Những dự báo cho Châu Á trong năm 2014

Joshua Kurlantzick | Business Week
Người dịch: Lê Anh Hùng



Giống như năm 2013, năm mới 2014 lại hứa hẹn là một năm với nhiều biến động và thay đổi ở Châu Á. Châu lục này không chỉ là động cơ lớn nhất của tăng trưởng toàn cầu, mà còn là trung tâm của các cuộc đàm phán thương mại tự do đa phương, là trái tim đích thực của “Mùa Xuân” dân chủ ở các nước đang phát triển, và là nơi trú ngụ của thứ chính trị vũ lực (power politics[i]) thô thiển và nguy hiểm nhất trên thế giới. Rốt cuộc thì chỉ ở Châu Á, các cường quốc với kho vũ khí hạt nhân khổng lồ mới tiếp tục dằn mặt nhau, theo kiểu chiến tranh lanh.

Vì thế, dưới đây là 7 sự kiện mà người ta sẽ đón đợi trong năm 2014 ở Châu Á:

1. Trung Quốc sẽ biết điều trở lại (ở một mức nào đó)…

Bốn năm qua, Trung Quốc ngày càng khiến phần lớn láng giềng của mình ở Nam Á, Đông Nam Á và Đông Bắc Á xa lánh. Sau khi bắt tay vào chiến lược can dự hữu hảo với phần còn lại của Châu Á vào giai đoạn đầu và giữa thập niên 2000 (chiến lược đã giúp Trung Quốc ký các hiệp định thương mại tự do và xây dựng mối quan hệ đối tác với nhiều nước) thì đến đầu thập niên 2010, đất nước này đã đánh mất phần lớn điểm số mà họ từng giành được. Những yêu sách tham lam của Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, cộng với thứ ngôn ngữ sặc mùi dân tộc chủ nghĩa của họ, đã châm ngòi cho một phản ứng diễn ra trên khắp khu vực và hoàn toàn trái với những gì mà nhà cầm quyền Trung Quốc mong muốn. Các quốc gia từ Philippines, Hàn Quốc cho đến Myanmar đều hoan nghênh việc Mỹ tăng cường can dự quân sự và ngoại giao ở Châu Á, chủ yếu như một thế lực đối trọng với một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Tuy nhiên, cuối năm 2013, người ta lại phát hiện ra một số dấu hiệu, từ các cấp lãnh đạo cao nhất, cho thấy rằng chính quyền của tân Chủ tịch Tập Cận Bình đã hiểu được sự cần thiết phải hành xử hoà nhã hơn đôi chút ở Châu Á  – ít nhất là bề ngoài – để cuối cùng cũng trở thành cường quốc chi phối của khu vực. Nếu không nhượng bộ về vấn đề Biển Đông thì trong năm 2014 Trung Quốc cũng sẽ chấm dứt thái độ công khai thù địch những quốc gia có yêu sách như Việt Nam hay Philippines, đồng thời tăng cường nỗ lực để thúc đẩy hiệp định tự do thương mại do họ khởi xướng và tiếp tục ve vãn Nga, Ấn Độ và các nước Trung Á.

2. … nhưng điều đó sẽ không ngăn được một cuộc chạy đua vũ trang

Đông Á hiện là nơi diễn ra cuộc chạy đua vũ trang quyết liệt nhất trên thế giới: Trung Quốc đang hiện đại hoá quân đội; các nước Đông Nam Á đang mua sắm tàu ngầm và các vũ khí khác để bảo vệ các vùng biển tranh chấp; Hàn Quốc và Nhật Bản đang chuẩn bị để chống lại Trung Quốc và một Bắc Triều điên khùng; còn Mỹ thì đang theo đuổi chiến lược xoay trục quân sự sang Thái Bình Dương. Mặc dù năm ngoái mức chi tiêu quân sự toàn cầu giảm lần đầu tiên trong nhiều thập niên (theo Viện Nghiên cứu Hoà bình Stockholm - Stockholm Peace Research Institute), song sự suy giảm ấy lại chủ yếu là do chính sách cắt giảm ngân sách của Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, chi tiêu quân sự ở Châu Á năm 2013 lại gia tăng, và năm 2014 sẽ chứng kiến hiện tượng gia tăng chi tiêu quân sự thậm chí còn lớn hơn.

3. Nhật Bản lại thất vọng

Năm 2013, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã bước đầu khiến cho thị trường và nhiều giám đốc điều hành ở Nhật Bản phấn chấn với kế hoạch “học thuyết kinh tế Abe” táo bạo của mình: gói kích thích tiền tệ khổng lồ + các chính sách tài khoá và kinh tế (vốn được vạch ra để nhanh chóng thúc đẩy đầu tư trong nước). Lần đầu tiên sau nhiều năm, tinh thần bầy đàn (animal spirits[ii]) ở đây dường như đã sẵn sàng dâng cao. Thị trường chứng khoán Tokyo bùng nổ, và Nhật Bản tăng trưởng gần 4% trong quý II của năm 2013, mức cao nhất cả năm.

Tuy nhiên, giống như những lần bùng nổ nhỏ lẻ khác mà Nhật Bản đã trải qua kể từ đầu thập niên 1990, niềm lạc quan này sẽ mờ nhạt dần trong năm 2014. Thủ tướng Abe chưa bao giờ khởi xướng một cuộc cải cách cơ cấu quan trọng, và năm nay người ta sẽ chứng kiến Nhật Bản thi hành một luật thuế mới – đạo luật sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng ngay cả khi gói kích thích tiền tệ vẫn vận hành êm xuôi. Abe sẽ ngày càng khiến các đối tác thương mại quan trọng như Hàn Quốc và Trung Quốc xa lánh với những lời tán dương lỗi thời mà ông ta vẫn dành cho thứ chính trị thời Thế chiến II của Nhật Bản. Thậm chí, Nhật Bản có thể lại rơi vào một cuộc suy thoái trên lý thuyết (technical recession[iii]) vào giữa năm 2014.

4. Những cải cách của Trung Quốc là ảo tưởng

Năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đã phát động một cuộc cải cách kinh tế quan trọng, thân thiện với thị trường. Điều này hứa hẹn thúc đẩy đầu tư tư nhân trong nhiều ngành nghề và nới lỏng các quyền tài sản, chưa kể những thay đổi khác. Năm 2014, con quái vật khổng lồ sẽ phản đòn, khi các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hùng mạnh, vốn chi phối danh sách các doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc, phản đối và giảm bớt ảnh hưởng của những cải cách mà họ Tập đề xuất hay né tránh những cải cách đó. Hãy chờ xem, các DNNN sẽ sử dụng mối quan hệ của mình với các ngân hàng quốc doanh để loại trừ những đối thủ cạnh tranh tiềm tàng trong khu vực tư nhân, vận động họ Tập bổ sung thêm nhiều lĩnh vực vào danh sách “chiến lược” và vì thế cần được chính phủ kiểm soát, đồng thời kêu gọi ân sủng để duy trì chính sách miễn giảm thuế, giao đất và những lợi thế khác cho họ.

Các DNNN khổng lồ từng sống sót sau nỗ lực cải cách DNNN gần đây nhất là vào cuối thập niên 1990, và lần này rất có thể họ lại chiến thắng trong, điều tốt cho họ nhưng lại xấu cho các nhà đầu tư và tăng trưởng.

5. Kim Jong Un sẽ còn đáng sợ hơn

Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đánh dấu kỳ nghỉ lễ năm 2013, thường được coi là thời gian dành cho gia đình, bằng cách ra lệnh xử tử công khai ông chú và là trợ thủ hàng đầu của mình, Jang Song Thaek, kẻ bị truyền thông nhà nước cáo buộc với những tội ác như “vỗ tay thiếu nhiệt tình” cho người cháu. Trên thực tế, có lẽ Jang bị xử tử là do Kim trẻ muốn các đối thủ đe doạ ngôi báu của mình đều phải chết. (Tiếp theo, Kim đã thanh trừng hầu hết đồng minh của Jang trong khắp bộ máy.) Mặc dù người ta khó coi Jang là người tốt, song ông ta lại được cho là đã thúc đẩy những cải cách kinh tế theo kiểu Trung Quốc – đó là một lý do khiến các quan chức Trung Quốc rất lo ngại về cái chết của ông ta. Nếu thiếu một tiếng nói ủng hộ cải cách như thế, những cách tân về kinh tế đang thai nghén của Bắc Triều Tiên có thể dễ dàng rơi vào bế tắc, khiến quốc gia này thậm chí còn tuyệt vọng hơn và ban lãnh đạo của nó càng trở nên khó lường hơn.

Đáng lo ngại hơn, mặc dù có thể là Kim loại bỏ Jang để củng cố chế độ của mình, nhưng việc ông ta làm điều đó một cách công khai lại gợi lên rằng nhà độc tài trẻ vẫn rất bất an về mức độ kiểm soát quyền lực. Để củng cố hình ảnh dân tộc chủ nghĩa của bản thân và tập hợp người dân Bắc Triều Tiên xung quanh mình, rất có thể trong năm 2014 Kim sẽ tiến hành một vụ thử vũ khí hạt nhân khác hoặc phát động một cuộc tấn công nhằm vào các thuỷ thủ hay tàu thuyền của Hàn Quốc, một chiến thuật từng được nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên sử dụng khi có biến động nội bộ.

6. Thái Lan tan chảy

Cuối năm 2013, Thái Lan – một đất  nước hết trải qua cuộc khủng hoảng chính trị này đến cuộc biến động chính trị khác trong suốt gần thập niên qua – đã chuyển từ trạng thái âm ỉ bình thường sang tình trạng sôi sục toàn diện. Những người biểu tình chống chính phủ, chủ yếu thuộc giới tinh hoa và trung lưu ở Bangkok, làm tắc nghẽn các đường phố của thủ đô. Họ chiếm trụ sở các bộ, xung đột với cảnh sát, và kêu gọi tạm dừng – hay thậm chí chấm dứt – nền chính trị dân chủ của Thái Lan, một nền chính trị luôn đưa đến những chính phủ dân tuý mà người nghèo thì ủng hộ còn người Bankok thì khinh bỉ. Trên nhiều phương diện, những người biểu tình Thái Lan tượng trưng cho một tầng lớp trung lưu rộng lớn hơn trên bình diện toàn cầu vốn thất vọng với chế độ dân chủ, thứ thể chế thường giảm bớt quyền lực của cư dân đô thị. Dù vậy, trong khi các cuộc biểu tình tương tự ở Ukraina và Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang lắng xuống thì tình trạng bất ổn ở Thái Lan lại chỉ ngày càng tội tệ hơn trong năm nay.

Những người biểu tình Thái Lan và phe đối lập chính trong Quốc hội (Đảng Dân chủ) đang tẩy chay các cuộc bầu cử toàn quốc (theo kế hoạch sẽ diễn ra trong tháng Hai), trong khi người biểu tình và cảnh sát (lực lượng nhìn chung là ủng hộ chính phủ dân tuý) đã mệt mỏi với chiến thuật phi bạo lực. Muộn nhất là vào tháng Hai, các nhóm trong nội bộ lực lượng biểu tình sẽ phát động các cuộc tấn công mạnh hơn nhằm vào nhà cửa, cảnh sát và thậm chí cả những người đứng xung quanh. Hãy chờ xem, cảnh sát sẽ đánh trả ngày một cứng rắn hơn. Cuối cùng, tình trạng bất ổn có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc đảo chính khác, cuộc đảo chính thứ 20 trong lịch sử Thái Lan hiện đại.

7. Jokowi được bầu làm Tổng thống Indonesia, và không đảng nào giành được đa số ghế ở Ấn Độ

Hai trong số những quốc gia lớn nhất Châu Á, Indonesia và Ấn Độ, sẽ tổ chức các cuộc bầu cử toàn quốc trong năm 2014, nhưng chỉ có một nước cho ra kết quả rõ ràng. Ở Ấn Độ, sự sa sút của Đảng Quốc đại, sự trỗi dậy của các đảng nhỏ và mang tính chất khu vực, cùng thái độ thờ ơ ngày càng tăng trong số những cử tri trung lưu có thể sẽ dẫn đến kết cục là một cuộc bầu cử mà ở đó không một đảng phái nào dành được số phiếu quá bán. Bất kỳ đảng nào giành được nhiều ghế nhất cũng sẽ phải thành lập một liên minh đa đảng, yếu và bất ổn trong Quốc hội, một liên minh có thể không tồn tại qua nổi năm 2014.

Ở Indonesia sẽ là một câu chuyện khác. Thống đốc Jakarta Joko Widodo, thường được gọi là Jokowi, là một kiểu chính khách Indonesia mới trên nhiều phương diện: ông không phải xuất thân từ một triều đại chính trị cầm quyền lâu năm, và ông rất ghét phong cách chính trị Indonesia truyền thống, vốn xa cách và gần như mang tính chất hoàng gia, đồng thời ủng hộ cách tiếp cận dân tuý, gần gũi với người dân. Dù vậy, Jokowi thật khó mà được coi là ngây thơ về chính trị. Ông biết đích xác làm thế nào để quản lý hình ảnh của mình, làm thế nào để cho thiên hạ thấy sức cuốn hút của một gã-đáng-tin, sức cuốn hút đã cho thấy là rất hợp lòng dân trong một đất nước chưa từng biết đến một chính khách nào như thế. Mặc dù Jokowi chưa chính thức tuyên bố chiến dịch tranh cử song gần như tất cả các đồng minh và cố vấn của ông đều nói rằng ông đang chạy đua vào chiếc ghế tổng thống trong năm nay. Và trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2014, ông sẽ dựa vào không chỉ sức hút và bản năng chính trị của bản thân mà cả bộ máy quyền lực của Đảng Dân chủ Indonesia (PDI) của cựu tổng thống Megawati Sukarnoputri.

Một số nhà dự báo chính trị cho rằng Megawati, người đã cân nhắc việc trở lại cuộc chạy đua vào dinh tổng thống, sẽ không bao giờ đứng sang một bên để nhường chỗ cho một chính khách còn quá trẻ như Jokowi. Các nhà dự báo này đã đánh giá quá thấp mức độ mà Megawati mong muốn đảng của bà, một chính đảng đã rời xa văn phòng tổng thống một thập niên, giành lại được quyền lực. Không một ứng viên tổng thống nào sẽ đủ sức tiến gần đến vị thế của Jokowin trong cuộc bầu cử tổng thống chênh lệch nhất trong lịch sử của nền dân chủ non trẻ này.

Nguồn: Business Week / Defend The Defenders



Chú thích:

[i] Một hình thức quan hệ quốc tế mà ở đó các quốc gia bảo vệ lợi ích của mình bằng cách đe doạ sử dụng sức mạnh quân sự, kinh tế hay chính trị. (ND)

[ii] Thuật ngữ mà nhà kinh tế học John Maynard Keynes sử dụng trong tác phẩm nổi tiếng của ông, “Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ” (The General Theory of Employment, Interest and Money), để mô tả bản năng, tâm trạng và tình cảm của con người (vốn được cho là ảnh hưởng và định hướng cách ứng xử của con người), và có thể được lượng định thông qua, chẳng hạn, niềm tin của người tiêu dùng (consumer confidence). (ND)

[iii] Bắt đầu với hai quý tăng trưởng âm liên tiếp. (ND)

Source: Lê Anh Hùng

© 2016 About Us | Terms & Conditions