HUỲNH THỤC VY ĐIỀU TRẦN TẠI QUỐC HỘI HOA KỲ




Nội dung tiếng Việt:

Kính thưa cử tọa,

Trước nay, tôi khá ngạc nhiên thấy nhiều NGO quốc tế bảo vệ phụ nữ vẫn đến Việt Nam hằng năm để thảo luận và hợp tác với Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam của Nhà nước Việt Nam về các vấn đề như bao lực gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, nô lệ tình dục... Thế nhưng, sự xâm phạm quyền phụ nữ vẫn tiếp diễn, thậm chí ngày càng nghiêm trọng hơn.
Chính quyền Việt Nam để mặc cho những kẻ môi giới lừa nạn nhân đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài; khi có tình trạng bóc lột sức lao động xảy ra, chính quyền làm ngơ. Những trường hợp buôn người làm nô lệ tình dục cũng tương tự; dù nạn nhận có chạy đến kêu cứu các đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại cũng không được giúp đỡ, thậm chí bị đại sứ quán chỉ điểm để nạn nhận bị bắt trở lại.

Thật mỉa mai, chính quyền vẫn rêu rao bảo vệ phụ nữ nhưng họ vẫn tiếp tục bị chà đạp. Đơn giản là hầu hết các NGO quốc tế không hiểu biết sâu sắc về bản chất và cơ cấu vận hành hệ thống chính trị tại Việt Nam. Tại đây, luật pháp và hệ thống công an là công cụ đàn áp đối lập chứ không phải để bảo vệ nạn nhân của sự chà đạp. Ngay cả khi tội phạm xảy ra ngay trên đất nước này thì tiền bạc và mối quan hệ với những người có thế lực mới là thứ quyết định phán quyết của Toà án chứ không phải là bằng chứng hiện trường và các nguyên tắc Công lý.

Hội Liên Hiệp Phụ nữ chỉ là một tổ chức nằm trong Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam, mà Mặt trận này lại là công cụ của Đảng cộng sản Việt Nam nhằm kiểm soát xã hội, tập hợp các hoạt động dân sự vào tầm ngắm của quyền lực chính trị độc tài. Đó cũng là cách triệt tiêu xã hôi dân sự một cách tinh vi. Vì thế, bên ngoài, dưới mắt các NGO quốc tế, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam là một tổ chức xã hội đại diện cho quyền phụ nữ nhưng thực chất, nó là một tổ chức ngoại vi của Đảng cộng sản, có cơ cấu hoàn toàn giống một cơ quan Nhà nước với chi bộ Đảng được đặt ngay trong Hội LHPN từ cấp toàn quốc đến địa phương, và đường lối của Đảng cộng sản được các thành viên Hội này thông suốt hơn bất cứ giá trị nữ quyền nào.

Mặc dù Việt Nam vừa trúng cứ vào Hội đồng Nhân quyền LHQ cuối năm 2013, nhưng đối với những nhà quan sát nhiều kinh nghiệm, tình huống này không khác tấn hài kịch năm 2003 khi Lybia dưới chế độ độc tài Gaddafi trúng cử chức Chủ tịch Uỷ ban Nhân quyền LHQ. Cuộc bắt bớ bà Bùi Hằng cùng hai người khác và những đàn áp liên tiếp nhắm vào ông Nguyễn Bắc Truyển và gia đình ông Huỳnh Ngọc Tuấn là những chứng minh cho bức tranh tối tăm của tình hình Nhân quyền Việt Nam.

Việt Nam hiện tại có một lỗ hổng lớn về xã hội dân sự và các nhóm hoạt động nhân quyền và đối kháng với Nhà nước đang dần hình thành ở Việt Nam với triển vọng lấp đầy chỗ trống đó và với mục tiêu đặt nền móng vững chắc cho chế độ Dân chủ. Trong bối cảnh Nhân quyền vẫn bị chà đạp, các nhà hoạt động Nhân quyền vẫn là mục tiêu trả đũa của các hành vi bao lực xuất phát từ chính quyền độc tài và nữ giới Việt Nam vẫn là thành phần dễ tổn thương nhất, Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam được thành lập vào ngày 25 tháng 11 năm 2013.

Với tư cách là một trong những người khởi xướng sáng kiến thành lập Hội và là một blogger đã quan sát hệ thống cầm quyền và tình hình nhân quyền Việt Nam, tôi nhận thức rõ nhu cầu tồn tại của một Hội như thế. Và nếu chúng tôi thành công bất chấp sự đàn áp ngày càng thô bạo của chính quyền, trong tương lai, chúng tôi sẽ đảm nhận vai trò đối trọng với Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam của chính quyền độc tài.

Chúng tôi cho rằng việc thành lập Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam thực sự cần thiết để đại diện một cách độc lập, công bằng và vô vị lợi cho những người phụ nữ đã, đang và sẽ bị tổn thương về Nhân quyền. Tất cả các hoạt động của chúng tôi đều nhằm:

- Gắn kết các cá nhân phụ nữ chịu thiệt thòi và dễ bị tổn thương từ các vụ việc vi phạm Nhân quyền.- Lên tiếng và có những hành động bảo vệ thiết thực đối với những người phụ nữ đã và đang bị xâm phạm phẩm giá và các Nhân quyền cơ bản.- Chia sẻ kiến thức nhằm nâng cao trình độ hiểu biết của phụ nữ Việt Nam về Nhân quyền và về vai trò của phụ nữ trong một xã hội tôn trọng phụ nữ và Nhân quyền.Đối với chúng tôi, không gì quan trọng hơn là:_Nâng cao nhận thức của từng cá nhân trong xã hội về Nhân phẩm và Nhân quyền vì chsung tôi nghĩ rằng khi người ta biết, họ mới nỗ lực bảo vệ được các giá trị này;_Đảm bảo các trường hợp vi phạm Nhân quyền không bị bưng bít thông tin, vì sự thiếu thông tin và bỏ mặc sẽ khiến sự việc trở nên nghiêm trọng hơn;_Và tạo một không gian dân sự đáng tin cậy cho phụ nữ Việt Nam, từ đó góp phần thúc đẩy một xã hội Dân chủ Pháp trị và tôn trọng Nhân quyền.Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam cam kết ngay từ đầu là một tổ chức xã hội dân sự, phi chính trị, góp vai trò của mình vào mục tiêu kiến tạo một xã hội Việt Nam tôn trọng Nhân quyền, và là một bộ phận không tách rời trong phong trào bảo vệ nữ quyền trên thế giới.

Chúng tôi có những thuận lợi nhờ xu hướng của thế giới ngày nay là dành sự quan tâm và những ưu tiên đặc biệt dành cho nữ giới. Do đó, ngay từ khi thành lập chúng tôi đã nhận được sự cổ vũ rất lớn từ nhiều người Việt ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới, nhất là từ những nhà hoạt động Nhân quyền. Thứ hai, các nhà hoạt động nhân quyền là nữ giới phải gánh chịu nhiều thiệt thòi hơn nam giới rất nhiều do hoàn cảnh xã hội và văn hóa Việt Nam; nên khi một tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ xuất hiện đúng thời điểm, đáp ứng nhu cầu khẩn thiết của tình hình, chúng tôi dành được uy tín nhất định trong giới hoạt động bảo vệ Nhân quyền, có triển vọng hoạt động lâu dài cùng lịch sử đất nước và kết nạp thành viên tương đối dễ dàng.

Thế nhưng, không phải là không có những khó khăn. Ngay từ những ngày đầu thành lập, chúng tôi đã gặp phải sự bôi nhọ từ phía đội ngũ dư luận viên của chính quyền, cho rằng chúng tôi là một tổ chức ngoại vi của một đảng phái chính trị đang bị chính quyền Việt Nam xếp vào hàng “khủng bố”; dù sự thực, những người trong Ban điều hành đều phi đảng phái và nhóm chúng tôi đã tuyên bố mình là một tổ chức xã hội dân sự đúng nghĩa. Với danh sách thành viên công khai của Hội, chính quyền cũng tung đội ngũ an ninh đến từng gia đình thành viên để gây áp lực họ rút khỏi Hội. Thứ nữa, chính quyền Việt Nam luôn sợ việc liên kết các nhà hoạt động Nhân quyền trong một tổ chức, càng sợ họ càng chĩa mũi dùi đàn áp mạnh về phía chúng tôi, đặc biệt các thành viên trong Ban điều hành là những người bị theo dõi thường xuyên và tất nhiên chúng tôi phải sẵn sàng cho những hành vi đàn áp nghiêm trọng trong tương lai. Chính sự đàn áp của chính quyền tạo nên một thách thức khác cho chúng tôi, đó là nhiều thành viên của chúng tôi ngại tụ họp và tham gia các hoạt động thực tế ngoại tuyến; do đó, chúng tôi vẫn thiếu nhân sự thực sự làm việc.

Dù chỉ mới vài tháng đi vào hoạt động, chúng tôi đã có vài kinh nghiệm đáng kể có thể chia sẻ với những nhà hoạt động đang nỗ lực liên kết lại trong một nhóm dân sự. Theo tôi, điều quan trọng nhất mà các nhóm hoạt động cần có, đó là một hạt Nhân tốt. Nghĩa là các thành viên cốt cán của Nhóm phải kết hợp lại chặt chẽ tạo thành Hạt nhân của Nhóm, và Hạt nhân này phải có chất lượng: có tri thức tổ chức, có mối quan hệ với truyền thông và các nhóm hoạt động khác và có thiện chí làm việc chung trong tinh thần trách nhiệm.

Hôm nay tôi vô cùng vinh hạnh được chia sẻ tâm tư với quý vị. Thay mặt Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, tôi xin cám ơn quý bẵng hữu đã cho tôi cơ hội tuyệt vời này. Sự ủng hộ của quý vị từ những ngày đầu thành lập và trong lương lai chắc chắn sẽ giúp chúng tôi hoàn thành các cam kết của mình một cách tốt đẹp nhất.

Xin đa tạ tất cả quý vị.


© 2016 About Us | Terms & Conditions