NỀN DÂN CHỦ TỰ DO ĐANG THOÁI TRÀO? (Steven Pinker & Robert Muggah - Project Syndicate)




Nền Dân Chủ Tự Do đang thoái trào?

Steven Pinker & Robert Muggah  Project Syndicate

Đỗ Kim Thêm dịch

21/05/2018

https://vietbao.com/p112a281238/nen-dan-chu-tu-do-dang-thoai-trao-


Mặc dù tình hình ở một số nước và một số thành phố đang xấu đi so với các nơi khác, nói chung, thế giới đang trở nên an toàn và thịnh vượng hơn. Chuyện khó tin nhưng có thật, đặc biệt là nó đúng đối với các nước dân chủ, nơi mức tăng trưởng kinh tế và phúc lợi nổi bật cao hơn. Các nền dân chủ cũng có khuynh hướng ít chiến tranh và diệt chủng hơn, hầu như không có nạn đói, và dân chúng có một nền giáo dục tốt hơn, sống khoẻ mạnh và hạnh phúc hơn,

Các tin vui là đa số dân chúng thế giới hiện sống trong một nền dân chủ. Tuy nhiên, trong một thiểu số, không phải chỉ ở nước Mỹ, các đảng chính trị địa phương và dân túy nổi lên và các nhà lãnh đạo có khuynh hướng độc đoán đã tạo ra một cảm giác hiển nhiên về tinh thần bi quan, tình hình dẫn nhiều người tới lo ngại cho tương lai của nền dân chủ. Liệu mọi người có đáng lo không?

Biển Dân chủ biến động


Nhiều người quên rằng nền dân chủ tự do là một ý tưởng tương đối mới. Hầu hết các nguyên tắc chủ yếu của nó là phân quyền, nhân quyền, tự do dân sự, quyền tự do ngôn luận và hội họp, phương tiện truyền thông đa nguyên, bầu cử tự do, công bằng và cạnh tranh; đến thế kỷ XX, tất cả không thực sự vững bền. Cho đến một vài thế kỷ trước đây, hầu hết các xã hội đều chuyển mình giữa tình trạng vô chính phủ và các hình thức khác nhau của các chế độ chuyên chế.

Trước thời kỳ hiện đại, các chính phủ chỉ mang lại những cải thiện không đáng kể trong cuộc sống của dân chúng mà họ thường kiểm soát thông qua phương cách đàn áp tàn bạo. Ở hầu hết các nơi phải chịu cảnh tàn nhẫn của chế độ độc tài, bởi vì sự thay thế - bằng một tình trạng vô chính phủ theo kiểu của Hobbes - thậm chí còn tồi tệ hơn. Sự trỗi dậy của nền dân chủ là không thể tránh.

Trên thực tế, sự lan rộng của các chính phủ dân chủ sau thế kỷ XVIII là một chuyện không ai quan tâm. Theo Samuel P. Huntington, nhà khoa học chính trị của Đại học Harvard đã quá cố, nó đã có ba đợt sóng.

Đợt đầu tiên do Hoa Kỳ lãnh đạo bắt đầu vào thế kỷ XIX, một hệ thống dân chủ hiến định đã phát triển và được ngưỡng mộ rộng rãi, vì nó có những biện pháp kiểm tra các quyền hành pháp, lập pháp, tư pháp và ưu quyền. Trong suốt thế kỷ XIX, các nước Tây Âu, đặc biệt đã mô phỏng theo mô hình Hoa Kỳ. Đến năm 1922, có khoảng 29 nền dân chủ tồn tại trên khắp thế giới, mặc dù con số này sẽ giảm xuống còn 12 vào năm 1942.

Theo Huntington, sau chiến thắng của Đồng Minh trong Đệ nhị Thế chiến, làn sóng thứ hai đã xuất hiện và lên tới đỉnh điểm vào năm 1962, khi có tới 36 nền dân chủ trên thế giới. Một lần nữa, đợt sóng giảm xuống. Đến năm 1975, con số này giảm xuống còn 30, do các cuộc nắm quyền của Cộng sản và đẩy lùi do các chế độ độc tài ở châu Âu, Mỹ La tinh, Châu Phi, Trung Đông và Đông Nam Á.


Làn sóng thứ ba còn nhiều hơn là sóng thần. Các chính phủ quân sự và phát xít rơi vào phe cánh tả, cánh hữu, và trung dung trong suốt những năm của thập niên 1970 và 1980. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989 và Liên Xô tan rã vào năm 1991, thực ra số lượng các nền dân chủ trên thế giới đã tăng gấp ba lần. Khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2009 nhậm chức, có 87 nền dân chủ trên toàn thế giới.
 

Buớc tiến thoái lui?


Nhìn trở lại, chúng ta thấy rằng giai đoạn ngay sau Chiến tranh Lạnh dường như là một thời kỳ vàng son của sự củng cố dân chủ. Nhưng đó cũng là thời điểm mà tốc độ thay đổi loạng choạng đã làm dấy lên mối lo ngại mới về sự an nguy thực sự của một vài chính phủ mới được dân chủ.

Ngày nay, sự tự tin trong tiến trình của nền dân chủ đang mờ đi. Các học giả nói một cách nghiêm khắc về cách mà các nền dân chủ đang phải chịu đựng từ một tình trạng "kém cỏi", "thoái trào", "suy thoái", và thậm chí là "suy trầm". Những người khác lo rằng các nền dân chủ đang tự tạo giả dối và trở thành "phân bộ", "cường độ thấp" "rồng tuếch và "không tự do". Trong những trường hợp này, các cuộc bầu cử vẫn diễn ra, nhưng quyền tự do dân sự và các biện pháp kiểm soát quyền lực bị miệt thị.

Hơn nữa, sự sụp đổ của các cuộc cách mạng màu ở Gruzia, Ucraina và Kyrgyzstan trong năm 2003-2005 đã làm xuống tinh thần một cách nghiêm trọng, cũng như sự thất bại của mùa xuân Ả Rập năm 2010-2011 ở Ai Cập, Libya, Syria và các nơi khác ở Trung Đông và Bắc Châu Phi. Thậm chí gần đây hơn, cách điều hành độc đoán ở các nền dân chủ mới như Hungary, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và trong các nền dân chủ xưa củ như Mỹ đã thành tiếng chuông báo động. Một loạt những tin tức tiêu cực của các nền dân chủ khác đã đẩy mạnh ý thức rằng chủ nghĩa phi dân chủ và trào lưu dân túy dân tộc đang hồi phục. Các cơ quan quan sát như Freedom House tin rằng thế giới đã trở nên ít tự do hơn.

Một loạt các cuốn sách mới đã làm tăng thêm ý nghĩa dần dà của sự sụp đổ. Trong tác phẩm “Các Nền Dân chủ chết như thế nào“, Steven Levitsky và Daniel Ziblatt của Đại học Harvard lập luận rằng các nền dân chủ thường không kết thúc bằng một vụ bùng nổ, nhưng với các tiếng kêu than do bị tổn thương, khi các nhà dân chủ giả hiệu như Tổng thống Donald Trump ở Hoa Kỳ đang làm suy yếu dần các biện pháp kiểm soát và cân bằng.

Cũng tương tự như vậy, trong tác phẩm “Con người đối kháng với nền Dân chủ“, Yascha Mounk của Đại học Harvard cảnh báo rằng nền dân chủ tự do đang nhường bước cho "chủ nghĩa tự do phi dân chủ" và "nền dân chủ phi tự do". “Chủ nghĩa tự do phi dân chủ" bảo vệ các quyền cơ bản nhưng ủy thác quyền lực thật sự cho các cơ quan kỹ trị mà họ không được bầu chọn như Ủy ban Châu Âu. “Nền dân chủ phi tự do“ đề ra các nhà lãnh đạo dân cử được bầu chọn, nhưng họ không quan tâm đến các quyền của thiểu số. Nhìn chung, Mounk và những người khác sợ rằng giới thanh niên, kể cả ở phương Tây, đang không quan tâm với chế độ dân chủ.
 

Những dữ liệu minh chứng gì?


Tuy nhiên, vẫn có lý do để nghi ngờ rằng nền dân chủ đang thoái trào trên khắp thế giới. Để khởi đầu, không có bằng chứng gì là rõ ràng về sự sụy tàn thảm hại trong sự hỗ trợ cho nền dân chủ ở hầu hết các quốc gia, kể cả ở Mỹ. Điều này không có nghĩa là nên xem thường một số các nền chuyên chế đang gia tăng hiện nay; nhưng nó cho thấy có thể là còn sớm cho các khúc hát bi ai của nền dân chủ.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự hỗ trợ toàn cầu cho nền dân chủ đang suy giảm, nó cũng cần được diễn giải với tâm trạng hoài nghi. Xét cho cùng, thật khó để phân biệt sự quan tâm của dân chúng đối với nền dân chủ ở các quốc gia đang bị chế độ độc tài cai trị, nơi mà những người đối kháng phải thận trọng khi tuyên bố công khai các quan điểm như vậy.

Trên thực tế, nghiên cứu của Trung tâm về Dự án cho Chính sách Hoà bình hệ thống cho thấy làn sóng lớn thứ ba của dân chủ hóa không lùi bước, cuối cùng nó có thể dẫn tới một đợt sóng thứ tư. Vào năm 2015, năm gần đây nhất mà Dự án này có dữ liệu, có 103 nền dân chủ trên toàn thế giới, chiếm hơn một nửa dân số toàn cầu. Cộng thêm 17 nước được phân loại là dân chủ hơn là độc đoán, và tỷ lệ dân số sống trong các nền dân chủ tăng lên 2/3. Để so sánh, vào lúc đầu của những năm 1800 chỉ có 1% dân số sống ở các nước dân chủ. Ngay cả khi thừa nhận rằng có nhiều sắc thái khác của việc điều hành dân chủ, chỉ riêng thống kê này cho phép những người bi quan về dân chủ nên xét lại.

Chắc chắn một điều là tầm quan trọng của nền dân chủ không phải là nguồn gốc cho sự tự mãn. Sự lan rộng của cách quản trị dân chủ đang tiếp tục, còn lâu nó mới được đảm bảo. Khi mức độ của chủ thuyết đa nguyên, tham gia chính trị và tôn trọng các quyền tự do dân sự bị phân tán, một số nền dân chủ cho thấy dấu hiệu hiển nhiên về tình trạng thoái hoá. Theo Chỉ số Dân chủ của Tạp chí Economist Intelligence Unit, chỉ có 19 quốc gia, phần lớn ở Tây Âu, có thể được mô tả là "các nền dân chủ đầy đủ", trái ngược với "các chế độ dân chủ thiếu sót", "chế độ pha trộn" hoặc "chế độ độc tài". 167 quốc gia trong Bảng chỉ số này, có 89 dấu hiệu ghi nhận là thoái hoá trong năm 2017 so với năm trước.

Trong số các nước rơi vào chủ nghĩa độc tài là một số nước chuyển đổi dân chủ gần đây như nhóm được gọi chung Visegrád, đó là Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia. Dưới sự lãnh đạo của Rodrigo Duterte, một người theo chủ nghĩa dân túy, Philippines đang dần xóa bỏ tự do. Một số các nhà lãnh đạo dân túy ở các nước này đã lấy cảm hứng từ những nhà độc tài khác do dân cử như Recep Tayyip Erdoğan ở Thổ Nhĩ Kỳ và Vladimir Putin ở Nga.

Những kinh nghiệm của các quốc gia này cho thấy rằng, trong khi nền dân chủ vẫn được hầu hết mọi người ưa chuộng, hầu như nó khó là mô hình duy nhất của chính phủ. Cũng tương tự như vậy, các nền chính trị giáo quyền trong thế giới Hồi giáo và chủ nghĩa tư bản độc đoán ở Trung Quốc cung cấp các giải pháp thay thế, mà nó hấp dẫn các nhà độc tài và dân túy, vì họ có thể tạo ra những lợi thế kinh tế nhất định trong ngắn hạn.
 

Lời hứa lâu dài của nền dân chủ


Tuy nhiên, đối mặt với tất cả những mối đe dọa sinh tồn này, cần nhớ rằng nền dân chủ đã thành công không chỉ vì các thể chế theo thủ tục như các cuộc bầu cử hoặc các biện pháp kiểm tra và quân bình, mặc dù các thể chế này là quan trọng. Để diễn giải theo như Winston Churchill, có thể nói rằng, mặc dù có nhiều sai sót, nhưng nền dân chủ vẫn còn được yêu chuộng hơn khi so với các lựa chọn khác. Cuối cùng, các nền dân chủ cho phép mọi người giải nhiệm các người đại diện của họ mà không cần đổ máu.

Như John Mueller của Đại học Ohio chỉ rõ, các nền dân chủ tự do được quản lý tốt cho phép mọi người tự do "khiếu nại, kiến nghị, tổ chức, phản đối, biểu tình, đình công, đe dọa di dân hoặc ly khai, kêu la, công bố, xuất khẩu các quyên góp, bày tỏ lòng thiếu tự tin. Thậm chí còn tốt hơn nữa, “khi chính phủ sẽ có xu hướng đáp ứng lại âm vang của những người kêu gào." Mueller nhắc nhở chúng ta rằng, ngay cả những nền dân chủ tự do trưởng thành nhất cũng đang tiến hành đòi hỏi phải liên tục gạn lọc và cải tiến. Ở mức cơ bản nhất, các nền dân chủ thành công là những nền dân chủ bảo vệ công dân khỏi bị bạo lực và không khí cám dỗ của những nhà độc tài mà họ tuyên bố rằng chỉ có họ là đại diện cho người dân.

Để cho một nền dân chủ phát triển (có thể là tổng thống chế, đại nghị chế, hay quân chủ hiến định), người dân phải tin rằng đó là một sự thay thế khả dĩ tốt hơn cho chế độ thần quyền, quyền thần thánh của các bậc vua chúa, tác phong gia trưởng thực dân hay chế độ độc tài. Trong vài thế kỷ qua, mọi người trên khắp thế giới đã nhận ra rằng ý tưởng về dân chủ tự do như vậy là đã lan toả.

Bất chấp những hạn chế, nền dân chủ đã chứng tỏ đạt hiệu quả đáng kể trong việc kiềm chế bản năng tác hại của các chính phủ. Hãy xem xét các quyền con người, nó được điển chế từ năm 1948, khi Cơ quan Liên Hiệp Quốc thông qua Bảng Tuyên ngôn Thế giới về Nhân Quyền. Người ta có thể phản ánh tương tự về bản án tử hình, vốn từng là chuẩn mực cho toàn cầu. Những dự báo mới nhất cho thấy hình phạt tử hình có thể được bãi bỏ hoàn toàn trên toàn thế giới trong vòng chưa tới một thập niên.

Những thay đổi sâu rộng như vậy là một lời nhắc nhở về lý do tại sao chúng ta phải chiến đấu cho các cuộc bầu cử tự do và công bằng, quyền của các dân tộc thiểu số, tự do báo chí, và tinh thần trọng pháp. Mặc dù nhiều nền dân chủ đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng niềm tin trong những năm gần đây, những chiến thắng phi thường của các nền dân chủ này - và tính ưu thế của nó đối với các giải pháp khác thay thế - vẫn tiếp tục là cơ sở cho tinh thần lạc quan.


***

Steven Pinker, Giáo sư Tâm lý học Đại học Harvard, tác giả của cuốn Enlightenment Now: The Case for Reason, Science, Humanism and Progress.


Robert Muggah, Đồng sáng lập viên, Giám đốc Nghiên cứu Instituto Igarapé, Đồng sáng lập viên và Lãnh đạo Tập đoàn SecDev.


Nguyên tác: Is Liberal Democracy in Retreat?

https://www.project-syndicate.org/onpoint/is-liberal-democracy-in-retreat-by-steven-pinker-and-robert-muggah-2018-03?barrier=accesspaylog


***

Bài liên quan:  


Tỉnh thức để dân chủ hoá

https://vietbao.com/a242892/tinh-thuc-de-dan-chu-hoa


Tỉnh Thức Về Dân Quyền Để Tránh Hoạ Diệt Vong

https://vietbao.com/a272785/tinh-thuc-ve-dan-quyen-de-tranh-hoa-diet-vong









© 2016 About Us | Terms & Conditions