Làm gì khi bị nhà cầm quyền cộng sản bắt và đưa ra xét xử?

Lê Anh Hùng  
Trong phiên toà hôm 5/4 vừa qua, ngoài sự bào chữa của luật sư, các thành viên Hội Anh Em Dân Chủ còn sử dụng chính pháp luật của CSVN để tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, tất cả đều chẳng khác gì "đàn gãy tai trâu". Lý do đơn giản là nhà cầm quyền VN ngồi xổm trên thứ pháp luật do chính họ đặt ra; thay vào đó, họ xài luật rừng như đám lục lâm thảo khấu chính hiệu.

Vậy nên, nếu ai đó trong chúng ta bị bắt thì tốt hơn hết là hãy sử dụng quyền im lặng khi phải làm việc với công an, thậm chí cả khi ra trước toà. Lúc đó, chúng ta chẳng cần phải nghĩ cách đối phó với công an, viện kiểm sát hay toà án làm gì, vừa mất thời gian vừa mệt óc. Quan trọng không kém, bằng cách đó, chúng ta đã chiến thắng cộng sản khi phơi bày sự tàn ác, bất nhân của chế độ cũng như sự nhố nhăng, lố bịch của guồng máy tư pháp cộng sản.

Kinh nghiệm này chẳng có gì là mới mẻ cả, mà bác sỹ Phạm Hồng Sơn đã áp dụng lần đầu tiên vào năm 2002.

Chỉ vì dịch bài “Thế nào là dân chủ” trên website của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam rồi gửi cho các nhà lãnh đạo CSVN mà BS Phạm Hồng Sơn bị bắt ngày 27/3/2002 trước khi bị kết án 13 năm tù giam với tội danh... “Gián điệp”. Trong phiên toà diễn ra ngày 18/6/2003, anh thậm chí còn bỏ ra ngoài phòng xét xử, mặc cho đám quan toà cùng công tố viên diễn tuồng.

P/s.

1) Nhà hoạt động Nguyễn Văn Túc đang kiên quyết thực hiện chiến thuật “ba không” trong trại tạm giam của Công an Thái Bình: “Không nói, không làm việc, không nghe.” Nhà báo Nguyễn Hữu Vinh/Anh Ba Sàm cũng từng áp dụng chiến thuật này.

2) Thay vì tự bào chữa trước toà, người nào bản lĩnh hơn còn có thể biến phiên toà thành diễn đàn lên án chế độ độc tài cộng sản, những tên Việt gian cộng sản bán nước cũng như đám Việt gian tay sai đang tìm cách khép tội mình.

3) Để tránh căng thẳng khi “làm việc” với cơ quan an ninh, chúng ta có thể chủ động tìm cách tán chuyện phiếm với họ.
Source: Lê Anh Hùng

© 2016 About Us | Terms & Conditions