BẢN ÁN "BỎ TÚI" CHO GIA ĐÌNH CÔ BÉ ĐI KÊU OAN (Huyền Trang, GNsP)





Bản án “bỏ túi” cho gia đình cô bé đi kêu oan Huyền Trang, GNsP Đăng ngày 18.03.2016 - 3:00am http://www.tinmungchonguoingheo.com/blog/2016/03/18/ban-an-bo-tui-cho-gia-dinh-co-be-di-keu-oan/
GNsP (18.03.2016) – Tại Việt Nam, những vụ án được công luận quan tâm đều có kết cục được tòa tuyên với bản án “bỏ túi”, nghĩa là Hội đồng xét xử (HĐXX) và Viện kiểm sát (VKS) sẵn sàng ngồi xổm và chà đạp trên pháp luật để tuyên những bản án được định sẵn ngay từ khi có lịch xét xử, mà bỏ qua các tình tiết “khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội” để xác định sự thật của vụ án.
Điển hình của trường hợp án “bỏ túi” này là vụ án oan sai của cha-mẹ cô bé dân oan chưa đầy 10 tuổi –Ngô Thị Cẩm Hiếu đã đi kêu oan cho cả cha lẫn mẹ dòng giã suốt hơn 2 năm trời, khi Tòa cấp phúc thẩm (lần 2) tuyên ông Huynh 3 năm tù giam (tính từ ngày 04.07.2013-13.02.2015, tức ông Huynh đã thụ án được 20 tháng và còn 16 tháng ông sẽ phải thụ án sau), tuyên bà Tâm 2 năm 6 tháng 7 ngày tù giam bằng thời hạn tạm giam và bà được trả tự do tại tòa. Sau phiên tòa này, cả gia đình bé Hiếu được đoàn viên chính là niềm vui cho cô bé dân oan bé nhỏ kiên cường này.
Tuy nhiên, cái “ác” của vụ án này đó chính là theo lịch xét xử, phiên tòa phúc thẩm của ông Huynh-bà Tâm sẽ diễn ra vào ngày 13.01.2016, trước tết Bính Thân 22 ngày, với niềm tin công lý thì mẹ bé Hiếu – bà Nguyễn Thị Tâm sẽ được trả tự do tại tòa, nhưng HĐXX đã hoãn phiên tòa bởi lý do người bị hại vắng mặt. Điều này cho thấy, chính các cơ quan bảo vệ pháp luật đã “cố tình” chia ly sự đoàn tụ của gia đình nhỏ bé ấy, khiến người cha-người mẹ-người con mỗi người một nơi trong những ngày lễ tết Bính Thân 2016.
Có thể vì như vậy mà cả gia đình bé Hiếu đã òa lên trong tiếng khóc nức nở của niềm vui và niềm hạnh phúc, khi tòa phúc thẩm tuyên trả tự do cho bà Tâm ngay tại tòa vào ngày 16.03.2016 vừa qua, bởi vì nỗi khát khao được sống yên bình, quây quần bên nhau của ông Huynh-bà Tâm-bé Hiếu là sự chờ đợi bấy lâu nay của cả gia đình họ. Sự kiếm tìm hạnh phúc của gia đình nhỏ bé ấy chính là thước đo “bề dày” bất công, vô tâm của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
http://www.tinmungchonguoingheo.com/wp-content/uploads/2016/03/2-2-768x576.jpg Giây phút đoàn tụ của gia đình cô bé Dân oan Ngô Thị Cẩm Hiếu sau hơn hai năm xa cách cùng với các Luật sư tham gia bảo vệ pháp luật cho gia đình. (Ảnh: Dương Lâm)
Diễn biến phiên tòa cấp phúc thẩm (lần 2)
Trong phiên tòa phúc thẩm (lần 2), tại TAND tỉnh Bình Phước, trong phần xét hỏi, Chủ tọa đã cách ly bà Tâm ra khỏi tòa để HĐXX xét hỏi ông Huynh.
Trước tòa, ông Huynh thừa nhận ông đã đánh ông Nguyễn Bá Tuyên –người bị hại- với mục đích là để “giải vây” và “bảo vệ” cho vợ-con ông, khi ông nghe tiếng hét kêu cứu thất thanh của con gái ông và vợ ông. Ông Huynh cũng thừa nhận, ông không “cố ý gây thương tích” cho ông Tuyên.
Ông Huynh cũng tố cáo Điều tra viên đã cấu kết với VKS dựng hiện trường giả, đã “không làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án”.
Tại tòa, ông Huynh cũng xin giảm nhẹ hình phạt vì ông là con của liệt sĩ.
Đối với bà Tâm, bà luôn kêu oan và tố cáo cán bộ tên Khuyên đã dùng nhục hình để ép cung trong thời giam bà bị tạm giữ, tạm giam dưới sự chứng kiến của can phạm Đinh Thị Oanh. Bà Tâm cũng tố cáo rằng, có nhiều lời khai của Cơ quan điều tra không đúng sự thật như bà đã khai.
Hiện nay, sức khỏe của bà Tâm yếu, tai trái bị điếc, chân bà đau đi khập khiễng do bị cán bộ đánh ép cung.
Trong phiên tòa, bé Hiếu –nhân chứng quan trọng của vụ án- luôn khẳng định, ông Tuyên đã đánh cha-mẹ và bé Hiếu. Một người hàng xóm của gia đình ông Huynh tên là Tư đã chứng kiến ông Tuyên hành hung ông Huynh-bà Tâm-bé Hiếu. Sau đó, ông Tư và một người hàng xóm khác đã chở ông Huynh-bà Tâm-bé Hiếu đi khám bệnh.
Thái độ của ông Tuyên cũng giống như trong các phiên tòa lần trước là tỏ rõ trên khuôn mặt sự sợ hãi, ấp úng, lúng túng, run rẩy khi trả lời các câu hỏi của HĐXX và của các LS tham gia phiên tòa. Trước tòa, ông Tuyên bác bỏ không “cầm gậy” đánh bà Tâm-ông Huynh nhưng tại Bút lục số 50 ông Tuyên lại thừa nhận: “Tôi cầm gậy để đánh trả nhưng không đánh trả được vì ông Huynh và bà Tâm đánh liên tục vào người tôi”.
HĐXX bác bỏ các luận cứ của các Luật sư
Tại tòa, ba vị Luật sư tham gia bào chữa cho ông Huynh-bà Tâm là LS Lê Ngọc Luân, LS Nguyễn Văn Quynh và LS Nguyễn Khả Thành đưa ra nhiều tình tiết của vụ án mà cơ quan tiến hành tố tụng đã vi phạm một cách nghiêm trọng BLTTHS:
Thứ nhất, mục đích/nguyên nhân/động cơ mà ông Huynh đánh trả lại ông Tuyên là hành vi “phòng vệ chính đáng” khi ông Huynh muốn bảo vệ vợ và con gái ông khi bị ông Tuyên hành hung. Tuy nhiên, HĐXX chưa làm rõ mục đích/nguyên nhân/động cơ dẫn đến vụ đánh nhau này là do ai đã gây ra.
Thứ hai, các tang vật, vật chứng của vụ án như “cây gậy” -hung khí- không được thu giữ tại hiện trường theo đúng thủ tục pháp luật.
Thứ ba, CQĐT đã vi phạm pháp luật khi tạm giam, tạm giữ bà Tâm trái pháp luật. Các LS nói rằng, có hai quyết định khởi tố bà Tâm cùng số, cùng nội dung nhưng khác ngày. Vào ngày 29.08.2013, công an xã mời bà Tâm lên làm việc, sau đó bà bị bắt dưới sự chứng kiến của đứa con nhỏ chưa đầy 10 tuổi –bé Ngô Thị Cẩm Hiếu (SN 2003), biên bản bắt tạm giam kết thúc vào lúc 16 giờ 10 phút nhưng biên bản giao nhận, khởi tố và quyết định phê chuẩn của VKS cũng ngay sau đó.
Thứ tư, các thương tật của ông Huynh-bà Tâm-bé Hiếu không được các cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét và giám định vết thương.
Thứ năm, vết thương với tỷ lệ thương tật 43% của ông Tuyên là nguyên nhân chính “đẩy” ông Huynh-bà Tâm vào chốn lao tù với khung hình phạt nặng nề tại khoản 3, Điều 104 BLHS tội “cố ý gây thương tích”. Do đó, các LS mong rằng, tòa hãy giám định lại vết thương của ông Tuyên với một Hội đồng giám định pháp y khác để xác định “tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe” được rõ ràng và khách quan hơn.
Thứ sáu, lời khai của ông Huynh-bà Tâm không được các cơ quan tiến hành tố tụng lưu tâm, còn lời khai của ông Tuyên thì được các cơ quan tiến hànhh tố tụng lưu ý. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã sử dụng lời khai của ông Tuyên để kết án ông Huynh-bà Tâm với khung hình phạt nặng tại khoản 3, Điều 104 BLHS. Trong khi đó “xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội…” thuộc về CQĐT, VKS và Tòa án (Điều 10 BLTTHS).
Chính vì lẽ đó, LS Luân đã đề nghị HĐXX chuyển tội danh từ Điều 104 BLHS thành Điều 106 BLHS. Còn LS Thành và LS Quynh đề nghị HĐXX “hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại”.
http://www.tinmungchonguoingheo.com/wp-content/uploads/2016/03/3-2-768x576.jpg Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Phước tuyên bà Tâm 2 năm 6 tháng 7 ngày tù giam bằng thời hạn tạm giam và bà được trả tự do tại tòa là một bản án “bỏ túi” thiếu sự công tâm và công minh. (Ảnh: Dương Lâm)
Nhận xét của người tham dự
Nhận thấy, về phía VKS luôn giữ quyền “công tố” luận tội ông Huynh-bà Tâm tại khung hình phạt khoản 3 Điều 104 BLHS và cho rằng đó là tội danh “đúng người, đúng tội”. Tuy nhiên, VKS đề nghị HĐXX lưu tâm đến các tình tiết giảm nhẹ đối với ông Huynh.
Trong phiên tòa, HĐXX không công tâm khi không suy xét kỹ mục đích/nguyên nhân/động cơ của vụ án dẫn đến đánh nhau là gì. Liệu ông Huynh-bà Tâm thực sự có phải là người đã “cố tình” gây ra vụ án này? Tuy nhiên, HĐXX còn cho rằng ông Huynh-bà Tâm đánh ông Tuyên do có yếu tố “tổ chức”.
Về phía LS của người bị hại thì thể hiện nhiệm vụ và chức năng giống như đại diện VKS, nghĩa là LS này luôn tỏ rõ hành vi “công tố” và “luận tội” ông Huynh-bà Tâm-bé Hiếu trước tòa.
Theo các vị LS bào chữa cho ông Huynh-bà Tâm cho biết, ông Huynh sẽ làm đơn “hoãn thi hành án” do ông sắp phải nhập viện chữa trị bệnh tuyến tiền liệt, vợ ông sức khỏe yếu và con ông còn thơ dại.
Tóm tắt vụ án “cố ý gây thương tích”
Bản chất của vụ án “cố ý gây thương tích” xảy ra vào ngày 16.02.2013, chỉ là giọt nước tràn ly của cả quá trình oan khuất mà gia đình ông Huynh-bà Tâm gánh chịu kéo dài gần chục năm trước, bắt đầu từ năm 2005.
Vụ việc bắt đầu khi ông Huynh-bà Tâm vay tiền của anh em ông Nguyễn Bá Tuyên, gia đình có nhiều thành viên là cán bộ xã Đường 10, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Do ông Huynh-bà Tâm không trả được nợ, gia đình ông Tuyên –chính là chủ nợ có quyền lực trong tay và là những người thi hành công vụ ở địa phương này- nên đã “xiết nợ” đất đai của gia đình ông bà. Lúc đó, cơ quan chức năng huyện Bù Đăng có văn bản xác định “hành vi xiết nợ là trái pháp luật đề nghị công an xem xét xử lý chủ nợ”, còn vụ việc vay-nợ sẽ được Tòa án dân sự giải quyết.
Thế nhưng, công an huyện Bù Đăng chỉ chấp hành có “một nửa” chỉ đạo của cấp trên, nghĩa là đưa vụ việc vay-nợ giữa ông Tuyên và ông Huynh-bà Tâm ra Tòa án dân sự giải quyết, “một nửa còn lại” là “xử lý hành vi xiết nợ” của anh em ông Tuyên được công an đáp trả rằng “không có dấu hiệu hình sự”. Sau khi Tòa án dân sự xét xử nhanh chóng, thi hành án khẩn trương, trong khi ông Huynh-bà Tâm đang mải đi khiếu nại các cấp có thẩm quyền thì đất đai của ông Huynh-bà Tâm bị “cưỡng chế” nhanh chóng giao cho các chủ nợ.
Huyền Trang, GNsP





© 2016 About Us | Terms & Conditions