Về sự “Hợp nhất” qua hai khái niệm "Đoàn kết" và "Thống nhất"

Có hai từ cùng bao hàm một nghĩa “hợp nhất” đó là “đoàn kết” và “thống nhất”. Trong sách vở dưới chế độ độc tài cộng sản, với nhu cầu kêu gọi sự trung thành của mọi thành phần dân chúng với duy nhất một đảng cộng sản, hai từ này rất được ưa chuộng và luôn mang nghĩa tốt đẹp. Đoàn kết là sự hợp nhất, hay nói cách khác là sự kết hợp thành một khối vì có chung lý tưởng, giá trị, quyền lợi hay mục tiêu. “Thống nhất” cũng bao hàm nghĩa “hợp nhất” của các thực thể nhỏ thành thực thể lớn hơn.


Trong thời đại của sự đề cao đa nguyên này, khái niệm đoàn kết hay thống nhất có làm chúng ta cảm thấy mâu thuẫn và bối rối? Quả thật, từ lâu con người luôn tự mâu thuẫn về nhiều khái niệm mang tính nhị nguyên như tự do hay trật tự, đa nguyên hay hợp nhất. Nhưng thiết nghĩ, xã hội loài người quá phức tạp để cho phép chúng ta phân biệt và tách rời các tính chất của nó  thành những khái niệm nhị nguyên như trên.


Với đặc trưng văn hóa của mình, người Việt chúng ta nói chung luôn có xu hướng đề cao sự hợp nhất hoặc bất cứ cái gì liên quan đến sự hợp nhất mà bỏ qua các mặt trái của chúng. Không biết các bạn trẻ có cảm giác hân hoan trong giờ học lịch sử khi chúng ta nghe giảng đến đoạn Đinh Bộ Lĩnh (bản thân là một sứ quân) dẹp loạn 12 sứ quân không? Nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ cái cảm giác đó của mình. Lúc đó, trong đầu óc của một cô bé vị thành niên chịu ảnh hưởng bởi văn hóa “cổ truyền” và cộng sản, hợp nhất là điều gì đó rất đáng mừng, đáng ca ngợi?!


Người viết chỉ lạm bàn về sự hợp nhất trên ba bình diện: lãnh thổ, văn hóa, chính trị… Sự hợp nhất về lãnh thổ và chính trị quốc gia tất nhiên có mặt tốt là huy động hiệu quả nỗ lực tập thể để chống ngoại xâm và xây dựng quyền lực quốc gia; nhưng đồng thời nó cũng tiêu diệt sự đa dạng và tính khác biệt. Sự thống nhất về bản sắc văn hóa càng phi lý và nguy hiểm hơn vì nó không cho phép sự tồn tại của tinh thần khoan dung văn hóa – một đặc điểm không thể thiếu của nền dân chủ tự do.


Nước Tàu thời Xuân Thu – Chiến Quốc và chính nó thời trung ương tập quyền sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất lãnh thổ là một minh chứng hùng hồn. Thời Xuân Thu – Chiến Quốc, Tàu có nhiều nhà tư tưởng, lý thuyết gia và thuyết khách có thể đi từ nước này đến nước khác để truyền bá tư tưởng mà không sợ bị đàn áp; bởi nếu họ bị ghét ở nước này, họ có thể đến nước khác. Nhưng thật không may, sau sự thống nhất về lãnh thổ là sự chuyên chính về chính trị và độc tôn về văn hóa Khổng Nho. Tại đó, sự khác biệt bị tiêu trừ, sự sáng tạo bị cho là nguy hiểm và các tư tưởng bị thui chột.


Bởi vậy, không ngạc nhiên khi từ những ngày đầu Quốc Hội các thuộc địa được triệu tập, các vị quốc phụ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã tranh cãi kịch liệt về việc có nên thống nhất 13 bang thuộc địa thành một liên bang hay cứ để chúng độc lập. Dù cuối cùng xu hướng Liên bang thắng thế vì nhu cầu tự vệ chung chống đế quốc Anh; nhưng sự cảnh giác ngay từ ban đầu về nguy cơ thống nhất sẽ tiêu diệt tự do là một nỗ lực thận trọng đáng kính của những con người vừa là chính trị gia, vừa là học giả của xứ sở này. Và chính những con người thận trọng lỗi lạc đó mới có thể giúp xây dựng một nền móng tự do vững chắc cho đất nước của những con người khát khao tự do, và có cách để ngăn không cho sự thống nhất lãnh thổ phát huy tác hại của nó.


Bàn đến mối ưu tư về sự đoàn kết của người Việt khi đứng trước nhiều vấn đề nan giải trong  phong trào đấu tranh cho tự do và dân chủ hiện nay, rất nhiều người trong chúng ta có thể cảm thấy tự mâu thuẫn, nghi ngờ tính đa nguyên và bị dạt về xu hướng đề cao sự lãnh đạo ưu thắng của một tổ chức hoặc một lãnh tụ duy nhất; nhằm tạo nên sức mạnh cho phong trào chung. Chúng ta luôn dễ tin tưởng vào sức mạnh của cái “nhất” và cách thức “hợp”. Đó là một kiểu suy nghĩ nguy hiểm. Tôi tin rằng niềm khao khát tự do không thể đồng hành với lối suy nghĩ đó.


Tôi không ít lần nghe nhiều người than phiền về sự tồn tại quá nhiều hội nhóm cả chính trị lẫn xã hội dân sự ở hải ngoại và quốc nội; giữa các phe nhóm lại có quá nhiều khác biệt về quan điểm và phương cách làm việc… Trộm nghĩ rằng, sự đa dạng này không phải là vấn đề. Vấn đề cốt tử là các Hội nhóm này có hoạt động hiệu quả không, có chồng chéo chức năng không, có làm việc trong tinh thần trong sáng và khoan dung không…thì ít người nhắc tới.


Theo tôi, thà là có nhiều đảng phái và nhiều nhóm xã hội dân sự để khi cần thiết thì họ biết cách dàn xếp thỏa đáng và chính đáng để phối hợp hoạt động hoặc sát nhập với nhau vì giá trị chung; còn hơn là chỉ có một vài đảng nhỏ làm vệ tinh cho một đảng lớn, hoặc vài tổ chức xã hội dân sự làm bề nổi cho một lực lượng chính trị to lớn nấp phía sau! Bởi vậy, tôi không sợ sự phức tạp mà chỉ ngại sự hợp nhất gian trá.


Chúng ta không cần e ngại sự phức tạp và lộn xộn vì sự giản đơn và trật tự còn đáng ngại hơn nhiều. Tại sao chúng ta phải lo sợ sự hỗn độn khi loài người vẫn còn được định danh bằng các giá trị phổ quát? Nói rõ hơn, sự đa dạng và khác biệt về phương cách hành động không làm lu mờ được những điểm chung bất di bất dịch của chúng ta, đó là tự do và nhân quyền. Tại sao chúng ta cần quan tâm đến sự chia rẽ bề ngoài nếu chúng ta thực sự đạt được một điểm chung lớn bên trong đó là sự lương thiện? Rõ hơn, chúng ta thực sự không cần phải hô hào đoàn kết mà vẫn đạt được sự cộng tác hữu ích nếu tất cả các phe nhóm thực sự nỗ lực để phục vụ một đối tượng duy nhất là con người.


Tôi thiết nghĩ rằng bản chất của sự đoàn kết hay thống nhất không nhất thiết là tích cực hay tiêu cực. Sự hợp nhất nằm trong ý nghĩa của hai khái niệm này không được mặc định là tốt. Quả thật, sự tốt đẹp hay xấu xa không nằm sẵn trong nội hàm của hai từ này; mà phụ thuộc vào động cơ thúc đẩy. Hay nói chính xác hơn, vấn đề đặt ra là đoàn kết hay thống nhất để làm gì và để đạt được những hậu quả nào.


Tất nhiên, chúng ta nhìn thấy việc bức tường Berlin sụp đổ và hai nửa nước Đức được thống nhất để cùng tiến về thế giới dân chủ tự do và thịnh vượng là điều tốt đẹp. Nhưng việc những người cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm Việt Nam cộng hòa bằng bạo lực, thống nhất hai miền để đưa cả nước tiến vào con đường độc tài, lạc hậu và Hán nô là vô cùng tồi tệ. Đây là minh chứng là tính hai mặt của sự thống nhất.


Cũng với cách thức đó, chúng ta sẽ ca ngợi nỗ lực đoàn kết của các lực lượng đấu tranh để dân chủ hóa đất nước và tạo nên tiền đồ tự do thịnh vượng cho đất nước. Nhưng sẽ thật kinh khủng nếu lời kêu gọi đoàn kết của chúng ta được đáp lại bằng những hành động thỏa hiệp và “đoàn kết” giữa các lực lượng nào đó cùng mưu đồ một kế hoạch đen tối. Bởi vậy, một lần nữa xin khẳng định, đừng e sợ sự hỗn độn nếu chúng ta biết làm việc một cách thiện chí để sắp xếp lại những sự phức tạp đó. Nhưng hãy cảnh giác với sự đoàn kết “ma quỷ” của các thế lực nhằm tiếp tục đổi chác quyền lực và quyền lợi trên hạnh phúc và tự do của hơn chín mưới triệu người Việt Nam.


Tôi khá ngạc nhiên khi có nhiều trí thức Việt Nam hiện tại vẫn tôn sùng Gia Long như vị vua có công thống nhất một lãnh thổ Việt Nam rộng lớn nhất trong lịch sử. Họ quên mất rằng chính ông vua này cũng đã kết thúc một thời kỳ tuy hỗn độn nhưng có tự do và bao dung sự khác biệt; tái lập hệ thống chính trị trung ương tập quyền từ Bắc chí Nam, mở đầu cho thời kỳ “bế quan tỏa cảng” (trước đó, dưới thời các chúa Nguyễn, Việt Nam có những thương cảng sầm uất nhất trong khu vực) và phổ biến sự Hán hóa trên khắp cả nước (điều mà người dân miền Nam chưa bao giờ biết đến trước đó), đưa đất nước vào một thời kỳ lạc hậu, tạo tiền đề cho thực dân Pháp xâm lược nước ta. Chúng ta có thể thấy rõ tác hại của sự “hợp nhất” trong trường hợp này.


Họ HọCòn nữa, đối với một người dân bình thường, việc được sống sung túc và tự do hay làm công dân trong một quốc gia rộng lớn cần thiết và quan trọng hơn? Tất nhiên vừa sống trên một đất nước rộng lớn, có vị thế trong khu vực vừa hưởng sự sung túc, tự do thì rất tốt đẹp. Quả thật, một đất nước rộng lớn chỉ mang đến cho người dân thường sự vinh hiển hào nhoáng giả tạo và phục vụ cho cái tôi đầy huyễn hoặc của các lãnh tụ chính trị, nó đóng góp rất ít vào phúc lợi của người dân. Nếu được chọn một, bạn muốn sống ở đất nước nhỏ bé xinh đẹp Hà Lan hay đất nước rộng lớn độc tài Tàu cộng? Qua ví dụ này, chúng ta nhận diện được tính gian trá trong luận điệu tuyên truyền về sự “thống nhất” của cộng sản Việt Nam.


Đoàn kết và thống nhất tuy khác biệt về ngữ nghĩa nhưng nó có một điểm chung là sự bao hàm ý nghĩa “hợp nhất” và “giản đơn hóa”. Bài viết này chỉ nhằm lý luận để phản bác tư duy đề cao sự hợp nhất của người Việt. Sự hợp nhất luôn tạo cho chúng ta cảm giác an toàn, vững chải giả tạo. Nhưng đừng để bị cảm giác đánh lừa. Cảm giác này không thích hợp với những người sống trong thời đại đa nguyên và tôn trọng sự khác biệt. Bởi vậy, người viết luôn đề cao sự phức tạp trong lương thiện chứ không bằng lòng với những sự giản đơn ẩn tàng nguy cơ.


Huỳnh Thục Vy

Buôn Hô, 3/12/2014








© 2016 About Us | Terms & Conditions