NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI TƯỞNG NIỆM 35 NĂM HẢI CHIẾN HOÀNG SA

Người Việt khắp nơi tưởng niệm 35 năm trận hải chiến Hoàng Sa 19-1-1974
Gửi vào ngày Thứ Tư, 21 Tháng 1, 2009.
http://tiengnoitudodanchu.org/modules.php?name=News&file=article&sid=6939
Đánh dấu 35 năm trận hải chiến bảo vệ lãnh thổ của Quân lực VNCH trước sự xâm lăng của Trung cộng tại quần đảo Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974, liên tiếp trong những ngày cuối tuần qua người Việt khắp nơi đã tổ chức những sinh hoạt tưởng niệm trận chiến kiêu hùng của các chiến sĩ đã nối bước tiền nhân chống lại sự xâm lăng của ngoại bang phương Bắc.

Biểu tình tại Đức Quốc

Hình : http://i38.photobucket.com/albums/e113/diendantudodanchu/hai_ngoai/2c008a36.jpg

Tại Đức Quốc: Sinh hoạt "Tưởng Niệm 35 năm Hải Chiến Hoàng Sa" đã diễn ra vào trưa ngày 17-1-2009 bằng một buổi biểu tình, từ 12 giờ trưa trước tòa lãnh sự Trung cộng, nhân kỷ niệm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Cộng dùng sức mạnh quân sự cưỡng chiếm vào ngày 19-1-1974.
Tin tức ghi nhận cho biết, mặc dù khí hậu tại đây vẫn còn vương vấn trận rét kỷ lục tại Âu châu vừa rồi nhưng đồng bào Việt Nam từ các nơi xa như Berlin, Nürnberg, Hamburg, Krefeld, Nettetal, Köln, Mannheim, Bremen cũng đã kéo về tụ tập đúng giờ để hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy Ban Điều Hợp Các Công Tác Đấu Tranh tại CHLB Đức tham gia vào cuộc biểu tình.
Sau nghi thức chào cờ khai mạc, phút mặc niệm đồng bào đặc biệt dành tưởng nhớ 58 chiến sĩ hải quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa lịch sử. Tại buổi biểu tình, ông Nguyễn Thanh Văn, đại diện BTC đã trình bày mục đích cuộc biểu tình nhằm tố cáo hành vi xâm lược của Trung cộng đối với Việt Nam qua sự leo thang xâm lấn lãnh hải của Việt Nam, mà mới nhất là việc Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc công bố dự án 29 tỷ USD để khảo sát và khai thác trong vùng nước sâu ở biển Đông và việc Cục Hải Dương Trung Quốc đã công bố chủ trương khuyến khích các đơn vị, cá nhân khai thác và sử dụng các đảo tại khu vực Hoàng Sa và Trường Sa, với lý do họ cho rằng "sẽ có lợi cho việc bảo vệ chủ quyền biển giới của Trung Quốc".
Những biểu ngữ và hàng trăm tờ truyền đơn được phân phát trong cuộc biểu tình đã cho người dân Đức biết những gì đang xảy ra tại biển Đông, cũng như những sự việc mà người Việt hôm nay muốn lên án Trung Quốc. Xen kẽ những phát biểu của các ông Trần Văn Các và Phạm Công Hoàng sau đó, những nhạc khúc Trường Sa Hành Khúc, Đáp Lời Sông Núi đã dâng cao khí thế trong lòng mọi người.
Đồng bào biểu tình đã hô to các khẩu hiệu "đả đảo Trung Quốc xâm lược", "Hoàng Sa & Trường Sa là của Việt Nam", "Trung Quốc phải trả lại Hoàng & Trường Sa", "Trung Quốc phải trả lại Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan", và "Trung Quốc phải trả lại nhiều ngàn cây số vuông đất và biển đã chiếm của Việt Nam trong thời gian qua", …bằng ba thứ tiếng Việt, Hoa và Đức. Các biểu ngữ to, căng đầy khu vực biểu tình, hòa cùng màu cờ vàng, cũng mang những nội dung này.
Đặc biệt, em Bảo Quyên đã thay mặt đoàn biểu tình đọc bản kháng thư của người Việt tại Đức đối với sự xâm lấn của Trung Quốc, và sau đó cảnh sát đã hộ tống đưa đại diện đoàn biểu tình tới trước LSQ Trung quốc để trao kháng thư. Tuy nhiên Lãnh sự quán Trung Quốc đã đóng cửa, kéo màn cửa sổ im lìm như trong bao lần có biểu tình chống đối họ. Đại diện đoàn biểu tình đã phải bỏ bản Kháng thư vào thùng thư LSQ Trung quốc.

Hình : http://i38.photobucket.com/albums/e113/diendantudodanchu/hai_ngoai/7567589a.jpg

Trước khi chấm dứt buổi biểu tình, Ông Trần Văn Các, sau khi tố cáo cái gọi là "tình hữu nghị láng giềng tốt theo 16 chữ vàng giả của Bắc Kinh", đã xé lá cờ máu 5 sao của Trung quốc trước cuộc biểu tình.
Phần một sinh hoạt kết thúc lúc 13 giờ. Mọi người tiếp tục căng biểu ngữ và cờ, tuần hành kéo dài 2 cây số trên đường phố để tiến về lãnh sự quán Việt Cộng tọa lạc trên đường Siesmayer 10, là địa điểm biểu tình kế tiếp.
Trong khi diễn hành đoàn biểu tình cũng tiếp tục tục hô to các khẩu hiệu và phát truyền đơn cho dân Đức biết mục tiêu của buổi biểu tình và đã nhận được những biểu lộ bày tỏ thiện cảm của người dân địa phương.
Dưới khí hậu trời tương đối lạnh với 3°C, dưới mặt đường vẫn còn rất lạnh vì băng tuyết rơi xuống trong tuần trước còn đọng lại trên mặt đất rất nhiều. Tuy nhiên cái lạnh này không làm sao nguội được bầu nhiệt huyết trong huyết quản của những người Việt yêu tổ quốc hôm nay.
Trước LSQ Việt cộng, lúc 13giờ 40, sau nghi thức khai mạc tại đây, ông Trần Văn Các đại diện ban tổ chức tuyên bố lý do cuộc biểu tình. Lần này đối tượng là lãnh đạo đảng CSVN, những người đã lén lút ký các Hiệp định Biên giới và Hiệp định phân chia Vịnh Bắc Bộ vào các năm 1999 và 2000 để hiến dâng nhiều phần đất thiêng liêng của tổ quốc cho Trung quốc hầu mong mua lấy sự bảo đảm duy trì quyền lực lâu dài ở Việt Nam.
Sau đó bà Diệu Trí, đại diện Hội Phụ Nữ Việt Nam Tự Do tại Đức cũng đã lên án nhà cầm quyền Cộng sản về những hành vi ngăn cấm, đàn áp người dân trong nước vì muốn bày tỏ thái độ yêu tổ quốc của mình trước hành động xâm lấn của Trung cộng.
Đặc biệt, một tham dự viên đã có sáng kiến làm một hình nộm người mù mặc chiếc áo thun trắng in hàng chữ "Trả ta sông núi". Hình nộm lúc nào cũng được giơ cao trong suốt hai buổi biểu tình nhằm nói lên ý nghĩa: người mù còn biết đi đòi quân xâm lược trả lại đất đai đã cướp của dân Nam, người sáng mắt sao lại bán nước?
Trước khi kết thúc buổi biểu tình tại đây, em Huỳnh Quốc Bảo đã đọc nội dung Bản kháng Thư mà đoàn biểu tình đã gởi cho LSQ Trung cộng trước đó, yêu cầu LSQ Việt cộng ghi nhận và gởi về cho lãnh đạo Hà Nội biết.

Phần hai sinh hoạt chấm dứt lúc 14 giờ 30. Sau đó mọi người di chuyển về hội trường nhà thờ St. Lioba thuộc vùng Frankfurt (Bonames) để tham dự phần ba, là buổi lễ tưởng niệm trận hải chiến Hoàng Sa 19-1-1974.
Lúc 15 giờ 30 buổi Lễ Tưởng Niệm 35 Năm Trận Hải Chiến Hoàng Sa, cùng vinh danh các chiến sĩ Hải Quân VNCH đã vị quốc vong thân trong việc bảo vệ Hoàng Sa cách đây 35 năm bắt đầu bằng nghi thức chào cờ mặc niệm trang trọng. Sau đó là diễn văn khai mạc của ông Nguyễn Văn Phảy, Gia đình Hải Quân tại Đức, là Trưởng Ban tổ chức, đã ngỏ lời chào mừng quan khách đồng thời trình bày ý nghĩa và mục đích buổi lễ.
Tiếp theo là nghi thức tế lễ các Anh hùng vị quốc vong thân, gồm 3 vị chủ tế trong bộ khăn đóng áo dài truyền thống dân tộc cử hành. Bài văn tế anh linh tử sĩ Hoàng Sa được đọc lên trong không khí trang nghiêm với khói hương nghi ngút trước bàn thờ, cùng lúc với những tên tuổi của 58 tử sĩ trong trận chiến Hoàng Sa đã lần lượt hiện lên trên màn ảnh đã gây xúc động đến mọi người.
Trong dịp này mọi người đã lần lượt tiến lên trước bàn thờ để thắp một nén hương cho những anh hùng tử sĩ.
Trong dịp này, mọi người đã được xem lại đoạn Video đầy oai phong lẫm liệt trong vòng 10 phút để tưởng nhớ và vinh danh các chiến sĩ Hải Quân đã anh dũng chiến đấu và hy sinh bảo vệ Hoàng Sa năm xưa. Được biết đoạn phim này do Hội Đồng Việt Nam Bảo Toàn Đất Tổ thực hiện và cũng đã được đưa lên YouTube trên mạng Internet.

Sau giờ giải lao, ông Nguyễn Ngọc Hùng, đảng Thăng Tiến đã trình bày sơ lược về chiến dịch Toàn dân tố cáo CSVN đàn áp nhân quyền có hệ thống và ông kêu gọi mọi người ủng hộ chiến dịch này.

Phần 2 buổi lễ tưởng niệm với phần hội thảo, được điều hợp bởi các ông Phạm Công Hoàng, Phó chủ tịch Ủy Ban Điều Hợp Công Tác Đấu Tranh tại Đức; Ông Hoàng Tôn Long, BCH Tập Thể Chiến Sĩ VNCH và ông Nguyễn Văn Phảy, BCH Gia Đình Hải Quân tại Đức.
Trước khi đi vào phần thảo luận về tình hình chung của đất nước, Ban Điều Hợp đã mời ông Nguyễn Thanh Văn, đại diện đảng Việt Tân tại Đức trình bày về những sự kiện đáng quan tâm của tình hình đất nước trong năm qua với những hình ảnh trình chiếu từ sự kiện Thái Hà, Phong trào dân oan khiếu kiện, công nhân đình công, sự lên tiếng ngày càng nhiều của các nhà phản kháng về các vấn đề dân chủ và lãnh thổ lãnh hải… để làm đề tài cho buổi thảo luận.
Phần hội thảo rất sôi nổi vì nhiều câu hỏi liên quan đến những liên hệ giữa VNCH và Mỹ vào thời điểm xảy ra trận hải chiến Hoàng Sa; về những tuyên bố của Hà Nội mới đây liên quan đến biên giới Việt-Trung; về những hy sinh của những chiến sĩ Việt Nam trong trận chiến tranh chống xâm lăng Trung quốc để bảo vệ bờ cõi vào các năm 1979,1984, 1988; về cách thức hỗ trợ cho phong trào dân chủ tại quốc nội…
Buổi lễ đã chấm dứt vào lúc 19 giờ cùng ngày sau khi ông Trần Văn Các thay mặt Gia Đình Hải Quân VN tại Đức cám ơn mọi người.

Tại Paris, người Việt xuống đường nói lên tiếng nói "Hoàng Sa & Trường Sa là của Việt Nam":

Hình : http://i38.photobucket.com/albums/e113/diendantudodanchu/hai_ngoai/d2c9001e.jpg

Ngày chủ nhật 18-01-2009, cũng nhằm đánh dấu 35 năm trận hải chiến Hoàng Sa, với sự anh dũng hy sinh của 58 chiến sỉ Hải Quân VNCH nhằm bảo vệ lãnh thổ của tổ quốc VN vào ngày 19-01-1974, Cơ sở Đảng Việt Tân tại Paris đã thực hiện một quầy thông tin ngay tại khu phố Á Châu ở quận 13 Paris, một mặt để tố cáo chính sách bành trướng của chính quyền Trung Quốc, cùng với sự toa rập của đảng CSVN, mặt khác đây là dịp một lần nữa, người Việt lên tiếng phủ nhận tất cả những gì đảng CSVN ký kết với Trung quốc, trên chính trường Quốc tế.
Cũng nhân dịp đón mừng Xuân Kỷ Sửu trong tinh thần "Không quên những người tranh đấu đón Xuân trong tù" do đảng Việt Tân kêu gọi, các anh chị em Việt Tân Paris đã vận động được nhiều đồng hương cùng người dân bản xứ Pháp, viết thư thăm hỏi động viên tinh thần những nhà dân chủ VN còn đang bị CSVN giam giữ như Linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài... cũng như những tù nhân khác chính vì lên tiếng bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam mà bị đảng CSVN bỏ tù như nhà báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, cô Phạm Thanh Nghiên, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa....

Cùng lúc ở Bắc Mỹ, tại Boston, Lễ Tưởng Niệm 35 Năm Hải Chiến Hoàng Sa và Tri Ân Các Chiến Sĩ HQ VNCH Hy Sinh Vì Tổ Quốc cũng đã được tổ chức hôm 18-1-2009.

Theo Nguời Việt Boston, mặc dầu đang ở giữa mùa đông với những đêm rét xuống dưới 0 độ F và những ngày bão tuyết triền miên, thêm vào đó với những khó khăn kinh tế cộng với mùa đông khắc nghiệt làm thành phố vốn nhộn nhịp trở nên vắng lặng hơn những năm trước. Nhưng đối với đồng bào Việt Nam đang cư ngụ tại thành phố miền Đông Bắc nước Mỹ này, hôm 18-1 là một ngày đáng nhớ. Dù đường trơn trợt, dù giá rét căm căm họ vẫn phải đi như có tiếng ai gọi âm thầm nhưng thúc dục. Vì tuần lễ này 35 năm trước, dân tộc Việt Nam mang một vết thương trên thân thể: Hoàng Sa rơi vào tay Trung Cộng bá quyền. Tuần lễ này 35 năm trước, vầng khăn tang trắng đã choàng lên những hải đảo thân yêu với những tên gọi đầy thơ mộng như Cam Tuyền, Vĩnh Lạc, Duy Mộng, Quang Hòa.
Tuần lễ này 35 năm trước, Sài Gòn buồn như một đám ma. Những cụm mai vàng chào đón xuân sang không làm phai đi màu đen tang chế đang phủ trùm lên cả miền Nam. Những cuộc biểu tình rầm rộ từ Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ... không làm vơi đi nỗi buồn nhược tiểu trong lòng những người đang ưu tư cho vận nước. Những bản hùng ca xen lẫn với những tiếng kèn truy điệu của các chương trình phát thanh quân đội đã làm người dân rơi nước mắt xót thương cho số phận hẩm hiu của tổ quốc mình.
Buổi lễ được tổ chức vào buổi chiều ngày 28-1-2009, dù tuyết đã rơi nhiều hơn và trời đã lạnh hơn, nhưng không ngăn được bước chân của các thế hệ Việt Nam dù đang sống bên bờ Đại Tây Dương xa xôi nhưng lòng luôn gắn bó với Thái Bình Dương nơi đang ôm ấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu.
Trong những bộ đồ mùa đông nặng nề, dày cộm, những chiếc mủ len kéo kín gần khuôn mặt, trên 450 đồng hương thuộc nhiều thế hệ Việt Nam, từ người sĩ quan hải quân tóc bạc đã từng là sĩ quan trọng pháo trên tuần dương hạm HQ5 cho đến các em, các cháu sinh ra trên nước Mỹ chỉ biết Hoàng Sa trên bản đồ nước Việt, từ các vị lãnh đạo tôn giáo cho đến các đại diện cộng đồng, đoàn thể, tổng hội sinh viên, dù đang định cư ngay tại Dorchester hay ở tận các tiểu bang như New Hampshire, Connecticut, các thành phố xa như Worcester, Lowell …. đã hẹn nhau ở trường trung học Grover Cleveland, thành phố Boston, để cùng thắp nén hương lên bàn thờ những chiến sĩ Hải Quân VNCH đã hy sinh vì tổ quốc.

Chương trình lễ tưởng niệm do Gia Đình Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) vùng New England tổ chức qua sự điều hợp của hải quân (HQ) Lý Thuần Kỳ và chị Bích Nga, phu nhân của HQ. Phạm Tiến Cương. Gia Đình Hải Quân VNCH Vùng New England về mặt tổ chức là đoàn thể trẻ nhất trong cộng đồng Việt Nam Massachusetts vì chỉ mới chính thức ra đời hơn một năm nay, nhưng về mặt nhân sự đây là đoàn thể quy tụ những vị đã có những đóng góp lâu năm nhất và đa dạng nhất của các cộng đồng Việt Nam vùng Đông Bắc Hoa Kỳ. Trong số các hội viên của Gia Đình Hải Quân VNCH, có vị đã từng là chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam Massachusetts nhiều năm, có vị là hội trưởng của đoàn thể đầu tiên sinh hoạt trong cộng đồng người Việt và đã từng là sáng lập viên của tổ chức tranh đấu ra đời gần 30 năm trước, có vị là giám đốc của một đài phát thanh lớn, có vị là điều hành viên nhiều mạng lưới thông tin và cũng có vị đã từng là nhạc sĩ nổi tiếng. Đặc tính đa dạng của tài năng pha với một chút hải hồ hào hoa còn lại trong các thành viên gia đình hải quân đã giúp cho buổi lễ tưởng niệm tuy rất trang nghiêm nhưng cũng không kém phần sinh động, tuy rất ngậm ngùi cho những mất mát lớn lao nhưng không thiếu vắng niềm hy vọng vào tương lai đất nước.

Hình : http://i38.photobucket.com/albums/e113/diendantudodanchu/hai_ngoai/5c880faa.jpg

Sau phần nghi thức chào quốc kỳ Mỹ Việt do HQ. Đổ Đăng Doanh điều hợp, HQ. Nguyễn Hữu Lý tức nhạc sĩ Nguyễn Thiện Lý (cựu HQ.Thiếu Tá K14-SQHQNT) đã thay mặt Gia Đình Hải Quân VNCH (GĐHQ/VNCH-NE) đọc diễn văn khai mạc. Người anh cả của GĐHQ/VNCH-NE và cũng là tác giả của Mưa Bên Kia Sông tuyệt vời đã khẳng định “Dù phải lui quân vì yếu thế về lực lượng trước sự im lặng của thế giới tự do, nhưng quân lực VNCH nói chung và hải quân VNCH nói riêng đã thể hiện tinh thần quyết hy sinh chiến đấu chống ngoại xâm để bảo vệ giang sơn đất nước.”
Không những thế, hai phái đoàn gọi là “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” và “Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam” lúc đó cũng đã từ chối lời kêu gọi của phái đoàn Việt Nam Cộng Hoà tố cáo Trung Quốc xâm lăng. Đồng minh dửng dưng, một số người gọi là "đồng bào" thì ngoảnh mặt. Có nỗi xót xa nào lớn hơn nỗi xót xa của số phận một nước sức yếu thế cô và có vết thương tinh thần nào sâu hơn, đau hơn vết thương của một người mẹ bị bỏ rơi bởi chính những đứa con yêu quý của mình. Câu phát biểu của ông chủ tịch Gia Đình Hải Quân VNCH vùng New England một lần nữa khẳng định một chân lý lịch sử rằng lãnh thổ Việt Nam đã được bảo vệ bằng xương, bằng máu Việt Nam và chỉ có thể giành lại được bằng xương, bằng máu Việt Nam.
Sau phần phát biểu của HQ. Nguyễn Hữu Lý, là phần phát biểu của HQ. Lương Văn Phước (cựu HQ. Thiếu Tá, K15-SQHQNT), sĩ quan phụ trách vũ khí và vỏ tàu của tuần dương hạm Trần Quang Khải HQ5, là soái hạm chỉ huy trong trận hải chiến Hoàng Sa. Dù 35 năm trôi qua với bao nhiêu thăng trầm của đất nước và đổi thay của chính đời mình, nhưng đối với HQ. Lương Văn Phước, cuộc hải chiến Hoàng Sa như vừa mới diễn ra. Những sự hy sinh của bạn bè anh, những thân tàu trúng đạn, những Cam Tuyền, Vĩnh Lạc, Duy Mộng, Quang Hòa thân yêu mờ xa dần khi tuần dương hạm HQ5 rút khỏi khu vực Hoàng Sa sẽ không bao giờ phai đi trong ký ức. Nhưng trong lòng anh vẫn tràn đầy hy vọng, tràn đầy niềm tin vào các thế hệ Việt Nam, vào sức mạnh dân tộc. Anh kêu gọi đồng hương hãy tập trung yểm trợ cho các phong trào dân chủ, các thế hệ trẻ Việt Nam đang đấu tranh vì nhân quyền và dân chủ.
Phần cảm động nhất của lễ tưởng niệm không phải từ lời phát biểu nhưng từ một đoạn phim 20 phút do Nhóm Truyền Thông và Báo Chí của Gia Đình Hải Quân VNCH vùng New England thực hiện. Đoạn phim tuy ngắn nhưng súc tích, tổng hợp được nguyên nhân dẫn đến việc Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa, diễn tiến của trận đánh và kết luận bằng việc khơi dậy truyền thống độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam.

Thật vậy, lịch sử Việt Nam là một bản hùng ca trải dài suốt hơn bốn ngàn năm thăng trầm của vận nước. Như số phận một nước nhỏ, dân tộc chúng ta đã phải chịu đựng rất nhiều hy sinh xương máu trong hàng trăm cuộc chiến bảo vệ đất nước qua các thời Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần để chống lại các triều đại phong kiến Trung Hoa nói riêng và các thế lực xâm lăng từ phương Bắc nói chung đông hơn gấp nhiều lần, nhưng tổ tiên chúng ta luôn luôn thắng những trận cuối cùng và quyết định như Nguyễn Trải đã nhắc lại trong Bình Ngô Đại Cáo.
Nhưng đau xót thay, trong thế kỷ 20, giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ vì mục đích Cộng Sản hóa toàn cõi Việt Nam đã nỡ dâng hiến một phần đất thiêng liêng của tổ tiên cho Trung Cộng. Hoàng Sa và Trường Sa là giá mà giới lãnh đạo Đảng phải ứng trước để đổi lấy nhiều vạn trái mìn, mấy trăm ngàn khẩu AK, mấy ngàn chiếc tăng đủ loại để đem về cày xéo lên các thành phố miền Nam, đốt cháy thôn làng miền Nam và tàn sát nhiều triệu dân miền Nam vô tội. Công hàm bán nước của Phạm Văn Đồng cho đến hôm nay là bằng chứng cụ thể đã và đang được nhà cầm quyền Trung Cộng dùng để xác định chủ quyền của chúng trên hải đảo thân yêu của dân tộc Việt Nam. Tương tự như phần phát biểu của gia trưởng Nguyễn Hữu Lý của GĐHQ-NE, và HQ. Lương Văn Phước, đoạn phim kết luận bằng một niềm tin rất thật và đã chứng nghiệm nhiều lần trong lịch sử, rằng dù 10 năm, 20 năm hay nhiều năm nữa, dân tộc Việt Nam cuối cùng sẽ đánh bại quân bành trướng bá quyền Trung Cộng như ông cha chúng ta đã từng đánh bại các đạo quân xâm lược bắc phương ở Bạch Đằng, Như Nguyệt, Vân Đồn, Chương Dương, Vạn Kiếp.
HQ. Đổ Đăng Doanh đã điều hợp lễ Tưởng Niệm trang nghiêm và rất cảm động. Các đại diện tôn giáo đã cùng với các đoàn thể, các chiến hữu thuộc các quân binh chủng quân lực VNCH đã chào tay trước đài tưởng niệm giữa tiếng kèn Chiêu Hồn Tử Sĩ. Đài tưởng niệm với hàng chữ Tổ Quốc Ghi Công được dựng trên phông ảnh bờ biển nơi có các chiến hạm hải quân VNCH đang vượt sóng ra Hoàng Sa được thực hiện rất công phu đã làm cho buổi lễ tưởng niệm tăng thêm phần uy nghi trang trọng. Một vòng hoa đã được trang trọng rước lên Đài tưởng niệm. Cả hội trường đứng lên trong im lặng cúi đầu trong lúc hai vị điều khiển chương trình xướng danh từng anh hùng hải quân đã hy sinh vì đất nước. Đâu đó trong hội trường những giọt nước mắt đang âm thầm chảy xuống.
Các anh hùng Ngụy Văn Thà, Nguyễn Thành Trí, Huỳnh Duy Thạch, Đinh Hoàng Mai, Lê Văn Tây, Lê Anh Dũng... và những người con yêu nước khác đã đem máu mình tô thắm ngọn cờ độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam. Thế hệ Việt Nam hôm nay và mãi mãi về sau sẽ nhớ đến các anh. Các anh không bao giờ chết, các anh chỉ trở về với tổ tiên của giòng giống Lạc Hồng, về với Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Triệu Quang Phục, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải, Nguyễn Trung Trực. Máu các anh đã làm mặn thêm lòng biển mẹ, xương cốt của các anh là những cột mốc cắm sâu vào bờ biên cương tổ quốc và anh linh của các sẽ là ngọn hải đăng soi sáng đoàn tàu Việt Nam hướng về bến cảng tự do dân chủ cho ngàn đời sau tươi đẹp. Những lời phát biểu ngông cuồng của Trung Cộng mới đây khi tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa bao gồm Trường Sa và Hoàng Sa, chẳng những không có một giá trị gì đối với dân tộc Việt Nam mà chỉ làm sục sôi thêm lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam. Hoàng Sa, Trường Sa là đảo Việt Nam, là biển Việt Nam, là đất Việt Nam của hàng ngàn năm trước và sẽ của nhiều ngàn năm sau.

Hòa đồng với tinh thần yêu nước và niềm hy vọng vào tương lai, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Nam Massachusetts, đã một lần nữa nhắc lại những câu chuyện lịch sử như những bài học mà tổ tiên đã để lại. Lời dặn của Nguyễn Phi Khanh không phải chỉ cho một mình Nguyễn Trải mà còn là lời dặn dò cho các thế hệ Việt Nam. Lòng hiếu thảo của những người con đối với cha không phải là khóc lóc mà hãy đoàn kết nhau để cùng đánh tan quân xâm lược, giành lại giang sơn và tương tự, lòng yêu nước không nên thể hiện bằng nước mắt mà còn bằng hành động, bằng những đóng góp cụ thể vào công cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ cho dân tộc Việt Nam.

Chương trình còn có phần phát biểu ngắn nhưng cảm động của nhà thơ và bác sĩ Vũ Linh Huy cũng như phần phát biểu rất hay, ý nhị và rất đúng tâm trạng một người vợ có chồng đang hải hồ trên biển cả của chị Nguyễn Nữ Như Nghĩa, phu nhân HQ. Lương Văn Phước. Chị đã diễn tả nỗi cô đơn thiếu vắng chen lẫn với niềm hãnh diện khi có chồng trên những đoàn tàu đang rẽ sóng lên đường đi bảo vệ đại dương của tổ quốc. Các bạn trẻ Thân Vĩnh Bảo Toàn đại diện giới trẻ Boston, thay mặt cho hậu duệ hải quân, sinh viên Trần Thục Minh đại diện Tổng Hội Sinh Viên, và bạn trẻ Huỳnh Duyên Trinh, đại diện đoàn Thanh Niên Hướng Việt Worcester Massachusetts đã lần lượt ghi ơn những hy sinh của các chiến sĩ hải quân và hứa sẽ tiếp tục đóng góp công sức của các em vào công cuộc vận động cho một Việt Nam tự do, dân chủ và thăng tiến.

Phần 2 của chương trình là phần văn nghệ phong phú với sự góp mặt của hầu hết các tiếng hát xuất sắc của vùng New England như Hoàng Long, Ngọc Thanh, Hoàng Vân, Ngọc Diễm, Hoàng Thông, Nguyễn Lộc, Thành An và phần đệm nhạc của nhạc sĩ Lê Gioang.
Ngày mới ra đi, mỗi người Việt Nam mang một tâm trạng chung là những người vừa mất quê hương. Chính kẻ viết bài tường thuật này cũng nghĩ thế. Thật ra, quê hương không mất, quê hương có trong mỗi trái tim Việt Nam còn thao thức, còn biết vui, biết buồn theo những thăng trầm của đất nước dù chúng ta đang sống ở đâu trên mặt đất nầy. Càng đi xa càng thấy yêu đất nước. Càng thấy cái đẹp trong nếp sống dân chủ của các xã hội tự do càng thấy xót thương cho số phận của đồng bào suốt đời chưa được cầm một lá phiếu đúng nghĩa trên tay.
Chiều nay, nhìn chiếc bóng xiêu xiêu của những cụ già đang đi bộ trên con đường Dorchester trơn trợt để đến địa điểm hành lễ, nhìn các em thanh niên sinh viên đang phân phát chương trình lễ tưởng niệm, nhìn các anh lo chuẩn bị bàn thờ, nhìn các chị tập hát những bài hát đầy kỷ niệm, kẻ viết bài tường thuật này chợt nghĩ, thì ra Hoàng Sa không phải cách Đà Nẵng gần 200 hải lý, không phải bên kia bờ trái đất xa xôi, không phải đang nằm trong tay giặc, mà Hoàng Sa đang ở đây, trong ánh mắt kia, trong nhịp tim này. Chiều nay Hoàng Sa đang ở Boston. (AnLac & TienSa)

Vào ngày 19-1-2009, tại Houston, đồng bào người Việt đã cùng xuống đường biểu tình phản đối trung cộng xâm lấn lãnh thổ VN

Hình : http://i38.photobucket.com/albums/e113/diendantudodanchu/hai_ngoai/13351414.jpg

Hôm thứ Hai 19-1-2009, lúc 11:00 trưa, trước Lãnh sự quán Trung Cộng trên đường Montrose, khoảng 200 người Việt tại Houston đã cùng tham dự cuộc biểu tình biểu tình lên án nhà cầm quyền CSVN dâng đất dâng biển cho Trung Cộng, và phản đối nhà cầm quyền Trung Cộng vi phạm chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đoàn biểu tình đã dương hai biểu ngữ lớn bằng tiếng Anh với nội dung: "Không chấp nhân Hiệp ước biên giới Việt - Tàu" - "Yêu cầu Trung Cộng rút khỏi Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam".
Nhiều biểu ngữ cầm tay với các nội dung "Cực lực lên án Trung Cộng xâm lấn Việt Nam", "Tàu Cộng hãy chấm dứt giết hại ngư dân Việt Nam", "Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam", "Đả đảo Cộng sản Việt Nam hèn nhát, bán nước"... cũng được đoàn biểu tình trương cao.
Trong cuộc biểu tình, Ban tổ chức đã cho đọc một Kháng Thư khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa -Trường Sa; phản đối Trung Cộng bá quyền xâm lấn lãnh thổ Việt Nam; và cực lực lên án thái độ nhu nhược dâng đất dâng biển của nhà cầm quyền CSVN.
Được biết, cuộc biểu tình này được tổ chức bởi Tổng hội Cựu chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Uỷ ban Bảo vệ Chính Nghĩa Quốc Gia, và Cơ sở Đảng Việt Tân, cùng với sự tham dự của các đoàn thể tại Houston.
Cuộc biểu tình kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ, và đã kết thúc lúc 1 giờ trưa cùng ngày.
Trước đó một ngày, hôm Chủ Nhật 18-1-2009, hàng trăm đồng hương VN cũng đã tham dự một buổi hội thảo kéo dài từ 2 giờ 30 đến 6 giờ chiều, với chủ đề “Quốc dân Việt Nam phải làm gì trước hành động xâm lăng lãnh thổ lãnh hải Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc?”, được tổ chức tại Nhà hàng Phoenix Sea Food, thành phố Houston.

Dưới đây là nguyên văn của người Việt tại Houston & Vùng Phụ Cận, Tiểu Bang Texas, Hoa Kỳ:

KHÁNG THƯ
Của Quốc dân Việt Nam tại Houston & Vùng Phụ Cận, Tiểu Bang Texas, Hoa Kỳ.
Gởi hai đảng Cộng sản Trung Quốc, Việt Nam và hai nhà cầm quyền nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa và Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

- Xét rằng: Vấn đề biên giới trên đất liền và lãnh hải giữa hai nước Việt - Trung đã được ổn định hàng thế kỷ qua, vì sự phân định đã có căn cứ lịch sử, pháp lý, chính trị, hành chánh và thực tiển được xác lập bằng các Hiệp Ước song phương ký kết giữa các nhà cầm quyền có thẩm quyền của hai nước Việt Hoa (Hiệp ước Thiên Tân ngày 9-6-1885, Hiệp Ước Bắc Kinh ngày 26-6-1887 phân ranh hải phận Vịnh Bắc Việt); hay chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải với các hải đảo Hòang Sa và Trường Sa của Việt Nam được công bố và được thừa nhận đa phương, mặc nhiên hay minh thị trong các hội nghị quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế (Tuyên Cáo Cairo 1943, Tuyên Ngôn Postdam 1945, Hiệp Định Elysée 1949, Hiệp Ước Hòa bình San Francisco 1951, Hiệp Định Gènve 1954, Hiệp Định và Định Ước Paris 1973, Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982)
- Xét rằng: Việt Nam từ lâu đã là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, lãnh thổ toàn vẹn, bất khả phân và bất khả chuyển nhượng. Chủ quyền quốc gia thuộc về quốc dân Việt Nam và bất cứ chính quyền nào cũng chỉ có quyền quản lý đất nước theo đúng ý nguyện của nhân dân, là những người chủ thực sự của đất nước.

Vì vậy, việc nhà cầm quyền Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải và các hải đảo của Việt Nam bằng bạo lực quân sự (chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, một phần lãnh thổ Việt Nam vùng biên giới phía Bắc giáp ranh Trung quốc năm 1979, xâm chiếm một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988...) hay xâm lăng lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam qua các hiệp ước bất bình đẳng giữa nhà cầm quyền Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ( hai hiệp định về biên giới và hải phận Việt - Trung được ký kết bí mật ngày 30-12-1999 và ngày 25-12-2000); hay bằng quyết định hành chánh đơn phương (quyết định vào đầu năm 2008 của nhà cầm quyền Trung quốc sát nhập hai quần đảo Hòang Sa và Trường Sa của Việt Nam vào huyện Tam Sa của Trung Quốc...); hoặc đơn phương lập thuyết, vẽ lại bản đồ biên giới (Thuyết Biển Lịch Sử hay Lưỡi Rồng Trung Quốc)... Tất cả đều là những hành động xâm lược trắng trợn của nhà cầm quyền Trung Quốc, xâm phạm thô bạo chủ quyền và sự tòan vẹn lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế (Các điều 1, 2 và 3 của Nghị Quyết số 3314 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc năm 1974; Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và Điều 8 Công Uớc Liên Hiệp Quốc về Luật Biển)

- Xét rằng: Hành động tố cáo và phản kháng các hành vi xâm chiếm lãnh thỗ lãnh hải Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc, là quyền và bổn phận của mọi Quốc dân Việt Nam, trong cũng như ngoài nước. Việc nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam khủng bố, trấn áp, cầm tù những người Việt Nam, chỉ vì họ đã thực hiện quyền và nghĩa vụ của một Quốc Dân Việt Nam, là vi phạm thô bạo quyền sở hữu chủ cộng đồng đất nước Việt Nam, vi phạm quyền tự do và nhân quyền của Quốc Dân Việt Nam.

Bởi các lẽ ấy, Chúng tôi, những Quốc Dân Việt Nam đang sinh sống tại Houston & Các vùng phụ cận, thuộc mọi thành phần xã hội, tôn giáo và khuynh hướng chính trị, cùng hợp ý và kết hợp hành động với Quốc Dân Việt nam trong cũng như ngoài nước, bằng Kháng Thư này, gửi đến hai nhà cầm quyền Trung quốc và nhà cầm quyền Việt Nam, cùng lúc thông báo đến chính phủ các quốc gia trong cộng đồng thế giới, Tổ chức Liên Hiệp Quốc, các Tổ chức quốc tế và Tòa án quốc tế có thẩm quyền giải quyết phân tranh:

1/- Rằng chúng tôi cực lực phản kháng và lên án nhà cầm quyền nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã trắng trợn xâm lược nhiều vùng đất biên giới lãnh thổ, lãnh hải và các hải đảo của Việt Nam bằng quân sự hay qua các hiệp ước song phương bất bình đẳng và các quyết định hành chánh, pháp lý và địa lý đơn phương, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và sự vẹn toàn lãnh thổ của Việt Nam.

2/- Rằng với tư cách Quốc Dân Việt Nam, những người chủ thực sự của đất nước, chúng tôi phủ nhận hòan tòan giá giá trị pháp lý cũng như hệ quả thức tế của các hành vi xâm lược quân sự hay các hiệp định song phương, hoặc các quyết định pháp lý hành chánh đơn phương dẫn thượng, đã vi phạm chủ quyền và sự vẹn tòan lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam.; khẳng định một sự vô hiệu vĩnh viễn với toàn quyền đòi lại bất khả thời tiêu. Quốc Dân Việt Nam, với tư cách người chủ thực sự Đất Nước, bằng mọi cách và mọi giá sẽ giành quyền đòi lại những phần đất đai, hải phận và hải đảo đã bị nhà cầm quyền Trung quốc xâm chiếm

3/- Trong hiện tại, Quốc dân Việt Nam trong và ngòai nước, mạnh mẽ tố cáo và lên án hành vi xâm lược của nhà cầm quyền Trung quốc trước công luận thế giới. Đối với nhà cầm quyền đương thời Việt Nam, do có tư cách pháp nhân Quốc Gia, có trách nhiệm bảo vệ sự vẹn tòan lãnh thổ Việt Nam, và với tư thế thành viên Liên Hiệp Quốc, Quốc dân Việt Nam đòi hỏi phải thực hiện mọi phương cách cần thiết tức thời về chính trị, pháp lý, ngọai giao với sự hậu thuẫn quốc tế, để đòi lại các phần lãnh thổ lãnh hải và các hải đảo đã bị ngọai bang xâm chiếm. Đồng thời, đòi nhà cầm quyền Việt Nam phải chấm dứt mọi hình thức khủng bố, trấn áp những người Việt Nam trong nước khi họ thực hiện quyền sở hữu chủ chân chính Đất Nước của mình, và phải trả tự do tức khắc, vô điều kiện cho những quốc dân Việt Nam đã bị bắt cầm tù vì các hành vi yêu nước liên quan đến vụ việc này.

Kháng Thư này đã được thông qua và công bố trong cuộc hội thảo chủ đề “Quốc dân Việt Nam phải làm gì, trước hành động xâm lăng lãnh thổ lãnh hải Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc?” được tổ chức vào ngày 18-1-2009 tại Houston, Texas, Hoa Kỳ.

Làm tại thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, ngày 18 Tháng 01 Năm 2009

- QUỐC DÂN VIỆT NAM THAM DỰ HỘI THẢO.
- BAN TỔ CHỨC HỘI THẢO ngày 18-1-2009:
Tổ chức Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston & Vùng Phụ Cận. - Câu Lạc Bộ Luật Khoa Việt Nam - Hội Ái Hữu Quốc Gia Hành Chánh Việt Nam - Hội ái Hữu Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa - Nhóm Thân Hữu Nguyễn Trãi. - Đảng Việt Tân Cơ Sở Houston- Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam Khu Hội Houston
- Đảng Dân Chủ Xã Hội Phật Giáo Hòa Hảo, Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị & Tôn Giáo Việt Nam.
- BAN TỔ CHỨC BIỂU TÌNH PHẢN KHÁNG TRUNG QUỐC và LÊN ÁN CSVN ngày 19-1-2009:
Tổng Hội Cựu Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa,
Ủy Ban Bảo Vệ Chính Nghĩa Quốc Gia,
Đảng Việt Tân Cơ Sở Houston.

Trong khi đó, tại Florida, Hội Tết Kỷ Sửu do Cộng Đồng Việt Nam Trung tâm Florida tổ chức trong 2 ngày 17 và 18-01-2009 tại Orlando rất hoành tráng, công phu và trang trọng trong tinh thần tưởng niệm các chiến sĩ Việt Nam anh dũng bảo vệ Hoàng sa 35 năm trước ngày 19-01-1974.

Chương trình Hội Tết của Cộng đồng Trung tâm Florida với nội dung rất phong phú: cuộc diễn hành xe hoa, đốt pháo, dựng nêu, ca vũ nhạc kịch, biểu diễn võ thuật và thi hoa hậu áo dài. Khai mạc Hội Tết với cuộc rước Quốc kỳ và quân kỳ rất trang trọng. Ông Nguyễn Văn Tiếp, Phó chủ tịch Cộng Đồng, thay mặt chủ tịch Lưu Tươi tuyên bố khai mạc Hội Tết Kỷ Sửu 2009. Mở đầu là cuộc rước Quốc Kỳ và Quân kỳ do đội liên quân danh dự hầu kỳ rước từ ngoài vào cổng vào trước sân khấu hội trường. Lễ chào quốc kỳ và hát quốc ca Mỹ-Việt được vang lên hùng tráng trước cả ngàn người tham dự đứng im phăng phắt. Không khí trang nghiêm nhất khi người điều khiển chào quốc kỳ xướng lên "lễ tưởng niệm tiền nhân, các chiến sĩ và đồng bào hy sinh vì tổ quốc, đặc biệt tưởng niệm các chiến sĩ anh dũng hy sinh bảo vệ lãnh thổ Hoàng Sa ngày 19-01-1974".
Lớp lớp người hiện diện trong hội trường rộng lớn tự động đầu cuối xuống, môi mím lại. Tiếp theo là cuộc Tế Lễ Quốc Tổ Hùng Vương do ban tế lễ với sắc phục cổ truyền, sau

© 2016 About Us | Terms & Conditions