LIÊN QUAN đến PHIÊN ĐIỀU TRẦN tại Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế thuộc Nghị Viện EU (INTA), thảo luận về Hiệp Định Thương Mại Tự Do EU – Việt Nam (EVFTA) / tổng hợp




Liên quan đến phiên điều trần tại Ủy ban Thương mại Quốc tế thuộc Nghị viện EU (INTA), thảo luận về Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA)

Bauxite VN tổng hợp

13/10/2018

https://boxitvn.blogspot.com/2018/10/lien-quan-en-phien-ieu-tran-tai-uy-ban.html


1. Đại sứ VN tại EU: Tình hình nhân quyền VN không hoàn hảo nhưng cũng không trầm trọng 


2. 'Không có sức ép quốc tế, tôi không đi dự EVFTA được' 


3. Đàn áp nhân quyền khiến EVFTA sẽ không được ký? 


------------------------


1.

Đại sứ VN tại EU: Tình hình nhân quyền VN không hoàn hảo nhưng cũng không trầm trọng  

Quỳnh Vi  -  Luật Khoa

Posted on 11/10/2018

https://www.luatkhoa.org/2018/10/dai-su-vn-tai-eu-tinh-hinh-nhan-quyen-vn-khong-hoan-hao-nhung-cung-khong-tram-trong/


Phát biểu tại một phiên điều trần tại Nghị viện Liên minh Châu Âu (EU) ngày 10/10, Đại sứ Vũ Anh Quang đã tuyên bố, như nhiều nước khác, trong đó có các nước thành viên EU, thành tích nhân quyền của Việt Nam là không hoàn hảo.

Ông Quang cho biết, “Việt Nam không nằm trong danh sách các nước bị Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đánh giá là thường xuyên vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng và có hệ thống” và “Hội đồng Nhân quyền LHQ chưa bao giờ đưa ra một nghị quyết về tình hình nhân quyền ở Việt Nam”.

Phiên điều trần trên diễn ra tại Ủy ban Thương mại Quốc tế thuộc Nghị viện EU (INTA), thảo luận về Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam. Ông Vũ Anh Quang là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Đại Công quốc Luxembourg, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại EU.

Trong thực tế, Hội đồng Nhân quyền LHQ chỉ đưa ra nghị quyết về vi phạm nhân quyền đối với các vấn đề hết sức trầm trọng và xảy ra trên diện rộng, ví dụ như vấn đề diệt chủng người Rohingya tại Miến Điện trong thời gian vừa qua.

Ngoài ra, ông Quang còn cho rằng “Việt Nam cũng không thuộc nhóm các nước cần sự trợ giúp kỹ thuật đặc biệt từ LHQ, và các nghị viên Quốc hội EU nên nhìn cả hai mặt của vấn đề khi lên tiếng về tình hình nhân quyền của Việt Nam”.

Lời phát biểu của Đại sứ Quang nhằm để đáp trả những chất vấn về thành tích nhân quyền của Việt Nam từ các đại diện của Quốc hội EU, trong đó có Ủy ban Nhân quyền (DROI), là nhóm lên tiếng mạnh mẽ nhất xuyên suốt phiên điều trần vừa qua.

Tuy vậy, Đại sứ Quang lại không nhắc đến việc vào tháng 4/2018, đã có bốn chuyên gia nhân quyền của LHQ yêu cầu Việt Nam phải chấm dứt đàn áp các tiếng nói đối lập, các nhà hoạt động và đồng thời phải đảm bảo quyền tự do biểu đạt của người dân.

Trong khi đó, việc các chuyên gia LHQ phải lên tiếng về tình hình nhân quyền của Việt Nam vào đầu năm nay đã được bà Phó Chủ tịch Ủy ban DROI, Barbara Lochbihler, nhắc đến ngay tại lúc mở đầu của phần chất vấn.

Bà Lochbihler còn quan ngại sâu sắc về các mối hiểm họa cho người dân địa phương, khi các công trình đầu tư nước ngoài gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến các vấn đề an sinh xã hội khác.

Trong đó, bà đã đặc biệt nêu tên thảm họa môi trường Formosa năm 2016 tại bốn tỉnh miền Trung Việt Nam đã gây tổn thất nặng nề cho các ngư dân tại đây. Ngoài ra, các mối quan ngại về quyền của người lao động, các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ cũng được nêu ra.

Trước phần phát biểu của đại sứ Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã khéo léo từ chối trả lời chi tiết về vấn đề nhân quyền của Việt Nam trong cùng phiên họp. Ông cho biết, “nhiệm vụ của ông là thương thảo về thương mại, nên nhân quyền là một vấn đề nằm ngoài chuyên môn và cần một chuyên gia khác lên tiếng”.


https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2018/10/nquanga-1-1024x575.jpg

Tiến sĩ Nguyễn Quang A phát biểu tại phiên điều trần. Ảnh: Chụp màn hình.


Phát biểu tại phiên điều trần, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nêu rõ “tình hình nhân quyền ở Việt Nam là tồi tệ và ngày càng tệ hơn trong vài năm qua”. Ông cũng yêu cầu trả tự do cho các tù nhân lương tâm ở Việt Nam, trong đó đặc biệt là doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, người đang thụ án tù 16 năm vì tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Đại sứ Quang đã kết thúc phần phát biểu của mình bằng việc nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế Kiểm điểm Phổ quát Định Kỳ (UPR) của Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Ông Quang cho rằng việc Việt Nam đã chấp thuận hơn 80% các khuyến nghị từ các nước trong hai phiên kiểm điểm trước, là bằng chứng cho thấy thiện chí và nỗ lực của nhà nước trong vấn đề cải thiện tình hình nhân quyền. Vì theo ông, các nước đang phát triển như Việt Nam thường chỉ chấp thuận khoảng 60-65% các khuyến nghị hoặc thấp hơn.

Ông Quang cũng khuyến khích các quốc gia thành viên EU hãy tham gia tích cực vào việc đánh giá Việt Nam tại phiên kiểm điểm lần thứ ba vào tháng 1/2019 sắp tới.

Tuy nhiên, thành tích nhân quyền của Việt Nam vừa có thêm một điểm trừ rất lớn với Luật An ninh mạng vừa được thông qua vào tháng 6/2018.

Tại lần kiểm điểm UPR năm 2014, Việt Nam đã chấp thuận một số khuyến nghị về cải thiện quyền tự do biểu đạt của người dân trên mạng Internet, từ các nước EU như Bỉ, Pháp và Hà Lan. Thế nhưng, những quy định khắt khe trong Luật An ninh mạng về kiểm soát thông tin, dữ liệu người dùng, cũng như việc yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ phải hợp tác với chính phủ đã khiến cho các khuyến nghị nói trên trở thành vô nghĩa.

Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) được chính Uỷ ban Thương mại INTA đánh giá là một nỗ lực đàm phán về kinh tế mang nhiều tham vọng nhất mà EU từng thương thảo với một nước đang phát triển như Việt Nam.

Vào tháng 7/2018, văn phòng Ủy ban Thương mại INTA đã xác nhận với Luật Khoa tạp chí là các bên đã hoàn tất thủ tục kiểm điểm về mặt pháp lý (legal review), cũng như đã đồng ý với nội dung cuối cùng của bản thảo EVFTA (final text) để có thể chuyển ngữ sang tất cả các ngôn ngữ chính thức của EU.

Tại phiên điều trần ngày 10/10/2018 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Thương mại INTA, Bernd Lange, đã bày tỏ hy vọng EVFTA có thể được mang ra trình Quốc hội EU để phê chuẩn vào kỳ họp sắp tới.


*

*

2.

'Không có sức ép quốc tế, tôi không đi dự EVFTA được'

Quốc Phương  -  BBC Tiếng Việt

11 tháng 10 2018

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45823940


Mặc dù số đông trong khối doanh nghiệp ủng hộ phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA), nhiều ủy ban của EU nêu lo ngại trong đó có vấn đề về nhân quyền, môi trường, phát triển bền vững, một nhà hoạt động cho xã hội dân sự Việt Nam được mời tham dự chính thức phiên điều trần ở Brussels, Bỉ, hôm thứ Tư nói với BBC.


https://ichef.bbci.co.uk/news/936/cpsprodpb/98C7/production/_103811193_0944d1c6-dbb0-41db-8ec6-bc8a7d24b09c.jpg

Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A tại phiên điều trần hôm 10/10/2018 tại Brussels.  EUROPAL.EUROPA.EU/HEARING EVFTA


Không thấy có 'cam kết nhượng bộ' nào được đưa ra trong cuộc điều trần này, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A nói với BBC Tiếng Việt hôm 11/10/2018, ngay sau cuộc điều trần mà ông được mời tham dự.

"Từ nay đến ngày ký có lẽ 17/10 thì bên ngoài khó có thể biết có gì (thỏa thuận, nhượng bộ) không trong quá trình từ nay đến đó và tôi không nghe ai nhắc đến vụ Trịnh Xuân Thanh cả", vẫn theo nhà vận động xã hội dân sự, người đồng thời là nguyên Viện trưởng Viện phản biện chính sách IDS (đã tự giải thể).


Trước hết, trả lời câu hỏi liệu có gì đặc biệt về cuộc điều trần hôm 10/10 liên quan việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói:

"Tôi dự lần đầu nên không so sánh được; tôi nghĩ nó diễn ra bình thường và toàn bộ được livestream cho nên người dự và người xem có thể thấy gì đặc biệt hay không."


Về điểm chính mà hai bên đã hỏi đáp nếu có liên quan tới nhà hoạt động xã hội dân sự này liên quan tới sự kiện điều trần, ông Nguyễn Quang A cho biết:

"Không có câu hỏi nào trực tiếp cho tôi cả, nhưng có khá nhiều câu hỏi cho EU và chính phủ Việt Nam về nhân quyền, môi trường, lao động cũng như cam kết của Việt Nam."


Lo ngại của EU?


Khi được đề nghị đưa ra đánh giá về kết quả của điều trần và tác động của nó đến Hiệp định EVFTA mà hai bên đàm phán, ký kết và kỳ vọng thông qua, nhà hoạt động nói tiếp:

"Phần rất đông của doanh nghiệp ủng hộ nhiệt liệt, các quan chức của EU và đại diện của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng vậy, tuy nhiên nhiều đại diện của nhiều ủy ban của EU, chắc là bên Nghị viện, nêu nhiều lo ngại về nhân quyền, môi trường, phát triển bền vững v.v..."

 "EU công bố đã hoàn tất mọi thủ tục cho quá trình xem xét phê chuẩn; có lẽ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) này sẽ được ký nhân dịp Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc sang đây sau khoảng một tuần; quá trình phê chuẩn chưa thể đoán trước vì thời gian gấp gáp."


Về câu hỏi qua cuộc điều trần hôm 10/10, có thể nhận xét thế nào về những quan tâm của phía EU và khả năng đáp ứng của Việt Nam, TSKH Nguyễn Quang A đáp:

"Do hai bên đã thống nhất về văn bản nên tôi không nghĩ sẽ có thay đổi. Họa chăng có thể có cam kết thêm bằng văn bản về lộ trình thực hiện."


Khi được hỏi liệu có nhượng bộ nào đã được hai bên Việt Nam và EU thực hiện, trong đó, vấn đề vụ việc Trịnh Xuân Thanh có tiến triển gì hay không, nhà hoạt động xã hội dân sự trả lời:

"Tôi thấy không có cam kết nhượng bộ nào được đưa ra trong cuộc điều trần; từ nay đến ngày ký, mà có lẽ là 17/10, thì bên ngoài khó có thể biết có gì không trong quá trình từ nay đến đó; Tôi không nghe ai nhắc đến vụ Trịnh Xuân Thanh cả."


Là một phần thỏa thuận?


Trước câu hỏi về mặt cá nhân ông Nguyễn Quang A, liệu việc xuất hiện của ông ở phiên điều trần có là một phần của thỏa thuận hai bên, chẳng hạn Đức - Việt hay EU - Việt Nam, hay không và có điều gì đặc biệt có thể chia sẻ, nhà hoạt động đáp:

"Tôi không biết có thỏa thuận gì giữa EU và Việt Nam về việc dự của tôi, nhưng tôi biết về sự can thiệp rất mãnh liệt của Brussels và phái đoàn EU tại Hà Nội cũng như của Sứ Quán Đức; không có sức ép rất mạnh của họ chắc tôi không dự được."


https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/180CF/production/_103811589_quangacapture.jpg

TSKH Nguyễn Quang A cho BBC hay việc ông dự phiên điều trần là nhờ có áp lực 'rất mãnh liệt' của quốc tế. EUROPEAN PARLIAMENT


Khi được đề nghị đưa ra nhận xét về vai trò và vị thế của Liên minh châu Âu, đặc biệt vai trò của nước Đức và một số quốc gia khác ở EU, trong hỗ trợ cho đảm bảo nhân quyền và dân chủ hoá ở VN, đặc biệt trước việc có quan sát cho rằng phải chăng đây là 'sự đổi ngôi' của EU, khi mà Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo hiện nay của Tổng thống Donald Trump được cho có 'giảm cam kết và tính hiệu quả' trong lĩnh vực này, TSKH Nguyễn Quang A đáp:

"Đúng vậy từ khi chính quyền Trump bỏ Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và không quan tâm lắm đến nhân quyền thì EU đã lấp chỗ trống đó và là ngọn cờ mạnh nhất về nhân quyền và môi trường.

"Và như thế Việt Nam phải hết sức chú ý đến lập trường của EU về những vấn đề này. Hàm ý về nhân quyền của EVFTA mạnh hơn CPTPP (Hiệp định Thương mại Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương) và EU nên tận dụng lợi thế đòn bẩy này và khuyến nghị của chúng tôi muốn ép EU hành động theo hướng đó," nhà vận động nói với BBC Tiếng Việt từ Brussels, Bỉ hôm 11/10.


'Đối tác lớn của nhau'


Cùng ngày, cổng thông tin của Chính phủ Việt Nam đưa tin về phiên điều trần, trang mạng Báo chính phủ.vn của Việt Nam đưa tin cho hay: "Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) thuộc Nghị viện châu Âu vừa tổ chức một buổi điều trần mở về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và Hiệp định Bảo vệ Đầu tư (IPA) giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Việt Nam.


https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/966F/production/_103811583_9b2687b4-9a55-4b83-9187-9ad5ee513070.jpg

Báo Việt Nam đưa tin về sự kiện.  OTHER


"Tham dự buổi điều trần ngày 10/10 có Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh; Trưởng đoàn đàm phán EU, Phó tổng vụ trưởng thương mại châu Âu Helena Konig cùng nhiều chuyên gia và diễn giả đại diện của các tổ chức dân sự, tổ chức phi chính phủ cùng giới doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam.


"TTXVN dẫn lời Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu tại phiên điều trần cho biết Việt Nam đang hòa nhập với thế giới, đã tham gia nhiều công ước quốc tế và có quan hệ đối tác thương mại với nhiều quốc gia. Ông bày tỏ trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, Việt Nam kiên định ủng hộ các mối quan hệ đa phương dựa trên các nguyên tắc nhất quán.


"Khẳng định Việt Nam và EU là đối tác lớn của nhau, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết EU đã hỗ trợ Việt Nam trong phát triển, giảm đói nghèo và hai bên đang từng bước tiến tới mối quan hệ toàn diện hơn.


"Ông đánh giá cao các lợi ích do Hiệp định mang lại, từ tăng cường trao đổi thương mại tới thúc đẩy đầu tư của châu Âu vào Việt Nam trong lĩnh vực giao thông vận tải và nâng cao các tiêu chuẩn của Việt Nam để phù hợp với thế giới."


Cũng Báo chính phủ.vn dẫn nguồn từ Truyền hình Việt Nam (VTV) cho biêt thêm: "Trong phiên điều trần, Hiệp định đã được xem xét dưới nhiều khía cạnh, không chỉ liên quan đến thương mại và đầu tư, mà cả về điều kiện lao động, về công đoàn, hay về góc độ bảo vệ môi trường. Ông Trần Quốc Khánh là trưởng đoàn đàm phán về phía Việt Nam và bà Helena Konig, Phó Tổng vụ Thương mại của Ủy ban châu Âu đã trả lời các câu hỏi."


Mời quý vị đón theo dõi Bàn tròn thứ Năm của BBC Tiếng Việt về chủ đề này được phát trực tuyến (LIVE) vào lúc 19h00 ngày 11/10/2018 trên kênh Facebook của chúng tôi tại đường dẫn này.



*

*

3.

Đàn áp nhân quyền khiến EVFTA sẽ không được ký?

Phạm Chí Dũng

11/10/2018

https://www.voatiengviet.com/a/evfta-nguyen-quang-a-nhan-quyen/4609093.html


Những tin tức đầu tiên sau cuộc họp ngày 10/10/2018 tại Bỉ của Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu về số phận run rủi của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) đã phác ra khả năng hiệp định này có thể chưa được ký kết vào tháng Mười năm nay.

Theo đó, giới chóp bu Việt Nam rất có thể sẽ phải rước thêm một nỗi thất vọng đến mức mất ngủ - tương tự với tâm trạng công cốc sau khi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định TPP vào đầu năm 2017.


Việt Nam vẫn đánh bài lờ nhân quyền


Đại diện chính thức của Việt Nam là Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh cùng đoàn đàm phán EVFTA của Việt Nam đã không thể trưng ra bất kỳ minh chứng nào về việc chính thể độc đảng ở Việt Nam chấp nhận ký 3 công ước quốc tế của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể và việc bãi bỏ lao động cưỡng bức.

Chính xác hơn, ông Khánh đã tuyệt đối lờ đi 3 công ước trên cùng câu lời phải có cho nhiều câu hỏi nhân quyền của các nghị sĩ EU.

Trần Quốc Khánh chỉ trả lời rất chung chung rằng chính phủ Việt Nam “đã trình quốc hội sửa đổi Luật Lao động cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, kể cả các quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế, dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 11/2019”.

Nhưng lối trả lời hoàn toàn tảng lờ các công ước quốc tế về quyền lao động như trên cũng gần như tương đồng cái cách mà chính ông Trần Quốc Khánh - trưởng đoàn đàm phán Hiệp định TPP - đã phản hồi trước các câu hỏi về nhân quyền và công đoàn độc lập của người Mỹ vào năm 2015 - trùng với chuyến công du Washington lần đầu tiên của ‘đảng trưởng’ Nguyễn Phú Trọng nhằm thuyết phục Mỹ cho Việt Nam tham gia TPP.

Bất chấp cam kết của ông Trọng với Tổng thống Mỹ Obama - để đổi lấy TPP - về công đoàn độc lập, một định chế bảo vệ quyền đình công và các quyền khác của công nhân, từ sau chuyến đi trên cho tới nay đã không còn tồn tại bất kỳ tin tức nào về việc sẽ ‘thí điểm’ định chế này ở Việt Nam. Thậm chí, những nhà hoạt động công đoàn độc lập ở Việt Nam như Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương còn bị chính quyền truy bức và đánh đập dã man.

Còn ‘sẽ sửa đổi Luật Lao động’ mà Thứ trưởng công thương Trần Quốc Khánh nêu ra vẫn chỉ là một cách nói đầu môi chót lưỡi đầy giả dối vào mỗi khi Việt Nam ‘đánh hơi’ một hiệp định thương mại quốc tế có lợi cho chế độ có khả năng được thông qua, để cho tới nay Luật Lao động vẫn giữ nguyên quyền độc trị của Liên đoàn Lao động Việt Nam - một tổ chức thuần túy nhà nước, giữ vai trò như một khâu trung gian để hưởng ít nhất 2% thu nhập của các doanh nghiệp và công nhân nhưng lại chưa từng đứng ra tổ chức hay cho phép công nhân tổ chức bất kỳ cuộc đình công hợp lý nào, nếu không muốn nói ngược lại - tức liên đoàn này còn cấu kết chặt chẽ với lực lượng công an trị để theo dõi, truy bức và bắt bớ những người đứng đầu tổ chức đình công trong công nhân.


Việt Nam phải ký 3 công ước trước khi EU thông qua EVFTA!


Phải chăng vì không có bất kỳ ‘món quà’ nào về cải thiện nhân quyền và làm cho hành trang nhân quyền đến Brussels (Bỉ) vào tháng Mười năm 2018 chỉ là con số 0 nên đã khiến Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh - quan chức được Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu mời đích danh - tránh mặt mà chỉ cử thứ trưởng Trần Quốc Khánh đi ‘thế mạng’?

Và phải chăng trong thâm tâm mình, Trần Tuấn Anh đã cảm thấy kết cục của EVFTA là còn nguyên bèo bọt tại Bỉ lần này nên mới tìm cách tránh mặt?

“Vị thứ trưởng khẳng định nhân quyền “nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn” của ông, và nói thêm ông tin rằng các quan chức Việt Nam và EU sẽ kể được “những câu chuyện tuyệt vời về kết quả hợp tác thông qua các hiệp định đối tác, hợp tác của chúng ta và các diễn đàn khác”. Nhưng ông không cung cấp thêm chi tiết” - đài VOA đưa tin và bình luận về phát ngôn và thái độ của quan chức Trần Quốc Khánh.

Thông tin trên cho thấy nhiều khả năng Trần Quốc Khánh tự xác định vị thế đến Bỉ lần này của ông ta ‘chỉ là nhà đàm phán thương mại’ và chẳng có gì liên quan đến trách nhiệm phải giải trình về vô số vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam - một thái độ rất tương đồng với biểu hiện về đối ngoại và cả đối nội của Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh - không dại gì chấp nhận ‘đổ vỏ’ cho những kẻ bắt cóc - kể từ thời điểm tháng Bảy năm 2017 khi nổ ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh cho tới nay.

Sau bản báo cáo ba trang giấy mất đến 10 phút của quan chức Trần Quốc Khánh, phần đặt câu hỏi của các nghị sĩ tham dự đối với Uỷ ban Châu Âu và phía Việt Nam đều xoáy vào hai vấn đề cốt yếu mà Việt Nam lâu nay vẫn cố tình lờ đi hay trì hoãn: nhân quyền và 3 công ước còn lại của ILO.

Quan sát cuộc họp trên qua livestream, trang Vietnamthoibao.org của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam mô tả: Các ý kiến bày tỏ sự lo ngại khi tình hình nhân quyền của Việt Nam đã trở nên ngày càng xấu đi trong ba năm qua khi có nhiều nhà hoạt động nhân quyền và môi trường bị bắt giam và lãnh án tù nặng chiếu theo những điều luật 79 và 78 của bộ luật hình sự. Mẹ Nấm là trường hợp được nêu đích danh trong số các tù nhân lương tâm/ môi trường/ chính trị cần được trả tự do ngay lập tức.

Các nghị sỹ yêu cầu Việt Nam sớm thông qua 3 công ước còn lại của Công ước Quốc tế về Quyền lao động nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động Việt Nam một khi có công đoàn độc lập.

Điều mà những người tham gia đặt câu hỏi muốn biết là Việt Nam sẽ làm gì để cải thiện nhân quyền; kế hoạch cụ thể để cải thiện nhân quyền là gì; Việt Nam cần thể hiện bằng hành động để chứng minh sẽ và có thể thực hiện các cam kết. Ngoài ra cũng yêu cầu rằng 3 công ước còn lại của ILO cần phải được Việt Nam ký chính thức trước khi EU bỏ phiếu chấp thuận EVFTA.

Bà Granwander Hainz đã chỉ thẳng ra rằng những lời hứa về ILO của Việt Nam chỉ là lời hứa suông từ trước giờ vì chưa có gì được thực hiện, cũng như các cam kết về nhân quyền chỉ toàn có tiêu đề mà không có nội dung cụ thể.


Việt Nam phải cải thiện nhân quyền và cải cách chính trị!


Mặc dù cuộc điều trần EVFTA - nhân quyền của Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu còn chưa kết thúc, nhưng với hành trang nhân quyền số 0 tròn trĩnh của đoàn Việt Nam, người ta có thể dự đoán rằng kết quả EVFTA được ký vào lần này cũng khó có thể nhích qua mốc 0, dù rằng một số chuyên gia Việt Nam và quốc tế luôn cho rằng EVFTA có lợi không chỉ với Việt Nam mà còn cả với các nước trong khối EU và do đó EU sẽ không siết mạnh về điều kiện nhân quyền trong hiệp định này. Và dù chính quyền Việt Nam đã mở cả một chiến dịch vận động đối với Phòng Thương mại châu Âu và các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam để thúc giục Liên minh châu Âu ‘sớm linh hoạt ký và thông qua EVFTA’.

Sau khi TPP đổ vỡ lần đầu vào đầu năm 2017 do Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định này, chính thể Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm - gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.

Giá trị xuất siêu hàng năm của hàng Việt Nam vào thị trường EU là gần tương đương với giá trị xuất siêu lên tới gần 30 tỷ USD mỗi năm của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Mỹ. Do vậy, giá trị của bản hiệp định EVFTA có cũng có giá ngang bằng với tương lai của Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ mà giới chóp bu Hà Nội đang hết sức thèm muốn.

Về thực chất, EVFTA là một lối thoát kinh tế khả dĩ nhất cho thể chế chính trị không chịu đa đảng, nợ như chúa chổm và rất có thể sẽ rơi vào cảnh vỡ nợ và phá sản ngân sách ở Việt Nam.

Nhưng nếu Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu không ký EVFTA vào tháng Mười hay tháng Mười Một năm 2018, chính thể Việt Nam sẽ tiếp tục cơn vỡ mộng của nó, và sẽ phải tiếp tục chờ cơ hội cuối cùng vào tháng Ba năm 2019, trước khi diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng Năm năm 2019.

Còn nếu vẫn không thể thông qua vào tháng Ba năm 2019, cơ hội EVFTA cho Việt Nam sẽ cực kỳ mong manh, bởi chẳng ai có thể biết Nghị viện châu Âu mới sẽ có quan điểm ra sao đối với EVFTA. Đó cũng là tình huống mà số phận của Hiệp định TPP đã đột ngột đảo lộn từ êm thắm sang bỏ bê ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm 2016.

Tương lai cho EVFTA chỉ có thể nhen nhúm một khi Việt Nam thành tâm cải thiện nhân quyền và cả cải cách chính trị.










© 2016 About Us | Terms & Conditions