Những việc làm rất hợp thời


Hoàng Trường Sa - Mạng Lưới Blogger Việt Nam đã tự đặt cho mình chức năng của một tổ chức nhân quyền vào thời điểm này là rất đúng lúc. Một khi Chính phủ Việt Nam đã trịnh trọng tuyên bố trước cộng đồng thế giới là sẽ “thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia là thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên Liên Hiệp Quốc” thì chẳng những MLBVN mà tất cả các tổ chức, các hội đoàn và toàn dân VN cần nắm lấy cơ hội tốt đẹp này để đòi hỏi những quyền công dân, quyền con người phải được tôn trọng thật sự...
*
Ngày 14 tháng 11 vừa qua, Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (HĐNQ LHQ). Có người quá mừng nói là Việt Nam đã thắng cử vào HĐNQ LHQ. Thực ra chẳng đáng nói như vậy, có tranh cử gì đâu mà gọi là thắng cử? Khu vực châu Á cần chọn 4 nước, có 5 ứng viên, mà 1 nước rút lui rồi, còn lại 4 nước thì đương nhiên 4 nước đó là thành viên HĐNQ LHQ. Chỉ giản đơn thế thôi! Thế mà ông đại biểu Quốc hội Trần Văn Hằng đã huênh hoang tuyên bố: “Đây là đòn đánh mạnh mẽ vào các đối tượng bấy lâu cố tình bôi nhọ chúng ta”. Làm như tuồng bộ mặt các ông ấy sạch sẽ lắm đấy! Làm ra vẻ các ông bị người ta vu oan!
Thật ra, Đảng Cộng sản và Chính phủ CHXHCN Việt Nam muốn ứng cử vào HĐNQ LHQ là vì họ hy vọng rằng với cái danh xưng thành viên HĐNQ LHQ may ra có thể tô điểm phần nào cho cho bộ mặt quá nhem nhuốc đã lâu năm rồi, vì bị thế giới sỉ vả về tội vi phạm nhân quyền. Nhưng đến khi Việt Nam đã ngồi vào ghế thành viên HĐNQ LHQ rồi, và nhất là sau khi ông Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trịnh trọng tuyên bố sẽ “thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia là thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên Liên Hiệp Quốc”, thì chắc chắn là các nhà cầm quyền VN lại bắt đầu lo ngay ngáy... Mà họ lo thì phải! Lo vì những lời hứa và cam kết “như đinh đóng cột” này của vị đại diện nhà nước Việt Nam liệu rồi đây có ràng buộc họ không? có không cho họ tự tung tự tác vi phạm nhân quyền như trước được không? Hơn nữa, nếu thực hiện tất cả các điều cam kết đó thì làm sao “bảo tồn” được cái chế độ độc tài đảng trị mến yêu của họ?
Có lẽ vì biết rõ cái tâm trạng của các nhà cầm quyền nước ta - là những kẻ ngoan cố, xưa nay chỉ quen “nghề” dối trá, nói một đàng làm một nẻo, luôn luôn dẻo mồm vin hết cớ này đến cớ nọ để tránh né việc thi hành những cam kết về nhân quyền – Mạng Lưới Blogger Việt Nam (MLBVN) đã kịp thời tung ra một “Thông báo” trong đó nhấn mạnh rằng: nước Việt Nam đã trở thành thành viên HĐNQ LHQ có nghĩa là không chỉ các quan chức của chính quyền Việt Nam mà cả 90 triệu công dân của Việt Nam cũng đều là thành viên HĐNQ LHQ, tất cả đều phải cùng chịu trách nhiệm “thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia là thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên Liên Hiệp Quốc”. Đây là một quan điểm rất đúng, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm công dân cao cả của các bạn trong MLBVN. Chắc chắn rằng HĐNQ LHQ sẽ hoan nghênh một thái độ đầy trách nhiệm như vậy vì nó sẽ giúp bảo đảm thực hiện đúng các nghĩa vụ và cam kết nhân quyền của LHQ. Còn các nhà cầm quyền Việt Nam chắc cũng khó lòng phản bác quan điểm đó, vì như họ thường nói cái gì cũng là của dân, do dân, vì dân cả.
Và dựa vào những lời hứa hẹn và cam kết của ông Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, MLBVN đã tự đặt ra cho mình những việc làm rất hợp thời. Có thể nói tóm tắt là: ra sức phổ biến các văn bản quốc tế về nhân quyền, như Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, Công ước Chống Tra tấn... mà Nhà nước Việt Nam đã ký kết; bằng mọi hình thức tuyên truyền, giải thích, giáo dục cho mọi người dân, kể cả những người làm việc trong bộ máy nhà nước hiểu về nhân quyền; phản ánh kịp thời những hành động vi phạm nhân quyền và những đề nghị để cải tiến về mặt nhân quyền lên các cơ quan nhà nước Việt Nam, lên các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, lên HĐNQ LHQ và LHQ; xây dựng một cơ sở dữ liệu trực tuyến nhằm lưu trữ những vi phạm nhân quyền. Để thực hiện những nhiệm vụ trên đây, MLBVN dự định chính thức ra mắt trong Ngày Quốc tế Nhân quyền do LHQ khởi xướng (10/12/2013).
Chúng tôi nghĩ rằng những việc này mà MLBVN đã đưa ra rất hợp thời và đúng đắn, chắc chắn là các nhà cầm quyền, nếu không công khai tán đồng thì cũng sẽ khó lòng mà phản đối, vì đây toàn là những việc mà vị đại diện Nhà nước Việt Nam đã hứa “thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết...” rồi.
Ngoài ra, MLBVN còn đề nghị Chính phủ Việt Nam để LHQ cử phái đoàn đến điều tra những tố giác vi phạm nhân quyền; chấm dứt mọi hành vi tra tấn, trừng phạt, đối xử tàn nhẫn đối với mọi công dân theo Công ước Chống Tra tấn của LHQ mà Việt Nam đã ký kết; trả tự do cho những công dân đang bị giam giữ chỉ vì thực thi tự do ngôn luận và các nhân quyền khác theo tiêu chuẩn phổ quát về nhân quyền đã ghi trong các Công ước của LHQ; hủy bỏ Điều 258 Bộ luật Hình sự với nội dung mơ hồ, thường bị diễn giải tùy tiện để trừng trị những người vô tội; bảo đảm quyền tự do thành lập báo chí và cơ quan xuất bản; gỡ bỏ tường lửa ngăn chặn sự truy cập vào các trang mạng xã hội và chấm dứt hiệu lực của Nghị định 72/2013/NĐ-CP.
Như vậy, chúng tôi nghĩ rằng MLBVN đã tự đặt cho mình chức năng của một tổ chức nhân quyền vào thời điểm này là rất đúng lúc. Một khi Chính phủ Việt Nam đã trịnh trọng tuyên bố trước cộng đồng thế giới là sẽ “thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia là thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên Liên Hiệp Quốc” thì chẳng những MLBVN mà tất cả các tổ chức, các hội đoàn và toàn dân Việt Nam cần nắm lấy cơ hội tốt đẹp này để đòi hỏi những quyền công dân, quyền con người phải được tôn trọng thật sự.
Còn nhớ, dưới thời các vị Tổng Bí thư trước đây, từ các ông Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười... cái từ “nhân quyền” bị coi như là cấm kỵ, ít ai dám nói công khai từ đó. Sau này bất đắc dĩ người ta phải nói đến, nhưng các nhà cầm quyền không muốn nói công khai với dân về nhân quyền, không muốn cho người dân biết về nhân quyền, biết về Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền... Cho đến gần đây, những ai dám tán phát tài liệu về nhân quyền, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, dám tổ chức các buổi giảng dạy về nhân quyền và Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đều bị ghép tội! Nhưng bây giờ thì họ không thể giấu nhẹm những điều đó với dân chúng được nữa, và dân chúng đã có những chỗ dựa để đấu tranh cho quyền của mình. Đây chính là lúc các công dân tự do, các công dân có ý thức về nhân quyền, về nhân phẩm nên biết tận dụng cơ hội này để giúp cho đại chúng hiểu được nhân quyền của mình và mạnh dạn đứng lên bảo vệ và đấu tranh cho các quyền đó.
Chúng tôi nghĩ rằng những việc làm mà MLBVN đã đề ra có ý nghĩa khai mở dân trí rất quan trọng. Một khi đại chúng ý thức được những quyền của mình rồi thì nhận thức chính trị của họ sẽ được nâng cao lên, họ sẽ biết cách đấu tranh để bảo vệ những quyền chính đáng của mình. Qua đấu tranh, đại chúng dần dần khắc phục được thái độ vô cảm, ù lỳ, sợ sệt, dễ dàng lép vế, chịu khuất phục trước cường quyền mà trở nên mạnh mẽ, dũng cảm và kiên cường hơn. Như vậy, những việc làm đó của MLBVN chẳng những giúp khai mở dân trí và còn giúp chấn hưng dân khí của dân tộc nữa. Một khi đại chúng đã có được trình độ dân trí và dân khí cao thì họ sẽ có sức mạnh to lớn. Sức mạnh càng lớn càng có khả năng cảm hóa đối với những lớp người dân còn mê muội, thậm chí có khả năng chuyển hóa cả một bộ phận lớn trong các lực lượng vũ trang, vì những người trong quân ngũ đều xuất thân từ nhân dân; và trong những điều kiện nhất định có thể chuyển hóa được một bộ phận nhỏ trong giai cấp cầm quyền nữa. Những điều này không phải chỉ là lý thuyết mà thực tiễn cũng đã chứng minh. Một ví dụ rõ nhất là trong cuộc đảo chính ở Liên Xô do những phần tử bảo thủ nhất trong Bộ Chính trị TƯ ĐCSLX dấy lên hồi tháng 08 năm 1991. Trước đám đông hàng vạn người hăng hái đấu tranh bảo vệ chính quyền dân chủ, nhiều binh lính, sĩ quan, kể cả tướng tá, đã không chịu bắn vào quần chúng, có một bộ phận không nhỏ đứng hẳn về phía quần chúng, như một số xe tăng của sư đoàn Tamanskaya đã rời sư đoàn đến bảo vệ đại bản doanh của phe dân chủ. Còn thiếu tướng Karpukhin, chỉ huy trưởng đơn vị Alfa nổi tiếng của KGB đã từ chối thi hành lệnh tấn công đại bản doanh phe dân chủ. Mặc dù Nhóm đảo chính đã đưa vào Moskva hơn 4 sư đoàn, kể cả bộ binh, bộ binh cơ giới, đổ bộ đường không và đơn vị Alfa, nhưng cuối cùng Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Dmitri Yazov đã phải ra lệnh rút quân và cuộc đảo chính đã thất bại thảm hại. Sau này, chính ông Dmitri Yazov đã thú nhận trong một bài báo của ông: trước một khối dân chúng đông đảo hàng nhiều nghìn người như vậy, tôi cảm thấy sợ, sợ cái trách nhiệm của mình trước lịch sử, nên tôi đã ra lệnh rút quân. Không biết trong những lời nói đó chứa đựng bao nhiêu sự thật, nhưng đó là một sự kiện cho chúng ta thấy và suy nghĩ về sức mạnh của đại chúng.
Đề tài nhân quyền có một phạm vi rất rộng, gồm nhiều lĩnh vực, có liên quan đến nhiều giới, nhiều tầng lớp, nhiều dân tộc... mà những người dân chủ có thể tiếp cận và động viên đại chúng đấu tranh cho những quyền và quyền lợi của mình. Từ đó, trình độ dân trí cũng như ý thức chính trị của đại chúng sẽ dần dần được nâng cao, cao đến mức tự họ cảm thấy cần phải chuyển đổi thể chế chính trị của đất nước từ độc tài chuyên chế sang dân chủ đa đảng thì mới bảo vệ chắc chắn được các dân quyền và nhân quyền của mình. Đây là sẽ là một chuyển biến lớn lao có tính lịch sử do dựa được trên sức mạnh của đại khối dân tộc có dân trí và dân khí cao đang khát khao tự do, dân chủ đích thực./.
Kiev ngày 25 tháng 11 năm 2013

Viết tặng Mạng Lưới Blogger Việt Nam để kỷ niệm ngày các bạn chính thức ra mắt nhân dịp Ngày Quốc tế Nhân quyền
Hoàng Trường Sa

© 2016 About Us | Terms & Conditions