THƯ NGỎ gửi TT NGUYỄN TẤN DŨNG và PTT NGUYỄN THIỆN NHÂN

Thư gửi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân:
THỜI KHẮC LỊCH SỬ

Kính thưa:
Ông Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng Chính phủ
Ông Nguyễn Thiện Nhân – Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo

Lời đầu thư, kính chúc các ông cùng gia đình mạnh khỏe, công việc thuận lợi và ngày càng yêu nước hơn.
Thưa các ông, với tư cách là một công dân yêu nước tôi có quyền lên tiếng về những gì đã và đang xảy ra với đất nước mình. Đất nước tôi đang đứng trước những giai đoạn lịch sử quan trọng mà mỗi người yêu nước chúng tôi đều nhận thấy điều đó, những vấn đề về kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa thể hiện rõ nét hơn hết trong lúc này.

Thưa ông Dũng,
Tôi còn nhớ chúng tôi bàn tán xôn xao về việc ông được bầu là nhà cải cách số một châu Á năm ông vừa mới đắc cử. Chúng tôi đã tin rằng những hành động của ông làm cho bộ mặt của đất nước ngày càng sáng sủa hơn. Chúng tôi cũng đã tin rằng một phần ông lên không đúng thời điểm thích hợp khi cuộc khủng hoảng toàn cầu xảy ra và tác động đến chúng ta làm công việc điều hành Chính phủ của ông trở nên khó khăn hơn. Những hoạt động của ông năm mới đắc cử hướng nhiều đến các hoạt động giao bang với các nước phương Tây và Mỹ làm chúng tôi tin điều đó.
Nhưng đến bây giờ thì sao? Niềm tin ấy hoàn toàn sụp đổ, ông đang cố gắng giữ chiếc ghế của mình hơn là tạo ra một cuộc cải cách như ban đầu, có lẽ nó được ngụy trang như vậy chăng? Những hành động gần đây của ông làm chúng tôi vẫn tin là ông giữ được ghế của mình nhưng niềm tin về một nhà cải cách đất nước đã không còn, có lẽ ông chịu sức ép chăng, ai chẳng phải chịu sức ép trong cuộc sống, nếu người ta không nghĩ cố giữ cái ghế của mình thì sức ép đó được giải quyết đơn giản hơn nhiều.
Thưa ông, dư luận hiện nay không còn tin nhiều vào chính phủ do ông lãnh đạo nữa. Thông tin ngày nay được tìm kiếm đơn giản lắm và khi những người không có nguồn thông tin tiếp cận thì cách đơn giản nhất là họ nghe theo lời của những người yêu nước có trình độ, điều đó hiện nay không thiếu và họ nghe những gì chính phủ hứa và những gì chính phủ làm được. Nếu những người đó không lên tiếng được trên các mặt báo thì những quan điểm của họ cũng dễ dàng tìm được ở các diễn đàn khác nhau. Chính phủ của ông hiện nay không dám hứa điều gì, không cam kết điều gì, có lẽ sợ không thực hiện được vì thế không hứa là thượng sách chăng? Ông có thể kiểm chứng lời tôi nói bằng việc thành lập “một đội đặc nhiệm” đi thăm dò những người được coi là trí thức về lòng tin của họ đối với chính phủ, đối với đảng cầm quyền. Chỉ có trí thức họ mới có cái nhìn thấu đáo về tình hình hiện tại. Sau thăm dò có thể cho ông nhiều điều bổ ích. Tôi tin rằng khi lòng dân không còn tin thì ông là một chấm đen của lịch sử vì ông thuận lợi hơn rất nhiều so với các thời Thủ tướng trước.

Thưa ông Nhân,
Khi ông lên làm bộ trưởng Bộ Giáo dục, mọi người đều kỳ vọng ông sẽ đem lại bộ mặt khác cho giáo dục nước nhà mà các đời bộ trưởng trước đó cứ quẩn quanh cái tư duy ao làng. Khi một người mới lên, họ hay kỳ vọng như thế, kỳ vọng vào một sự thay đổi, kỳ vọng vào một nhà cải cách mới mà ai cũng biết rằng cái thể chế này làm được điều đó là điều không dễ. Thời kỳ đầu ông hoạt động năng nổ, ông ở những điểm nóng của ngành, ông lên chương trình cho chiến dịch hai không, ông đối thoại nhiều với giới tri thức, ông tiếp nhận những thông tin trái chiều. Rồi mọi người nói, giáo dục hy vọng nhiều vào ông ấy.
Ông vận động mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức và tự học. Có lẽ ông nhận thức được việc nhiều người thầy cô không xứng đáng đứng trên bục giảng nên mới có cái chiến dịch đó, điều này chắc chắn đúng vì ngay trong chỗ tôi học, cứ đến kỳ thi thì sinh viên lại hỏi nhau “mày định đi môn này thế nào?”. Chuyện này được bàn tán công khai ở các cantine của trường, nơi mà mọi người vẫn nói sinh viên tập trung nhiều hơn trong lớp học. Khi tôi đọc trả lời trực tuyến của ông, một người hỏi chuyện các thầy cô đòi hỏi, chuyện các em phổ thông không học thêm tại nhà thầy cô thì điểm bao giờ cũng thấp, tôi thấy ông lảng tránh vấn đề sang một hướng khác mà sao không hỏi thẳng rằng, bạn nói thể có bằng chứng gì không? Một cuộc cải cách sẽ có nhiều, thậm chí rất nhiều người mất việc trong ngành giáo dục nhưng nó là cần thiết. Không có cách giải thích nào khác cho vai trò của người thầy trong mọi xã hội – “tôn sư trọng đạo”.
Tôi muốn nói với ông rằng, chỉ những người có tâm mới nên đứng trên bục giảng nhưng chúng ta đã tạo nên một xã hội mà nơi đó có đầy rẫy người không xứng đáng được gọi là thầy cô. Ông không thể tin được phong trào chạy điểm trong trường tôi khủng khiếp thế nào, một trường ĐH khối kinh tế hàng đầu cả nước.
Trong trường tôi còn đồn thổi những “câu thơ” sau:
Còn học thì còn chào – hết học thì hết chào
Có học thì có chào – không học thì không chào

Thưa hai ông,
Nói đến vai trò của giáo dục và kinh tế trong sự phát triển của đất nước, chắc chắn tôi không am hiểu bằng các ông nhưng những kiến thức tôi có, đủ cho tôi tin rằng thế nào là tốt, còn các ông biết tốt nhưng vẫn không thể làm theo vì nó liên quan đến nhiều ràng buộc khác và vì có thể nó liên quan trực tiếp đến lợi ích của các ông, liên quan trực tiếp tới cái ghế của các ông.
Thời gian qua tôi có tiếp cận được một số tài liệu của nhóm tác giả Việt kiều về một đề án đại học chất lượng cao, trong đó có nói sơ qua về đề án của GS Hoàng Tụy. Tôi tin rằng những tài liệu này đã đến được đến tay các ông, nhưng hiện nay tôi không thấy có thêm thông tin nào nữa về các đề án này, có lẽ chúng nằm ở đâu đó trong đống tài liệu của các ông và cũng có lẽ chúng đã bị lãng quên. Còn chuyện phấn đấu có một hay hai trường trong top thứ bao nhiêu trên thế giới, sao không bắt đầu với những con người kia, họ đều đạt được hàng top rồi đó, mọi việc làm đều phải bắt đầu từ con người, con người tốt  công việc tốt. Hay các ông muốn xây dựng một tòa nhà nguy nga lộng lẫy dựa vào cái móng đã nát mà trong đó sâu mọt chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Tôi tha thiết đề nghị các ông nên đọc lại bản đề án đó một vài lần nữa và tự hỏi, những đề án đó không có lợi ở điểm nào, tại sao lại không thực hiện được? Nếu không trả lời được thì hãy gặp họ, hỏi họ nên bắt đầu từ đâu? Khi trả lời những câu hỏi đó – các ông cố gắng đừng nghĩ mình là Thủ tướng, Phó Thủ tướng, mà hãy đặt mình vào vị trí của một người thầy có tâm, một người trò ham học.

Thưa các ông, đây là thời khắc lịch sử rất quan trọng của dân tộc, sự vững mạnh của dân tộc phụ thuộc rất nhiều vào các quyết định của các ông hôm nay. Lịch sử dân tộc sẽ vinh danh các ông cùng các lãnh đạo khác hoặc sẽ ghi tên các ông như những kẻ tội đồ hoặc một người bị lãng quên nhanh chóng sau vài năm nữa. Các ông có quyền chọn cho mình một hướng đi, lịch sử cũng có quyền chọn ai đáng được lưu danh sử sách. Quyết định thuộc về các ông, chỉ xin các ông đừng đặt nặng cái ghế của mình trong các quyết định vì các ông hiện đang ở những đỉnh cao quyền lực rồi, nếu có thêm cái tâm các ông sẽ được đời đời ghi nhớ.

Trân trọng
Vũ Thế Thành
28-9-09
http://www.viet-studies.info/kinhte/ThoiKhacLichSu.htm



© 2016 About Us | Terms & Conditions