Vắt kiệt sức dân...

Bạch Hoàn

clip_image002

Bất chấp phản ứng dữ dội của dư luận, Bộ Tài chính đang kiên quyết đòi tăng thu thuế bảo vệ môi trường, với mức tăng cao khó có thể chấp nhận được. Riêng với mặt hàng xăng A92, cơ quan này đề xuất tăng từ mức thu 3.000 đồng/lít hiện nay lên mức thu mới tối thiểu là 5.000 đồng/lít và tối đa có thể tới 8.000 đồng/lít.

Phải khẳng định rằng, việc tăng thuế môi trường không chỉ khiến các anh chị phải mua xăng giá cao hơn vài ngàn đồng mỗi lít, mà quan trọng nó sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp lên giá cả hàng hoá, thiết lập một mặt bằng giá mới. Không chỉ người tiêu dùng thiệt thòi mà nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng không ít.

Tôi đã đọc tất cả những lý do mà Bộ Tài chính đưa ra và không thể nào tìm thấy sự thuyết phục. Quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, bản chất của việc tăng thuế bảo vệ môi trường này, chính xác phải gọi là tận thu của dân nhằm bù đắp bội chi ngân sách trong giai đoạn trước mắt. Nó là biểu hiện không thể rõ hơn của tư duy nhiệm kỳ trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Trước khi phân tích cụ thể, tôi muốn nhấn mạnh rằng, một cơ quan có trách nhiệm lo tài chính của một quốc gia chỉ biết lăm le đè đầu dân ra để thu thuế, mức thu ngày càng nhiều lên, là một cơ quan yếu kém. Tôi vẫn chưa quên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố xây dựng Chính phủ kiến tạo, một Chính phủ mà trong mọi quyết sách, mọi hành động đều đặt lợi ích của người dân và doanh nghiệp lên trên hết. Thế nhưng, hành động này của Bộ Tài chính, nói một cách thẳng thắn là phá vỡ kiến tạo.

Tên gọi là thuế bảo vệ môi trường nhưng thực sự nó không dùng vào việc bảo vệ môi trường. Thực tế trong năm 2016, số tiền mà ngân sách chi ra cho mục đích bảo vệ môi trường chỉ bằng 1/4 tổng số tiền thuế bảo vệ môi trường mà ngân sách đã thu vào.

Bộ Tài chính từng giải thích việc tăng thuế bảo vệ môi trường, dù không dùng cho việc bảo vệ môi trường nhưng nó vẫn cần thiết vì sẽ ngăn chặn tình trạng xuất lậu xăng dầu. Đây là sự nguỵ biện hết sức trơ trẽn. Kiểm soát xuất lậu xăng dầu là nhiệm vụ các cơ quan chống buôn lậu, không phải nhiệm vụ của nhân dân thông qua nghĩa vụ tăng đóng góp cho ngành thuế.

Bộ Tài chính lại giải thích việc tăng thuế môi trường là cần thiết vì thuế nhập khẩu ngày càng giảm theo các cam kết hội nhập. Để bù lại thì phải tăng thu thuế nội địa. Thế nên, tăng thuế môi trường là để đảm bảo lợi ích quốc gia. Tôi hiểu là khi tăng thu được vài chục ngàn tỉ đồng thì ngân sách sẽ được cân đối, nhà nước có thêm một khoản tiền lớn bù đắp cho vô số khoản cần chi trong bối cảnh thuế nhập khẩu ngày càng giảm.

Thế nhưng, việc tăng thu này chỉ đảm bảo cho họ đạt được những chỉ tiêu kinh tế trước mắt, ổn định chính sách tài khoá trước mắt. Còn về lâu dài, nó làm cho nền kinh tế ngày càng suy yếu. Cụ thể, tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khiến giá xăng tăng, đẩy chi phí đầu vào buộc phải tăng theo cả trực tiếp và gián tiếp. Hậu quả của nó là làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung. Một trong những nguồn thu mang tính cốt lõi và bền vững phải là thuế thu nhập doanh nghiệp thì buông lỏng dẫn đến sự trốn thuế trở thành bản chất của Doanh nghiệp. Mặt khác, khi chi phí đầu vào tăng cao, khả năng cạnh tranh yếu kém, lợi nhuận sụt giảm, doanh nghiệp không thể lớn mạnh thì lấy gì đóng góp vào ngân sách?

Không một nền kinh tế nào có thể lớn mạnh khi nhà quản lý ra sức tận thu. Và chỉ những kẻ ngu dốt mới cho rằng, vắt kiệt sức dân là để đảm bảo lợi ích quốc gia.

B.H.

Nguồn: https://www.facebook.com/bachhoanvtv24/posts/1908589802721599


© 2016 About Us | Terms & Conditions