CÓ THỂ THẤY GÌ TỪ CHUYẾN ĐI MỸ CỦA ÔNG ĐINH THẾ HUYNH (Bùi Quang Vơm - Thông Luận)




Có thể thấy gì từ chuyến đi Mỹ của ông Đinh Thế Huynh Bùi Quang Vơm Được đăng ngày Thứ bảy, 05 Tháng 11 2016 20:00 http://ethongluan.org/index.php?option=com_content&view=article&id=25693:co-the-tha-y-gi-tu-chuye-n-di-my-cua-ong-dinh-the-huynh-bui-quang-vom&catid=66&Itemid=301 . https://c4.staticflickr.com/6/5327/30167878923_35fba8c472.jpg Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư và Ngoại trưởng Hoa Kỳ, John Kerry . Một trong những lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư vừa kết thúc chuyến thăm lần đầu tiên trên cương vị mới tới Hoa Kỳ từ ngày 24-30/10/2016 theo lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ, John Kerry.
Dư luận xôn xao, nhưng cho đến tận bây giờ, ngày 5/11/2016, các nhận định từ các phân tích khác nhau, phần nhiều mang dấu vết chủ quan từ góc nhìn của từng người, không cho thấy được nhiều sự nhất trí. Chuyến đi của ông Đinh Thế Huynh vẫn còn quá nhiều ẩn số. Bài viết này trình bày một phân tích từ góc nhìn khác, có thể có một vài điểm khác với đánh giá của dư luận, nhưng cũng là thêm một đóng góp cho diễn đàn.
Chúng ta sẽ cố gắng đặt mình vào tư thế của những người trong cuộc, là bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, cố gắng lý giải những quyết định mà họ lựa chọn.
Ai cũng biết nguyên tắc sinh hoạt của Đảng Cộng sản Việt Nam nhiều năm nay là Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Mọi quyết định đều tuân theo nghị quyết, 5 năm một lần có nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc, 6 tháng một lần có nghị quyết trung ương, một đến ba tháng một lần có nghị quyết thường trực Ban bí thư và hàng tuần đến hàng tháng có nghị quyết Bộ chính trị. Có định kỳ và có bất thường. Không một công việc nào không được chuẩn bị trước, không một quyết nào là quyết định cá nhân.
Như vậy nhận định cần thống nhất trước tiên là chuyến đi Mỹ từ ngày 24/10 tới ngày 30/10/2016 là quyết định của Bộ chính trị và ông Đinh Thế Huynh là người được lựa chọn để ủy nhiệm, nội dung chương trình làm việc suốt một tuần với các đối tượng, đối tác khác nhau trong chính quyền và hệ thống chính trị Mỹ, gặp ai, bàn gì và phát ngôn thế nào đều đã được chuẩn bị chi tiết. Việc chắp mối, và cùng với Mỹ tổ chức cho chuyến đi là duy nhất qua con đường ngoại giao. Ông Phạm Bình Minh, ủy viên bộ Chính trị, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại giao phải nhận được phân công thực hiện. Ông Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh phải là người được ủy quyền liên hệ trực tiếp với Bộ Ngoại giao Mỹ, chương trình và những nội dung quan trọng nhất, mục đích cần đạt được của chuyến đi, chắc chắn phải có sự thoả thuận trước của phía Mỹ. Còn chuyện mời chỉ là việc thủ tục. Như vậy, việc liên hệ có tính cá nhân ông Đinh Thế Huynh, hay thậm chí là hoạt động riêng rẽ của ông Trọng với ông Huynh nếu được coi là đồng mưu là không thể. Giả thiết này có thể bị loại bỏ.
Vì vậy, trước hết, chuyến đi Mỹ này không thể chỉ mang tính hình thức, có tính cách ngoại giao thông thường. Nội dung chuyến đi Mỹ phải có một ý nghĩa chiến lược quan trọng, nếu không phải là quyết định đối với việc định hình các chính sách kinh tế trong thời gian tới. Nghị quyết trung ương 4 vừa kết thúc xác định tốc độ tăng trưởng có xu hưởng giảm dần, phản ánh những động lực do các chính sách cải cách giai đoạn trước đã hết tác dụng, cần những cú hích động lực mới. Trật tự xã hội có những biểu hiện mất ổn định nghiêm trọng, cần có tăng trưởng mạnh và rộng khắp mới tránh được những tan vỡ dẫn đến sụp đổ của chế độ. Động lực mới đó trông cậy hoàn toàn vào Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, Hiệp định TPP.
Nếu TPP được phê chuẩn, nền kinh tế của Việt nam đương nhiên được công nhận là nền kinh tế thị trường, sẽ tránh được các thiệt hại và rào cản của luật chống phá giá, cản trở và gây thiệt hại rất lớn cho lưu lượng hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là nông lâm hải sản của Việt Nam vào các thị trường lớn và thực chất như thị trường Mỹ và châu Âu.
Đặc biệt vào được TPP, trong vòng hai tới 5 năm, gần 90% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được hưởng chế độ thuế bằng zero %. Đây là nguồn kích thích cho đầu tư sản xuất rất lớn, thu hút các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, tăng lượng tiền lưu thông, tăng khả năng thanh toán cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động, điều kiện cứu cánh cho sự ổn định xã hội. TPP là cú hích cần thiết tiếp tục giữ cho nền kinh tế có sức bật và duy trì động lực tăng trưởng. Không có TPP, các mục tiêu tham vọng của nghị quyết Đại hội XII chắc chắn phá sản. Tăng trưởng đạt trên mức 7%, thu nhập đầu người trên 5000đô la/năm, mục tiêu đưa nền kinh tế Việt Nam đạt tiêu chí nền công nghiệp phát triển vào năm 2020, đã một lần phải điều chỉnh, một lần nữa đứng trước nguy cơ phá sản. TPP là lựa chọn sống còn của chế độ.
Nhưng TPP quy định hàng hóa xuất khẩu phải sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc từ các nước thành viên nội khối, ngoài việc đòi hỏi phát triển nền công nghiệp phụ trợ và quy mô sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam, và bắt buộc hạn chế sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu đến từ Trung Quốc.
Một số nhà phân tích cho rằng chuyến đi "2 trong 1" lần này của ông Đinh Thế Huynh tới Bắc Kinh và Washington là cách làm quen thuộc của các lãnh đạo Việt Nam từ trước tới nay, nghĩa là hoặc thực hiện cùng một lúc hoặc 2 chuyến đi liên tiếp nhau đến hai "trụ" trong mối quan hệ "tay ba" Việt-Mỹ-Trung.
Trong khoảng thời gian 8 ngày, là một thời gian dài trong một cuộc viếng thăm, nhưng suốt chuyến đi, chỉ có cuộc hội đàm chính thức với ông John Kerry, bộ trưởng ngoại giao ngày 25/10/2016, chỉ được công bố công khai với một nội dung nhạt nhẽo, lặp lại những gì đã nói, đã làm, những ngày còn lại không có báo chí nào, kể cả của Hoa Kỳ, nhắc tới. Điều này không giải thích một cách thỏa đáng sự sắp xếp có chuẩn bị của bộ chính trị, xưa nay vẫn rất thận trọng, tỉ mỉ, đặc biệt trong công tác đối ngoại. Buộc phải nghĩ rằng, chắc chắn có những cuộc gặp và những nội dung được giữ kín.
Có thể là những gì, tại sao phải giữ kín. Không thể có gì khác ngoài hai nội dung:
Một là chiến lược trong chính sách biển Đông, và từ chiến lược biển Đông sẽ có những thay đổi chiến lược trong quan hệ với Trung Quốc.
Bản chất âm mưu chiếm đọat hoàn toàn biển Đông của Trung Quốc không hề thay đổi, nó đang tìm cách khác, hoặc ít nhất chờ thời cơ. Philippines trong tay Duterte, một chính trị gia nông nổi, có phong cách giang hồ, có thể bị Trung Quốc lợi dụng triệt để, hoặc có thể sập bẫy của Trung Quốc, là một trong những cơ hội đang xuất hiện theo đúng chờ đợi của Trung Quốc.
Chỉ cần Mỹ không còn được tự do hành động, không còn tính chính danh để công khai sử dụng vũ lực, Trung Quốc sẽ châm lửa chớp nhoáng để tạo việc "đã rồi".
Việt Nam muốn kiểm tra lập trường và tính sẵn sàng của Mỹ. Mỹ cũng đã nhận được tín hiệu đó. Chính vì vậy mà ngay khi ông Đinh chưa bắt đầu đi Mỹ, ngày 21/10/2016, thì Hạm đội Ba đã được lệnh tuần tra tại Hoàng Sa, với ngụ ý rằng, thậm chí ngay cả Hoàng Sa, là nơi chỉ có quan hệ giữa Trung Quốc và chủ quyền của Việt Nam, Mỹ cũng không ngại đối đầu với Trung Quốc, thậm chí còn kèm theo một thứ tình cảm như sự chuộc lại quá khứ, bởi chính Mỹ dính trách nhiệm tới việc mất mát quần đảo này của Việt Nam, và đồng thời làm mất thế chiến lược của Mỹ tại biển Đông. Việc tăng cường Hạm đội Ba cho khu vực Thái Bình Dương, cùng với Hạm đội Bảy thường trực tại căn cứ của Nhật, cho thấy Mỹ quyết tâm đối phó với Trung Quốc trước thái độ bất thường của Philippines.
Hai là thay đổi quan hệ với Trung Quốc, cũng thể hiện trên hai mặt :
Một là tách dần ra khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế. Thông qua TPP để giảm phụ thuộc vào nguyên liệu và nguồn tiền vốn từ Trung Quốc. Việc tách khỏi sự lệ thuộc về kinh tế với Trung Quốc là một việc làm khó, cần một lộ trình dài, nhưng dứt khoát không có con đường nào khác ngoài các Hiệp định thương mại tự do như FTA với EU, với Canada, Astralia, với Anh, với Liên minh kinh tế Á Âu v.v. trước hết và quan trọng nhất là TPP.
Hai là từ bỏ lệ thuộc ý thức hệ cộng sản, mà trên thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam thừa biết bản chất tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã từ lâu không còn là cộng sản. Trung Quốc đang thực hiện một thứ tư tưởng hoàn toàn Trung Quốc, không mang ý thức hệ nào khác. Và loại tư tưởng này, dù có biến dạng, dù được bao phủ bằng vỏ bọc hiện đại hóa, bản chất là tư tưởng Đại Hán, tư tưởng trung tâm và thống lĩnh nhân loại, chiếm đọat và nô dịch các dân tộc còn lại, với tư duy cương thổ lạc hậu.
Đinh Thế Huynh là nhân vật duy nhất có số lần Hội thảo lý luận với Trung Quốc nhiều nhất, từ lần thứ VII năm 2011 tới lần thứ XI năm 2015. Nếu là người trung thành với lý tưởng chủ nghĩa Mác Lê nin dưới mầu sắc Trung Quốc, thì ông Đinh có bề dày để trở thành người trung thành nhất, nhưng nếu để hiểu và có thể khẳng định bản chất phản chủ nghĩa Mác của đảng cộng sản Trung Quốc, thì ông Đinh cũng là người có nhiều khả năng nhất và chắc chắn là người hiểu rõ nhất.
Ông Đinh Thế Huynh đã nhận nhiệm vụ Thường trực Ban bí thư, đã trao quyền trưởng Ban Tuyên giáo lại cho Võ Văn Thưởng, nhưng Hội đồng lý luận trung ương, cơ quan cao nhất về hướng đạo tư tưởng và ý thức hệ của hệ thống chính trị, chưa biết vì lý do gì mà mãi tới 7/09/2016 mới được quyết định thành lập, và chức chủ tịch vẫn tiếp tục được giao cho ông Đinh Thế Huynh cho nhiệm kỳ 2016-2021. Đây là quyết định giành giữ quyền quyết định lựa chọn chính trị của hệ thống hay chỉ đơn thuần là đối phó với sự phân rã tư tưởng đang rất rõ ràng trong nội bộ ? Có khả năng ông Huynh muốn toàn quyền quyết định sự chuyển hướng của ý thức hệ tư tưởng của hệ thống khi đủ điều kiện, hơn là cảnh giác một xu hướng chính trị khác. Sự chuyển hướng ý thức hệ đó có thể là gì ? Nếu là một cải cách dân chủ theo khuôn mẫu Mỹ, thì ông Huynh liệu có lặp lại thất bại của Gorbachov hay không. Kinh nghiệm cho thấy, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam muốn cải cách, họ sẽ làm được.
Và tại sao, mặc dù ông Đinh Thế Huynh vẫn tiếp tục giữ chức chủ tịch Hội đồng lý luận, nhưng Hội thảo lý luận Trung Việt lần XII, năm 2016, vẫn chưa có tín hiệu được tổ chức, trong khi thông thường, cuộc Hội thảo luân phiên hàng năm này, thường được tổ chức vào muà hè, lần cuối cùng gần đây là lần thứ XI, tổ chức tại Thượng Hải vào 17/06/2015, mặc dù Hội thảo vẫn được nhắc lại trong tuyên bố chung Trung Việt tại chuyến thăm tháng 9/2016 của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ông Đinh gặp người đồng nhiệm của mình, ông Lưu Vân Sơn, trưởng Ban tư tưởng trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh, ngày 21/19/2016 nhưng không thấy hai ông nhắc gì đến chủ trương Hội thảo, mặc dù cho tới cuối năm, không còn mấy thời gian. Không biết có phải vì lý do gì khác, hay đơn thuần là việc hội thảo lý luận đã trở thành trò lố bịch, khi cả hai đều đã dứt khoát đoạn tuyệt chủ nghĩa Mác, hay ít nhất thì cũng đã chán cái trò đạo đức giả, ẩn nấp dưới lá bài chủ nghĩa Mác của Trung Quốc. Chắc chắn không phải vô tình khi ông nhắc lại cần "nói đi đôi với làm" với chính kẻ quản lý tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ hơn mười năm nay, như một cách mỉa mai cái chót lưỡi đầu môi của ngài Tập chủ tịch.
Chưa bao giờ một nhân vật có vai trò cầm nắm tư tưởng của chế độ và là nhân vật sẽ thay thế người đứng đầu đảng cầm quyền có một chuyến đi nhiều ngày như vậy, tiếp cận một hệ thống chính trị vốn được coi là đối kháng bản chất, lại chỉ có một nội dung hời hợt, mờ nhạt như những gì được công bố công khai, không giống với tập quán thận trọng và tỉ mỉ xưa nay của lãnh đạo đảng. Hình như người ta đang được cố tình che đậy một hoạt động khác thường nào đó.
Có người liên hệ tới chuyến đi Mỹ của bà nguyên phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn 15 cán bộ cao cấp ngành Lập pháp của Quốc hội Việt Nam, hồi tháng tư năm 2015 đã thực hiện một chương trình 10 ngày tập huấn và tìm hiểu cơ chế hoạt động của hệ thống lập pháp Mỹ. Nội dung tập huấn tại Trung tâm Đại học Havard là trả lời câu hỏi, "làm thế nào thay đổi hệ thống lập pháp mà vẫn giữ ổn định chế độ chính trị" ? Chuyến tập huấn cao cấp dài ngày này cho thấy một phần chủ trương cải cách chính trị theo xu hướng tăng cường quyền lực cho cơ quan lập pháp của trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lần đi này của ông Huynh, ngoài những cuộc gặp và tuyên bố, nhân vật đứng đầu về công tác tư tưởng của hệ thống chính trị Việt Nam rất có thể đã có một chuyến tập huấn hoặc khảo sát mô hình của hệ thống chính trị của Mỹ. Trong phần sau của chuyến đi, ông Đinh Thế Huynh có những cuộc làm việc cả với Đại diện của đảng Dân chủ lẫn của đảng Cộng hòa. Người ta đặt câu hỏi nội dung những cuộc trao đổi này là gì, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam quan tâm tới điều gì về hoạt động của hệ thống chính trị Mỹ. Liệu có bài toán đa đảng trong chuyển tiếp dân chủ không ? Đảng cộng sản Việt Nam có phải đang nghĩ tới một đảng chính trị đối lập hợp pháp cho hệ thống chính trị của Việt Nam không? Nếu Trung Quốc biết được những ý định cải cách như vậy thì sẽ thế nào ?
Có một nội dung cũng quan trọng khác liên quan tới sự thành công của hội nghị APEC mà Việt Nam đăng cai tổ chức năm 2017. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh "APEC 2017 là một trong những sự kiện đối ngoại quan trọng nhất trong tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta". Không loại trừ, nội dung đang được chuẩn bị cho Hội nghị APEC cần được tham khảo trước với Mỹ vì một lý do tế nhị nào đó, và vì thái độ và đóng góp của Mỹ có vai trò quyết định đối với thành công của Hội nghị.
Có người so sánh chuyến đi của ông Huynh với chuyến đi của ông Phạm Thanh Nghị, nguyên bí thư thành ủy Hà Nội, thăm Mỹ ba tháng trước khi có chuyến thăm chính thức của tổng bí thư Nguyễn Phú trọng tháng 5/2015. Ông Nghị là hòn đá dò đường, không hơn. Trong khi thể chế chính trị độc đảng chưa có được một căn cứ nào chứng tỏ được chính phủ Mỹ thừa nhận, ông Nghị với tư cách một cán bộ chính trị thuần túy, cần phải biết chính phủ Mỹ đón tiếp và có đối sách thế nào. Việc này cần cho cả hai, cả Việt Nam và Mỹ. Như một cuộc tập dượt trước, những trục trặc có thể sẽ bộc lộ và sẽ có những điều chỉnh cần thiết. Chưa kể, an ninh cộng sản luôn muốn biết các tình huống an ninh sẽ xảy ra là gì, thái độ và các hình thức có thể mà lực lượng chống cộng hải ngoại tại Mỹ có khả năng sẽ thực hiện là gì, chúng sẽ lộ diện và sẽ được bóp chết từ trứng nước. Bộ trưởng Trần Đại Quang thăm Mỹ không chính thức, một tháng trước chuyến đi có lý do này.
Ông Đinh Thế Huynh sang Mỹ với tư thế người thay thế quyền lực cao nhất của chế độ. Thể chế chính trị độc đảng, vai trò tối cao của đảng đã được chính phủ Mỹ xác nhận. Ông này sang với tư cách kiểm tra, khảo sát các điều kiện để xác lập đường lối chính trị, đối ngoại và chính sách kinh tế có tính chiến lược dài hạn với chính quyền Mỹ, bất kể tổng thống mới là ai, trước hết là nhằm khẳng định tương lai của TPP. Người tạo dựng chính sách là ông, là đảng, theo cơ chế đảng cầm quyền, chứ không phải Thủ tướng chính phủ. Việc bộ trưởng Bộ Nội vụ đột ngột kiến nghị Quốc hội hoãn phê chuẩn Luật Hội, đúng vào chiều ngày 25/10/2016, là tín hiệu khẳng định TPP sẽ được Mỹ phê chuẩn của ông Huynh từ cuộc Hội đàm với Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày, nhưng cũng là một chứng minh với Chính phủ Mỹ vai trò của chính ông Đinh Thế Huynh có hiệu lực tức thì quyết định việc lập pháp hay hình thành chính sách của Việt Nam.
Như vậy, việc ông Huynh sang Mỹ là một thái độ chiến lược của Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc sang Trung Quốc trước khi sang Mỹ chỉ là một động thái giữ thăng bằng hình thức. Một mặt, người ta muốn công khai chứng tỏ thần phục, theo cách nghĩ thông thường rằng, Việt Nam trình báo và xin chỉ thị, trước khi có quan hệ với Mỹ, nếu có gì với Mỹ thì cũng đã có sự cho phép ngầm của Trung Quốc, bởi vì Việt Nam hiểu rõ rằng Trung Quốc muốn thế. Mặt khác, bằng sự lấp lửng đó, Việt Nam muốn tránh một phản ứng bất lợi cho quan hệ với Trung Quốc, mặc dù, trên thực tế thực thi một chính sách chiến lược thực chất hơn với Mỹ.
Điều có thể khẳng định chắc chắn rằng ông Huynh đã được lựa chọn để thay thế ông Trọng. Tuyên bố văn bản 13-BT/TW của Ban bí thư ngày 17/08/2016 về việc xét bổ nhiệm hay đề, ứng cử cán bộ cao cấp, chỉ căn cứ vào tuổi được khai trong hồ sơ gốc, khi kết nạp đảng, chính là bản án tử hình cho sự nghiệp chính trị của Trần Đại Quang, chưa kể, việc cố tình khai giấu tuổi tác là vi phạm điều lệ đảng, có thể bị xét kỷ luật tới mức khai trừ.
Điều còn chưa rõ là việc thay thế này sẽ được thực hiện vào lúc nào, giữa nhiệm kỳ như ông Trọng hình như đã hứa tại Hội nghị 14 đại hội XI, tức là vào đầu năm 2018 hay là hết nhiệm kỳ này, vào năm 2020.
Nếu vào giữa nhiệm kỳ, ông Huynh sẽ phải chuẩn bị một báo cáo chính trị khi nhậm chức Tổng bí thư. Có thể mục đích của chuyến đi này chính là định hình các nội dung chiến lược của báo cáo đó. Có thể chứa đựng những thay đổi căn bản, bước dạo đầu cho những cải cách về chất của chế độ ở nhiệm kỳ tiếp theo. Chiến dịch chống tham nhũng có thể chỉ kết thúc với cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Đinh La Thăng sẽ tạm thời yên vị. Hoàng Trung Hải và Nguyễn Văn Bình tạm chưa thể bị nhắc đến. Lý do duy nhất là tránh một việc xáo trộn và thay đổi cán bộ quá lớn, không thể chuẩn bị kịp.
Chúng ta không đủ tư liệu để có thể nhận dạng chính xác các hành vi của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng nếu đơn giản hóa nó, nhìn nó chỉ bằng những biểu hiện nhìn thấy được thì không tránh khỏi sai lầm nông cạn. Nhưng yếu tố Đinh Thế Huynh và chuyến đi khác thường của ông này sang Mỹ mang tín hiệu một sự chuyển hướng về phía Mỹ nhiều hơn các đánh giá của một số nhà quan sát.
Paris, 05/11/2016 Bùi Quang Vơm (Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)







© 2016 About Us | Terms & Conditions