NAM BẮC CỰC TAN BĂNG, CÁC THÀNH PHỐ DUYÊN HẢI BỊ THIỆT HẠI NGHIÊM TRỌNG

Nam Bắc cực tan băng, các thành phố duyên hải bị thiệt hại nghiêm trọng
Tú Anh
Bài đăng ngày 23/11/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 23/11/2009 12:11 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/119/article_5787.asp
Biến đổi khí hậu sẽ gây thiệt hại kinh hoàng về tài chính. Quỹ Thế Giới Bảo Tồn Thiên Nhiên WWF thẩm định khoảng 136 thành phố cảng trên thế giới sẽ bị ngập lụt. Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng Thượng Hải bị nhận chìm. Thiệt hại ước tính lên đến 28.000 tỷ đôla vào năm 2050.

Theo bản báo cáo phổ biến hôm nay tại Genève, hai tuần trước thượng đỉnh khí hậu khai mạc tại Copenhagen, tổ chức WWF, Quỹ Thế Giới Bảo Tồn Thiên Nhiên cho biết : « nếu nhiệt độ tăng thêm từ 0,5 độ C đến 2 độ C từ nay đến năm 2050, mực nước biến có thể sẽ dâng cao 0,5 mét với hệ quả là gây thiệt hại nặng nề về mặt tài chính ».
Quy mô thiệt hại lên đến bao nhiêu nếu dự báo này trở thành hiện thực ? Tập đoàn bảo hiểm Allianz của Đức, tham gia vào công cuộc nghiên cứu đưa ra con số 28.000 tỷ đôla chỉ riêng cho 136 thành phố cảng quan trọng nhất trên thế giới.
Bờ biển đông bắc của Mỹ là vùng duyên hải bị thiệt hại nặng hơn cả vì mực nước sẽ tăng cao hơn tỷ lệ trung bình đến 15 centimét. Một hệ quả khác, bên cạnh tình trạng các thành phố cảng bị ngập nước, là thiên tai bão tố, cuồng phong xảy ra nhiều hơn và dữ dội hơn. Một trận cuồng phong cấp 4 thổi qua
NewYork sẽ gây tổn hại đến 5.000 tỷ đô la vào giữa thế kỷ, gấp năm lần thiệt hại do bão tố với cường độ hiện nay gây ra.
Châu Á cũng đã nhận được những lời báo động tương tự hồi năm 2008. Trong kịch bản này, hai thành phố lớn của Việt Nam là Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng sẽ biến mất. Thượng Hải lộng lẫy của Trung Quốc cũng cùng chung số phận.
Câu hỏi đặt ra là làm cách nào để ngăn chận kịch bản kinh khiếp này ? Câu trả lời của Quỹ Thế Giới Bảo Tồn Thiên Nhiên là nhân loại bằng mọi giá không để cho nhiệt độ khí quyển tăng thêm lên 2 độ C so với nhiệt độ thời kỳ tiền kỹ nghệ.
Để thực hiện mục tiêu này, các nước công nghiệp phải giảm khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính ít nhất là 40% từ nay đến năm 2020. Chỉ tiêu này đã được giới chuyên gia khí hậu lập đi lập lại từ nhiều năm nay nhưng chính quyền các nước gây ô nhiễm nhất địa cầu là Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn chưa chấp nhận. Ngay những chính phủ có nhiều thiện chí nhất, trừ những nước Bắc Âu, chỉ xoay quanh con số từ 20% đến 30%.
Tổ chứ WWF thúc giục các quốc gia công nghiệp nhân hội nghị Copenhagen vào thượng tuần tháng 12 tỏ ra có nhiều tham vọng và nghị lực chính trị, đạt được một hiệp ước mới thay thế nghị định thư Kyoto, hết hạn vào năm 2012.
Trong nỗ lực này, Pháp với tư cách là một nước công nghiệp phát triển và Brazil, đại diện cho những quốc gia đang lên công bố một sáng kiến chung mà tổng thống Lula da Silva gọi là « thánh kinh môi trường ».
Hai nước vận động càng nhiều chính phủ hỗ trợ càng tốt để tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu, các nhà lãnh đạo thật tâm lo âu cho sự tồn vong của nhân loại, có cơ may ngăn chận « liên minh Mỹ -Trung » ích kỷ, đặt quyền lợi kinh tế trước mắt lên trên hết.
Lời báo động của giới bảo vệ môi trường càng ngày càng được chứng minh qua các sự kiện cụ thể.
Vào ngày hôm nay (23/11) tin từ Sydney- Úc cho biết hơn một trăm tảng băng sơn từ Nam cực trôi dần về
New Zealand chỉ cách bờ biển phía nam 450 cây số. Ảnh được vệ tinh cung cấp cho thấy các tảng băng sơn khổng lồ với diện tích 30 cây số vuông tách rời khỏi khối băng đá Nam cực mà nguyên nhân chính là nhiệt độ địa cầu bị hâm nóng.
Theo chuyên gia Úc, Neal Young, rất hiếm khi băng sơn trôi đến vùng biển nam New Zealand. Nhưng nếu nhiệt độ tăng thì hiện tượng này sẽ xảy ra thường xuyên hơn và đe dọa thuyền bè nhiều hơn.





© 2016 About Us | Terms & Conditions