CUỘC ĐÀO THOÁT THÀNH CÔNG CỦA SINH VIÊN NGUYỄN THIỆN THÀNH (Mặc Lâm, RFA)



Cuộc trốn thoát thành công của Sinh viên Nguyễn Thiện Thành
Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2012-01-03 http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/student-escp-fr-police-01032012061659.html
Sinh viên Nguyễn Thiện Thành trong nhóm Tuổi trẻ Yêu nước vừa trốn khỏi sự giám sát của công an trong khi bị áp giải về nhà để lục soát tìm chứng cứ của những người hoạt động chung nhóm.
Sinh viên Nguyễn Thiện Thành (phải) trong nhóm Tuổi trẻ Yêu nước và anh Trần Vũ Anh Bình (trái).  RFA http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/student-escp-fr-police-01032012061659.html/Thanh---Binh-305.jpg
Trả lời với Mặc Lâm anh Thành cho biết thêm chi tiết các hoạt động của nhóm Tuổi trẻ Yêu nước và cuộc trốn thoát ly kỳ và may mắn này như sau:
Yêu nước cũng bị cấm?
Nguyễn Thiện Thành: Tôi sinh năm 1989, là sinh viên năm 2 trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh. Trong suốt khoảng thời gian ở trong nước thì tôi đã hoạt động bằng việc vận động tất cả các anh em sinh viên tuổi trẻ như chúng tôi ở trong nước thành lập nhóm Tuổi trẻ Yêu nước và làm cái website tuoitreyeunuoc.comtuoitreyeunuoc.net. Trong quá trình làm thì cũng có những hành động là treo cờ vàng ba sọc đỏ, rồi tham gia dán truyền đơn tẩy chay dân bầu, kêu gọi tự do tôn giáo. Sau đó chúng tôi có tổ chức những cái việc là đả đảo Trung Quốc.

Mặc Lâm:
Xin anh cho biết nguyên do nào anh và các bạn trong nhóm lại chọn lá cờ vàng ba sọc đỏ làm biểu tượng để đấu
tranh?

Nguyễn Thiện Thành: Bằng những hiểu biết mà chúng tôi có được là lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng có từ thời Hai bà Trưng. Sau này Chính phủ Việt Nam Cộng hòa dùng lại lá cờ vàng ba sọc đỏ của thời vua Thành Thái, một triều đại kháng Pháp. Cho nên lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng của tự do và độc lập, là niềm tự hào của dân tộc mình;còn cái lá cờ sao vàng thì thấy nó chỉ là lá cờ của đảng Cộng sản Việt Nam thôi. Với lá cờ đó chỉ nói lên cái ý thức của cả dân tộc mình thôi. Có một số lá chúng tôi chụp hình được, tại vì khi mà treo lá cờ đó lên thì rất là nguy hiểm. Tôi treo ở một số tỉnh miền Tây.

Mặc Lâm: Anh nói là cách tranh đấu chính của nhóm Tuổi trẻ Yêu nước là viết những bài viết tung lên hai trang web của nhóm, anh có thể cho biết nội dung chính của các bài viết này là gì hay không?

Nguyễn Thiện Thành: Sinh viên chúng tôi có đường lối đấu tranh như là viết lách vậy thôi, chúng tôi viết những bài viết chống cái bọn Trung Cộng cưỡng chiếm Trường Sa, nói lên cái sự nhu nhược của chính quyền Việt Nam. Rồi tôi tham gia biểu tình ở Sài Gòn.

Mặc Lâm: Sau đó rồi anh bị bắt vào lúc nào, thưa anh? Cụ thể là vào ngày nào?

Nguyễn Thiện Thành: Ngày 19 tháng 9, có khoảng là 40 công an họ ập vô nhà tôi, ập vô cái nhà trọ tôi lúc đó chỉ có hai anh em tôi ở nhà thôi. Họ tiến hành thu giữ cái máy tính của tôi và họ chở anh em tôi về phường Đông Hưng Thuận quận 12. Trưa ngày 20, tôi bị họ chở trên ô tô chuyên dụng vô đồn công an PA24 ở quận Bình Thạnh. Họ làm việc với tôi ở công an PA24, tối ngày 21 họ thả tôi ra. Có 4 công an theo tôi ngày đêm, canh gác ở nhà trọ tôi.

Mặc Lâm: Trong khi bị tạm giữ cơ quan an ninh lấy lời khai của anh ra sao, anh đã ký nhận những việc anh làm là tự nguyện hay bị ép cung?

Nguyễn Thiện Thành: Có những người thì họ hăm dọa, nạt nộ; có những người thì họ nhẹ nhàng, có những người thì họ dụ dỗ.Tối ngày 21 thì họ viết sẵn một cái lá đơn là đơn xin nhận tội và họ bắt tôi ký vào cái biên bản là vi phạm điều 88 Bộ luật Hình sự tuyên truyền chống phá Nhà nước như là những cái tội là treo cờ, rải truyền đơn rồi biểu tình chống Trung Quốc, viết bài nữa. Họ bắt tôi đọc, rồi họ tiến hành quay phim. Sau đó họ mới cho tôi đi về và cho 4 công an đi theo tôi.
Mặc Lâm: Riêng việc cơ quan an ninh cáo buộc anh có hành vi khủng bố như âm mưu đặt chất nổ tại tượng đài Hồ Chí Minh thì sự thật như thế nào?

Nguyễn Thiện Thành: Chúng tôi là những người sinh viên, chúng tôi chỉ biết viết lách bằng máy computer thôi. Hồi xưa giờ chúng tôi đâu biết vũ khí đâu mà đặt bom khủng bố, với lại khi mà họ bắt gia đình tôi thì họ nói tôi đua xe. Mà khi họ bắt tôi cam kết thì vi phạm điều 88 Bộ luật Hình sự. Khi mất dấu tôi rồi thì họ kết tội tôi là khủng bố.
Đào thoát để tiếp tục đấu tranh
Mặc Lâm: Trong khi bị giam tại PA24 làm cách nào mà an ninh cho anh ra ngoài để anh có dịp trốn khỏi sự giám sát của họ?

Nguyễn Thiện Thành: Khi tôi vào trong PA24 thì tôi thấy là anh Trần Vũ Anh Bình và trong quá trình khai lời khai thì họ biết được anh em tôi là hoạt động đa số là ở trên internet và những hệ thống bí mật của nhóm. Họ muốn dùng công để khai thác những anh em khác cho nên họ tạo điều kiện là cho tôi về nhà sử dụng internet tại dịch vụ mà họ chỉ định.

Họ nói, tao cho mày về nhà, mày có 4 người công an canh theo tối ngày, họ ngồi trước cửa thay phiên nhau canh 24/24 đó. Đi ăn, theo dõi họ cũng đi theo thôi. Tới trưa ngày 22 thì tôi đi vào dịch vụ internet bằng những kiến thức mà tôi học được từ nhóm do Vũ Trực là chuyên viên hướng dẫn thì tôi vô hiệu hóa những cây blog mà công an họ đã cài sẵn ở trong đó. Tôi bắn cái thư tín bằng tín hiệu mật mã cho anh Vũ Trực thì nhận được cái lời của anh Vũ Trực là hãy trốn thoát gấp.
Ngày 22 thì chiều tối thì tôi về tới nhà. Cũng may mắn cho tôi là nhà kế bên họ có đám cưới và cái khu phố tôi ở là đường hẻm, cho nên khi họ dựng rạp thì nó che úp trên cái cửa trước nhà tôi thì công an cũng gặp khó khăn cho họ vì ngồi trước cửa đó. Sau đó tôi mới lợi dụng tình hình, tôi mới mở cửa sau ra, leo qua cái hành lang của cái nhà kế bên rồi tôi trốn thoát. Tôi chạy lên đường Nguyễn Văn Quá tiếp giáp với quốc lộ 1A, tôi mượn điện thoại của người đi đường gọi cho anh em tôi tới đón tôi tới nơi bí mật.

Mặc Lâm: Trong tình hình hiện nay tuy đang ở một nơi tạm gọi là bí mật nhưng sự nguy hiểm vẫn chưa hết, vậy anh và nhóm các bạn trẻ thanh niên yêu nước có quyết định như thế nào về sự ra đi của anh, đến một nước thứ ba chẳng hạn?

Nguyễn Thiện Thành: Tôi cũng có thảo luận với lại tất cả anh em trong tổ chức của chúng tôi thì họ nói, nếu mà tôi ở lại thì tội của tôi rất là nặng. Nếu tôi đi được đến nước thứ ba thì sẽ giúp ích được cho anh em ở trong nước và tiếp tục điều hành những anh em sinh viên liên hệ với chúng tôi.
Mặc Lâm: Cách đây không lâu chúng tôi có phỏng vấn thân phụ của anh. Hôm nay anh có muốn nhắn tin gì cho gia đình thông qua làn sóng của RFA hay không?

Nguyễn Thiện Thành: Dạ thưa Quý đài, xin phép cho tôi gọi thân phụ tôi bằng thầy vì thân phụ tôi tu theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất. Sau khi Giáo hội đó trong nước bị hạn hẹp, thầy tôi không có đồng tình với đường lối của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và lập gia đình, rồi về nhà tu giữ được cái truyền thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, cho nên tôi gọi bằng thầy.
Khi tôi nói tiếng thầy tôi trên làn sóng của RFA thì tôi rất là cảm động. Thông qua đài này, thì tôi xin nhắn tới thầy và gia đình là xin thầy hãy tha lỗi cho con, cái tội bất hiếu của con đối với gia đình. Nhưng mà con nhớ những lời thầy dạy con với em con, đại hiếu là hiếu với Tổ quốc và tiểu hiếu là hiếu với gia đình. Trong tình cảnh đất nước mình bây giờ không có sự dân chủ thì con xin chọn đại hiếu.

Mặc Lâm: Xin cảm ơn anh.
Theo dòng thời sự: Lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền tại khóa họp Hội đồng Nhân quyền LHQ Ý nghĩa của Quyết định 97? Đòi thêm dân quyền cho hiến pháp mới Tình trạng nhân quyền tại Việt Nam Vì sao Viện Nghiên cứu Phát triển IDS phải đóng cửa? TS Nguyễn Quang A: Nếu mọi người cùng đóng góp, những thay đổi sẽ không đến nỗi quá chậm Trung tâm độc quyền chân lý Làm sai nhưng khi nào sửa? Nhà nước và Trí thức
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
-------------------------------------

Thông báo của Tuổi Trẻ Yêu Nước Written by tuoitrevietnam December 31, 2011 http://www.tuoitreyeunuoc.com/hotnews/thong-bao-c%E1%BB%A7a-tu%E1%BB%95i-tr%E1%BA%BB-yeu-n%C6%B0%E1%BB%9Bc/
Việt Nam, ngày 31, tháng 12 năm 2011
Thông báo của Tuổi Trẻ Yêu Nước
Vào lúc 7 giờ tối ngày 23 tháng 12 năm 2011,  theo lệnh của Bộ Công An Cộng Sản Việt Nam phối hợp với công an tỉnh Tiền Giang vây nhà nhạc sĩ Việt Khang tên thật là Võ Minh Trí tại số 8/10 F đường Nguyễn Văn Nguyễn Khu Phố 7, Phường 8 Thành Phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã bắt nhạc sĩ Việt Khang và hiện nay ở đâu không ai hay biết.
Nhạc sĩ Việt Khang đã sáng tác nhiều bản nhạc mang nặng tình quê hương dân tộc với nỗi trăn trở đối với những bất công xã hội và ưu tư trước họa xâm lược của ngoại xâm Trung Cộng. Đặc biệt trong tháng 8/2011, nhạc sĩ Việt Khang đã sáng tác hai bản nhạc “Việt Nam Tôi  Đâu” và “Anh Là Ai” đã làm rung động bao tâm hồn mọi người dân Việt Nam trong và ngoài nước.
Nhạc sĩ Việt Khang là thành viên của “Tuổi Trẻ Yêu Nước”  có trang nhà www.tuoitreyeunuoc.com  và www.tuoitreyeunuoc.net . Những bản nhạc của anh Việt Khang là những bản nhạc của một con dân Việt Nam yêu nước chân chính, lời nhạc của anh đã thay thế đồng bào Việt Nam cất cao tiếng nói vì quyền lợi chính đáng của dân tộc.
Sự vây bắt của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đối với nhạc sĩ Việt Khang là hành động vi phạm trầm trọng bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, việc làm trái lại với đối với nguyện vọng của dân tộc, và là bóp nghẹt tiếng nói của người dân yêu nước.
Vậy Tuổi Trẻ Yêu Nước yêu cầu nhà cầm quyền Cộng Sản tức khắc trả tự do cho nhạc sĩ Việt Khang, và mong mỏi các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước, các hội bảo vệ nhân quyền trên thế giới lên tiếng bênh vực cho nhạc sĩ Việt Khang.
Trân trọng; Tuổi Trẻ Yêu Nước Hà Nội – Sài Gòn . . .


© 2016 About Us | Terms & Conditions