Ba đặc khu, ba đại hiểm hoạ
Jun 9, 2018
Lê Anh Hùng
Lê Anh Hùng | VOA | 9.6.2018
Đặc khu kinh tế của Việt Nam, mối quan tâm của Trung Quốc Theo Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Quảng Ninh, ngày 20/3/2014, tại thành phố Hạ Long, Ban Chỉ đạo Tổ chức Hội thảo quốc tế tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và Trung tâm Nghiên cứu Đặc khu Kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã tổ chức cuộc hội thảo quốc tế mang tên “Phát triển Đặc khu kinh tế - Kinh nghiệm và Cơ hội”. Tham dự cuộc hội thảo, ngoài một số “yếu nhân” từ Hà Nội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu, còn có lãnh đạo các tỉnh Quảng Ninh (nơi có Vân Đồn), Khánh Hòa (nơi có Bắc Vân Phong), Kiên Giang (nơi có Phú Quốc) và Lâm Đồng. Trước đó 7 tháng, ngày 21/8/2013, thường trực Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã có buổi làm việc với đoàn chuyên gia Trung tâm nghiên cứu đặc khu kinh tế Trung Quốc thuộc Trường Đại học Thâm Quyến để chuẩn bị cho cuộc hội thảo. Phía Trung Quốc thậm chí còn “sát sao” đến mức thảo luận với phía Việt Nam về cả kinh phí tổ chức hội thảo. Hai ngày sau, ngày 23/8/2013, với sự hiện diện của Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Phạm Minh Chính, tỉnh Quảng Ninh và Trung tâm Nghiên cứu Đặc khu Kinh tế Trung Quốc thuộc Trường Đại học Thâm Quyến đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác tổ chức cuộc hội thảo. Tháng 8/2012, sau khi đề nghị với Trung ương để phát triển Móng Cái, Vân Đồn thành đặc khu kinh tế, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Phạm Minh Chính (nay là Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó ban Chỉ đạo Quốc gia về Xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt) thậm chí còn đề xuất cho thuê đất đặc khu với thời hạn lên tới… 120 năm. Sự hiện diện của lãnh đạo Khánh Hoà và Kiên Giang tại cuộc hội thảo “Phát triển Đặc khu kinh tế - Kinh nghiệm và Cơ hội” diễn ra ở Hạ Long cho thấy Bắc Kinh không chỉ quan tâm đến Vân Đồn, mà cả Bắc Vân Phong và Phú Quốc. “Người Trung Quốc làm gì cũng có tính toán.” Song cái sự “tính toán” của họ lại chẳng đem đến điều gì tốt lành cho Việt Nam ngoài những hiểm hoạ “đặc sắc Trung Quốc”. Hiểm hoạ “đặc khu kinh tế Vân Đồn” Bài học Crưm của Ukraina hoàn toàn có thể lặp lại với Việt Nam trong trường hợp Vân Đồn trở thành đặc khu kinh tế. Vân Đồn chỉ cách Trung Quốc vài chục km, và làn sóng người Trung Quốc di cư sang đây rồi sinh đẻ con đàn cháu đống hết thế này đến thế hệ khác là một viễn cảnh mà ai cũng có thể nhìn thấy. Đến thời điểm nào đó, khi số lượng người Hoa tại Vân Đồn đông hơn cả người Việt, họ có thể đưa ra yêu sách ly khai hòng tạo cớ cho Bắc Kinh can thiệp quân sự. Chưa hết, khi chiến tranh nổ ra, nếu kiểm soát được Vân Đồn, nơi có một sân bay quốc tế đang được Sun Group xây dựng, kết hợp với sân bay quân sự trên đảo Hải Nam, Bắc Kinh sẽ dễ dàng khống chế được toàn bộ vùng trời vùng biển Đông Bắc Việt Nam. Hiểm hoạ “đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong” Vân Phong là khu vực có địa thế “núi thò chân ra biển”, tức là một bên là núi, một bên là biển. Quốc lộ 1A là tuyến đường duy nhất nối liền giao thông Bắc - Nam chạy qua đây. Vì thế, khi hữu sự, chỉ cần một lực lượng tại chỗ vừa phải là đủ sức khiến giao thông Bắc - Nam bị chia cắt, tê liệt. Từ Bắc Vân Phong chạy theo quốc lộ 26 chỉ chừng 130km là đã tới Tây Nguyên, nóc nhà Đông Dương, nơi mà các nhà quân sự từng ví von là ai làm chủ được nó thì sẽ làm chủ được cả Đông Dương. Tại đây, một loạt “quả bom bùn đỏ” của hai dự án khai thác Bauxite ở Nhân Cơ (Đak Nông) và Tân Rai (Lâm Đồng) đều do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu đang sẵn sàng chờ Bắc Kinh kích hoạt. Cả vùng Đông Nam Bộ có thể bị nhấn chìm trong biển bùn đỏ nếu các quả bom này được kích nổ. Cách Tây Nguyên không xa là Campuchia, nơi đội quân nằm vùng của Trung Quốc núp dưới vỏ bọc các “dự án kinh tế” đã túc trực và áp sát biên giới Việt Nam từ lâu.

Source: Lê Anh Hùng