26 tháng 10 Ngày Độc Lập của Việt Nam - (Ts. Phạm Văn Lưu) (...tiếp theo Trang Chính 4)

(...tiếp theo)

Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia 
Sau khi chính phủ loại trừ được tướng Hinh để nắm quyền kiểm soát quân đội vào cuối tháng 11.1954,  từ đầu năm 1955, tất cả viện trợ Hoa Kỳ được trực tiếp chuyển giao cho chính phủ Việt Nam không còn qua trung gian của người Pháp nữa. Điều này có nghĩa từ nay, quân đội của các giáo phái tùy thuộc vào chính phủ hơn là phụ thuộc vào người Pháp. Và sự thay đổi phương thức viện trợ này cũng tạo cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm một ưu thế đối với các giáo phái, vì nguồn tài chánh  hàng năm họ nhận được từ tay người Pháp từ nay sẽ chấm dứt và nếu muốn tiếp tục được hưởng tài trợ đó, họ phải điều đình với chính phủ. Hơn nữa, với áp lực của Mỹ, chính phủ Pháp đã phải trao trả toàn bộ chủ quyền cho Việt Nam. Thực vậy, những hiệp ước về tài chính và kinh tế ký kết trong hai ngày 29 và 30.12.1954 đã bãi bỏ hoàn toàn những qui định pháp lý do Hiệp Định Pau ký kết năm 1950 về sự lệ thuộc của Việt Nam đối với Pháp. Từ nay, Ngân Hàng Đông Dương đóng cửa và Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam được hình thành để kiểm soát việc lưu hành tiền tệ trong nước và tiếp nhận nguồn tài trợ trực tiếp từ Hoa Kỳ. Viện Quốc Gia Hối Đoái cũng được thiết lập để kiểm soát các dịch vụ chuyển ngân. Tiếp đến ngày 12.1.1955, chính phủ Việt Nam chính thức tiếp nhận quyền quản trị hải cảng Sàigòn từ tay người Pháp. Ngày 12.2 tướng Agostini của Pháp và Tân Tổng Tham Mưu Trưởng Lê Văn Tỵ ký kết một hiệp ước đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thu hồi chủ quyền quốc gia. Thực vậy, từ nay Bộ Chỉ Huy Quân Sự Pháp chuyển giao toàn bộ trách nhiệm quản trị quân đội quốc gia cho chính phủ Việt Nam. Tất cả những biện pháp này, cùng nhiều hình thức chuyển giao quyền hành tương tự khác đã góp phần gia tăng uy tín của Thủ Tướng Diệm. Ông đã nổi bật lên như một lãnh tụ quốc gia can trường quyết tâm quét sách mọi tàn tích của chế độ thực dân Pháp tại Việt Nam.
Đứng trên bình diện quốc gia và quốc tế, đó là những thắng lợi lớn lao cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm trên con đường tranh thủ độc lập cho Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế, sau khi nắm được quyền kiểm soát quân đội, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm chưa củng cố được quyền hành của chính phủ ngay tại Sàigòn và các tỉnh Nam Phần, vì Lực Lượng Công An Cảnh Sát vẫn còn nằm trong tay Bình Xuyên, và các lực lượng quân sự của các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo chưa chịu sáp nhập vào quân đội quốc gia. Đó là mối quan ngại lớn lao và cũng là một thách thức quyền hành đối với chính phủ. Mặt khác, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm cũng biết rằng không thể đối đầu với ba lực lượng này cùng một lúc. Đối với lực lượng quân sự của Cao Đài và Hòa Hảo, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm luôn giữ thái độ kính nể và thận trọng, vì trước hết đây là những lực lượng có liên quan đến tôn giáo và thứ đến các lãnh tụ của các tổ chức quân sự này là những người đã từng tranh đấu chống Pháp và chống Cộng như tướng Trịnh Minh Thế được Thủ Tướng Ngô Đình Diệm mến phục trước đây. Do đó, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã nhờ ông Ngô Đình Nhu và Đại Tá E. Lansdale tiếp xúc với các tướng tá chỉ huy của các lực lượng lượng quân sự này, để họ mang quân về quy thuận với chính phủ. Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã thành công trong kế hoạch này. Thực vậy, ngày 14.1.1955, Đại Tá Nguyễn Văn Huệ, Tham Mưu Trưởng của tướng Trần Văn Soái, đã đem 3.500 quân về hợp tác với chính phủ. Ngày 23.2, tướng Nguyễn Giác Ngộ, thuộc Lực Lượng Dân Xã Hoà Hảo, tuyên bố sẽ đem 8.000 quân về quy thuận. Nhưng trong thực tế, tướng này chờ đợi đến tháng 5.1955, khi Thủ Tướng Ngô Đình Diệm thực sự nắm được thắng lợi trong cuộc chiến với Bình Xuyên, ông mới mang quân về sáp nhập với quân đội quốc gia (Joseph Buttinger, tr.868). Tiếp đến, ngày 10.3, Thiếu Tá Nguyễn Văn Đầy, thuộc Lực Lượng Hòa Hảo Quốc Gia Liên Hiệp, đem 5.000 binh sĩ về hợp tác với chính phủ. Vế phía Cao Đài cũng xảy ra tình trạng tương tự, ngày 13.2, tướng Trịnh Minh Thế, mang 5.000 binh sĩ thuộc Quân Đội Quốc Gia Liên Minh Cao Đài về hợp tác với Thủ Tướng Diệm. Kế tiếp, ngày 31.3, tướng Nguyễn Thành Phương, Tổng Tư Lệnh Quân Đội Cao Đài cũng mang quân về sáp nhập vào quân đội quốc gia.

Một sự kiện quan trọng khác, kể từ ngày 15.2.1955, các giáo phái không còn nhận được trợ cấp tài chánh và vũ khí từ Quân Đội Liên Hiệp Pháp nữa. Chính vì những yếu tố này đã khiến cho các vị lãnh đạo tinh thần các giáo phái gấp rút hành động, vì thời gian càng kéo dài càng bất lợi cho họ. Các tướng lãnh của họ ngày càng đứng về phe chính phủ và tài chánh ngày càng thiếu hụt. (Nguyễn Long Thành Nam, 563-569).

Sau hết, Lực Lượng Bình Xuyên của tướng Bảy Viễn, một tổ chức chuyên khai thác cờ bạc, ma túy và mãi dâm để kiếm lợi tức, vừa được người Pháp chuyển giao quyền chỉ huy toàn bộ Lực Lượng Công An Cảnh Sát trên toàn quốc. Trong khi đó, Thủ Tướng Diệm là người rất trọng tinh thần Khổng Giáo, lại có một đời sống đạo đức. Do đó, ông không thể nào chấp nhận những lối kinh doanh sa đọa này, mà hậu quả sẽ dẫn đến sự băng hoại nghiêm trọng cho đời sống tinh thần lẫn vật chất của quốc gia dân tộc. Ông không thể quan niệm được rằng, những hạng người vô lại đó lại cầm cân nẩy mực việc bảo vệ an ninh trật tự và thực thi công lý cho dân chúng. Do đó, nếu Thủ Tướng Diệm chủ trương hết sức mềm mỏng, thận trọng trong việc điều đình với các giáo phái để tìm một giải pháp tốt đẹp cho quyền lợi quốc gia dân tộc, thì ông lại cương quyết khước từ mọi cuộc thương thảo với Lực Lượng Bình Xuyên. Để bắt đầu triệt hạ hệ thống kinh tài của Bình Xuyên, Thủ Tướng Diệm từ chối việc gia hạn hợp đồng khai thác sòng bạc Đại Thế Giới do Bình Xuyên quản trị từ năm 1949.

Về phía Bình Xuyên, một lực lượng luôn có tinh thần đoàn kết chặt chẽ dưới quyền chỉ huy của tướng Bảy Viễn, không có một người nào ly khai trong thời điểm đó. Nhưng tướng Bảy Viễn cũng ý thức rõ rệt rằng ông không đủ uy tín để kêu gọi các lực lượng chính trị hợp tác trong một chính phủ do Bình Xuyên lãnh đạo, mặc dù tướng Bảy Viễn đã được Quốc Trưởng Bảo Đại ủng hộ và Bình Xuyên có tài chánh dồi dào. Do đó, ông đề nghị với Quốc Trưởng Bảo Đại gởi một sứ giả về Việt Nam kêu gọi các giáo phái và Bình Xuyên hãy đoàn kết với nhau trong một mặt trận tinh thần chống Diệm. Ngày 3.3.1955, cả ba lực lượng này họp lại để cùng thống nhất ý chí trong mục tiêu bảo vệ quốc giaphục vụ đồng bào và chính thức thành lập một mặt trận với danh xưng là Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia và đề cử Đức Giáo Chủ Phạm Công Tắc của Đạo Cao Đài là Chủ Tịch của Mặt Trận này.

Mục tiêu của Mặt Trận là đòi hỏi phải thành lập một chính phủ liên hiệp quốc gia, vì chính phủ Diệm chưa thực thi dân chủ và không đáp ứng được các yêu cầu cấp thiết của đất nước. Mật Trận này cũng thu hút được một số các lãnh tụ quốc gia đối lập với chính phủ, trong số này có Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn, lãnh tụ Đại Việt Miền Nam, Bác sĩ Phan Quang Đán, lãnh tụ Đảng Dân Chủ, Hồ Hữu Tường, Đệ Tứ Cộng Sản quốc Tế, Bác sĩ Lê Kiểu... (Max Clos, Le Mode, 5. 3. 1955).

Trong khi đó, trên mặt trận ngoại giao, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã chiếm được nhiều lợi thế trên chính trường Hoa Thịnh Đốn. Thật vậy, vì nhu cầu ngăn chặn Cộng Sản tại Á Châu, Tổng Thống Eisenhower quyết tâm ủng hộ ông Diệm để củng cố miền Nam thành một tiền đồn chống Cộng vững chắc. Do đó, Tòa Bạch ốc không thể chấp nhận sự thách thức quyền lực từ phía Bình Xuyên và các giáo phái và người Mỹ cũng không thể khoan nhượng tình trạng hỗn loạn như nhiều quốc gia trong một quốc gia, nhiều sứ quân trong một quân đội. Để xác định lập trường này, ngày 8.3, trong bài diễn văn đọc trên vô tuyến truyền hình, Ngoại Trưởng Foster Dulles tái xác nhận Hoa Kỳ cương quyết hậu thuẫn cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Tiếp theo, ngày hôm sau, Tổng Thống Eisenhower gởi một văn thư cho Quốc Trưởng Bảo Đại xác định lập trường của Mỹ nhằm gián tiếp cảnh cáo Quốc Trưởng Bảo Đại không nên gây khó khăn cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. (New York times, 11. 3. 1955).

Ngoài ra, Toà Bạch –c còn chỉ thị tướng Collins khuyến cáo chính phủ Diệm chống lại các đòi hỏi này của Mặt Trận và yêu cầu các giới chức Mỹ tại Sàigòn gấp rút hành động để đánh giá tình thế và thuyết phục các chính trị gia tham gia Măt Trận nên rút lui.

Ngày 21.3.1955 Mặt Trận đã gởi một tối hậu thư cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm yêu cầu ông phải cải tổ nội các trong vòng 5 ngày (Nguyễn Long Thành Nam, 1991, tr 559). Bốn ngày sau đó, Thủ Tướng mời các đại diện Mặt Trận đến Dinh Độc Lập để họp giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, buổi họp này không đi đến kết quả vì Thủ Tướng Diệm từ chối cải tổ nội các (Ibid). 

Ngày 27.3, để phản ứng trước những khiêu khích của Bình Xuyên, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm ra lệnh cho Đại Tá Đỗ Cao Trí tiến chiếm Bộ Chỉ Huy Công An Cảnh Sát do Lực Lượng Bình Xuyên nắm giữ. Ngày hôm sau, cuộc chiến giữa Bình Xuyên và quân đội quốc gia bùng nổ, quân lính của Bình Xuyên bị đẩy lui mau chóng. Các sĩ quan Pháp dưới quyền của tướng Ely, đứng về phe Bình xuyên, biết chắc rằng nếu để cuộc chiến kéo dài, quân đội quốc gia sẽ mau chóng mang chiến thắng về cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Họ tìm cách ngăn chận không cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm sử dụng võ lực. Họ tìm cách thuyết phục tướng Ely bằng lý luận, nếu cuộc chiến này lan rộng sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn vô chính phủ và trong trường hợp đó, các phần tử bài ngoại quá khích sẽ lợi dụng làm một cuộc tắm máu những người da trắng gồm cả Pháp lẫn Anh lẫn Mỹ và đốt tài sản của họ, như quân đội Việt Minh đã thực hiện tại Hà Nội ngày 19.12.1946 vậy. Và chung cuộc sẽ đưa miền Nam rơi vào tay Cộng Sản. Cuối cùng cả hai tướng Ely và Collins đề bị thuyết phục bởi lý luận một cuộc tắm máu những người da trắng. Cả hai tướng can thiệp đòi buộc Thủ Tướng Diệm phải ra lệnh rút quân và ngưng bắn. Mặt khác, tướng Collins còn yêu cầu chính phủ Việt Nam phải tìm đường lối thương thuyết để thoã mãn các yêu sách chính trị của Mặt Trận. Điều mà Thủ Tướng Diệm không chấp nhận. Một phát ngôn viên của chính phủ đã phát biểu: Tay của chúng tôi bị trói chặt, vì sự can thiệp của tướng J Lawton Collins (New York Times, ngày 8. 4. 1955).

Vì cuộc khủng hoảng kéo dài và Thủ Tướng Ngô Đình Diệm nhất định từ chối phương thức giải quyết vấn đề theo đề nghị của tướng Collins, nên ông ta bất bình và ngày 7.4 gởi điện văn về Hoa Thịnh Đốn yêu cầu thay thế Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Trong điện văn này, Kidder, cố vấn chính trị của Toà Đại Sứ Mỹ tại Sàigòn đưa ra hai giải pháp, nhưng trong cả hai đều đề nghị Diệm phải ra đi để bảo đảm sự hợp tác của Bình Xuyên với các chính phủ trong tương lai.

Trong cùng ngày, Foster Dulles đã trả lời rằng, sau khi tham khảo ý kiến của Tổng Thống Eisenhower, chính phủ Mỹ muốn tướng Collins cứu xét lại quyết định của mình và đề nghị ông phải nghiên cứu cẩn thận về địa vị của Mỹ, phải hiểu rõ những gì xảy ra tại Việt Nam là kết quả của những hiểu lầm căn bản giữa Mỹ và Pháp tại Việt Nam. Rồi Foster Dulles đã đi đến kết luận:
Việc thay thế ông Diệm không giải quyết được vấn đề, nhưng hơn nữa sự loại bỏ ông Diệm trong hoàn cảnh hiện tại có nghĩa là từ nay trở đi chúng ta là kẻ chi tiền và Pháp là người quyết định  (Dept. of Defence, Unted States-Vietnam Relations,  Q. 10,  tr. 907-909)
Sàigòn nhận được mệnh lệnh của Hoa Thịnh Đốn yêu cầu phải tiếp tục ủng hộ Diệm, nhưng chỉ thị này không đủ sức thuyết phục các giới chức cao cấp của Toà Đại Sứ ở đây như tướng Collins và Kidder vì họ đang đứng về phe tướng Ely để tìm cách thay thế ông Diệm. Để thi hành kế hoạch này, họ đã mời các giáo phái và Bình Xuyên đến họp và cuối cùng các lực lượng này với tướng Collins và Ely đã đi đến một giải pháp chung gồm 5 điểm sau đây:
1.      Phải lập một nội các liên hiệp rộng rãi bao gồm các nhân vật đối lập với Thủ Tướng Diệm
2.      Nội Các Liên Hiệp này sẽ cùng Bình xuyên thảo luận và cùng đề cử một nhân vật lên Thủ Tướng Diệm để chỉ định vào chức vụ Tổng Giám Đốc Công An Cảnh Sát, như vậy sẽ tránh được xung đột với Bình Xuyên.
3.      Sẽ chỉ định các đại biểu cho một Hội Đồng Lâm Thời. Trong số các đại biểu chỉ định, sáu mươi người thuộc các giáo phái, mười sáu người Bắc Việt di cư và mười người của ông Diệm. Hội Đồng sẽ họp bàn để đề nghị lên Quốc Trưởng Bảo Đại một nhân vật để Quốc Trưởng chỉ định làm thủ tướng.
4.      Một Thượng Hội Đồng Danh Dự sẽ được chỉ định để làm cơ quan Tư Vấn, các lãnh tụ giáo phái là hội viên.
5.      Nhu và Luyện phải rời Việt Nam (Xem Foster Dulles Papers, Indochina Files, thư viện Eisenhower và Ngô Đình Luyện phỏng vấn với tác giả)


Đây là kế hoạch 5 điểm mà tướng Collins và Ely đề nghị với Thủ Tướng Ngô Đình Diệm như là căn bản cho các buổi thảo luận để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Sàigòn. Nhưng bất cứ người nào còn có chút nhận thức khách quan và vô tư, thì đây quả là một hành động khinh miệt chính phủ, một cuộc đảo chánh có dự mưu, một tối hậu thư buộc Thủ Tướng phải đầu hàng vô điều kiện.  Và trong hai điện văn kế tiếp khác đề ngày 9.4.1955 gởi về Hoa Thịnh Đốn, Kidder cũng đã dài dòng phân tích Thủ Tướng Diệm thiếu sự hậu thuẫn của quần chúng và quân đội, nên sự ra đi của ông sẽ không tạo nên một hậu quả nghiêm trọng cho tình hình chính trị Việt Nam. Trong khi đó, họ lại đánh giá cao sức mạnh của Bình Xuyên vì lực lượng này đang nắm quyền kiểm soát Công An Cảnh Sát. Kidder còn đề nghị một thời điểm thuận lợi để ông Diệm ra đi là sau khi Hội Nghị Các Quốc Gia Á Phi họp tại Bandung, Nam Dương bế mạc vào ngày 23.4.1955, để Cộng Sản Bắc Việt khỏi khai thác đề tài này trong hội nghị.  Vì thái độ cương quyết và gấp rút đòi thay thế Thủ Tướng Ngô Đình Diệm của các viên chức Mỹ tại Sàigòn, trong khi Hoa Thịnh Đốn chưa có đủ tin tức để chọn lựa một quyết định thích hợp cho tình thế, Tòa Bạch –c đã chỉ thị cho tướng Collins trở về Hoa Thịnh Đốn vào ngày 17. 4.1955.  Trong khi đó, ở Hoa kỳ Ngoại Trưởng Foster Dulles phải còn giữ lập trường ủng hộ Ông Diệm. Trong văn thư đề ngày 20. 4 để lại Bộ Ngoại Giao chuyển lại cho tướng Collins, trước khi ông lên đường sang Ba Lê họp với các ngoại trưởng Anh và Pháp về vấn đề Việt Nam, Dulles viết:
Tôi rất ân hận không có mặt ở đây [Hoa Thịnh Đốn] khi ông đến. Dĩ nhiên, tôi sẽ gặp ông ngay khi tôi trở về vào ngày thứ hai. Trong khi chờ đợi, đây là vài ý kiến của tôi.
Diệm không phải do chúng ta cất nhắc nhưng là do người Pháp. Chúng ta đã ủng hộ ông ta [Diệm] và ủng hộ ông ta 100% vì: a)      Không có ai tốt hơn ông ta ở bên chân trời đó b)      Bởi vì không có ai có thể sống còn mà không có sự hỗ trợ hết lòng [của chúng ta]
Người Pháp, tuy nhiên, từ lâu đã có một thái độ không rõ ràng về ông Diệm. Trong khi tôi tin chắc rằng cá nhân tướng Ely rất chân thành, nhưng chính phủ và báo chí Pháp đã không giấu diếm bày tỏ lòng mong ước của họ để tìm kiếm một sự thay đổi. Báo chí Pháp đã đồng loạt gắn nhãn hiệu Mỹ lên ông Diệm...
Đôí với tôi cuộc khủng hoảng đã xảy ra khi ông Diệm bị đe dọa do một cuộc nổi loạn nhỏ của Bình Xuyên. Tôi đã nói rằng đây chỉ là cơ hội mà chúng ta đang chờ đợi từ lâu để tìm xem:
1)      Ông Diệm có can đảm và quyết tâm để hành động và 2)      Ông ta có được sự trung thành của quân đội hay không?
Tôi nói nếu cả hai điều này được chứng minh, tôi nghĩ rằng chúng ta đã vượt qua được tình thế cam go. Nhưng nếu ông ta thất bại một trong hai điều này, thì ông ta phải ra đi. Như vậy, ít nhất chúng ta đã có câu trả lời. Vì thế, thật là vô cùng kinh ngạc và thất vọng khi chúng ta biết rằng mặc dù ông Diệm đã có quyết tâm hành động và mặc dù ông ta rõ ràng có sự hậu thuẫn của quân đội, thì người Pháp lại ngăn chận không cho ông ta hành động và cho phép Bình Xuyên thách thức ông ta mà không bị trừng phạt và buộc ông ta phải ngưng chiến. Điều này đã đặt chính quyền quốc gia ngang hàng với bọn cướp.
Thái độ của tôi bây giờ cũng như từ trước đến nay và tôi thường bày tỏ một cách chính thức với người Pháp, nếu mọi sự thay đổi có thể thực hiện tiến bộ, chúng ta sẵn sàng đón nhận. Tuy nhiên, hình như đối với tôi, thật là một thảm trạng khi phá hủy tinh thần và uy quyền của chính phủ Diệm, ngay trước khi chúng ta có bất cứ ý kiến nào về điều gì sẽ xảy ra.
(Lá thư này được xếp vào loại tối mật, được bạch hóa vào ngày 28.12.1981, lưu trữ rtrong hộp số 9, Foster Dulles Papers, Indochina Files, June 1954- April 1956. Thư Viện Dwight D. Eisenhower)
Tổng Thống Eisenhower: Diệm phải ra đi 
Tuy vậy, sau khi về đến Hoa Thịnh Đốn, tướng Collins trước hết đã diện kiến với tổng Thống Eisenhower. Sau đó, tướng Collins đến gặp và thảo luận với Nhóm Đặc Nhiệm Về Việt Nam do Kenneth Young cầm đầu, cùng các nhân vật của Bộ Ngoai Giao, Bộ Quốc Phóng và CIA chuyên trách về vấn đề Việt Nam. Kết quả các buổi thảo luận đã đi đến một giải pháp, trong đó Phan Huy Quát và Trần Văn Đỗ sẽ trở thành Thủ Tướng và Phó Thủ Tướng và Ông Diệm trở thành Chủ Tịch của Hội Đồng Tư Vấn. Hình thức này sẽ tiếp tục cho đến khi Việt Nam có một cơ cấu chính quyền thường trực được thiết lập do một quốc hội lâm thời. Foster Dulles lúc đầu không đồng ý giải pháp này, nhưng sau đó cũng phải miễn cưỡng chấp nhận. Tiếp đến, Allen Dulles và chính tướng Collins cũng đồng ý với phương thức này.

Ngày 27.4.1955, Bộ Ngoại Giao đã gởi một điện văn đến Ba Lê và Sàigòn để phác họa một lập trường mới này của Hoa Kỳ.

Lúc đó, tại Sàigòn, một phát ngôn viên của Lực Lượng Bình Xuyên rất lạc quan tuyên bố với phóng viên Pháp về số phận của Thủ Tướng Diệm như sau:
Diệm ngày càng yếu thế. Quân đội không tuân lệnh ông ta nữa và các bộ trưởng đã bỏ ông ta. Bảo Đại khuyến khích chúng tôi nên kiên trì cho đến khi thanh toán được ông Thủ Tướng. Hiện nay, người Pháp đứng hoàn toàn về phe chúng tôi và người Mỹ đang thay đổ lập trường của họ. Nếu Diệm khai chiến, ông ta sẽ bại trận rất chóng vánh và sự an toàn của ông ta sẽ bị đe dọa. (Le Monde, 20. 4.1955)
Trong khi những diễn tiến ngoại giao hoàn toàn bất lợi và hầu như tuyệt vọng đó xảy ra cho Thủ Tướng Diệm tại Hoa Thịnh Đốn, thì cuộc chiến tại Sàigòn giữa Bình Xuyên và quân đội chính phủ bộc phát vào chiều ngày 28.4.1955, thì ngày 29. 4, Thủ Tướng Diệm nhận hai điện văn của Quốc Trưởng Bảo Đại từ Pháp gửi về.
·      Điện văn thứ nhất, trong đó yêu cầu Thủ Tướng Diệm và Thiếu Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Lê Văn Tỵ, qua Pháp để Quốc Trưởng tham khảo ý kiến và dự cuộc họp ở Cannes.
·      Điện văn thứ hai, Quốc Trưởng Bảo Đại ký đạo dụ phong cho Tướng Nguyễn Văn Vỹ làm Tổng Tư Lệnh quân đội Quốc Gia Việt Nam, được toàn quyền sử dụng mọi phương tiện để giải quyết cuộc tranh chấp giữa Diệm và các giáo phái.
Dư luận rất xôn xao. Phía các giáo phái và Bình Xuyên rất vui mừng khi hay tin này.

Thủ Tướng Diệm đã khẩn cấp triệu tập hội đồng nội các, để thảo luận về các điện văn của Quốc Trưởng, cuối cùng đã đi đến quyết định:
·      Giữa lúc tình thế nghiệm trọng, Thủ Tướng chính phủ và Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội không thể rời khỏi đất nước được.
·       Việc bổ nhiệm tướng Vỹ vào chức vụ Tổng Tư Lệnh quân đội quốc gia chỉ làm cho tình thế thêm rối loạn (Quân Sử VNCH, 419)
Đồng thời, Tướng Nguyễn Thành Phương, Tướng Trịnh Minh thế và Tướng Nguyễn Giác Ngộ, ký tên vào một bản tuyên cáo chung, lên án thực dân và phản loạn gây chia rẽ,  phản đối Quốc Trưởng Bảo Đại đã bổ nhiệm tướng Vỹ vào chức vụ Tổng Tư Lệnh quân đội. 

Truất Phế Bảo Đại 
Ngày 30.4 khoảng 200 người đại diện cho 18 đoàn thể, họp ở phòng khánh tiết của Toà Đô Chánh, lấy danh nghĩa là Đại Hội Các Lực Lượng Quốc gia  sau đó tiến tới việc cử một ban thường vụ cho Ủy Ban Cách Mạng Quốc Gia gồm có Ông Nguyễn Bảo Toàn Chủ Tịch, Đại Tá Hồ Hán Sơn Phó Chủ Tịch và ông Nhị Lang làm Tổng Thư Ký và cuối cùng đã đưa ra một kiến nghị như sau:
·      Truất phế Quốc Trưởng Bảo Đại ·      Giải tán chính phủ Ngô Đình Diệm ·     Ủy nhiệm chí sĩ Ngô Đình Diệm thành lập chính phủ mới để trừng trị bọn phiến loạn Bình Xuyên, thu hồi chủ quyền quốc gia, yêu cầu triệt thoái quân đội Viễn Chinh Pháp và tổ chức bầu cử quốc dân đại hội.
Đến chiều, tướng Vỹ, tướng Tỵ, đại tá Nguyễn Tuyên, chỉ huy trưởng lực lượng Ngự Lâm Quân từ Dalạt xuống, Đại Tá Trần Văn Đôn, Tướng Lê Văn Tỵ...  vào Dinh Độc Lập yêu cầu Thủ Tướng Diệm từ chức... trong khi các tướng lãnh này ở trong Dinh Độc Lập, thì bên ngoài, có 2 tiểu đoàn Ngự Lâm Quân bao quanh Dinh để uy hiếp.

Khi được thông báo tin này, tướng Thế, Tướng Phương và tướng Ngộ cũng cho lệnh điều quân đến Dinh Độc Lập và kéo Chủ Tịch Đoàn của Ủy Ban Cách Mạng Quốc Gia  vào trong Dinh. Ông Nhị Lang đã dùng súng lục uy hiếp và lột lon tướng Vỹ. (Nhị Lang đàm luận với tác giả  ở Huston, ngày 1.3.2001). Sau đó, tướng Vỹ bỏ lên Dalạt, rồi sang Pháp. (Quân Sử VNCH, 420)

Trở lại cuộc chiến giữa Bình Xuyên và quân đội quốc gia trong ngày 29.4 và các ngày kế tiếp, cũng như trước đây, lần này quân đội quốc gia nhanh chóng chiếm ưu thế và đẩy lui lực lượng Bình Xuyên ra khỏi các cứ điểm phòng thủ tại Sàigòn. Và đến ngày 5.5.1955, tàn quân của Bình Xuyên phải rút chạy về Rừng Sát.

Trở lại Trang Chính: 26 tháng 10 Ngày Độc Lập của Việt Nam - (Ts. Phạm Văn Lưu) 

© 2016 About Us | Terms & Conditions