AI MỞ ĐƯỜNG CHO DỰ ÁN CHÔN MINH ĐƯỜNG, XÓA TRƯỜNG ĐUA 400 NĂM CỦA DÂN LÝ SƠN (Trung Việt - Phụ Nữ Online)




Ai mở đường cho dự án chôn minh đường, xóa trường đua 400 năm của dân Lý Sơn    

Trung Việt  -  Phụ Nữ Online  

23/02/2019

https://www.phunuonline.com.vn/thoi-su/ai-mo-duong-cho-du-an-chon-minh-duong-xoa-truong-dua-400-nam-cua-dan-ly-son-151523/


Có một “cơn bão” chuẩn bị đổ bộ vào đảo Lý Sơn. Dân trên đảo chỉ biết khẩn cầu tổ quốc linh thiêng, vong linh các bậc tiền nhân chặn nó lại, bởi nó không phải đến từ biển mà từ đất liền.


·         Cách chọn mua tỏi cô đơn Lý Sơn chuẩn

·         Đến Lý Sơn thưởng thức gỏi tỏi

·         Lý Sơn trẩy hội đua thuyền


Nếu nó đến, hương án bái vọng tổ tiên, niềm tự hào lẫn chốn mưu sinh của hậu duệ những nghĩa sĩ Hoàng Sa năm xưa, sẽ bị giam hãm giữa những bức tường lạnh lẽo của những chung cư cao cấp, biệt thự sang trọng khi minh đường của một đảo tiền tiêu thấm đẫm tâm linh của bao lớp người trấn giữ đầu sóng sẽ bị chôn xuống biển. Đó là những cơn sóng hủy diệt nhưng có những cái tên mỹ miều là du lịch, thương mại, sinh thái, thậm chí cả tâm linh được vẽ ra như thiên đường trong mơ.


Nguy cơ đó không chỉ đe dọa Lý Sơn mà còn hiện diện khắp nơi trên đất nước này, như hàm cá mập nuốt chửng hết những vàng son vô giá có từ thiên nhiên, mồ hôi, máu của bao đời gìn giữ. Bao tiếng chuông khẩn cầu đã rung lên thảng thốt, âu lo, giận dữ rồi tan biến giữa ê chề, khi tờ bạc đâm toạc nhân tâm…


https://st.phunuonline.com.vn/staticFile/Subject/2019/02/22/3-ong-pham-doan_2258455.jpg

Ông Phạm Đoàn nói rằng dự án mà lập thì tiền hiền chỉ biết thăng thiên


6g30, tôi lội ra gành ở thôn Đông, xã An Vĩnh (H.Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Nước không tới gối, có chỗ nhô hẳn lên gò bãi miên man rau câu, rau chân vịt, rau cum cúm. Đá, san hô bày như thạch trận. Nước trong vắt, cơ man sao biển, ốc đủ màu. Bãi gành loáng thoáng người đi hái rau, bắt ốc, hầu hết là phụ nữ. Họ trùm kín mặt. Nước biển dính chặt như muốn níu họ cúi xuống thấp hơn nữa. 1kg rau câu, nếu để nguyên là 4.000 đồng, còn phơi khô, giặt sạch để ra màu trắng nõn là 150.000 đồng.


Họ ra gành khi triều xuống, và tầm 9g, họ trở về sũng ướt với rổ rau oằn hông. Ngày mưu sinh của họ bắt đầu từ khi thiên hạ đang say ngủ. Bao nhiêu năm rồi, có lẽ đã 400 năm, thuở sáu vị tiền hiền của dân đảo bươn sóng lớn ra đây chém lau lách dựng nhà rồi dong buồm ra Hoàng Sa cắm mốc trên sóng xanh để đi mãi không về, thì họ, những người đàn bà Lý Sơn cũng đã bắt đầu tươm máu vì gỡ rau, bắt ốc trên san hô.


Tôi đang có trong tay bản kiến nghị của các tộc họ, ban khánh tiết, ban tư vấn nhà tiền hiền và đình làng An Vĩnh, ban khánh tiết đình làng An Hải, ban tế tự vạn Vĩnh Thạnh, hai xóm và bảy lân, đại diện bốn đội đua thuyền, đại diện cho cán bộ và nhân dân trong xã, gửi ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, nguyên là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi - cùng lãnh đạo tỉnh, huyện và xã An Vĩnh. Nguyên do là Công ty cổ phần Phát triển Lý Sơn (công ty con của Công ty Hợp Nghĩa tại tỉnh Quảng Ngãi) đang xin đầu tư khu thương mại và dịch vụ du lịch Lý Sơn (còn có tên là The Sea Eyes) tại mặt tiền hướng nam xã An Vĩnh.


Đơn viết: “Cán bộ và nhân dân xã An Vĩnh nói riêng và huyện đảo Lý Sơn nói chung khẩn thiết cầu xin Tổ quốc thiêng liêng gia hộ độ trì cho quý cấp xem xét, cân nhắc không cấp phép cho Công ty Hợp Nghĩa tại khu vực này, để thế hệ con cháu đời sau khỏi đắc tội với tổ tiên thuở trước, các nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử, các nhà địa chất, du khách đến Lý Sơn khỏi oán trách con cháu Lý Sơn đời nay không biết trân trọng bảo quản, phát huy di sản được thiên nhiên ban tặng, chỉ vì lợi ích nhỏ mà đánh mất quê hương…”.


https://st.phunuonline.com.vn/staticFile/Subject/2019/02/22/4-1_22510533.jpg

Gành thôn Đông, xã An Vĩnh, nơi dự án trên muốn chiếm trọn


Bao lần, dân Lý Sơn đã làm đơn kêu cứu vì bị tàu Trung Quốc bắn chìm, gây chết chóc. Tiếng kêu của họ có địa chỉ hẳn hoi và cả nước lên tiếng. Nhưng bây giờ, đơn này họ “khẩn thiết cầu xin Tổ quốc thiêng liêng”. Tôi đứng giữa gành, san hô lạo xạo dưới chân. Từ đó, phóng tầm nhìn vào bờ, kéo dài từ cảng Bến Đình đến mỏm đá đen có Sở Âm Hồn. Hơn 2,5km mà di tích nối di tích, đặc biệt là đình làng An Vĩnh và nhà tiền hiền - di tích lịch sử văn hóa quốc gia, nơi xuất phát những đoàn nghĩa binh đi Hoàng Sa một thuở, là trường đua ghe 400 năm rồi.


Đây là toàn bộ mặt tiền của thôn Đông và xã An Vĩnh. Mấy trăm năm đó, bao lớp người Lý Sơn đã sống dựa vào biển, đặt lòng tin tuyệt đối, cao cả vào bức tường phong thủy trấn trạch bình yên đó. Từ đó, mở cửa là ra gành, là khơi xa lồng lộng mà thiệt gần, như miếng ăn mỗi sáng có được từ những bàn tay rớm máu. Dự án trên nếu làm, sẽ lấy hết toàn bộ gành này, với diện tích gần 55ha. Điều đó đồng nghĩa, “minh đường” Lý Sơn sẽ bị chôn xuống biển. Lý Sơn là đảo, nhưng là đảo tâm linh. Người sống trong ruột biển, trên lưỡi sóng; khi bão tố, chỉ biết tựa vào hương hồn cha ông xưa.


Bến Đình từ thời Gia Long đến Tự Đức là điểm tế thần linh dịp xuân về, là nơi khao thưởng dân binh đi Hoàng Sa, nay cũng là điểm tổ chức lễ Khao lề của tỉnh Quảng Ngãi (lễ này đã được công nhận di tích văn hóa phi vật thể cấp quốc gia).


https://st.phunuonline.com.vn/staticFile/Subject/2019/02/22/4-2_22510580.jpg

Đình làng An Vĩnh


Ông Phạm Thoại Tuyền - người được xem là “ông Hoàng Sa” của đảo bởi sự hiểu biết sâu sắc về đất quê mình - nói: “Chưa bao giờ bão làm sập di tích, chỉ có thời gian làm xuống cấp. Bão vào là như bị tống ra, phải đi đường khác”. Họ tin, tin chứ, bởi đó là trên cao xa ban ân huệ cho con cháu, nên họ chỉ biết kêu Tổ quốc thiêng liêng. Tổ quốc là ai, đó chẳng phải là vong linh cha ông, vong linh những dân binh Hoàng Sa một thuở một đi không về để che chắn bão tố, phòng chống ngoại bang?


Bây giờ, dự án trên khiến dân đảo như sôi lên. Ông Phạm Đoàn - Trưởng tộc Phạm Văn - lắc đầu khi nói về dự án: “Không được! Ông tiền hiền không cho đâu”, rồi cười chua chát: “Dự án mà dựng lên, cúng tiền hiền, mấy ổng biết đường đâu mà vô, chắc thăng thiên hết”.


“Nghĩa sĩ Hoàng Sa mà khi làm lễ Khao lề tưởng nhớ, về chắc chỉ biết vô resort rồi đi” - lời một người quen làm tôi ứa nước mắt. Hãy hình dung, mấy khu vui chơi, nhà, biệt thự chiếm sạch từ bờ ra hơn 200m, kéo dài hơn 2km, thì dân trên đảo muốn xuống biển, phải đi đường nào? Khách ra chơi, muốn lội xuống biển, cách nào? Có một lập luận rằng, Lý Sơn đất chật người đông, lấp biển để thêm chỗ ở.


Chị Lê Thị Được - Bí thư chi bộ thôn Đông - quyết liệt: “Bà con họp, nói nếu lấp thì để dân lấp, họ trả tiền. Dân nói sao không đổ đất làm cho dân đảo Bé bớt khổ, để gần đảo Lớn hơn? Tại mặt tiền đó, giá đất bây giờ 100m2 là 3,5 tỷ đồng. Họ định bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng làm dự án, tôi tính sơ, lấp xong, giá bèo cũng 25 triệu đồng/m2, là họ lời mấy ngàn tỷ rồi”. “Tôi biết có một văn bản, ghi rằng huyện họp dân, nói đa số bà con đồng tình với dự án”. “Không, tuyệt đối không! Đảng viên, bà con thôn Đông, thôn Tây phản đối, cả xã An Hải cũng phản đối. Gành đó là chỗ bà con sinh sống, dựa vào đó mà kiếm ăn, có ở đây mới biết nó quan trọng ra sao với dân”.


https://st.phunuonline.com.vn/staticFile/Subject/2019/02/22/4-6_22510627.jpg

Mưu sinh sáng sớm của phụ nữ Lý Sơn ở gành An Vĩnh


Chuyện huyện nói như trên, ông Phạm Thoại Tuyền - người tham gia làm đơn - nói: “Nếu nói vậy, hóa ra văn bản của bà con với mấy chục chữ ký, có dấu má hẳn hoi, là ngụy tạo à? Dựng dự án lên là chôn minh đường xuống biển, là mất trường đua. Anh lưu ý rằng, ở Lý Sơn, không có đua ghe là không có tết. Đi làm ăn xa mấy, tết cũng về, chờ đua ghe mới đi”.


Tết ở Lý Sơn chỉ thực sự bắt đầu từ mồng Bốn, là ngày tổ chức đua, đến mồng Bảy mới chấm dứt, sau đó ai ưng đi làm thì mới đi. Mỗi đội đua, dù ở xóm nào, trước khi đua phải bái lạy dinh miễu xóm mình đã đành, nhưng khi qua đây, hễ gặp chỗ thờ bất kỳ của tộc họ nào, đều quay mũi ghe vào, bái ba bái rồi mới đi tiếp”.


Người dân gửi đơn ngày 16/1, đến giờ chưa thấy ai trả lời. Nhắc chuyện này, chị Được cho biết: “Bữa họp, tôi nói bà con không đồng ý, đại diện công ty nói “còn ý kiến tỉnh nữa”. Hóa ra, hỏi ý kiến dân là cho vui hả? Bà con dứt khoát không cho đâu”. Còn nữa, toàn bộ khu vực trên nằm trong dự án bảo tồn biển, đã được Chính phủ quy hoạch. Có ý kiến cho rằng, phía công ty muốn làm dự án cho nhanh, bởi tỉnh đang trình hồ sơ xin Unesco công nhận Lý Sơn là công viên địa chất toàn cầu, nếu hồ sơ trên được duyệt thì dự án kia sẽ… bể bạc.


Hết rằm rồi, thuyền lại ra khơi. Tôi hết thơ thẩn ngoài gành rồi quay ra hướng núi. Ở đó có năm di tích, gọi là Ngũ Hành Sơn. Vì thế, ở Bến Đình có cặp câu đối: “Tiền hải, hậu sơn lưu thắng cảnh/ Tha hương, bái vọng tưởng cố hương”. Tôi cũng cầu xin anh linh hãy giúp tâm nguyện của người Lý Sơn vẹn toàn, bởi nếu không, kẻ tha hương lẫn người sở tại mai này chỉ biết ngửa mặt lên trời mà than trong nước mắt. Hãy dừng lại bởi chưa muộn, bởi Lý Sơn là tiền án trấn phong nhạy cảm an ninh quốc gia, và quan trọng hơn là lòng dân. Là người  trưởng thành, thì hãy nhớ, khi tổ tiên nổi giận, tức lòng người sục sôi…


*

*

Dự án The Sea Eyes có diện tích 54,65ha, nằm cạnh dự án cảng Bến Đình đang được xây dựng, ven tuyến cơ động bao quanh đảo Lý Sơn, nằm ở phía nam của đảo, trên thềm lục địa, có 2,5km tiếp giáp với biển, được quy hoạch thành hai khu chức năng chính là dịch vụ, nhà ở, bốn phân khu gồm khu đô thị biển và ba khu cộng đồng dân cư. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.713 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2019-2022. Dự án này được ông Trần Ngọc Căng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - ký “thẩm định, trình phê duyệt dự án” qua văn bản số 7515/ UBND-CNXD ngày 10/12/2018 trên cơ sở đề xuất của Công ty cổ phần Phát triển Lý Sơn, yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu, hoàn thành báo cáo trước ngày 22/12/2018.


Trung Việt








© 2016 About Us | Terms & Conditions