Tập đoàn EVN kiến nghị Chính phủ cho phép bán hạ tầng cáp quang, cột anten, nhà trạm cho VietNammobile

Nguyễn Thanh Lâm (Dân Luận) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam kinh doanh thua lỗ nặng lĩnh vực viễn thông, EVNTelecom mất khả năng chi trả. Trước tình hình đó, Chính phủ vội vàng chuyển EVNTelecom sang Viettel quản lý. Nhằm mục đích, Viettel có thể gánh vác các khoản nợ của EVNTelecom, đảm bảo quyền lợi khách hàng và đối tác của EVNTelecom, đảm bảo việc làm cho trên hai ngàn CBCNV EVNTelecom.

Tập đoàn Viettel ngay sau khi tiếp nhận EVNTelecom đã triển khai chuyển khách hàng EVN sang mạng Viettel và sau 31/3/2012 các khách hàng EVN chưa chuyển qua mạng Viettel sẽ bị ngưng dịch vụ. Tuy nhiên đầu số 096 mang tiếng là “đầu số nợ”, là “đầu số xui xẻo” nên cũng rất ít nhân viên ngành điện giữ lại đầu số này và ngay chính lãnh đạo Điện lực cũng bỏ luôn đầu số 096. Bên cạnh đó, cung cấp dịch vụ điện thoại cố định ngoài Viettel còn có nhà mạng VNPT, còn cung cấp dịch vụ Internet và kênh thuê riêng thì có thêm FPTTelecom. Do vậy, khách hàng EVN cũng không mặn mà chuyển sang mạng Viettel và chờ khi nhà mạng Viettel cắt dịch vụ thì sẵn có các nhà mạng khác như VNPT, FPTTelecom tới tận nhà khách hàng để chuyển mạng.

Mục đích Viettel chuyển toàn bộ khách hàng EVN sang mạng Viettel là để giảm chi phí. Nguyên do, toàn bộ thiết bị đầu cuối của EVNTelecom đã chuyển sang Điện lực nên thiết bị đầu cuối cho khách hàng mượn là tài sản của Điện lực. Bên cạnh đó, đa số tài sản hạ tầng cáp quang, cột anten và nhà trạm là của Điện lực và cho EVNTelecom thuê; thiết bị DSLAM, bộ thuê bao đầu xa, cáp đồng, cáp quang FTTH, switch quang, converter, modem quang phục vụ cung cấp dịch vụ Internet và điện thoại cố định là tài sản Điện lực. Đặc biệt Tổng công ty Điện lực miền Bắc đầu tư luôn mạng lõi, hệ thống quản lý băng thông, hệ thống tính cước để cung cấp dịch vụ Internet và kênh thuê riêng.

EVNTelecom sau khi sáp nhập vào Viettel, nhà mạng Viettel bỏ luôn mạng CDMA, mạng truyền dẫn nội tỉnh của EVNTelecom và tiến hành tháo dỡ thu hồi thiết bị. Bên cạnh đó, Viettel cũng tháo dỡ thiết bị mạng 3G của EVNTelecom và di chuyển đến vị trí lắp đặt mới phù hợp với quy hoạch mạng 3G của Viettel.

Như vậy, giá trị tài sản khổng lồ gồm cáp quang, cột anten, nhà trạm của các Tổng công ty Điện lực đầu tư không biết xử lý thế nào. Tuy nhiên đối với nhà mạng VNPT, Viettel thì tài sản này không có ý nghĩa nhưng nó rất hữu ích cho các nhà mạng mới.

Cột anten do các Công ty Điện lực đầu tư đa số có chiều cao tuân thủ tiêu chuẩn Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh ban hành: thành phố cột anten có chiều cao tối thiểu 30m (thường là các công ty Điện lực đầu tư cột anten có chiều cao 36m), nông thôn cột anten có chiều cao tối thiểu 42m. Tất nhiên cũng có một số Công ty Điện lực đã xảy ra tình trạng nhân viên đầu cơ đất cho thuê lắp đặt cột anten và đất có diện tích nhỏ nên phải lắp cột anten chỉ có chiều cao 20m, tuy nhiên đó chỉ là thiểu số.

Trước tình hình này, Chính phủ nên phải có cơ chế linh động cho phép các Tổng công ty Điện lực bán tài sản viễn thông để thu hồi vốn đầu tư. Nếu không, Tổng công ty Điện lực vừa phải tốn kém chi phí tháo dỡ cột anten và nhà trạm, chi phí bồi thường hợp đồng cho các hộ gia đình cho thuê mặt bằng.

Nếu như Lãnh đạo Tập đoàn EVN sang suốt chỉ để một mình EVNTelecom kinh doanh viễn thông và doanh nghiệp này phá sản thì Tập đoàn EVN chỉ mất đồng vốn đã đầu tư vào EVNTelecom. Tuy nhiên so sai lầm, lãnh đạo Tập đoàn EVN là bắt buộc Tổng công ty Truyền tải, các Tổng công ty Điện lực tham gia lĩnh vực kinh doanh viễn thông và đã gây thiệt hại lớn cho các đơn vị này.

Nguyễn Thanh Lâm

http://danluan.org/node/11760


Source: Dân Làm Báo

© 2016 About Us | Terms & Conditions