ĐẢNG DÂN CHỦ PHẢI CỘNG TÁC VỚI TT TRUMP (Ngô Nhân Dụng)




Đảng Dân Chủ phải cộng tác với TT Trump

Ngô Nhân Dụng

November 13, 2018

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/dang-dan-chu-phai-cong-tac-voi-tt-trump/


Ai cũng thấy nước Mỹ đang chia rẽ về chính trị. Cộng Hòa kiểm soát Thượng Viện và nắm Tòa Bạch Ốc, Dân Chủ chiếm Hạ Viện và có thể gây khó khăn cho ông tổng thống. Nhưng lựa chọn tốt nhất cho đảng Dân Chủ là cộng tác với ông Donald Trump.


https://i2.wp.com/www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2018/11/A1-Dang-Dan-Chu-Trump.jpg?resize=696%2C478&ssl=1

Dân Biểu Nancy Pelosi (Dân Chủ-California, trái), người sẽ là chủ tịch Hạ Viện trong hai năm tới, bắt tay Tổng Thống Donald Trump khi ông nhậm chức tổng thống hôm 20 Tháng Giêng, 2017, tại Washington, DC. (Hình: J. Scott Applewhite - Pool/Getty Images)


Nhiều đại biểu Quốc Hội thuộc đảng Dân Chủ đã dọa sẽ “trả thù.” Hạ Viện là cơ quan chính quyết định ngân sách quốc gia; có thể dùng như một vũ khí. Mối hận của họ là trước đây khi đảng Cộng Hòa kiểm soát hai viện Quốc Hội, họ thành công trong chiến thuật cản trở cựu Tổng Thống Barack Obama. Họ cắt ngân sách chương trình y tế của ông Obama; có lúc không cấp ngân sách để chính phủ phải đóng cửa; và không đưa thẩm phán do ông Obama đề cử ra bỏ phiếu vào Tối Cao Pháp Viện. Năm 2010, ông Mitch McConnell, trưởng khối đa số Cộng Hòa ở Thượng Viện, nói thẳng rằng việc quan trọng duy nhất (The single most important thing) của ông là làm sao ông Obama chỉ ngồi một nhiệm kỳ mà thôi. Hai năm sau, ông Obama được tái cử.


Tình cảnh đó cũng giống như năm 1994, khi ông Newt Gingrich dẫn đầu đảng Cộng Hòa chiếm đa số tại Hạ Viện, lần đầu tiên trong 40 năm, với 54 ghế cao hơn. Thừa thắng xông lên, ông Gingrich đã chống Tổng Thống Bill Clinton đến cùng, khiến chính phủ phải đóng cửa vì ngân sách không được thông qua. Hai năm sau, ông Clinton đắc cử lần nữa.


Đảng Dân Chủ không thể tái diễn màn kịch chống Tổng Thống Trump đến cùng như vậy.

Guồng máy cai trị sẽ “kẹt cứng” nếu đảng Dân Chủ tại Hạ Viện nhất định đóng vai “kỳ đà cản mũi,” chỉ lo gây khó khăn cho Tòa Bạch Ốc. Sau hai năm, dân Mỹ sẽ thấy cảnh trì trệ là tội của đảng Dân Chủ. Một lý do là tình trạng phân hóa chính trị hiện nay sẽ không thể thay đổi trong nhiều năm tới.


Trước hết, cảnh chia rẽ không chỉ diễn ra ở cấp cao nhất của liên bang, mà còn thấy trên toàn quốc. Trước đây mười năm, có 17 trong số 50 tiểu bang đã gửi hai nghị sĩ thuộc hai đảng khác nhau vào Thượng Viện. Từ năm tới, sẽ chỉ còn bẩy tiểu bang được đại diện rộng rãi như vậy. Còn tại 43 nơi kia cả hai nghị sĩ thuộc cùng một đảng. Cảnh phân chia này cũng diễn ra tại Nghị Viện cấp tiểu bang. Từ năm 2019, Minnesota là nơi duy nhất có hai viện lập pháp do hai đảng khác nhau chiếm đa số. Còn lại, dân chúng đã đổ dồn lá phiếu về một phía.


Khi dân các tiểu bang chỉ dồn phiếu cho một đảng, thì đảng Dân Chủ dễ bị thiệt hại hơn trong các cuộc bầu cử tổng thống và Thượng Viện. Năm 2016, Dân Chủ được 3 triệu phiếu phổ thông hơn Cộng Hòa nhưng vẫn hụt mất chức tổng thống, vì thua phiếu ở nhiều tiểu bang hơn. Năm nay các ứng cử viên Dân Chủ cũng được 9 triệu phiếu cao hơn trên toàn quốc, nhưng vẫn mất ba ghế nghị sĩ. Vì Cộng Hòa đã chinh phục được các tiểu bang nhỏ, ít dân. (*)


Cho nên, muốn thắng năm 2020, tránh tình cảnh năm 2016, thì đảng Dân Chủ phải tìm cách thu phục lòng người ở các vùng nông thôn, dân cư thưa thớt. Muốn vậy, không thể chỉ lo chống đối mà còn phải chứng tỏ mình đóng góp vào các chương trình trị quốc.


Đảng Dân Chủ và ông Donald Trump có thể cộng tác trong chương trình, xây dựng hạ tầng cơ sở; một nhu cầu cả nước đều đồng ý nhưng chưa được xuất tiền. Công tác này sẽ có lợi cho ông Trump, vì sẽ giữ cho kinh tế phát triển lâu hơn; nhưng cũng là điều mà đảng Dân Chủ đã đề nghị ngay sau khi cơn suy thoái 2008-2009 bắt đầu. Trong thời gian vận động tranh cử vừa qua, ông Trump cũng gợi ý làm sao giảm giá thuốc trị bệnh. Đảng Dân Chủ nên bắt lấy ý kiến này, trong khi các công ty dược phẩm chưa tổng phản công.


Đảng Dân Chủ nên tìm cách thỏa hiệp và cộng tác với Tổng Thống Trump trong việc cải tổ các luật lệ về di dân. Họ có thể tuyên cáo nguyên tắc không chấp nhận di dân bất hợp pháp đã được chính quyền đảng Dân Chủ thi hành trước đây. Năm 2016 có 611,689 di dân lậu bị bắt ở biên giới khi lẻn vào nước Mỹ; trong năm 2017 chỉ có 341,061 người. Số di dân lậu bị trục xuất cũng giảm từ 174,923 xuống 144,516 người (con số của U.S. Border Patrol, được U.S. News dẫn).


Có thể giải thích nguyên nhân gây ra sự tụt giảm đó là do chính sách cứng rắn của Tổng Thống Trump khiến di dân lậu sợ nên lẩn trốn kỹ hơn. Nhưng cũng nên nhớ rằng ông Barack Obama là vị tổng thống đã trục xuất nhiều “di dân lậu” hơn tất cả các vị tổng thống tiền nhiệm, Đảng Dân Chủ sẽ có lợi nếu cộng tác với Tòa Bạch Ốc giải quyết vấn đề di dân. Nếu trong hai năm tới, nỗ lực cộng tác để cải tổ chính sách và luật lệ di dân thành hình, dù chưa giải quyết được hết các bất đồng, thì ông Trump sẽ mất một khí cụ quan trọng để khích động cử tri của chính ông!


Một điều quan trọng nhất, là nếu đảng Dân Chủ muốn chiếm được lòng người ở các tiểu bang nhỏ, thưa dân, thì không thể chỉ lo tấn công ông tổng thống. Không thể nói như kiểu bà Hillary Clinton năm 2016, bà chê bai tất cả những người nhiệt liệt ủng hộ ông Trump, hậu quả là những người đó tức giận, càng vận động cho ông Trump mạnh hơn!


Ngược lại, đảng Dân Chủ chỉ có thể lôi kéo được những người da trắng, lớn tuổi, không tốt nghiệp đại học và sống ở các vùng quê thưa dân bằng các chương trình cụ thể ích lợi cho họ. Tốt nhất là không nên hô hoán những đề tài như phá thai, hôn nhân đồng tính, và cả cần sa, dù đã có 31 tiểu bang chấp nhận cần sa có thể dùng, ít nhất là để làm thuốc. Dù đảng Dân Chủ không nói gì đến những đề tài đó, những người ủng hộ họ cũng không thay đổi.


Đối với những người da trắng ở thôn quê, ngoài các biện pháp kinh tế, một khí cụ vận động có hiệu quả của đảng Dân Chủ là chương trình y tế.


Trong ngày Thứ Ba tuần trước, những tiểu bang thành trì của đảng Cộng Hòa rất bảo thủ, như Idaho, Nebraska, Utah, đa số cử tri đã bỏ phiếu cho các đề nghị mở rộng Medicaid, chương trình y tế cho người nghèo. Mở rộng Medicaid là một điều quan trọng trong đạo luật y tế của ông Obama, để giảm bớt số người Mỹ không có bảo hiểm. Trước đây một nửa các vị thống đốc Cộng Hòa không thi hành, vì bất đồng ý kiến. Ở Idaho, năm 2016, ông Trump đã thắng với hơn 32% số phiếu; nhưng năm nay đa số cử tri đã ủng hộ việc nới rộng chương trình trợ giúp y tế cho người lợi tức thấp. Ai biết được khi nào mình sẽ rớt vào hàng lợi tức thấp và sẽ mất bảo hiểm y tế?


Kết quả bầu cử tuần trước cho thấy nước Mỹ đang phân cực nặng nề. Hiện tượng này đã bắt đầu từ lâu, tính trễ nhất cũng từ năm 1995 khi ông Newt Grinrich khai chiến với ông Bill Clinton. Ông Obama, người da đen đầu tiên đắc cử khiến cho những khối cử tri tách xa nhau nhiều hơn nữa. Nếu trong hai năm tới Tổng Thống Donald Trump có thể cộng tác với đảng Dân Chủ trong một số chương trình lập pháp thì hy vọng tâm lý phân ly sẽ giảm bớt! (Ngô Nhân Dụng)


--------------


(*) Lập luận này thiếu tính thuyết phục.


THƯỢNG VIỆN:

Đảng Dân Chủ, được 47 ghế (mất vào tay của đảng CH -1 ghế) và đảng Cộng Hòa được 51 ghế (chiếm từ đảng Dân Chủ +1 ghế) mặc dù vẫn còn 2 khu vực bầu cử đang được kiểm phiếu lại.

Nhìn thì tưởng như đảng Cộng Hòa ở Thượng Viện được lòng dân hơn, nhưng không phải thế. Đây là nhóm Thượng Nghị Sĩ (class 1 nhiệm kỳ 2012-2018) phải được bầu lại trong kỳ Midterm 2018 này, và đảng Cộng Hòa nắm lợi thế ở chỗ, họ chỉ có 8 ghế phải bầu lại, trong khi đảng Dân Chủ lại có tới 24 ghế phải bầu lại.

Thế mà cộng luôn cả ăn gian, đảng Cộng Hòa cũng chỉ chiếm thêm được có 1 ghế duy nhất. Trong khi số phiếu bầu cho đảng Dân Chủ hơn đảng Cộng Hòa 9 triệu phiếu, nhờ việc ăn gian qua cách vẽ khu vực bầu cử Gerrymandering của đảng Cộng Hòa.

Nguồn : https://www.facebook.com/giao.pham.127/posts/2746979965316022









© 2016 About Us | Terms & Conditions