Vòng luẩn quẩn hay tầm nhìn của ngài Tổng Bí thư?

Lê Anh Hùng | VOA | 12.10.2017




Hội nghị Trung ương 6 khoá XII diễn ra đầu tháng 10 trong bối cảnh bầu không khí chính trị trong nước, khu vực và quốc tế đang ẩn chứa những biến chuyển khó lường.

Một trong những trọng tâm bàn thảo của hội nghị là việc “tinh gọn bộ máy”, như lời kêu gọi ra chiều cấp thiết của TBT Nguyễn Phú Trọng trong bài diễn văn khai mạc.  

Theo số liệu của báo Tuổi Trẻ, tính đến ngày 31/10/2016, tổng số công chức biên chế trong hệ thống chính trị là 3.734.302 người, tức là số công chức Việt Nam hiện chiếm đến 4% dân số (tính ra cứ 25 người Việt Nam, bất kể nam phụ lão ấu, phải cõng trên lưng một ông/bà công chức).

Để so sánh, tổng số công chức của Hoa Kỳ rơi vào khoảng 2,1 triệu, tức chỉ chiếm 0,68% trong tổng dân số khoảng 325 triệu người (nghĩa là cứ 155 người mới phải nuôi một công chức); còn Trung Quốc, một quốc gia tương đồng về thể chế chính trị với Việt Nam, cũng chỉ phải “nuôi” một đội ngũ công chức chiếm 2,8% dân số.

Đất nước chậm phát triển xuất phát từ nhiều nguyên do khác nhau, nhưng chắc chắn một trong những nguyên nhân chính là đội ngũ làm việc trong hệ thống công quyền. Đội ngũ công chức Việt Nam không chỉ đông đảo bậc nhất thế giới (tính theo tỷ lệ dân số), mà chất lượng thì ngay chính các nhà lãnh đạo cũng phải thừa nhận là rất bất cập. (Ông Nguyễn Xuân Phúc, khi còn là Phó Thủ tướng, đã từng phát biểu: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào.”)

Bộ máy công chức khổng lồ như thế đặt ra ít nhất hai vấn đề hệ trọng. Thứ nhất, tỷ lệ chi thường xuyên để nuôi bộ máy thường chiếm trên 2/3 tổng chi ngân sách (từ năm 2011 đến nay đều chiếm trên 70%), khiến ngân sách chi cho đầu tư phát triển luôn ở mức èo uột (năm 2016 chỉ chiếm 20,1%), không đủ thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Thứ hai, mặc dù đã phải chi tới hơn 70% ngân sách để duy trì hoạt động của bộ máy, song với một đội ngũ công chức hùng hậu như vậy thì làm sao ngân sách nhà nước có thể đảm bảo cho họ một mức thu nhập đủ sống. Vì thế, tham nhũng là kết cục tất yếu của hệ thống hiện hành (không tham nhũng làm sao sống nổi với mức lương bèo bọt hiện nay).

“Ăn quen, nhịn không quen.” Bắt đầu từ tham nhũng vặt, rồi dần dà, với sự “khích lệ” của cái gọi là “pháp quyền xã hội chủ nghĩa” (hay tư tưởng “ném chuột đừng để vỡ bình” của ngài TBT), tham nhũng trở thành một thứ bệnh dịch lây lan ra toàn xã hội, với quy mô ngày càng lớn. Giờ đây, một vụ tham nhũng lên tới con số hàng nghìn tỷ VNĐ không còn khiến công chúng cảm thấy sốc nữa, bởi họ đã quá quen. Tham nhũng làm méo mó các mối quan hệ xã hội, làm băng hoại đạo đức xã hội, và trên bình diện kinh tế thì ảnh hưởng tiêu cực đến sự phân bổ các nguồn lực xã hội, dẫn đến kết cục tất yếu là đất nước không thể phát triển lành mạnh và bền vững.

Từ hai vấn đề nêu trên, có lẽ ai cũng có thể rút ra được kết luận quan trọng là nếu không trút bỏ những gánh nặng mang tên Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể trên tấm lưng còm cõi của những người dân đóng thuế và thiết lập một hệ thống thể chế tam quyền phân lập thì không thể nào chống được tham nhũng. Chiến dịch “đốt lò” mà ngài TBT và bộ sậu đang tiến hành nhiều lắm cũng chỉ giải quyết được phần ngọn vấn đề.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo CSVN đặt vấn đề tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, mà nó đã được đặt ra từ thời… kháng chiến chống Pháp. Hầu như nhiệm kỳ đại hội đảng nào, nhiệm kỳ chính phủ nào điệp khúc này cũng được nêu lên, song kết quả là như những gì mà chúng ta đã thấy.

Công bằng mà nói, không phải lúc nào việc hô hào tinh gọn bộ máy của lãnh đạo Việt Nam cũng chỉ tồn tại trên giấy. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X “Về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội” là một ví dụ.

Căn cứ theo nghị quyết đó, ngày 11 tháng 4 năm 2007, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và Ban Tài chính - Quản trị Trung ương đã bị giải tán và sáp nhập vào Văn phòng TW Đảng theo Quyết định số 45-QĐ/TW.

Tuy nhiên, đáng tiếc là chủ trương mở đường cho xu thế cải cách thể chế đó lại chỉ tồn tại vỏn vẹn hơn 5 năm, trước khi bị đảo ngược bởi… chính nhân vật vẫn đang kêu gào “tinh gọn bộ máy” là ngài đương kim TBT.

Ngày 28/12/2012, TBT Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định số 158-QĐ/TW, tái lập Ban Nội chính Trung ương, và Quyết định số 160-QĐ/TW, tái lập Ban Kinh tế Trung ương. Chỉ riêng nhân sự của mỗi ban đảng trung ương này đã lên tới hàng trăm người (theo lời giới thiệu trên website Ban Kinh tế Trung ương thì sau năm 1975 nhân sự của ban có lúc lên tới 400 người, còn số thành viên hiện nay của Ban Nội chính Trung ương là 146 người).

Ngoài ra, các ban nội chính cấp tỉnh đều đã được thành lập tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, với nhân sự mỗi ban xấp xỉ 30 người; ở cấp huyện thì bộ phận giúp việc về công tác nội chính và phòng chống tham nhũng cũng được thành lập tại các huyện/thành/thị uỷ. Các ban kinh tế cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì đang được xúc tiến thành lập.

Tóm lại, bằng hai quyết định nói trên, TBT Nguyễn Phú Trọng đã giúp cho bộ máy đảng phình ra rất đáng kể, với con số “công chức đảng” ăn bám vào tiền thuế của nhân dân tăng thêm hàng ngàn người. Ngân sách nhà nước mỗi năm chi cho hai hệ thống ban đảng này chắc chắn là những con số khủng, chưa kể những thiệt hại khác mà chúng gây ra cho xã hội do bản chất tham nhũng từ trong trứng nước của chúng. Trong khi đó, những gì mà chúng làm được cho “quốc kế dân sinh” thì có lẽ ngoại trừ bản thân chúng, may ra chỉ ngài TBT là có thể biết.

Cựu Đại biểu Quốc hội Lê Nam nhận định: “Đảng phải tiên phong tinh giản bộ máy.” Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Nguyễn Trọng Phúc thì nói: “Các cơ quan Đảng phải là nơi đầu tiên thực hiện tinh giản bộ máy.”

Nghĩa là, nếu ông Nguyễn Phú Trọng muốn các đảng viên và công chúng thấy mình không phải là kẻ “nói một đàng làm một nẻo”, ít nhất ông ta phải sắp xếp lại bộ máy đảng tinh gọn hơn thời điểm hai quyết định 158-QĐ/TW và 160-QĐ/TW ra đời.

Đơn giản, nếu quy mô bộ máy chỉ dừng lại như thời điểm 28/12/2012 thì các “thế lực thù địch” sẽ có cớ mà rêu rao rằng hơn 5 năm qua, ngài TBT khả kính đã dẫn dắt 90 triệu dân Việt đi trọn một vòng luẩn quẩn, nếu không muốn nói là thụt lùi, bởi viễn cảnh Việt Nam thua Lào và Campuchia không còn là lời cảnh báo, mà đã trở thành thực tế.


Lê Anh Hùng

Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.



Nguồn: VOA

Source: Lê Anh Hùng

© 2016 About Us | Terms & Conditions