QUAN HỆ KINH TẾ HOA KỲ - TRUNG QUỐC LÀ NỀN TẢNG HÒA BÌNH THẾ GIỚI ?

Quan hệ mật thiết về kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc : Nền tảng cho Hòa Bình Thế Giới?
Duy Anh 10-11-2010  http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7960
Từ đầu năm 2010 đến nay, quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã gặp một số sóng gió do những sự việc như Hoa Kỳ đồng ý bán vũ khí hiện đại cho Đài Loan với tổng trị giá $6.4 tỷ, tổng thống Obama tiếp đức Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng tại Tòa Bạch Ốc, sự kiện đệ thất hạm đội Hoa Kỳ tập trận chung với hải quân Nam Hàn sau vụ Bắc Hàn bắn chìm một chiến hạm Nam Hàm làm chết 46 thủy thủ đoàn, rồi còn chuyện công ty Google phản đối chính sách kiểm duyệt của Trung Quốc, chấp nhận thiệt hại và rút ra khỏi thị trường béo bở này...

Thái độ của giới chính quyền Trung Quốc rất khó chịu đến nỗi Tiến sĩ Henry Kissinger (kiến trúc sư chính sách quan hệ ngoại giao Hoa-Trung từ thập niên 1970) đã phải thốt lên trong một hội nghị quốc tế về chiến lược toàn cầu tại Geneva là nguy cơ đối đầu giữa hai siêu cường kinh tế khá lớn, trừ phi họ tìm được một kiểu mẫu về hợp tác lâu dài.

Ông Kissenger còn cảnh giác là sự trỗi dậy của Trung Quốc có nét đặc điểm giống như nước Đức vào thế kỷ trước. Sự bất lực của Anh Quốc để dung hòa và tiếp nhận một nước Đức đang vươn lên đã đưa đến hậu quả hai cuộc thế chiến đầy tai hại.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao Trung Quốc có thái độ như vậy? Thành quả về kinh tế của Trung Quốc đã nhờ vào những yếu tố nào? Và phải chăng sự quan hệ mật thiết giữa kinh tế hai nước Mỹ và Trung Quốc sẽ là nền tảng cho sự hòa bình, ổn định toàn cầu trong thời gian tới đây?
Những con số về kinh tế của Trung Quốc

Trong quý 2/2010 Trung Quốc đã chính thức qua mặt Nhật (GDP $1.28 ngàn tỷ) để trở thành siêu cường kinh tế thứ hai sau Hoa Kỳ với tổng trị giá GDP là $1.33 ngàn tỷ. Con số toàn năm sẽ được cộng 4 quý (mỗi quý là 3 tháng) lại với nhau. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là GDP Hoa Kỳ đạt tới $14 ngàn tỷ trong năm 2009. Chia ra 4 quý trung bình là $3.5 ngàn tỷ tức gấp 2.6 lần Trung Quốc. Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, thế giới đã bước từ giai đoạn "lưỡng cực đối đầu" giữa khối Tự Do và Cộng Sản, qua thời kỳ "đơn cực lãnh đạo" với sự chi phối của Hoa Kỳ đối với toàn thế giới trong vòng hai thập niên vừa qua. Từ sau cuộc khủng hoảng tài chánh 2008 vừa rồi, có vẻ như Trung Quốc đang vươn lên như một "cực" quan trọng khác để cùng với khối Âu Châu tạo nên một thế chiến lược "Tam Cực" mới chăng?

Xét một cách khách quan, sự thần kỳ của kinh tế Trung Quốc trong ba chục năm qua với tỉ lệ phát triển hàng năm trung bình trên 10%, ngay cả trong thời kỳ toàn thế giới bị suy thoái vẫn phát triển khả quan là một kết quả đã gây kinh ngạc cho các nhà kinh tế. Một số người hoài nghi về tư bản chủ nghĩa (trong đó có Cộng Sản Việt Nam) bắt đầu nhìn qua "mô hình Trung Quốc" như là một kiểu mẫu có thể bắt chước được.
Những yếu tố thành công của kinh tế Trung Quốc

Yếu tố đầu tiên là tuy Trung Quốc vẫn duy trì một chế độ độc đảng với sự ngự trị của đảng Cộng Sản nhưng trên thực tế, quốc gia này đã gần như hoàn toàn đã chuyển qua đường lối phát triển tư bản chủ nghĩa, với chủ trương tích lũy vốn làm căn bản cho sự phát triển và chấp nhận quyền tư hữu của người dân.

Điểm khác biệt lớn nhất là nhà nước Trung Quốc đóng vai trò một "đại công ty," thu gom những lợi nhuận tích lũy được qua trao đổi thương mãi với thế giới và tiến hành đầu tư, cũng như phân bổ lợi tức theo đường lối chủ trương của đảng Cộng Sản cầm quyền. Quyền lợi của người dân bị tạm thời bỏ quên để nhà nước TQ tập trung phương tiện tiến hành những dự án lớn có tầm mức chiến lược lâu dài.

Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư của đường lối "kinh tế mới" Trung Quốc đã từng nói: "Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột..." Điều này có một ý nghĩa quan trọng về mặt đối ngoại là TQ có thể chơi với bất cứ thể chế cầm quyền nào trên thế giới, miễn là có lợi về kinh tế và không còn phân biệt ai là địch, ai là thù nữa. Một ví dụ rõ ràng là khi Taliban nắm quyền ở Afghanistan, TQ quan hệ ngoại giao với Taliban nhưng khi chế độ này bị lật đổ thì TQ sẵn sàng hợp tác thân thiện với chính quyền mới tại đó.

Yếu tố thứ hai cần nhắc đến thành phần lãnh đạo TQ là những người ưu tú và hành động vì lợi ích của quốc gia họ. Đường lối ngoại giao của TQ trong những thập niên vừa qua đã chứng tỏ một sự linh hoạt hoàn hảo, lúc cương lúc nhu đúng lúc, đúng thời điểm khiến toàn thế giới không bị phật lòng mà vẫn giữ được một thái độ cương quyết của một cường quốc đang lên.

Chủ trương gắn đồng nhân dân tệ (còn gọi là Chinese Yuan Renminbi tức tiền Trung Quốc) vào đồng đô la Mỹ với hối đoái ấn định đã giúp TQ đẩy mạnh xuất cảng, làm tiền đề cho sự phát triển. Giá trị đồng nhân dân tệ được giữ thật thấp về hối đoái quốc tế làm cho giá thành hàng hoá TQ quá rẻ, mọi nơi đổ xô vào mua hàng của TQ, hay đặt hàng tại TQ. Quốc Tế đã phải lên tiếng nhiều lần về "thủ thuật" thương mãi này và TQ miễn cưỡng đáp ứng bằng cách từng bước tăng giá đồng tiền của họ nhưng rõ ràng là vẫn chưa thích hợp với thực tế.

Sau sự kiện Thiên An Môn, giới lãnh đạo TQ đã bừng tỉnh và thực hiện một số biện pháp quyết liệt như thẳng tay trừng trị nạn tham nhũng, tử hình những đảng viên phạm pháp, xoa dịu và kêu gọi giới thanh niên sinh viên tham gia vào sinh hoạt chính trị của đất nước. Tuy vậy, đảng CSTQ vẫn cương quyết loại trừ những phong trào cấp tiến mà họ xét chưa thích hợp cho tình hình hiện nay (chẳng hạn như phong trào Pháp Luân Công), hay những thành phần đấu tranh cho dân chủ tại TQ.

Yếu tố thứ ba không kém phần quan trọng là dân số khổng lồ của TQ (hơn 1.3 tỷ người) vẫn còn chịu sự chi phối nặng nề của triết lý Khổng giáo của một chế độ phong kiến từ nhiều ngàn năm nay. Tam Cương Ngũ Thường vẫn còn là những tư tưởng chính yếu của sinh hoạt chính trị và xã hội khiến người dân sẵn lòng chấp nhận một quyền lực tối thượng mà không kêu ca, miễn là quyền lực này mang lại một số quyền lợi tối thiểu cho họ, như cơm no áo ấm và một cuộc sống bình yên.

Khối lượng "tiêu thụ" khổng lồ này sẽ là một lợi thế vô cùng quan trọng trong tương lai cho kinh tế TQ. Theo thống kê, GDP bình quân của người dân TQ mới chỉ ở mức $3,735 đứng vào hàng 99 trên thế giới (theo IMF, 2009). Chỉ cần GDP bình quân TQ đạt bằng người anh em Đài Loan ($16,372, thứ 37) thì tổng GDP của TQ sẽ vượt xa Mỹ!

Hiện nay kinh tế TQ phát triển phần lớn dựa vào thặng dư thương mãi qua hoạt động xuất nhập cảng với toàn thế giới, chính yếu là trao đổi thương mãi với Hoa Kỳ. Với lợi thế về nhân công rẻ, giá thành thấp nhờ hối đoái, TQ sẽ còn được hưởng lợi trong một thời gian dài nữa. Tuy nhiên, xét cho cùng, phía được hưởng lợi nhiều nhất vẫn là Hoa Kỳ. Do đó tuy đôi bên cùng có lợi, Hoa Kỳ vẫn luôn được lợi nhiều hơn và nếu tình trạng này vẫn tiếp tục thì e rằng còn lâu lắm thì kinh tế TQ mới vượt nổi Hoa Kỳ!

Dĩ nhiên điều này không thể tiếp diễn mãi được và có vẻ như giới lãnh đạo TQ đã nhận thức ra điều đó. Giai đoạn kinh tế "cất cánh" của TQ đã tạm xong và họ bắt đầu tung ra đầu tư tại các nước kém phát triển (Phi Châu) với hi vọng sẽ thoát ra khỏi ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong một tương lai gần và từng bước tiến lên một xã hội tiêu thụ.
Phải chăng quan hệ mật thiết về kinh tế giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là nền tảng cho Hòa Bình Thế Giới?
Ngày nay, sự quan hệ về kinh tế giữa TQ và Hoa Kỳ đã ở mức độ mật thiết gần như là dính chặt vào nhau. Hàng hoá TQ, phần lớn do các hãng sản xuất Hoa Kỳ đặt hàng và mang nhãn hiệu Mỹ, đã tràn ngập thị trường Hoa Kỳ, một mặt vừa tạo công ăn việc làm cho người dân TQ, mặt khác lại giúp kinh tế Mỹ phát triển đều đặn trong nhiều năm qua.

Ngược lại thì thặng dư thương mãi đã giúp cho TQ tập trung được một số lượng tư bản khổng lồ, thể hiện qua việc TQ mua giữ trái phiếu của chính phủ Mỹ (US Bonds) có lúc lên đến $1 ngàn tỷ USD. Đến đây thì nhiều người cho rằng chính phủ Mỹ "nợ" TQ đến $1 ngàn tỷ USD thì phải thỏa mãn mọi yêu sách của TQ, nếu không thì TQ sẽ "đòi nợ" và làm khốn đốn nước Mỹ!

Trên thực tế, vấn đề không đơn giản như vậy và chúng ta cần hiểu thế nào là "nợ quốc gia" của Hoa Kỳ. Đúng là hàng năm chính phủ hoa Kỳ tiêu xài quá mức thu nhập (thuế thu được), ngân sách bị thâm thủng triền miên và phải phát hành công khố phiếu (Bonds chính phủ) là một hình thức vay nợ để cân bằng ngân sách.

Tuy nhiên, cơ quan Fed (US Federal Reserves) lại có khả năng dùng nợ quốc gia để điều hòa kinh tế! Chẳng hạn, khi muốn hãm đà phát triển kinh tế lại, Fed bán công khố phiếu (do chính phủ gởi) ra ngoài để hút lưu lượng tiền ngoài vào kho. Càng bán ra nhiều thì giá bonds càng giảm, khiến tỉ lệ lãi suất tăng cao. Có những lúc, chính phủ Mỹ và Fed cùng đồng thời bán ra, ví dụ trong những thời kỳ kinh tế hưng thịnh. Nhưng thông thường chính nhờ kinh tế hưng thịnh nên chính phủ lại đủ tiền xài, không cần bán bonds nữa. Nên phân biệt chính phủ Hoa Kỳ (bộ Tài Chánh) và Fed là hai cơ quan độc lập với nhau.

Trường hợp kinh tế suy thoái, Fed thu mua bonds vào, bao nhiêu cũng mua làm giá bonds tăng lên khiến lãi suất giảm dần tới mức dự trù mong muốn. Do đó, khi chính phủ bán bonds ra nếu thiếu người mua thì Fed thu mua hết. Hiện nay kinh tế Mỹ đang ở vào thời kỳ như vậy và trong hai năm qua, Fed đã thu mua $2 ngàn tỷ US bonds, đẩy ra ngoài một số tiền "ảo" tương ứng.

Vì vậy, nếu TQ đòi nợ bằng cách bán US bonds thì Fed sẵng sàng mua lại hết, chỉ cần "vẽ" ra những con số và lại mua đưọc giá rẻ nữa.

Để dễ hiểu hơn vấn đề này, chúng ta thử tưởng tượng đang ở vào vị trí của đảng CSTQ.

-Nhờ thắt lưng buộc bụng, chấp nhận cho dân khổ và không tiêu xài cho lợi ích xã hội, đảng CSTQ dư tiền USD qua buôn bán với Hoa Kỳ.

-Dĩ nhiên là số tiền dư này TQ không giữ ở dạng tiền mặt cất trong tài khoản ngân hàng vì không có lợi gì. TQ có những sự chọn lựa như:

1. Mua US Bonds, là một hình thức cho chính phủ Mỹ vay nhưng ngặt một điều là lãi suất do con nợ (Mỹ) qui định. Hiện nay thì lãi suất quá thấp và khi những US Bonds cũ đáo hạn thì phải mua lại với lãi suất thấp hơn nhiều.

2. Mua Euro. TQ chỉ có thể mua ở một chừng mực nào đó đủ để buôn bán với khối Âu Châu vì nếu mua dư, khi cần xài ở vùng USD thì lại phải đổi lại qua USD còn tốn kém thêm. 3. Mua vàng. Hiện nay bí quá không biết làm gì, TQ thu mua vàng làm giá vàng tăng vọt trên thị trường quốc tế. TQ hi vọng biết đâu, đồng USD bị mất uy tín, thế giới sẽ trở về kim bản vị và đồng tiền nhân dân tệ sẽ có vị trí quan trọng nhờ dựa vào khối lượng vàng tồn kho. Tuy nhiên điều này có thể chỉ là giấc mơ vì tổng khối lượng vàng trên toàn thế giới không thể nào bảo đảm cho tất cả các nền kinh tế toàn cầu được. Hiện thời thì biện pháp thu gom vàng của TQ chỉ làm giàu cho các công ty sản xuất vàng. Ngoài ra thì khối lượng vàng cất trong kho đang trở thành một tài sản chết.

4. Mua tài sản cố định và công ty tại Mỹ. Đây là điều thất bại mà nước Nhật đã vấp phải khoảng 20 năm trước đây khi Nhật đang phát triển kinh tế vượt bực. Họ đổ xô mua đất đai, địa ốc và một số các công ty làm ăn tại Mỹ. Rốt cuộc bị thất bại và thiệt hại trầm trọng.

Xét cho cùng, nếu giả dụ hai nước xảy ra chiến tranh và chính phủ Mỹ phong tỏa các tài khoản này là coi như TQ mất trắng.

Qua những nhận xét kể trên, chúng ta có thể nhận ra là sự quan hệ về kinh tế giữa TQ và Hoa Kỳ đã đến một giai đoạn mà lợi ích của đôi bên tùy thuộc vào sự bền vững của quan hệ này. Mọi trở ngại sẽ làm cả đôi bên bị thiệt hại.

Hiện nay, TQ đang cố đóng một vai trò trung lập đối với những vấn đề và tranh chấp toàn cầu, đôi khi còn có vẻ trung lập hơn cả những quốc gia trung lập truyền thống như Thụy Sĩ hay Bắc Âu. TQ "giao hảo"với tất cả các quốc gia trên thế giới, kể cả Bắc Hàn, Iran v.v... và sử dụng ảnh hưởng của mình để góp phần làm giảm áp lực của các vụ tranh chấp khu vực cũng như toàn cầu.

TQ rất khôn khéo đứng ngoài lề đối với các vụ tranh chấp trên thế giới, đặc biệt là đối với hiểm họa khủng bố của Al-Qeda và các nhóm Hồi Giáo quá khích. Tuy nhiên khi cần thiết, vẫn biết đứng về phiá cộng đồng thế giới để lên án các hành động khủng bố và tội ác chiến tranh. Là một thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, TQ thường đồng lòng với các quốc gia phương Tây và đã từng bỏ phiếu thuận cho Liên Hiệp Quốc ra tối hậu thư với chế độ Saddam Hussein tại Iraq.

Ngược lại thì Hoa Kỳ cố gắng không làm phật lòng TQ trên mọi vấn đề và đã chứng tỏ thiện chí nhiều lần, chẳng hạn không thổi phồng những vụ như hóa chất độc hại hiện diện trong hàng TQ bán qua thị trường Mỹ, hay sự kiện Thiên An Môn v.v...

Nếu quan niệm tình hình thế giới hiện nay đang bước qua giai đoạn "Tam Cực" gồm ba thế lực nổi bật là Hoa Kỳ (với Nhật), khối Châu Âu Thống Nhất (với sự gia nhập của Nga), và TQ thì sự quan hệ mật thiết về kinh tế giữa TQ và Hoa Kỳ chính là nền tảng cho hòa bình thế giới một cách lâu dài.

Hoa Kỳ và khối Âu Châu đã là đồng minh lâu đời với quyền lợi gắn chặt với nhau, nay TQ và Hoa Kỳ giao hảo với nhau nữa thì thế giới có nhiều cơ hội đi vào một thời kỳ hòa bình thịnh vượng lâu dài. Các thế lực khuấy rối nhỏ như tàn dư cộng sản chủ nghĩa (Bắc Hàn, Cuba...), khủng bố Al-Qeda, hồi giáo quá khích... chắc chắn sẽ được giải quyết triệt để hay từ từ tàn lụi dần.
Quan hệ mật thiết giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có ảnh hưởng gì đến Việt Nam?
Quan hệ ngày càng mật thiết giữa TQ và Hoa Kỳ đã khiến đảng CSVN phải xem xét lại chiến lược đối phó với tình hình mới. Ngày nay, đảng CSVN không thể lợi dụng sự bất đồng giữa hai thế lực này để mà "ngoại giao đu dây" như trước nữa.

Việt Nam với sự lãnh đạo kém cỏi của độc đảng CS đã không có chút lợi thế nào khi thương thuyết với cả hai nước TQ và Hoa Kỳ. Mọi hiệp ước kinh tế nào với cả hai cũng để lại những nỗi ê chề và thiệt hại cho kinh tế Việt Nam.

Đối với người TQ, CSVN là thành phần "vô ơn bạc nghĩa" và được gán những tĩnh từ xấu xa nhất. Điều đương nhiên là CSVN phải trả giá cho những lỗi lầm của mình bằng những thái độ khinh thường của giới lãnh đạo CSTQ. Những cuộc thương thuyết về mốc biên giới, tranh chấp Hoàng Sa Trường Sa hay vấn đề hợp tác kinh tế khai thác bauxite... đều để lại những nỗi đắng cay cho người Việt Nam.
Nhiều nhà quan sát cho rằng Việt Nam rất muốn đi theo mô hình của TQ để phát triển đất nước. Nhưng ước muốn này có vẻ không xuất phát từ lòng yêu nước của giới cầm quyền mà chỉ vì lòng ích kỷ của đảng CSVN muốn duy trì quyền lợi nhóm và sẵn sàng bán đứng đất nước cho ngoại bang.

Nói trắng ra là đảng CSVN sợ bị phải ra tòa án trả lời về những tội ác đã phạm đối với dân tộc Việt Nam một khi không còn cầm quyền nữa, tương tự như các chế độ cộng sản Đông Âu sau khi bị sụp đổ.

Đối với kẻ thù cũ Hoa Kỳ, đảng CSVN cố gắng ve vãn để kiếm chác những hợp đồng thương mãi béo bở tương tự như TQ nhưng bị làm khó về những yêu cầu về nhân quyền (mà TQ không bị). Điều này cũng do khối người Việt Hải Ngoại đã không ngừng làm áp lực với chính phủ Hoa Kỳ, đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi về dân chủ trước khi có sự hợp tác toàn diện hơn về mọi mặt.

Mặc dù vậy, có vẻ như trong nội bộ đảng CSVN có nhiều người muốn ngả về phía Hoa Kỳ vì lợi ích thật sự của đất nước. Phong trào du học sinh Việt Nam qua học bên Mỹ nổi lên rầm rộ gần đây và hầu như không hạn chế cho bất cứ thành phần lý lịch nào. Phải chăng phe thân Mỹ đã có những sự cố gắng đầu tư cho những thế hệ trẻ sau này về nắm quyền lãnh đạo đất nước theo đường lối Tây phương?

Thời gian còn quá sớm để trả lời nhưng điều dễ thấy là nội bộ đảng CSVN có những sự bất đồng về đường lối theo TQ hay Hoa Kỳ, hay tiếp tục đu dây, không làm mất lòng ai?
Điều đau lòng là uy tín của Việt Nam đã xuống tới mức trầm trọng đối với cộng đồng thế giới. Ngày nay với phương tiện thông tin toàn cầu hữu hiệu, Việt Nam đã "nổi tiếng" xấu khắp nơi với nạn tham nhũng trầm trọng, nạn đảng viên cường hào ác bá, nạn đem con bỏ chợ lao động nước ngoài, những vụ vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo một cách có hệ thống... đến nỗi Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt phải thốt lên là "Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam!"

Uy tín quá thấp của Việt Nam như vậy đã khiến doanh nghiệp Việt Nam phải chịu những sự thiệt thòi đau đớn khi làm ăn với ngoại quốc. Đi vay nước ngoài thì phải chịu những lãi suất cắt cổ vì nguy cơ quỵt nợ quá cao. Đi xin viện trợ thì chẳng ai muốn cho nữa vì nạn cán bộ nhà nước tham ô. Ký kết thỏa ước kinh tế thì cán bộ Việt Nam thường có thói quen "quên" không thi hành những điều chính mình đã đặt bút xuống ký tên. Thỉnh thoảng có người (Việt Kiều) động lòng mang tiền của về đầu tư thì khi bắt đầu khấm khá, y như rằng là sẽ bị làm khó dễ đi đến chuyện phải bỏ của chạy lấy thân, nếu không sẽ bị tù tội.

Phải làm gì đây để thay đổi tình thế? Đối với những người có lòng với đất nước, câu giải đáp hoàn toàn không khó chút nào, cứ ra ngoài đường hỏi những người dân thường (không phải là đảng viên) từ 21 tuổi trở lên là rõ ngay. Dân tộc ta vẫn có tiếng là thông minh xuất chúng mà! Thế mà thành phần đang nắm vận mệnh đất nước cứ lẩn quẩn học tập, thử nghiệm với sửa sai, để lỡ mất bao nhiêu thời cơ bằng vàng có thể làm người Việt ngẩng cao đầu với thế giới...

Orange County, California
Tháng 10/2010

© DCVOnline . . .

© 2016 About Us | Terms & Conditions