Thủ tướng chịu trách nhiệm không quá 10 tập đoàn

Thủ tướng sẽ không còn chịu trách nhiệm trực tiếp đối với toàn bộ 21 tập đoàn, tổng công ty hiện có. “Danh sách cuối cùng sẽ được các thành viên Chính phủ biểu quyết. Tuy nhiên, số tập đoàn do Thủ tướng chịu trách nhiệm trực tiếp chắc chắn sẽ dưới 10...
Nhật Minh (VnExpress) - Nghị định về việc phân quyền, phân cấp quản lý doanh nghiệp Nhà nước được Chính phủ thông qua trong phiên họp thường kỳ tháng 10 sẽ quy định cụ thể về trách nhiệm của Thủ tướng, Bộ trưởng đối với các tập đoàn.
Dành khá nhiều thời gian để bàn về công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, phiên họp thường kỳ tháng 10 của Chính phủ đã kết thúc với việc thông qua Nghị định về việc phân quyền, phân cấp quản lý. 
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết quá trình tái cơ cấu đang được tiến hành khẩn trương. Ảnh: Nhật Minh
Cụ thể, theo thông tin được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Vũ Đức Đam công bố trong buổi họp báo thường kỳ chiều 28/10, với việc áp dụng nghị định, Thủ tướng sẽ không còn chịu trách nhiệm trực tiếp đối với toàn bộ 21 tập đoàn, tổng công ty hiện có. “Danh sách cuối cùng sẽ được các thành viên Chính phủ biểu quyết. Tuy nhiên, số tập đoàn do Thủ tướng chịu trách nhiệm trực tiếp chắc chắn sẽ dưới 10”, ông nói. 
Đối với các tập đoàn, tổng công ty còn lại, Chính phủ dự kiến giao quyền quản lý, giám sát cho các Bộ trưởng. Các đơn vị này sẽ phải tiến hành cơ cấu lại, hoặc vẫn giữ mô hình tập đoàn, hoặc chuyển về hoạt động theo quy chế của các tổng công ty, tương tự trường hợp 2 tập đoàn trực thuộc Bộ Xây dựng vừa được tái cơ cấu. “Tại một số đơn vị, Nhà nước có thể không cần giữ tới 50% vốn. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là hôm nay nói tái cơ cấu, hôm sau họ không còn là doanh nghiệp Nhà nước. Thêm vào đó, việc bán vốn cũng còn phụ thuộc vào thị trường”, đại diện Chính phủ cho biết thêm. 
Riêng trường hợp của Vinashin, theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, tập đoàn này đang có một đề án tái cơ cấu riêng. Tuy nhiên, do những sai phạm của tập đoàn này đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng nên Chính phủ đã thảo luận và xin ý kiến Bộ Chính trị nhiều lần. “Bộ Chính trị cũng đang yêu cầu Chính phủ nghiên cứu thêm, trước khi trình phương án xử lý cụ thể”, Bộ trưởng Đam cho biết. 
Một vấn đề khác cũng được quan tâm tại buổi họp báo Chính phủ chiều 28/10 là khả năng điều chỉnh lương tối thiểu trong năm 2013. Theo dự kiến trước đó được Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trình bày trước Quốc hội tuần vừa qua, việc điều chỉnh là rất khó khăn do chưa thể cân đối nguồn trong điều kiện ngân sách 2013 tương đối eo hẹp. 
Xác nhận tình trạng khó khăn này nhưng theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, Chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để tiết kiệm chi, tăng thu, qua đó tạo nguồn tăng lương “ngay khi cân đối được ngân sách. Việc giảm chi này sẽ không nhắm vào vào nguồn vốn đầu tư phát triển, mà chủ yếu thông qua tiết kiệm chi thường xuyên, đặc biệt là các hoạt động đi công tác nước ngoài. “Nghị quyết của Chính phủ sẽ nhắc đến vấn đề này, theo đó việc thắt chặt quy chế sẽ được áp dụng từ trung ương đến địa phương”, ông cho biết. 
Về các vấn đề kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết trước phiên họp lần này, Chính phủ đã nhận được văn bản dày 18 trang từ Quốc hội liệt kê các vấn đề của nền kinh tế. Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo Chính phủ tiếp tục giải quyết các vấn đề đặt ra, kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu đề ra, đồng thời tăng trưởng GDP cao nhất có thể trong năm nay. Chính phủ cũng đề nghị các cơ quan chức năng, bên cạnh các giải pháp về tiền tệ, cần tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả, đảm bảo không có đột biến về CPI trong những tháng cuối năm. 
Xung quanh việc xử lý trách nhiệm và sai phạm tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ đã cho lập hội đồng kỷ luật do Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Nguyễn Thái Bình làm chủ tịch, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Vũ Huy Hoàng là thành viên. Hội đồng đã xem xét các ý kiến, tài liệu liên quan đến sai phạm và sẽ có cuộc họp chính thức trong tháng 11 để đưa ra kết luận. 
Trước đó, liên quan đến việc giải quyết sai phạm, cựu Chủ tịch EVN - Đào Văn Hưng đã được cho thôi nhiệm vụ. Chính phủ đã bổ nhiệm Chủ tịch mới cho tập đoàn. “Hoạt động của EVN Telecom sau khi chuyển sang cho Viettel quản lý cũng đã diễn ra bình thường. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, bản thân hoạt động của EVN cũng đã có nhiều tiến bộ”, Bộ trưởng Đam cho biết.

Nhật Minh
http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2012/10/thu-tuong-chiu-trach-nhiem-khong-qua-10-tap-doan/

Source: Dân Làm Báo

© 2016 About Us | Terms & Conditions