Xưng hô tiếng ta thật khó

Phạm Xuân Nguyên

clip_image002Với nụ cười tươi, Phó Thủ tướng hỏi lại SV Cao Thị Thùy, Trường ĐH Sư phạm thuộc ĐH Thái Nguyên liên quan đến câu hỏi của bạn về sự chuẩn bị của Chính phủ cho SV, thanh niên về một cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015.

“Cháu đã sẵn sàng cho cộng đồng ASEAN năm 2015 chưa? Cháu có thể lên đây chia sẻ với các bạn ở đây là cháu đã chuẩn bị sẵn sàng như thế nào cho sự kiện hình thành cộng đồng chung ASEAN” – “MC Đam” dẫn dắt.

Đáp lời, Cao Thị Thùy cho biết sự sẵn sàng của bạn thể hiện trong học tập, suốt cả quá trình, tích cực tham gia phong trào đoàn, hội của trường, để đạt thành tích tốt nhất, góp phần vào sự phát triển của đất nước.

“Cháu có tìm hiểu về cộng đồng ASEAN chưa?” – Phó Thủ tướng hỏi. “Cháu cũng chưa hiểu rõ lắm và rất mong Phó Thủ tướng giải đáp giúp cháu” – Thùy đáp lại”.

Đoạn trích trên đây ở trong bài viết đăng báo mạng VietnamNet ngày 28/12/2013 tường thuật cuộc đối thoại của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với các đại biểu dự Đại hội toàn quốc Hội sinh viên Việt Nam lần thứ IX. Đọc xong tôi thấy lấn cấn với sự xưng hô của Phó Thủ tướng với bạn sinh viên, và cả của bạn sinh viên.

Đây là một diễn đàn trao đổi, tức là một hoạt động ngôn ngữ chính tắc trong một ngữ cảnh chính tắc, nên đòi hỏi ngôn ngữ giao tiếp phải mang tính xã hội chứ không phải như trong gia đình hay trong phạm vi thân thuộc. Về tương quan tuổi tác, cô sinh viên có thể ở hàng con của Phó Thủ tướng nếu xét trong quan hệ gia đình, nhưng trong quan hệ xã hội hai người là hai cá thể độc lập, hai chủ thể xã hội ngang bằng, có chủ thể tính như nhau, do đó cách xưng hô với nhau trong sinh hoạt xã hội phải được xác lập trên cơ sở xã hội. Thái độ nói có thể tôn trọng, kính trọng, thân mật, gần gũi, nhưng cách gọi thì phải bình đẳng. Dùng đại từ “cháu” ở đây là không ổn. Vẫn biết tiếng Việt chúng ta không có một đại từ trung tính, kiểu như I, You trong tiếng Anh để xưng hô rõ ràng, rành mạch, nhưng nó lại có khá nhiều cách gọi khác ít tính thân tộc hơn để cho người dùng lựa chọn. Trong trường hợp này, ông Đam có thể cân nhắc gọi cô sinh viên Cao Thị Thùy bằng tiếng “em” hoặc “bạn” thì có lẽ hợp hơn, tuy chưa phải đúng nhất. Xưng “em” với người đối thoại có lẽ là tạm được nhất trong ngữ cảnh này, khi đó ông Đam vừa như là bậc anh, là thầy giáo, vừa vẫn giữ được vị thế của một quan chức chính phủ. Thực chất đây là cuộc tiếp xúc, đối thoại của một quan chức cấp cao của Chính phủ với các công dân, tuy là trẻ tuổi và đang là sinh viên, nhưng đã thực sự là công dân. Nghĩa là ngôn ngữ ở đây là trong một sự kiện mang tính quan phương nên xưng hô phải theo quan hệ xã hội. Chứ dùng tiếng “cháu” thì tỏ vẻ bậc cha chú, tạo sự xa cách và không bình đẳng. Hơn thế nữa, nếu cô sinh viên theo thói quen và áp lực của truyền thống có tự xưng là “cháu” thì Phó Thủ tướng còn phải bảo cô không nên xưng như vậy, mà phải xưng bằng đại từ “tôi”. Trong bài tường thuật của VietnamNet không cho biết khi ông Đam trả lời cô Thùy thì ông tự xưng bằng “chú” hay “tôi”. Theo logic ngôn ngữ giao tiếp khi đã gọi người khác là “cháu” thì phải xưng mình là “chú”. Tôi nghĩ nếu ông Đam xưng “tôi” trong trường hợp này thì là đúng nhất với hành ngôn của ông, nhưng thế lại càng cho thấy gọi người đang đối thoại với mình bằng “cháu” là không ổn. Tuy nhiên, không phải vậy: “Ông chọn cách xưng hô “bác-cháu” với các đại biểu sinh viên” (Tuổi Trẻ, 29/12/2013). Thế này thì lại càng chướng. Ông Đam mới 50 tuổi, bố mẹ của nhiều sinh viên trong buổi đối thoại chắc còn nhiều tuổi hơn ông, đặt trong quan hệ gia đình sao ông có thể tự xưng là “bác” được. Năm 1996 tôi hỏi chuyện nhà thơ Tố Hữu tại nhà riêng của ông về việc dịch thơ cho tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam. Ngay từ đầu tôi gọi ông bằng “bác”. Ông hỏi bố tôi bao nhiêu tuổi. Nghe tôi bảo bố tôi sinh năm 1916, ông nói vậy cứ gọi ông là chú vì ông sinh năm 1920, “kém ông cụ nhà anh bốn tuổi”. Xin nhớ đây chỉ là cuộc trò chuyện giữa hai người trong không khí gia đình mà nhà thơ còn cẩn trọng như vậy! Trở lại chuyện xưng hô của Phó Thủ tướng đang nói đây. Tư thế người nói khi xưng/bị xưng “cháu” và khi xưng “tôi” là rất khác nhau. Trong bộ máy Chính phủ hiện nay ông Đam là một người trẻ tuổi nhất, nhưng chắc ông không tự gọi và bị gọi là “cháu” trong khi làm việc quốc gia, tức là trong môi trường giao tiếp của các quan hệ xã hội. Nếu trong buổi đối thoại đó có một đại biểu sinh viên đứng lên đề nghị Phó Thủ tướng thay đổi cách xưng hô, không được gọi họ bằng “cháu”, lại càng không được tự xưng là “bác” với họ, thì ông tính sao? (Giả thiết này hoàn toàn là không tưởng ở ta nhưng vẫn cứ phải nêu ra. Trong trường hợp này, các sinh viên cần nên cảm thấy khó chịu khi bị xưng hô như vậy, điều đó biểu hiện sự trưởng thành ý thức của họ, cả về mặt con người và công dân).

Sự xưng hô trong tiếng ta phức tạp lắm. Còn nhớ, hồi Sea Games 22 tổ chức ở nước ta (2003), một cô phóng viên truyền hình trung ương hình như đã gặp rắc rối khi xưng hô với bà Phó Chủ tịch nước là “chị” trong lúc phỏng vấn nóng bà ngay ở sân bóng trước thắng lợi lên ngôi vô địch của đội bóng đá nữ Việt Nam. Quả khi đó gọi nữ Phó Chủ tịch nước là “bà” đúng hơn là “chị”. Có lẽ cần nên có bộ quy tắc quy định cách xưng hô trong quan hệ xã hội, trước hết là để dùng trong các sự kiện mang tính quan phương và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chứ như hiện nay tôi thấy rất buồn cười và khó chịu khi có một số phóng viên, nhà báo, nhất là báo hình, cho mình được cái quyền gọi người đang trả lời cho mình phỏng vấn là “em, cháu” thay vì phải là “anh, chị” vì cớ là họ trẻ. Ơ hay, báo đài là cơ quan ngôn luận xã hội trước bàn dân thiên hạ, đâu phải đóng cửa trong nhà nói chuyện với nhau! Mà cũng lạ cho người ta, khi nói về bản thân ở trong môi trường xã hội vẫn luôn hạ mình như trong môi trường thân tộc, nghĩa là tự xưng bằng các đại từ chỉ quan hệ huyết thống, dòng họ. Người trẻ cũng không dám xưng “tôi” một cách đàng hoàng, dõng dạc trước người lớn tuổi tại các diễn đàn, hội nghị, họp hành. Đừng coi đó là một chuyện nhỏ của sự nói năng. Phải xem đó là một điểm yếu của tư duy cần khắc phục, thay đổi. Bắt đầu từ trong nhà trường, từ các đoàn thể, từ người lớn. Tôi đã có một trải nghiệm thú vị việc này: trong một lần được mời giao lưu với các bạn trẻ do trung tâm Rosa Luxemburg Việt Nam tổ chức, khi nhiều bạn đối thoại với tôi vẫn xưng “cháu” thì có một bạn đã xưng “tôi” rất thẳng thắn và nói rõ bạn ấy có ý thức về cách xưng hô như vậy để khẳng định tư cách xã hội của mình. Tôi hoàn toàn tán thành việc đó.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là một gương mặt đang được kỳ vọng của Chính phủ hiện nay. Trong sự kỳ vọng đó, tôi mong được thấy ông có cả sự chuẩn tắc ngôn từ hơn nữa, nhất là khi ông đã có uy tín lời ăn tiếng nói từ ở vị trí người phát ngôn của Chính phủ.

Hà Nội những ngày cuối năm 2013

P. X. N.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.


© 2016 About Us | Terms & Conditions