DỰ THẢO 'QUY CHUẨN NƯỚC MẮM' : DƯ LUẬN PHẪN NỘ, NHÀ SẢN XUẤT HOẢNG HỐT (Người Việt Online)




Dự thảo ‘Quy chuẩn nước mắm’: Dư luận phẫn nộ, nhà sản xuất hoảng hốt

Người Việt Online

March 11, 2019

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/du-thao-quy-chuan-nuoc-mam-du-luan-phan-no-nha-san-xuat-hoang-hot/

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Dự thảo “Tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm” do Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn (NN&PTNT) soạn thảo đang gây nhiều phản ứng dữ dội của dư luận cũng như sự lo lắng của các nhà sản xuất nước mắm truyền thống.


Cách đây ít ngày, bản dự thảo “Tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm” mà Bộ NN&PTNT soạn thảo được công bố để “lấy ý kiến” rộng rãi trước khi ban hành đã được nhiều báo trong nước đăng tải. Ngay sau đó và đến nay, rất nhiều phản ứng từ các nhà sản xuất nước mắm truyền thống tại nhiều địa phương đã nghi ngờ dụng ý của các “cơ quan quản lý” của nhà cầm quyền.


Dự thảo về “quy phạm thực hành sản xuất nước mắm” đưa ra yêu cầu kiểm soát các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, nhà sản xuất phải loại bỏ cá nguyên liệu đã bị phân hủy mạnh (có histamine), các chỉ tiêu kim loại, vi sinh, nhà xưởng,…


Đại diện một số nhà sản xuất nước mắm truyền thống cho rằng nguyên liệu của họ là cá tươi đánh từ biển lên được ướp thẳng với muối và chỉ có thế thì không thể có “các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật” cũng như những loại hóa chất khác.


Có người còn bày tỏ sự lo ngại cái “tiêu chuẩn quốc gia” đó có thể giết chết các công ty gia đình xưa nay sống với nghiệp làm nước mắm. Người thì cho rằng dự thảo chỉ làm lợi cho vài đại gia mua nước mắm truyền thống về chế biến thành một thứ “nước chấm” nhưng vẫn gọi là “nước mắm,” không phải nước mắm đúng nghĩa theo cách sản xuất truyền thống.


Nhiều tổ chức đại diện cho ngành sản xuất nước mắm truyền thống như “Câu Lạc Bộ Nước Mắm Truyền Thống Việt Nam,” “Hiệp Hội Nước Mắm Nha Trang,” “Hiệp Hội Nước Mắm Phú Quốc”… đã có “văn bản kiến nghị” gửi cho ông Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam, bộ trưởng Bộ NN-PTNT, bộ trưởng Bộ Khoa Học Công Nghệ (KH-CN) về việc xây dựng dự thảo nói trên.


Hôm Thứ Hai, 11 Tháng Ba 2019, tờ Lao Động thuật lời ông Phan Thành Đức – Giám đốc Công Ty CP Thủy Sản Nam Ô, một trong những nơi đang duy trì sản xuất thương hiệu nước mắm Nam Ô nổi danh tại Đà Nẵng cho rằng, những người soạn dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm chỉ là để “tham khảo,” nhưng nó lại phi thực tế với nước mắm truyền thống và có nguy cơ “giết chết” các doanh nghiệp.


Nhằm giải tỏa những phản ứng gay gắt của dư luận, cuối tuần qua, Cục Chế Biến và Phát Triển Thị Trường Nông Sản của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn mở cuộc họp báo về dự thảo nói trên, giải thích để giải độc dư luận.


Trong cuộc họp báo, ông Đào Trọng Hiếu, phó trưởng phòng phát triển thị trường thủy sản (thành viên ban soạn thảo dự thảo), được báo mạng Zing thuật lời cho hay, trong quá trình soạn thảo “cục đã tiến hành điều tra thực tế, tổ chức các hội thảo, hội nghị” kéo dài suốt 2 năm. Và “ban soạn thảo cũng đã gửi dự thảo xin ý kiến rộng rãi tới các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia của các viện, trường đại học, đơn vị kiểm nghiệm, đặc biệt là đông đủ các hiệp hội cũng như doanh nghiệp sản xuất nước mắm để đảm bảo khách quan.”


Ông Hiếu cũng khẳng định, theo luật thì “tiêu chuẩn là đưa ra khuyến nghị tự nguyện, không bắt buộc,” còn “quy chuẩn” mới “bắt buộc phải áp dụng.”


Theo ông Phan Thành Đức: “Người khác nghe về quy chuẩn này có thể thấy có lý, còn với chúng tôi thì các anh không hiểu gì về thực tế. Thậm chí, quy chuẩn này nếu được thông qua sẽ gây khó khăn cho người dân, chứ không chỉ mang tính ‘tham khảo’ như nhiều người phản biện.”


Ông Đức nói thêm rằng: “Cơ quan chức năng đề ra cái gọi là quy chuẩn chứ không phải là tiêu chuẩn và phản biện rằng nó không quan trọng, chỉ mang tính tham khảo. Vậy nếu đã không quan trọng thì các anh không cần làm.”


Tại một cuộc họp báo, bà Trần Thị Dung có học vị tiến sĩ và có 20 năm kinh nghiệm hiểu biết về sản xuất nước mắm, từng là cán bộ Bộ Thủy Sản (được sáp nhập vào Bộ NNN&PTNT hiện nay), cho rằng cơ quan soạn thảo đang “lập lờ và đánh đồng khái niệm nước mắm trong việc xây dựng dự thảo tiêu chuẩn.”


Bà Dung nhiều lần giơ tay xin phát biểu nhưng bị lờ đi và ban tổ chức họp báo chỉ để cho đại diện của “đại gia” nước mắm công nghệ Masan dài dòng quảng cáo về loại “nước mắm” chế biến của họ. Bà đã phải nói chuyện với các nhà báo bên ngoài cuộc họp báo của nhà nước.


Theo bà Dung, quy trình để tạo ra nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp là rất khác biệt. Với nước mắm truyền thống, nhiều cơ sở trên cả nước đang sản xuất bằng cách kéo rút nước khi ủ cá với muối. Nước mắm thu được là nguyên chất, không có pha loãng, không pha nhạt muối. Loại này cũng không cho thêm phụ gia, phẩm màu, hương liệu, không cho hóa chất bảo quản.


Ở một số nơi, người dân thường pha thêm chất điều vị – bột ngọt để làm dịu đi vị mặn. Ngoài ra, họ cũng có thể thêm đường khoắng đen kiểu caramen tạo màu, hoặc thêm đường. Tuy nhiên, vừa cho chất điều vị đơn giản, nhưng nước mắm truyền thống vẫn là bão hòa nguyên chất, không hề pha loãng muối ra.


Trong khi đó, các nhà sản xuất nước mắm công nghiệp thường mua lại nước mắm truyền thống rồi chế biến lại. Việc chế biến thường là pha loãng nhạt muối, sau đó bổ sung thêm nhiều loại gia vị, phụ gia, chất bảo quản.


“Cơ quan quản lý nhà nước không thể đánh đồng khái niệm, gộp chung đều gọi là nước mắm rồi từ đó để ban hành tiêu chuẩn. Phải phân biệt rõ nước mắm với nước chấm rồi hãy là ra tiêu chuẩn, quy trình,” bà Dung nhận định.


Trước phản ứng chống đối mạnh mẽ của dư luận, theo tờ Dân Việt hôm Thứ Hai, 11 Tháng Ba, 2019, ông Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam “giao Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn nghiên cứu kỹ các ý kiến của các tổ chức, hiệp hội về tiêu chuẩn cho nước mắm, tổ chức đối thoại tạo thống nhất, bảo đảm sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng và không để ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống.”


Chưa biết cái dự thảo sẽ được sửa lại thế nào và có được đưa ra “lấy ý kiến” trở lại hay không. (TN)







© 2016 About Us | Terms & Conditions