Kết thúc hội nghị “Đốt Lò”

Lê Anh Hùng | VOA | 13.10.2017




Sau một tuần làm việc, Hội nghị Trung ương 6 khoá XII đã kết thúc vào ngày 11/10. Đây là một trong số ít kỳ hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN mà dư luận trong và ngoài nước dõi theo với một sự quan tâm đặc biệt.

Điều này thật dễ hiểu khi xét đến bối cảnh của nó: tình hình khu vực và thế giới đang đứng trước những diễn biến khó lường; chiến dịch “đốt lò” do ngài TBT khởi xướng đang hứa hẹn những màn kịch tính; yêu cầu đổi mới đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết…

Và dưới đây là một vài nhận định về kết quả của hội nghị.

Kết quả chống tham nhũng, tiêu cực kém xa kỳ vọng

Sau sự kiện Trịnh Xuân Thanh “từ Đức về Việt Nam đầu thú”, dẫn đến cái khoát tay hùng hồn “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy” của ngài TBT tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng ngày 31/7, người ta có cảm tưởng như chiến dịch “đốt lò” do ông ta khởi xướng có thể thiêu cháy bất kỳ “khúc củi” nào.

“Ông trùm” ngân hàng Trầm Bê bị bắt và khởi tố cùng 24 bị can khác; hàng loạt vụ bắt bớ diễn ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC); một án tử hình, một án chung thân cùng nhiều bản án nặng nề khác đã được tuyên trong phiên toà sơ thẩm xét xử vụ Ngân hàng Đại Dương; nhiều cơ quan báo chí đưa tin về việc LS Nguyễn Minh Tâm, luật sư bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn (người phải nhận án tử hình trong vụ Ngân hàng Đại Dương) trưng văn bản do (nguyên) Chủ tịch PVN Đinh La Thăng ký, yêu cầu các đơn vị thành viên PVN cùng các nhà thầu dầu khí phải mở tài khoản tại OceanBank, thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại OceanBank; Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật cảnh cáo, còn Bí thư Thành uỷ Nguyễn Xuân Anh thì bị cơ quan này đề nghị Bộ Chính trị, BCH Trung ương xem xét, thi hành “kỷ luật”…

Những diễn biến dồn dập thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng đó, cộng với những phát ngôn đầy “khí thế” của “trưởng lò” Nguyễn Phú Trọng, thật dễ hiểu khi công chúng chờ đợi kỳ hội nghị này sẽ có những “khúc củi” bự, bất kể “khô” hay “tươi”, được tống vào “lò”.

Vậy nhưng, trái với kỳ vọng của công chúng, “khúc củi” duy nhất bị tống vào “lò” trong dịp hội nghị chỉ là một Nguyễn Xuân Anh làng nhàng, nhân vật chính trong vụ đấu đá quyền lực cùng những tai tiếng tham nhũng ở Đà Nẵng, thành phố chiến lược và là trung tâm kinh tế tại Miền Trung, khiến Bộ Chính trị không thể không ra tay giải quyết. Và với việc Trưởng ban Tổ chức Phạm Minh Chính “mong mọi người giúp đỡ ông Xuân Anh trở thành đảng viên tốt” còn TBT Nguyễn Phú Trọng thì cho rằng “đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân cho rằng đây là mức kỷ luật vừa nghiêm khắc vừa nhân văn”, mọi chuyện với viên cựu Bí thư Đà Nẵng xem ra chỉ dừng lại đó.

Đặc biệt, những “khúc củi” bự như Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Bình… thì vẫn cứ “bình chân như vại”, cho dù sai phạm của họ có thể nói là sờ sờ. Những vụ việc nổi cộm khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ suốt thời gian qua như Formosa Hà Tĩnh, BOT giao thông, VN Pharma… đều không hề được đả động đến, chứ đừng nói là giải quyết.

Những lời lẽ “đao to, búa lớn” dành cho một Nguyễn Xuân Anh non nớt, cộng với câu chốt hạ “Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng” trong bài diễn văn bế mạc hội nghị, khiến người ta không khỏi có cảm giác là dường như hồi chính của vở tuồng mang tên “Đốt lò” do ngài TBT đạo diễn đã sớm hạ màn.

Lửng lơ trước yêu cầu đổi mới

Bảy năm trước, tại Đại hội XI, ngài GS.TS chuyên ngành “xây dựng đảng” đã biện bạch:

“Những vấn đề đã rõ, đã chín, đã được thực tiễn chứng minh là đúng và đã có sự thống nhất tương đối rồi thì hãy sửa. Còn những vấn đề nào chưa đủ rõ, chưa đủ chín, thực tiễn còn đang vận động, ý kiến còn khác nhau thì xin phép chưa sửa đổi, sửa rồi mai kia lại vênh.”

Bảy năm sau, mặc dù không ngớt hô hào “đổi mới” trong bối cảnh không thể né tránh đòi hỏi bức thiết này nếu muốn giải quyết được những vấn đề hệ trọng mà hiện thực đất nước đang đặt ra, song những lời lẽ chốt lại trong bài diễn văn bế mạc một kỳ hội nghị trung ương được không ít người kỳ vọng vẫn cho thấy một Nguyễn Phú Trọng “kiên định”, “trước sau như một”:

“Tập trung ưu tiên triển khai ngay những việc đã rõ, đã chín và được Trung ương nhất trí cao; còn đối với những việc chưa đủ rõ, quá phức tạp, ý kiến còn khác nhau nhiều thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, quyết định sau, làm từng bước, chắc chắn” (!!!).

Lý do ư? Đơn giản, như chúng tôi đã chỉ ra trong bài “Ai có thể chặn được Nguyễn Phú Trọng?”, thế giới quan bảo thủ cùng mớ kiến thức kinh viện Mác Lê không thể giúp ngài TBT làm chủ được cuộc chơi cải cách. Vì lẽ đó mà ông ta đã, đang và sẽ tiếp tục bám chặt vào Bắc Kinh, chặt đến mức tự biến mình thành tay sai của Trung Nam Hải, khiến tiền đồ dân tộc ngày một u ám.

Vị thế Nguyễn Xuân Phúc đã tăng lên đáng kể

Sau khi Trần Đại Quang “tái xuất” và hầu như chỉ còn sắm vai “ông phỗng” trên sân khấu chính trị từ ngày 28/8 (“chiến quả” của ngài TBT cùng bộ sậu trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh), vị thế quyền lực của Nguyễn Xuân Phúc bỗng trở nên chông chênh, bởi lúc này ông ta đã trở thành đối thủ đáng kể nhất của một Nguyễn Phú Trọng quyền uy hơn bao giờ hết, trong khi “lưỡi gươm Damocles” mang tên “Quy định kiểm soát tài sản, thu nhập của 1.000 cán bộ cao cấp” do Bộ Chính trị ban hành ngày 23/5 vẫn lơ lửng trên đầu.

Điều này thể hiện rõ trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 6, khi ngài TBT công khai “dìm hàng” đối thủ của mình: “Đặc biệt là cần chỉ rõ nguyên nhân vì sao một số việc chưa làm được, một số chỉ tiêu đạt thấp hoặc chưa đạt trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, mặc dù tình hình trong nước và quốc tế năm 2017 nhìn chung thuận lợi hơn so với năm 2016.”

Tuy nhiên, chỉ sau một tuần hội nghị, dường như Nguyễn Xuân Phúc không chỉ đã thoát khỏi tình cảnh chông chênh, mà vị thế của ngài Thủ tướng còn được nâng lên một “tầm cao” mới:

“[…] trong 9 tháng đầu năm 2017… kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng khá, quý sau cao hơn quý trước; quý III tăng 7,46%, nâng mức tăng trưởng bình quân 3 quý lên 6,41%. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; kỷ luật, kỷ cương về tài chính - ngân sách nhà nước được tăng cường. Thị trường tiền tệ ổn định; dự trữ ngoại hối đạt 45 tỉ đô la, tăng thêm 6 tỉ đô la so với cuối năm 2016. Thị trường chứng khoán có nhiều khởi sắc, vượt mốc 800 điểm, cao nhất kể từ năm 2008. Xuất khẩu đạt 154 tỉ đô la, tăng 19,8% so với cùng kỳ. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh chuyển biến rõ rệt; có gần 94 nghìn doanh nghiệp mới được thành lập, tăng 15,4% về số lượng doanh nghiệp và 43,5% về vốn so với cùng kỳ. Sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển; sản xuất công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,77%; khu vực nông nghiệp phục hồi rõ nét với mức tăng trưởng gần 3%, gấp hơn 4 lần năm 2016; khu vực dịch vụ có bước phát triển vượt bậc, tăng 7,25%, cao nhất kể từ năm 2008; khách du lịch quốc tế đạt 9,45 triệu lượt người, tăng gần 30% so với cùng kỳ. Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ; tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông và kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; chế độ, chính sách đối với người có công, người nghèo, nhất là khi thiên tai, bão lũ xảy ra. Dự báo, đến cuối năm 2017, có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt là, đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; khắc phục những tồn tại, yếu kém vốn có của nền kinh tế, xử lý các dự án, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu…”

Không còn nghi ngờ gì, đây là “bảng vàng thành tích” vô cùng hiếm hoi từ trước đến nay mà “cung vua” ghi nhận và ban tặng cho “phủ chúa”!  

Tóm lại, với những gì đã nêu trên, những ai càng kỳ vọng thì sẽ càng cảm thấy hụt hẫng với kết quả mà Hội nghị Trung ương 6 đạt được. Còn những ai tỉnh táo, hiểu biết thì không có gì quá bất ngờ, đơn giản là với họ “đảng ta” xưa nay lúc nào cũng vậy, dù bối cảnh và nguyên nhân có thể khác nhau.

Suy cho cùng, vận mệnh đất nước nằm trong tay mỗi người Việt Nam chúng ta, cho dù dĩ nhiên gánh nặng trách nhiệm luôn đặt trên vai những tinh hoa của giống nòi.


Lê Anh Hùng

Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.


Nguồn: VOA

Source: Lê Anh Hùng

© 2016 About Us | Terms & Conditions