ĐẤT NƯỚC CÓ BAO GIỜ NHƯ THẾ NÀY CHƯA? (Mạnh Kim)




Đất nước có bao giờ như thế này chưa?  

Mạnh Kim

13/02/2019

https://www.voatiengviet.com/a/dat-nuoc-co-bao-gio-nhu-the-nay-chua/4783904.html


Chỉ vài tuần trước và sau Tết mà dòng thời sự Việt Nam đã tiếp tục “chảy siết” với vô số vụ việc khiến không khỏi cười ra nước mắt…


Đất nước có bao giờ diễn như thế này chưa?


Đầu tiên là bức ảnh Chủ tịch nước-Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi chúc Tết và lì xì công nhân vệ sinh vào tối 4-2-2019 (30 Tết) tại đường Thanh Niên (Hà Nội). Hành động “đẹp” và “đầy tính nhân văn” này đã nhanh chóng bị nghi ngờ là ngụy dựng, một màn diễn kém chất lượng được dựng tồi bởi đạo diễn dỏm. Điều khiến dư luận… hể hả là cô “nhân viên môi trường” nhận bao lì xì của ông Trọng lại trông giống như một nhân vật mà chỉ hai ngày trước đó đã đến Đội cảnh sát giao thông số 14 thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông Công an Hà Nội nhận lại cái ví bị mất, một hình ảnh thể hiện “nghĩa cử cao đẹp” và “đạo đức liêm khiết” của ngành công an. Mãi đến ngày 12-2, tờ VTC News mới đăng bài “Sự thật về cô gái xuất hiện trong hai bức ảnh dậy sóng dân mạng trước Tết Nguyên đán”. Bài báo cho biết cô gái nhận lại ví bị mất tên là Ngô Nhã Phương, trú tại phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, “một nửa sự thật” còn lại - tức danh tánh, chỗ ở và tông tích thật của cô “nhân viên môi trường” - thì vẫn còn nằm trong diện “bí mật đời tư” “chưa được công bố”! 


Liên quan chuyện “diễn”, vài năm gần đây, ngành công an sử dụng rất mạnh “ảnh hưởng truyền thông” để xây dựng hình ảnh và gầy dựng uy tín sau vô số “mất mát” và “tổn thất” uy tín trước những vụ “nhấc chân va chạm” người dân một cách thô bạo và phản cảm. Những cảnh đưa cụ già qua đường, đỡ cụ già ngã té, đưa cụ già chai nước suối liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông… Vấn đề ở chỗ các “đồng chí” làm tuồng kém quá.


Các “đồng chí” lý ra nên được đào tạo vài khóa vỡ lòng về kỹ năng diễn xuất lẫn kỹ thuật “xây dựng kịch bản”. Hầu như tập phim ngắn nào của các “đồng chí” cũng trở thành “bom tấn” trên mạng và được khán giả nhiệt liệt… chỉ trích. Ngôn ngữ của “hệ thống đảng” thường nhắc đến từ “thực chất”, “đi vào thực chất”, “hành động thực chất”… nhưng các “đồng chí” thay vì “thực chất” vai trò của mình thì lại biến mình thành kẻ xấu dưới mắt người dân rồi sau đó lại diễn vai người tốt một cách rất không “thực chất”. Đất nước này cần công an tốt, công an không hối lộ, công an không làm chết dân trong đồn. Đất nước này không cần công an có “nghiệp vụ” “đóng phim”. Mà nói cho hết thì không chỉ công an. Diễn đang là “xu hướng”. Gần như mọi ngành và mọi nhân vật chính quyền đều diễn cả, từ trồng cây, đến cày ruộng, từ vỗ về thiếu nhi đến chăm lo người nghèo. Tại sao “xu hướng” diễn lại “thịnh hành”? Vì “thực chất” kém quá nên phải diễn, dù diễn dở, diễn gượng, bất chấp diễn bị “lộ” là... diễn!


Đất nước có bao giờ nhảm như thế này chưa?


“Bắt đầu mùa lễ hội: Tôi tắm mình trong dòng suối nhân văn” – phát biểu của tiến sĩ Trần Hữu Sơn, phó chủ tịch thường trực Hội văn nghệ dân gian Việt Nam (VOV, 6-2-2019). Nói đến lễ hội, đất nước không “tắm” nổi trong “dòng suối nhân văn”. “Nhân văn” nào ở đây? Lễ hội bây giờ là dịp buôn thần bán thánh, là dịp phơi bày các hành vi kém văn hóa, là thời điểm để người ta thể hiện bản năng sống còn, và cả “niềm tin”. Ngày 3-2-2019, dư luận đã “choáng” với bài báo VietnamNet: “Dân ơn Đảng! Đảng ơn Dân!”. “Có ở quốc gia nào mà nhân dân tin tưởng, nghĩa tình với đảng cầm quyền như ở Việt Nam?... Không biết tự thời nào, người dân, thành thói quen, cất lời là “ơn Đảng, ơn Chính phủ”. Được mùa, sắm thêm con trâu cày, “ơn Đảng, ơn Chính phủ”. Có con đỗ đại học, có công ăn việc làm, “ơn Đảng, ơn Chính phủ”. Sinh thêm con, đẻ thêm cháu, cũng không quên “ơn Đảng, ơn Chính phủ”. Có thêm cây cầu, đoạn đường, con đập, mái trường, người dân cởi lòng ngợi ca Đảng, “Đảng tốt thật”… Bài báo viết. Tuy nhiên, khi đất nước “hân hoan bước vào mùa lễ hội” thì mới thấy, với dân, chẳng có Đảng nào ở đây. Người ta mê ông Thần Tài; bứt lông lợn để “lấy hên”, đập nhau vỡ đầu để giành “phết”; giật manh chiếu ở sân đình với ước vọng sinh con trai… Phó giáo sư-tiến sĩ khoa học Phan Đình Tân còn cho biết, “Có người lợi dụng lễ hội để ẩu đả, trả thù…”.


Lễ hội còn cho thấy một sự xả tràn ẩn uất xã hội, những ẩn uất dồn nén được dịp “mở van” hết cỡ, tương tự sự “vỡ òa” của chiến thắng bóng đá. Như bóng đá, lễ hội cũng được làm rùm beng, để người dân quên đi những thực trạng đất nước. Lễ hội là lá bài mị dân. Tuy nhiên, cũng từ lễ hội người ta mới thấy khái niệm niềm tin đang khủng hoảng như thế nào. Người dân đang tin gì? Điều gì mới thật sự đáng gọi là “niềm tin” và “một bộ phận không nhỏ người dân” đang tin vào lông lợn, vào thần linh, hay tin vào chính quyền, vào “ơn Đảng”? 


Đất nước có bao giờ loạn như thế này không?

Ngày 10-1-2019, Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC) ra quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV với nội dung cấm hai xe mang biển số 51A-558.50 và 51G-772.56 được phép chạy trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, với lý do “hai phương tiện này đã có hành vi cố tình dừng xe ở trước trạm thu phí, không thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên trạm, gây ùn tắc tại trạm, gây hoang mang cho nhân viên phục vụ tại trạm thu phí, làm mất trật tự an ninh tại khu vực”. Dư luận phản ứng dữ dội trước quyết định này và giới luật sư cũng cho biết đây là một quyết định phạm luật. Có bao nhiêu điều trái khuấy phạm luật diễn ra hàng ngày ở Việt Nam và có bao nhiêu chuyện phạm luật được diễn dịch bằng những lấp liếm chẳng hạn vụ hai công an An Giang nhậu xỉn đánh dân vào ngày 6-2-2019 (mùng hai Tết) đã được miêu tả là “trên tay có cầm một vật giống gậy sắt” (Đất Việt 12-2-2019)? Đất nước có bao giờ loạn đến mức này? Điều đáng nói là bi kịch loạn trong xã hội Việt Nam sẽ không kết thúc. Điều đáng nói nhất là chẳng ai biết đất nước sẽ tiến đến đâu nhưng mọi người đều có thể hình dung nó lùi như thế nào…



-----------------------------

XEM THÊM


Khi VEC tự cho mình là nhà nước

Mặc Lâm

12/02/2019

https://www.voatiengviet.com/a/vec-bot-dau-giay-tu-cho-minh-la-nha-nuoc/4783302.html


Mạng xã hội Việt Nam trong những ngày đầu năm bị lôi cuốn theo những tin tức về vụ cướp tại trạm thu phí Dầu Giây, tiếp theo đó là một loạt câu hỏi liên quan đến số tiền thu được và nghĩa vụ thuế của công ty với nhà nước. Từ vụ cướp này người dân thấy rõ mức thu vô lý của một BOT trên lưng họ và dư luận bàn tán không dứt về tình trạng khai gian thu nhập của các đại gia chủ các BOT bẩn trên toàn quốc.


https://gdb.voanews.com/4DBE13D6-0C69-4997-B276-D4E4D9715097_cx0_cy8_cw0_w650_r1_s.jpg

Tài xế vui mừng sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh dừng thu phí ở trạm BOT Cai Lậy hồi năm ngoái. Nay BOT này bắt đầu thu phí lại nhưng giảm giá vé và kéo dài thời hạn khai thác.


Câu chuyện chưa ngã ngũ thì một tin khác xuất hiện trên báo chí làm cho dư luận căm phẫn hơn cả việc BOT gian lận, đó là bản tin VEC từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện trên tuyến cao tốc do đơn vị này quản lý, khai thác. Nguyên nhân hai phương tiện bị cấm có các hành vi vi phạm các quy định theo Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10/01/2019. VEC cho rằng những người đi trên 2 phương tiện này đã có hành vi gây rối tại trạm thu phí Long Phước trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.


VEC là chữ viết tắt của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (Vietnam Expressway Corporation). Nó là một doanh nghiệp chuyên môn đầu tư vào các dự án đường cao tốc và tranh thầu các BOT (viết tắt của tiếng Anh: Build-Operate-Transfer, Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao). Chính phủ kêu gọi các công ty tư nhân bỏ vốn xây dựng trước (build) thông qua đấu thầu, sau đó khai thác vận hành một thời gian (operate) và sau cùng là chuyển giao (transfer) lại cho chính quyền sở tại.


VEC là một Tổng công ty chuyên môn vào lãnh vực đó, và khi nó tự ý “từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện trên tuyến cao tốc do đơn vị quản lý” thì người dân bắt đầu tự hỏi liệu quyết định mà nó đưa ra có hợp pháp hay không? Và dựa vào tiêu chuẩn pháp lý nào nó có quyền cấm người dân vận hành trên đất nước của mình trong khi chính bản thân nó không phải là một cơ quan quản lý giao thông có quyền hạn xử phạt những phương tiện vi phạm pháp luật?


Ông Nguyễn Viết Tân, giám đốc VEC là người ký quyết định này và còn tuyên bố với báo chí rằng mọi quyết định của VEC đều hợp pháp.


Cụm từ “Từ chối phục vụ” chỉ là uyển ngữ, nó che bớt đi sự lộng hành của một doanh nghiệp đang nắm giữ huyết mạch lưu thông tại Việt Nam, thay vì nói “Cấm lưu hành” có vẻ công an quá nó chuyển sang “từ chối” cho dễ nghe hơn giống như trước đây nó từng sử dụng “thu giá” thay vì “thu phí”. Cách nói của những chủ nhân ông đường nhựa nắm giữ phương tiện giao thông của người dân qua hành vi thu phí cao một cách bất hợp pháp.


“BOT bẩn” là cụm từ rất chính xác khi mô tả những trạm thu phí do doanh nghiệp câu kết với chính quyền địa phương nhằm móc túi dân chúng một cách hợp pháp. Đã có phát hiện nhiều chủ tịch Ủy ban của địa phương có cổ phần trong các BOT, nơi họ có quyền sinh sát. Những nhóm lợi ích từ lâu nhắm tới các BOT như những bầu sữa vô tận khi mà mọi phản ứng của dân chúng đều bị chính quyền đứng phía sau hành hung bằng các hình thức côn đồ, lưu manh sẵn sàng đàn áp người dân nếu họ chống lại BOT bẩn. Hai chiếc xe bị VEC cấm lưu hành trên các tuyến đường thuộc quyền thu phí của nó đã từng có hành động công khai chống lại việc thu phí quá giới hạn và tài xế hai chiếc xe này chống lại bằng cách bất hợp tác.


VEC dù có lớn đến cỡ nào cũng chì là một doanh nghiệp, nó có quan hệ với khách hàng là những người sử dụng con đường mà nó đặt trạm thu phí cũng chỉ là quan hệ dân sự. Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV của Nguyễn Viết Tân ký vào ngày 10.1.2019 không có ý nghĩa gì về mặt pháp lý, nó chỉ làm cho sự căm phẫn của người dân dày thêm khi họ đã chịu đựng những chèn ép qua các mức thu lệ phí hút máu không thua gì cá mập của các BOT bẩn trên khắp nước.


VEC không phải là cơ quan quản lý đường cao tốc mà chỉ là đơn vị khai thác, đầu tư xây dựng và quản lý, bảo trì công trình đường cao tốc, VEC không có chức năng và thẩm quyền quản lý Nhà nước nhất là việc xử phạt vi phạm.


Xét về hành vi, Nguyễn Viết Tân có thể vi phạm pháp luật khi tự ý cấm đoán người dân trong khi chức năng của ông ta chỉ là giám đốc doanh nghiệp. Người dân có quyền lưu thông trên bất cứ con đường nào miễn là họ đóng thuế hay phí đầy đủ cho phương tiện của họ, mọi hành động chống đối lại các hành xử thô bạo của một BOT bẩn nếu có tranh chấp thì cơ quan pháp luật như tòa án mới có quyền đưa ra quyết định cấm hay không cấm tùy theo trường hợp. Nguyễn Viết Tân đã lộng hành ký quyết định xử phạt người dân trong khi một doanh nghiệp chỉ có thể hành xử đối với nhân viên dưới quyền của nó mà thôi.


Nguyễn Viết Tân có thể đang “vận động” báo chí bênh vực cho hành vi phạm pháp của ông ta qua những nghị định từng được chính phủ ký có liên quan đến các cung đường có BOT nhưng tới giờ phút này mạng xã hội vẫn nóng bỏng trong đề tài này vì thế khó lòng có tờ báo nào dám đi ngược lại với hành động phi pháp của Nguyễn Viết Tân khi ông ta tưởng có thể vượt lên trên pháp luật bằng đồng tiền mà công ty ông ta có được từ từng đồng bạc cơ cực của người dân.


Quyết định của một đơn vị không có chức năng nhà nước lại xâm phạm quyền tự do đi lại của người dân nếu không được xử lý thì rồi đây sẽ có những quyết định khác theo sau do các nhóm lợi ích nghĩ ra để đẩy người dân vào đường cùng. Khi lưng đã bị đẩy vào tường hành động tất yếu là người ta sẽ phản ứng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình đến lúc ấy sẽ còn nhiều đề tài hay ho cho báo chí lẫn mạng xã hội.


(Đến tối ngày 12 tháng Hai, giờ Việt Nam, báo chí trong nước bắt đầu đưa tin, rằng lãnh đạo VEC cho biết vụ “từ chối phục vụ vĩnh viễn” “mới chỉ là đề xuất, không đủ cơ sở thực hiện.”)








© 2016 About Us | Terms & Conditions