Các trò bẩn cúa công an trại giam


Mẹ Nấm (Danlambao) - Công an trại giam là lực lượng ăn bẩn, tham lam và thiếu kiến thức nhất trong tập hợp kiêu binh được gắn mác “thanh kiếm và lá chắn” của đảng CSVN. Đặc biệt đối với các tù nhân, họ luôn sử dụng đủ thủ đoạn để hạn chế các quyền cơ bản của con người mặc dù đã có luật quy định.

Trong giai đoạn tạm giam chờ xét xử, cơ quan an ninh điều tra là đơn vị thường xuyên can thiệp vào việc gửi đồ thăm nuôi và chế độ thăm gặp của tù nhân. Với những người tù bình thường, nếu có quan hệ, có tiền bỏ ra, họ sẽ được gặp gia đình trong phòng riêng, lâu hơn người khác. Quy định thăm gặp theo Luật thi hành án hình sự là 1 tháng 1 lần. Một lần gặp không qúa 60 phút. Tuy nhiên, về đến Trại tạm giam CA tỉnh Khánh Hoà, một lần gặp chỉ có 15 phút. Và với những người xung quanh, đôi khi vì ghét một tù nhân nào đó, công an còn giải thích phải đúng 30 ngày mới được gặp người nhà. 
Thức ăn do người thân gửi vào trại tạm giam phải qua tới 3 lần kiểm tra. Lần thứ nhất từ cổng ngoài, sau đó giấy thăm nuôi và đồ sẽ được chuyển vào bàn trong. Ở đây, toàn bộ thức ăn bị bóp, bị vầy vò, và bị lấy bớt. Bước thứ 3, đồ sẽ được chuyển vào khu buồng giam tù nhân đang ở. Nếu cai tù vui, cai tù sẽ cho nhận. Nếu cai tù ghét người đó, cai tù sẽ trả lại không có lý do. Đồ có đến tay người thân được hay không thì đợi tự do sẽ có câu trả lời.
Nhắc đến chuyện này tôi vẫn nhớ trung tá Phan Bình Dương có nói: “Nếu thấy sai sót, gia đình có thể đi khiếu nại tại Viện kiểm sát”, lúc tôi phản ánh thức ăn của tôi bị mất.
Toàn bộ các cuộc gặp của tôi và gia đình tại Trại tạm giam Khánh Hoà cho đến sau phiên phúc thẩm, đều diễn ra trong phòng riêng, có máy quay phim và có sự giám sát của cơ quan ANĐT.
Chế độ của tù nhân được quy định rõ, tuy nhiên thực hiện ra sao lại là chuyện khác. Ở tạm giam, các tiêu chuẩn thường hay bị ăn chặn là: kem đánh răng, bàn chải, xà bông, băng vệ sinh...
Sau khi có bản án và chuyển sang giai đoạn chấp hành án, cuộc sống của tù nhân sẽ dễ thở hơn giai đoạn tạm giam. Vì cuộc sống trên “trại lớn” giống như một xã hội thu nhỏ, và ở đó, tôi có thể quan sát được nhiều hơn, thấy rõ hơn bản chất vấn đề mình muốn thấy.
Trong quy định xưng hô giữa tù nhân và công an ghi rõ “xưng hô là tôi và cán bộ”. Tuy nhiên trên thực tế, có lẽ vì mặc cảm với vai trò của mình nên công an trại giam (đặc biệt phía Bắc) thường để cho tù nhân gọi mình là “ông”, “bà”. Ở trại giam số 5 Thanh Hoá, Giám thị Nguyễn Thị Hương còn ví công an như thầy cô của tù nhân. Có vài lần bắt gặp tôi nhíu mày khi thấy những người khác gọi quản giáo là “bà”, công an Hoàng Thị Ánh Hồng (trại 5), đã vội vàng nhắc nội quy với tù nhân như một kiểu chữa cháy.
Nếu bị công an thù, tù nhân sẽ ra sao?
Nằm trong tầm ngắm của công an, tức là bạn sẽ bị cách ly, bị cản trở, bị gây khó dễ từ chuyện nhỏ nhất, và bị hạn chế quyền của mình một cách bẩn thỉu. Xác định vị trí, bạn sẽ dễ chơi với họ hơn.
Công an trại 5 có lẽ không ưa gì tôi khi tôi không nhận cơm canh, không nhận chế độ trại giam cấp phát trong một thời gian dài và buộc họ phải vào lập biên bản hàng ngày. Đây là nguyên nhân dẫn đến các trò nghiệp vụ đầy tiểu xảo của trại giam số 5 như: không cho mua đồ ở căng tin thăm gặp, cất giấu các số báo Nhân Dân có liên quan đến tin tức của tôi, không báo thực đơn đầy đủ để hạn chế việc mua thức ăn chín hàng ngày.
Chân tay của công an ở trại giam chính là đội tự quản, công an không bao giờ ra mặt, nhưng họ sẽ khéo léo dể những người này thăm dò, gây hấn khi cần. Khi tôi bị chuyển về trại 5, vì bị giam cách ly ở một khu vực riêng nên bạn tù của tôi chỉ có 3 người. Những người này được gọi là “trực sinh”. Nhiệm vụ của họ là phân phát cơm, canh và chế độ tiêu chuẩn của tù nhân. Và họ cũng sẽ là tai mắt của công an để nắm bắt suy nghĩvà hoạt động thường ngày của những người như tôi. 
Tôi vẫn nhớ những thành viên của Ban tự quản Trại giam số 5 như Đinh Thị Phương Liên (Liên Híp - án chung thân, tội buôn ma tuý), Nguyễn Thị Bình (án giết con), là những đệ tử thân tín của công an Vũ Thị Mai thường tìm cách dè bỉu tôi sau khi họ nghe được công an bàn tán tin tức về tôi bên ngoài. Tôi im lặng, cho họ nói thoải mái, muốn gây hấn cũng chẳng sao, và tôi không bao giờ trả lời họ. Tôi quan sát, đợi đến khi thấy họ tự tiện ra vào khu vực giam giữ của tôi mà không mặc quần áo trại giam phát, tôi hỏi thẳng công an liệu có sự phân biệt đối xử hay không? Câu trả lời là không cùng những nụ cười giả lả. 
Để chấm dứt việc này, tôi tuyệt thực, dù không nói ra nhưng công an buộc phải hạn chế việc tiếp xúc của tôi và những cá nhân mà tôi nêu tên.
Ở trại 5, dù có nhiều người không biết tôi, nhưng việc tôi tuyệt thực đã lan truyền khắp trại.
Để trả đũa việc này, toàn bộ thức ăn nấu chín mà trại giam bán sẵn, công an ra lệnh cho trực sinh không báo đầy đủ cho chúng tôi hàng ngày. Những món canh dễ ăn như canh chuối đậu, hay cháo thịt bị gạt khỏi thực đơn. Tôi đã tự kiểm chứng điều này với vài tù nhân khác khi có dịp ra ngoài. 
“Người ta lớn khi mình quỳ xuống” - tôi thường nhắc bạn tù của mình như vậy. Và tôi thực hiện quyền của mình bằng cách chứng minh cho họ thấy: Tôi đem được Kinh Thánh, sách học tiếng Anh và thuốc gia đình gửi vào trại giam.
Để có được thành quả này, ngoài sự cố gắng bên trong trại giam, còn là những nỗ lực của Mẹ tôi, và anh chị em bạn bè, cùng các tổ chức quan sát nhân quyền quốc tế bên ngoài. 
Trò bẩn thỉu xấu xa của công an thì vô kể, nhưng họ chắc chắn sẽ không bao giờ đạt được mục đích là huỷ hoại tinh thần tôi.
21.02.2019
Mẹ Nấm danlambaovn.blogspot.com

Source: Dân Làm Báo

© 2016 About Us | Terms & Conditions