Donald Trump và quả lắc chính sách ngoại giao

Robert D. Kaplan | The National Interest

Lê Anh Hùng dịch




Mỗi một chính phủ mới ở Mỹ đều bắt đầu bằng cách làm khác so với chính phủ tiền nhiệm. Điều này lại càng đặc biệt đúng khi chính đảng cũ tiếp tục ngồi lại Nhà Trắng mà lý do chính xác là vì đội ngũ mới cần phải nỗ lực gấp đôi để tạo ra sự khác biệt so với đội ngũ tiền nhiệm. Tức là, George H. W. Bush không chỉ cùng Đảng Cộng hoà với Ronald Reagan, mà còn là Phó Tổng thống của ông ta. Bởi thế, trong khi Ronald Reagan nhìn chung là thúc đẩy một thế giới quan theo kiểu Woodrow Wilson (Tổng thổng Mỹ từ 1913-1921) thì Bush cha lại tự tạo cho mình hình ảnh một con người thực tế, với một đội ngũ nhân sự ngoại giao chuyên nghiệp hơn nhiều so với người tiền nhiệm. Tổng thống đắc cử Donald Trump không gặp phải vấn đề như thế, bởi ông là người của Đảng Cộng hoà tiếp quản Nhà Trắng từ người của Đảng Dân chủ. Ông sẽ không phải nỗ lực nhiều để trở nên khác biệt so với Barack Obama.

Chính quyền Obama được mô tả là thiên về là củng cố và kiềm chế. Dưới thời Obama, Hoa Kỳ đã rút hai lữ đoàn chiến đấu khỏi Châu Âu, không can thiệp vào Syria khi mà họ có thể vào năm 2011, và phản ứng chậm chạp trước việc Trung Quốc xây đắp đảo trên Biển Đông. Thời gian rồi sẽ trả lời liệu đó là chính sách khôn ngoan hay dại dột. Trong bất cứ trường hợp nào, đội ngũ của Trump, nhằm mục đích thể hiện mức độ khác biệt của nó, cũng sẽ tìm cách lấp đầy khoảng trống mênh mông giữa chính sách kiềm chế của Obama và chính sách hung hăng của George W. Bush ở Afghanistan và Iraq. Mối nguy hiểm ở đây là, trong khi tìm cách hành động mạnh mẽ hơn Obama trước ISIS và ít mạnh mẽ hơn chính quyền Bush ở Iraq, Trump sẽ cam kết quá mức ở nơi khác.

Chúng ta đang sống trong một thế giới cao tốc và trên một sợi dây căng, nơi một khu vực xung đột thuộc Cựu Thế giới được kết nối với mọi khu vực xung đột khác chứ không như trước kia, và các sự kiện cùng những biến động thì diễn ra với một tốc độ chưa từng thấy trong lịch sử. Do vậy, cái giá cho việc bị sa lầy ở bất cứ đâu cũng cao hơn so với trước. Đó không chỉ là những cuộc xung đột trên phương diện địa lý mà Hoa Kỳ phải cảnh giác – Ucraina, Syria, Biển Đông và v.v. – đó còn là những sự bùng nổ phi quy ước, chẳng hạn như các cuộc tấn công mạng hay dịch bệnh, có thể khiến chính quyền phải chú ý bất cứ lúc nào mà không được cảnh báo trước. Báo chí muốn mọi chính quyền phải phản ứng toàn diện trước mọi cơn phẫn nộ, song điều đó lại khiến chính sách ngoại giao đứng trước rủi ro bị tê liệt. Trong khi Hoa Kỳ đủ khả năng phản ứng tức thời trước một số cuộc khủng hoảng thì các nhà hoạch định chính sách hàng đầu lại chỉ sở hữu năng lực chuyển tải thông tin hữu hạn trong bất kỳ ngày nào. Thế nên điều đáng lo ngại không phải là một sự kiện cụ thể nào, mà là một loạt sự kiện.

Syria đang là nỗi ám ảnh ở Washington. Chính quyền mới sẽ muốn làm điều gì đó mang tính quyết định về quốc gia này. Song bất kỳ động thái quân sự mang tính quyết định nào ở đây cũng đi kèm với rủi ro là đội ngũ mới sẽ sớm bị sa lầy, trong khi họ lại không biết nhiều về những gì sắp diễn ra ở Trung Đông cũng như phần còn lại của thế giới. Syria thì đã bị tàn phá. Người ta hoàn toàn không rõ là ngay cả khi Bashar al-Assad bị loại trừ thì liệu cuộc nội chiến có kết thúc hay không. Trong khi đó, Israel lại xử lý tình hình một cách khéo léo, vì thế họ không chịu rủi ro khi cuộc chiến kéo dài. Mối quan ngại đầu tiên của Hoa Kỳ phải là việc đảm bảo cho sự tồn tại của chế độ hiện hành ở Jordan. Bảo vệ Jordan phải là xuất phát điểm cho bất kỳ phản ứng chính sách về quân sự nào của chính quyền Trump ở Syria.  

Nhìn vào bức tranh rộng lớn hơn, chính quyền mới ở Mỹ phải nhận ra rằng các chế độ ở Moskva và Bắc Kinh, trong bối cảnh bị các vấn đề kinh tế và xã hội bủa vây, có thể không ổn định như vẻ bề ngoài của chúng. Bất ổn nội bộ, về cơ bản, là nguyên nhân khiến họ tỏ ra hung hăng bên ngoài. Các chế độ này càng yếu thì chúng càng tỏ ra nguy hiểm – ít nhất là trong ngắn hạn. Trong khi bản năng của chính quyền mới có thể là hành động bạo dạn (tức là trước Trung Quốc) thì trớ trêu thay sự kiềm chế lại chưa bao giờ được đòi hỏi nhiều như bây giờ.

Tóm lại, nhiệm vụ của chính quyền mới là gây ảnh hưởng đến các quốc gia xung quanh Nga và Trung Quốc nhiều hơn những gì mà Obama đã làm, hầu tạo ra một bối cảnh địa chính trị thuận lợi hơn cho các cuộc thương lượng – nhưng không đi đến xung đột thực sự với hai cường quốc khu vực đó. Nói dễ hơn làm. Trump không được bắt chước Obama, bởi ông ta đã trở thành hình ảnh đối lập với người tiền nhiệm của mình – Bush con. Con lắc chính sách ngoại giao Hoa Kỳ phải ngừng ở điểm giữa – chứ không phải lắc sang thái cực kia.

Nguồn: The National Interest

Source: Lê Anh Hùng

© 2016 About Us | Terms & Conditions