Xây dựng, chỉnh đốn đảng không đúng hướng không chỉ có hại cho đảng mà còn hại cho đất nước, dân tộc

Nguyễn Huy Canh (Blog Phạm Viết Đào) - Là người trong Đảng, tôi phải chấp hành, phải làm theo NQTW4 khi nó được triển khai rộng khắp ở cấp chi bộ như một nguyên tắc bắt buộc. NQTW4 đặt việc chỉnh đốn, xây dựng Đảng là nhiệm vụ cấp bách vào thời điểm này là hoàn toàn chính xác, phù hợp với đòi hỏi thực tiễn đặt ra. Tuy nhiên, điều làm tôi băn khoăn và thiếu niềm tin vào sự thành công của NQ như kì vọng của các nhà lãnh đạo đã viết ra nó ở phạm vi điều chỉnh, cũng như các biện pháp mà nó đã đưa ra.

Sự băn khoăn, lo ngại này ở tôi cũng giống như điều mà PGS Đào Công Tiến đã viết: không “xây dựng, chỉnh đốn Đảng” một cách đúng hướng thì không chỉ hại cho Đảng, mà lớn hơn nữa còn là hại cho đất nước, dân tộc.

Sự thiếu niềm tin này ở tôi cứ lớn dần lên, giống như đại biểu Dương Trung Quốc khi nghĩ về các quyết sách ở các nhà lãnh đạo nhằm tạo ra cái phanh hãm cỗ xe đất nước đang lao nhanh về phía trước. 

Sự tha hóa, hư hỏng của nhiều cán bộ lãnh đạo trong Đảng được ví như một căn bệnh trầm kha, hay nói như cụ Lê Khả Phiêu, căn bệnh ung thư trong Đảng đã đến giai đoạn di căn. Do đó việc chữa trị phải mạnh mẽ, quyết liệt nếu không, sự tồn vong của chế độ sẽ là điều khó tránh khỏi. 

Chữa trị như thế nào? Phương thuốc nào để cứu nguy cho chế độ? 

NQTW4 đã tìm đến những lời kêu gọi của ý chí đạo đức như là một trong những giải pháp lớn. Để ngăn chặn sự tha hóa về tư tưởng, chính trị và phẩm hạnh, NQ yêu cầu các cán bộ lãnh đạo cần phải nêu cao sự tự tu dưỡng, gương mẫu, tránh ra các cám dỗ vật chất, tiền bạc… 

Gương mẫu làm sao được, tránh xa làm sao được khi có nhiều vị trí lãnh đạo có được do mua bán? Nhỏ như chức hiệu trưởng một trường phổ thông trung học, người ta cũng phải bỏ ra trăm triệu;chức trưởng phó phòng cho đến phó giám đốc, giám đốc sở phải mua đến bạc tỉ thì ??? Thử hỏi có lãnh đạo nào gương mẫu được không? Tránh xa cám dỗ được không? 

Khi thu hồi đất đai của người dân, và đền bù với giá rẻ như bèo, sau đó san nền, bán lô với giá hàng chục triệu/1m2. Các lãnh đạo, các quan chức địa phương đã bỏ vào túi riêng tiền tỉ, thì thử hỏi các quan chức đó có thể giải quyết khiếu nại cho người dân bị mất đất với tư tưởng gần dân, cảm thông với những khốn khó của người dân được không? Không có sự dũng cảm của người dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong vụ đất đai ở Đồ Sơn HP, thì làm sao những cán bộ có liên quan tới vụ việc đó có thể tự kiểm điểm trung thực và gương mẫu được? Không có tiếng súng hoa cải của anh em Đoàn Văn Vươn, thì liệu có lời xin lỗi muộn mằn trước nhân dân của anh em Hiền, Liêm không?... Tham nhũng, giả dối, xa dân, đó là sự suy đồi của đạo đức cách mạng, của nhân cách sao có thể dùng ý chí đạo đức để điều chỉnh cho được? 

Cần phải khẳng định dứt khoát rằng, TBT Nguyễn Phú Trọng đã sử dụng phương pháp tư duy duy tâm để hình thành nên NQ: lấy cái ý chí để điều chỉnh cái ý thức.( phải chăng đây cũng là sản phẩm tự nhiên có tính chất lịch sử của cơ chế quản trị xã hội bằng Đức trị đã kéo dài và làm khổ cho dân hàng nghìn năm trong lịch sử chính trị nước nhà?) 

Vì sao có tham nhũng kéo dài và có hệ thống? Vì sao đơn thư khiếu kiện của dân cùng nhiều nỗi oan khiên không được các cấp lãnh đạo quan tâm giải quyết để xảy ra nhiều cuộc biểu tình, tụ tập đông người của nhân dân? Cũng như để người dân buộc phải tự vệ bằng vũ khí tự tạo?...Tiếc rằng NQTW4 đã không tự vượt qua được cái Hệ thống có nhiều khuyết tật mà mình sống trong đó để đi tìm những cơ sở vật chất, Hiện thực của những hiện tượng đó để có câu trả lời minh bạch, và hành động để khắc phục nó, và quyết tâm sửa đổi. 

Nguyễn Trung, Đào Công Tiến, Nguyễn Văn An, và rất nhiều các chính trị gia, các nhân sĩ, trí thức đã không khó nhận ra cái nguyên nhân đó: đó là quyền lực tập trung không có cơ chế (có tính vật chất) để kiểm soát, kiềm chế. Tôi xin được nói thêm, quyền lực tập trung ấy lại được xây dựng, kiến tạo hoàn toàn khép kín (đối với nhân dân) như là của riêng Đảng. Trong khi đó, đáng ra quyền bính ấy của đất nước phải là của nhân dân, và người dân phải được trực tiếp trao cho Đảng bằng lá phiếu phổ thông của mình như các quốc gia dân chủ trên thế giới, thì khi ấy vấn đề kiểm soát quyền lực được đặt ra mới trở thành có ý nghĩa. Quyền lực tập trung, không bị kiểm soát, và không phải do nhân dân tạo ra, đó chính là nguyên nhân đầu tiên và cuối cùng của mọi tệ nạn và bệnh tật trong Đảng. Nguyên nhân này, hiện nay chúng ta đã diễn đạt nó bằng một phạm trù thời thượng, nhưng rất chính xác: đó là lỗi hệ thống. 

Vì phương pháp luận của nghị quyết là duy tâm, cho nên dù nghị quyết đã nhìn thấy tầm quan trọng có tính thời đại: đó là vấn đề tồn tại hay không tồn tại của Đảng và chế độ, nhưng lại không nhìn thấy được vấn đề thuộc phạm trù bản chất của hệ thống quyền lực, hệ thống chính trị nước nhà. 

Công việc “xây dựng, chỉnh đốn Đảng” đặt ra trước nguy cơ tồn vong của chế độ vì thế chỉ vẻn vẹn trong phạm vi vấn đề những cán bộ lãnh đạo của Đảng như tự kiểm điểm, tự gương mẫu của các cá nhân, xây dựng đội ngũ cán bộ, phân rõ thẩm quyền, trách nhiệm… 

Sinh mệnh của Đảng gắn chặt với cơ đồ, tiền đồ của dân tộc, của đất nước, và vì vậy phải tìm ra cho được nguyên nhân cơ bản nào đã đẩy chúng ta rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng này, mặc dù nhiều năm qua chúng ta vẫn luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng! 

Khi nói về NQTW4, ông Đào Công Tiến đã nhìn thấy điểm nghẽn trong sự vận hành của công thức Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lí, nhân dân làm chủ, và những hệ lụy to lớn của nó. Tuy nhiên, có một điều căn bản nhất, một lỗi căn bản nhất ông đã không nhìn ra được khi ông cố gắng đảo ngược công thức đó. Đó là quyền lãnh đạo của Đảng bị vi hiến ngay từ trong cách thức tổ chức và thực thi của một nền chính trị có Hiến Pháp dân chủ mà chúng ta đang hướng tới. Và vì thế ông vẫn không thoát khỏi lối tư duy chủ quan luận, đạo đức luận khi ông kêu gọi đến, viện đến Ý thức coi trọng trong việc kiểm tra, giám sát quyền lực. 

Muốn làm cho Đảng ta trong sạch, nâng cao được sức chiến đấu, nâng cao được uy tín và lấy lại được niềm tin trước nhân dân trong công cuộc chỉnh đốn đảng lần này, tôi cho rằng Đảng cần phải mạnh dạn đổi mới thể chế đảng trị(1) và phương pháp quản trị Đức trị có kết hợp với pháp trị theo tư duy của TQ cổ đại thành thể chế dân trị với đường lối pháp trị của các chính trị gia tiến bộ châu Âu. Đó là con đường có thể có để Đảng ta vượt qua được cái tình thế hiểm nghèo này để mở ra cơ đồ mới cho dân tộc chúng ta.

Thế nào là thể chế Dân trị? Đó là mô hình xã hội mà ở đấy: 

1. Đảng chỉ là một tổ chức chính trị thuần túy xét trong mối quan hệ tồn tại với xã hội hiện tồn. 

2. Đại hội Đảng được tổ chức theo nhiệm kì chỉ làm cơ bản 2 việc: 
  • Soạn thảo và thông qua Cương lĩnh hoạt động của đảng trong nhiệm kì đó.b, lựa chọn các đảng viên ưu tú để giới thiệu các ứng cử viên đại biểu QH và ứng cử viên chức Chủ tịch nước- nguyên thủ QG. 
  • Với uy tín và kinh nghiệm chính trị, Đảng sẽ dễ ràng chiếm đượcsố ghế quá bán trong QH, và trở thành đảng cầm quyền. 
3. Là đảng cầm quyền, Đảng sẽ giới thiệu từ 1 đến 2 ứng cử viên cho chức Chủ tịch nước (theo qui định của luật), và Chủ tịch nước toàn quyền thành lập nội các (một số chức danh quan trọng có thể do QH giới thiệu, và Chủ tịch phê chuẩn). 

4. Phi đảng hóa cơ quan tư pháp. Các thẩm phán tòa tối cao sẽ do Hội đồng thẩm phán QG đề nghị danh sách và Chủ tịch nước phê chuẩn. Họ hưởng theo chế độ biên chế suốt đời. 

5. Có sự tồn tại của báo chí tư nhân đặt trong sự kiểm soát bởi những qui định của HP và PL. 

Thể chế dân trị trên đây sẽ bảo đảm được quyền cầm quyền của Đảng bằng sự luôn cố gắng vượt lên bởi tâm và cái tầm của Đảng thông qua con đường, cơ chế cạnh tranh lành mạnh trong Đảng và cạnh tranh với những lực lượng chính trị độc lập là những người ngoài Đảng. 

Thể chế dân trị, với đường lối pháp trị nói trên là một mô hình chính trị phân quyền sẽ bảo đảm được tính dân chủ của xã hội trong một chế độ chính trị nhất đảng sẽ là hiện thực của lịch sử chúng ta, và tôi mong rằng nó sẽ là đường lối chủ đạo, là quyết tâm chính trị của công cuộc “xây dựng, chỉnh đốn Đảng” lần này. 



________________

(1) “Đảng trị” là một khái niệm đã được tôi sử dụng trong bài “Trương Duy Nhất và việc trị Đảng”, trên trang Phạm Viết Đào.


Source: Dân Làm Báo

© 2016 About Us | Terms & Conditions