vùng đất nào mang ý nghĩa “hiểm địa”.

Cả về mặt lịch sử, đất nước cũng bị chia cắt. Thí dụ rõ ràng nhất là ngày tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma 14.3.2017 vừa qua. Trong khi các nhà trí thức tụ tập trước tượng Lý Thái Tổ làm lễ thì một đám dư luận viên tới quậy phá, chất vấn tại sao không làm lễ trước Tượng đài Liệt sĩ Bắc Sơn.

Rõ ràng, đám dư luận viên này và những kẻ bảo trợ chúng đang chọn một thứ lịch sử khác.

Đó là thức lịch sử của bọn ăn vụng. Từ những trò vụng trộm lớn sau hậu trường dẫn đến cảnh chia cắt mập mờ nói trên cho đến những trò vụng trộm ném đá dấu tay trước tượng vua Lý Thái tổ khi những đám cô hồn các đảng có thể mệnh danh “quần chúng nhân dân”. Và cả trò “ăn vụng lịch sử”, chỉ nói đến những “bất công” của thời trước mà giả mù sa mưa trước những bất công và thối nát của thời này!

Chú thích:

[1] http://www. vtc. vn/xa-hoi/bo-nhiem-nguoi-nha-trat-tu-bat-cong-truoc-cach-mang-thang-tam-dangam-tham-quay-lai-d313480. html

Lời dẫn của VTC News: “TS Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lo ngại với cách thức đề bạt, bổ nhiệm người nhà, người thân tràn lan như hiện nay thì trật tự xã hội bất công trước Cách mạng Tháng Tám đang âm thầm quay lại.”

Xin phụ chú thêm ở đây là chữ “nguyên” mà truyền thông chính thống tại Việt Nam sử dụng hoàn toàn sai, phải viết là “cựu phó chủ nhiệm”, hay “nguyên là phó chủ nhiệm...”.

Còn nếu dùng “nguyên phó chủ nhiệm” thì phải sử dụng với trạng thái “hiện tại trong quá khứ”.

Thí dụ ông Nguyễn Tấn Dũng: bây giờ chúng ta gọi là “cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”, nhưng nếu nhắc lại chuyện lúc ông còn nhiệm chức thì mới dùng từ trên: “Trong cuộc họp báo ngày 4.2.2009 nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định rằng dự án việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên là ‘chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước’”.

Ở đây chữ “nguyên” rất giống với chữ “then” trong tiếng Anh.

[2] Tuy nhiên tính toán của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã không thành khi các “hạt giống đỏ” đã họ không làm nên “trò trống gì” vì thiếu kinh nghiệm thực tiễn: chúng học toàn lý thuyết sách vở và có thể là nững chuyên viên giỏi nhưng không thể thành nhà lãnh đạo, tức không thể làm “vua cách mạng”.

Tác giả gửi BVN.


© 2016 About Us | Terms & Conditions