ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG SANG TRUNG QUỐC TRONG THÂN PHẬN GÌ ? (Tư Ngộ/Người Việt)



Ông Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc trong thân phận gì? Tư Ngộ/Người Việt Wednesday, October 05, 2011 4:59:36 PM http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=138045&z=1
HÀ NỘI - Tổng bí thư đảng CSVN, Nguyễn Phú Trọng, sẽ sang thăm Trung Quốc 5 ngày từ Thứ Ba tuần tới, một chuyến thăm viếng có thể dẫn tới nhiều bình luận khác nhau vào lúc hai nước đang có những tranh chấp về chủ quyền biển đảo trên Biển Ðông.
Hãng thông tấn chính thức của Việt Nam (TTXVN) chỉ loan báo tin này vỏn vẹn có 2 câu, đưa tin cho có chuyện về chuyến đi của ông Trọng từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 10, 2011.
Trong khi đó, Tân Hoa Xã thì có một bản tin dài ca ngợi mối quan hệ giữa hai nước và còn bình luận rằng: “Chuyến thăm (của ông Trọng) sẽ đóng vai trò tiêu biểu để cải thiện mối quan hệ giữa hai nước và đồng thời được coi như bước đi tích cực cho hai bên giải quyết các tranh chấp xuyên qua đàm phán.”
Bản tin Tân Hoa Xã không nói thẳng ra đó là tranh chấp gì, nhưng ai cũng hiểu là tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Ðông.
Suốt mấy tuần lễ gần đây khi Ấn Ðộ dự tính dò tìm dầu khí trên một số lô trong phạm vi 200 hải lý thuộc bờ biển miền Trung Việt Nam, phía đông các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, báo chí Bắc Kinh luân phiên nhau đe dọa đủ điều, kể cả thúc giục đánh Việt Nam ngay để tránh chiến tranh lớn hơn sau này.
Ông Trọng, theo giới phân tích thời sự quốc tế, là người có khuynh hướng dựa vào Bắc Kinh để tồn tại. Cho nên, chuyến đi Bắc Kinh của ông, lần đầu tiên trong vai trò tổng bí thư đảng CSVN, có thể làm cho những ai đang lo sợ Việt Nam ngày càng lún sâu vào sự lệ thuộc Trung Quốc, lo sợ nhiều hơn.
Trong bản tin loan báo chuyến thăm viếng của ông Trọng, Tân Hoa Xã kể lể dài dòng về lần ông tiếp Khổng Huyền Hựu, tân đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, ông đã nói Việt Nam luôn luôn gắn bó với sự tăng cường và phát triển mối quan hệ truyền thống và hợp tác với Trung Quốc. “Nâng mối quan hệ song phương lên thành đối tác chiến lược để tạo nền tảng vững chắc và động lực cho sự phát triển mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong tương lai,” Tân Hoa Xã nói.
Bản tin Tân Hoa Xã cũng không quên nhắc lại khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Khổng Huyền Hựu đã nói là, “Nhân dân Việt Nam luôn luôn ghi nhớ sự giúp đỡ vô giá của nhân dân Trung Quốc cho cuộc đấu tranh giải phóng đất nước trong quá khứ cũng như sự giúp đỡ phát triển kinh tế và xây dựng hiện nay.”
Cuối tháng 7 sang đầu tháng 8, 2011, Việt Nam-Trung Quốc đàm phán lần thứ 7 về vấn đề Biển Ðông. Không có chi tiết nào được tiết lộ nhưng giới chuyên viên tin rằng Bắc Kinh từ chối đàm phán về quần đảo Hoàng Sa mà họ đánh cướp từ năm 1974.
Không những vậy, Bắc Kinh còn ngang ngược đưa ra bản đồ hình “Lưỡi Bò” chiếm 80% Biển Ðông mà nhiều khu vực, lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như Indonesia, Philippines.
Tân Hoa Xã nói hai bên sẽ giải quyết tranh chấp qua đàm phán thì có bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa hay không? Ðây là điều mà người dân Việt nào cũng muốn biết nhưng chế độ Hà Nội không bao giờ tiết lộ.
Ngư dân Việt Nam đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa đều bị tàu tuần Trung Quốc đâm chìm hay bắt giữ rồi đòi tiền chuộc, dù Việt Nam luôn luôn xác định chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thậm chí các tàu chạy tới đó tránh bão cũng bị bắn, xua đuổi. Ngư dân thì bị đánh, tài sản thì bị cướp.
Ðể lấy lòng Bắc Kinh, nhà cầm quyền Hà Nội đã khai thác bauxite ở Tân Rai, Lâm Ðồng, và tại Nhân Cơ, tỉnh Ðắc Nông, bất chấp lỗ vốn và bao nhiêu nguy cơ về thảm họa môi trường, phục vụ kỹ nghệ Trung Quốc. Ðường sá nhỏ hẹp thì đổ thêm tiền để “nâng cấp” cho đoàn xe chở quặng di chuyển.
Năm 2010, kim ngạch mậu dịch hai nước là $27.33 tỷ, tăng 28% so với năm 2009, trong đó, Việt Nam xuất khẩu chỉ được $7.3 tỷ, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc tới $20.2 tỷ, thâm thủng mậu dịch tới $12.9 tỉ.
Ngày 28 tháng 9, 2011, tờ Nhân Dân Nhật báo, cơ quan tuyên truyền chính thức của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc có bài bình luận kêu gọi Hà Nội và các nước Á Châu khác “không nên núp bóng Hoa Kỳ.” Lập luận của báo này từng được Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh lập lại nhiều lần là sự can dự của Hoa Thịnh Ðốn “chỉ làm cho tình hình xấu đi thêm và khó giải quyết hơn.”
Bắc Kinh chỉ muốn dùng cái thế thượng phong của nước lớn để chèn ép các nước nhỏ láng giềng qua các cuộc đàm phán song phương. Bài viết này còn nói ví dụ như “giết con gà để dọa bầy khỉ.”
Vậy ông Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh vào tuần tới trong thân phận của con gà hay thận phận gì? (TN)
. . .

© 2016 About Us | Terms & Conditions