TIN CẬP NHẬT THỨ NĂM 2/11/2017 (Lê Minh Nguyên)




Lê Minh Nguyên  Tin Chọn Lọc Hằng Ngày : Tin Cập Nhật Thứ Năm 2/11 http://tinchonlochangngay.blogspot.com/2017/11/tin-cap-nhat-thu-nam-211.html
Tin Thế Giới

1.
Tổng thống Mỹ công du châu Á mà "ruột gan rối bời" --- Các thách thức đón chờ Tổng thống Mỹ Donald Trump tại châu Á

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần này bắt đầu một chuyến công du châu Á dài 12 ngày (03/11-14/11/2017). Một chuyến đi đầy khó khăn trong bối cảnh uy tín của ông Trump đang bị suy giảm cả trong lẫn ngoài nước.

Trong vòng 12 ngày, tổng thống Mỹ lần lượt ghé thăm Hawai – tiền đồn quân sự của Mỹ tại Thái Bình Dương, Nhật Bản và Hàn Quốc – hai quốc gia đồng minh Đông Bắc Á; ghé thăm chính thức Trung Quốc gặp Tập Cận Bình, trước khi đến Việt Nam dự thượng đỉnh APEC và Philippines mừng sự kiện 50 năm thành lập khối ASEAN và 40 năm hợp tác Hoa Kỳ - ASEAN.

Đây là chuyến công du châu Á dài hơi nhất của một vị tổng thống Mỹ kể từ thời ông George H.W. Bush năm 1991. Nếu như với các quốc gia trong khu vực, chuyến công du này như là một lời bảo đảm sự dấn thân nghiêm túc của Washington trong khu vực, thì theo nhận định của giới phân tích, ít nhất có 4 thách thức lớn đang chờ đợi nguyên thủ Mỹ.

Thứ nhất, trên lĩnh vực kinh tế, ông Donald Trump làm thế nào để có thể ngăn chận đà ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực khi mà ông đã cho rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, một trong những biện pháp chủ đạo trong chính sách "xoay trục sang châu Á"của người tiền nhiệm Barack Obama ?

Đối với Bắc Kinh, Hoa Kỳ rút khỏi TPP là một món "lộc trời cho". Có một điều chắc chắn, tại Trung Quốc, tổng thống Mỹ sẽ được đón tiếp long trọng và nồng hậu, nhưng ông sẽ không nhận được một sự nhượng bộ nào từ Tập Cận Bình. Giờ đây, mọi chú ý sẽ được tập trung vào bài diễn văn của tổng thống Mỹ tại thượng đỉnh APEC Việt Nam, trình bày tầm nhìn của ông về "một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở rộng".

Thứ hai là hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Liệu rằng tổng thống Donald Trump có trấn an được hai đồng minh Đông Bắc Á Nhật Bản và Hàn Quốc trước mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên hay không ? Chưa có lúc nào lòng tin vào nguyên thủ Mỹ sụt giảm thê thảm như vậy. Người dân hai nước cảm thấy bất an về tính khí thất thường và những phát ngôn theo cảm hứng từ nhà lãnh đạo quốc gia đồng minh lớn của họ. Ông Scott Snyder, thuộc Hội Đồng Cố Vấn Quan Hệ Đối Ngoại, có trụ sở tại New York cho rằng: "Người dân Hàn Quốc muốn được trấn an là Hoa Kỳ sẽ không lôi kéo họ vào một cuộc chiến quá sớm và vô ích".

Thách thức thứ ba là vấn đề nhân quyền. Tại Manila, tổng thống Mỹ sẽ có cuộc gặp với đồng nhiệm Philippines Rodrigo Duterte, một nhân vật gây nhiều tranh cãi, bị giới đấu tranh nhân quyền chỉ trích mạnh mẽ vì chiến dịch bài trừ ma túy đẫm máu. Ai sẽ còn nghe theo Mỹ khi mà bản thân ông Trump lại có những lời lẽ hòa dịu ca ngợi ông Duterte, thực hiện "một công việc chống ma túy ngoài sức tưởng tượng".

Cuối cùng, tổng thống Mỹ có thể dành toàn tâm toàn ý cho chuyến công du châu Á này hay không ? Cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016 đã có những tiến triển bất ngờ. Ba cựu cố vấn của tổng thống Mỹ bị khởi tố với các tội danh âm mưu chống Hoa Kỳ, rửa tiền, khai gian, không khai báo tài khoản ở nước ngoài và nói dối các nhà điều tra FBI hòng che giấu các mối liên hệ với các nhà trung gian Nga.

Nói tóm lại, chưa có một chuyến công du châu Á nào của một nguyên thủ Mỹ lại gây hồi hộp như lúc này. Châu Á chờ đón Trump trong trạng thái lo lắng, ngờ vực và khó chịu. Ngược lại, Donald Trump đến với châu Á mà "lòng dạ bất an". Với những tình tiết bất ngờ trong vụ điều tra Nga can thiệp bầu cử, liệu rằng trong 12 ngày đó, tổng thống Mỹ có sẽ từ bỏ được những dòng tweet sáng sớm mai hay không? - RFI

***
Bắt đầu từ ngày mai, 03/11/2017, ông Donald Trump lên đường khởi sự vòng công du châu Á đầu tiên trong cương vị tổng thống Mỹ. Theo chương trình dự kiến, ông sẽ bắt đầu bằng khu vực Đông Bắc Á, thăm ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc rồi Trung Quốc. Sau đó, ông sẽ ngược xuống vùng Đông Nam Á, ghé Việt Nam tham dự Thượng Đỉnh APEC ở Đà Nẵng rồi ra Hà Nội tiếp xúc với giới lãnh đạo Việt Nam, trước khi qua Philippines dự Thượng Đỉnh của hiệp hội Đông Nam Á ASEAN.

Với một loạt vấn đề chồng chất, từ tên lửa, hạt nhân Bắc Triều Tiên, tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, cho đến thâm hụt thương mại với Trung Quốc, khủng bố hoành hành ở Philippines, biết bao vấn đề đang là những thách thức đặt ra cho người đứng đầu nước tự nhận mình là cường quốc Thái Bình Dương, mà nhất cử nhất động trong vòng công du sẽ được theo dõi, mổ xẻ.

Trả lời phỏng vấn của RFI Việt Ngữ, giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc đã vui lòng chia sẻ các nhận định của ông về một số thách thức đặt ra cho tổng thống Mỹ, phải lao vào một môi trường đa phương trong lúc bản thân lại chủ trương song phương và Nước Mỹ Trên Hết – America First.

Giáo sư Thayer: Thách thức chính mà ông Donald Trump phải đối mặt trong chuyến đi Châu Á là thuyết phục các quốc gia trong khu vực rằng Hoa Kỳ vẫn tích cưc dấn thân một cách xây dựng vào khu vực, và chứng tỏ tư thế lãnh đạo trong nhiều lãnh vực - từ kinh tế, chính trị, đến ngoại giao và quân sự - các lãnh vực mà các quốc gia khu vực sẽ theo đuổi.

Liên quan đến các vấn đề kể trên, thách thức đối với tổng thống Trump là làm sao xử lý một cách đa phương các vấn đề đó, và tôn trọng thay vì phá hoại các định chế đa phương sẵn có như APEC, ASEAN và quan trọng hơn hết là Thượng Đỉnh Đông Á EAS.

RFI: Còn đối với khu vực, họ chờ đợi gì nơi ông Trump và chính quyền Mỹ ?

Giáo sư Thayer: Ở Đông Bắc Á thì rõ ràng là Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ hoan nghênh lời tái khẳng định của tổng thống Trump chống phổ biến hạt nhân ở Bắc Triều Tiên nhưng không đến mức tán đồng việc Mỹ đơn phương sử dụng sức mạnh quân sự.

Ở Trung Quốc thì Tập Cận Bình sẽ muốn ông Trump nói ra là ông sẽ đối đãi với Trung Quốc như một cường quốc ngang hàng và hai bên cùng làm việc với nhau, thứ nhất là để giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên một cách hòa bình và thứ hai là cùng nhau giải quyết các vấn đề kinh tế chứ không phải là một cách đơn phương.

Ở Đông Nam Á, các nước trong khu vực muốn thấy tổng thống Mỹ hỗ trợ một cách mạnh mẽ quyền tự chủ của ASEAN trong khu vực và vị trí trung tâm của hiệp hội Đông Nam Á trên các vấn đề an ninh khu vực. Họ cũng muốn thấy tổng thống Mỹ cam kết là sẽ để cho nước Mỹ hỗ trợ một cách cụ thể công cuộc xây dựng cộng đồng ASEAN và sự hội nhập kinh tế.

RFI : Sự kiện tổng thống Trump vắng bóng tại Thượng Đỉnh Đông Á phải chăng là một tín hiệu xấu đối với các đồng minh và đối tác của Mỹ ở Châu Á ?

Giáo sư Thayer: Quyết định vào giờ chót của ông Trump là rời Manila trở về Mỹ sớm và bỏ qua Thượng Đỉnh Đông Á là một sai lầm lớn của chính quyền của ông. EAS tập hợp không chỉ 10 thành viên của ASEAN mà còn có các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và các đối tác như Ấn Độ, New Zealand, cũng như Trung Quốc và Nga.

Từ lâu các đồng minh và đối tác của Mỹ hy vọng EAS sẽ trở thành một diễn đàn thực thụ của các lãnh đạo, bàn thảo, xử lý các vấn đề, các thách thức về an ninh qua sự liên kết giữa các định chế đa phương của ASEAN, như Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc Phòng mở rộng và Thượng Đỉnh EAS.

Hoa Kỳ luôn tuyên bố mình là một cường quốc Thái Bình Dương, còn Trung Quốc thì khẳng định rằng Mỹ là nước ở bên ngoài. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giờ đây có thể phát biểu tại Thượng Đỉnh với một chiếc ghế bỏ trống. Hành động của ông Trump sẽ có tiếng vang lớn hơn là lời lẽ của ông.

RFI:
Tổng thống Trump sẽ viếng thăm Việt Nam, ông ấy có thể ‘mang’ cái gì đến cho Hà Nội ?

Giáo sư Thayer: Ông Trump sẽ dừng chân 2 lần ở Việt Nam. Lần đầu là ở Đà Nẵng để dự Thượng Đỉnh APEC. Ông Trump sẽ phát biểu tại Diễn Đàn APEC-CEO, và sẽ cổ vũ cho những thỏa thuận tự do mậu dịch tiêu chuẩn cao được xem như nền tảng cho quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ. Lần thứ nhì là chuyến viếng thăm chính thức Hà Nội.

Chuyến công du Việt Nam của ông Trump tiếp nối ngay theo chuyến thăm Mỹ của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo chính phủ Đông Nam Á đầu tiên chính thức thăm Washington sau ngày ông Trump nhậm chức.

Tổng thống Trump sẽ mang thêm cho Việt Nam sự đảm bảo là Hoa Kỳ vẫn tôn trọng cam kết phát triển công cuộc đối tác toàn diện mà chính quyền trước của ông Obama đã đồng ý. Ông Trump sẽ nhấn mạnh trên sự tương đồng quan điểm chiến lược giữa hai quốc gia, và những cơ hội trước mắt đối với cả hai bên, kể cả trong việc tăng cường sự tương tác giữa hai chính phủ ở mọi cấp, tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng, trao đổi khoa học, công nghệ và giáo dục, và cả về di sản chiến tranh (chất độc da cam, bom mìn chưa nổ).

Ông cũng sẽ nói là Hoa Kỳ hậu thuẫn cho một trật tự dựa trên cơ sở luật pháp và một giải pháp hòa bình ở Biển Đông. Và cuối cùng thì tổng thống Mỹ sẽ hỗ trợ cho các công ty Mỹ vào Việt Nam đầu tư, trao đổi thương mại, để hai bên cùng hưởng lợi.

RFI: Đâu là những lãnh vực mà Việt Nam có thể tranh thủ nhân chuyến thăm của ông Trump ?

Giáo sư Thayer: Trên bình diện chung, Việt Nam sẽ tuyên bố ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc trên Bắc Triều Tiên để nước này ngưng việc phổ biến hạt nhân ; ủng hộ việc chống khủng bố, chống tin tặc và ủng hộ quyền tự do hàng hải và hàng không của Mỹ trên Biển Đông.

Riêng về Việt Nam, Hà Nội sẽ tái khẳng định cam kết cải tổ kinh tế để các tập đoàn Mỹ có thể hoạt động tốt hơn ở Việt Nam. Nhất là các lãnh đạo Việt Nam rất có thể sẽ cho thấy thiện chí sẵn sàng giải quyết những vấn đề ưu tiên kinh tế mà các nhà đàm phán thương mại Mỹ nêu lên, như bảo vệ quyền sở hữu tri thức, du nhập thuốc thú y và dịch vụ Mỹ (như tài chính, quảng cáo, và chuyển vùng điện thoại di động roaming).

Lãnh đạo Việt Nam cũng sẽ nhấn mạnh đến hợp tác trong công nghệ quốc phòng.

RFI: Nhiều nhà phân tích cho rằng vấn đề Biển Đông chỉ là thứ yếu trong các ưu tiên của Mỹ ? Ông nghĩ thế nào ?

Giáo sư Thayer: Cả ông Trump lẫn các bộ trưởng Ngoại Giao, Quốc Phòng đều chỉ trích việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Nhưng họ không đưa ra được một chiến lược nhất quán để ngăn chận các hành động quyết đoán của Trung Quốc.

Mỹ đã phản ứng trước việc Bắc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân bằng cách thông qua chính sách Northeast Asia First – Đông Á trước đã – qua đó hạ thấp vấn đề tranh chấp ở Biển Đông trong danh sách các ưu tiên. Câu hỏi khó giải đáp đối với ông Trump là ông có thể thành công trong việc gây sức ép trên Trung Quốc hay không, cả về hồ sơ Bắc Triều Tiên lẫn Biển Đông, mà không gây ra phản ứng kháng cự của Trung Quốc hay yêu cầu là phải có đi có lại ?

Tổng thống Trump đã đi theo chính sách chung của Mỹ về Biển Đông khi ông tiếp hai thủ tướng Việt Nam và Singapore. Đó là chủ trương ủng hộ giải pháp hòa bình cho tranh chấp lãnh thổ trên cơ sở luật quốc tế, gồm luật biển UNCLOS, tôn trọng tiến trình pháp lý và ngoại giao, đúc kết sớm bộ Quy Tắc Ứng Xử, bảo đảm tự do lưu thông hàng hải và hàng không.

Vào tháng 5, tổng thống Trump đã thông qua một kế hoạch thường niên mới về các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, nhắm thách thức các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc và những quốc gia khác. - RFI
|
|

2.
Trung-Triều: Tập Cận Bình viết thư cho Kim Jong Un

Trong một động thái gần đây rất hiếm hoi, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã viết thư gửi lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un. Theo hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA, bức thư đề ngày 01/11/2017. Theo các nhà quan sát, đây có thể là một tín hiệu mới, cho thấy là quan hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng đang tan băng sau một thời gian lạnh giá.

Theo hãng tin Pháp AFP, bức thư của chủ tịch Trung Quốc là nhằm trả lời thư của lãnh đạo Bắc Triều Tiên cuối tháng 10 vừa qua, trong đó ông Kim Jong Un gởi đến ông Tập Cận Bình những lời « chúc mừng chân thành » sau khi ông Tập Cận Bình được bầu lại làm lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đồng thời bày tỏ hy vọng là quan hệ giữa hai nước được phát triển thêm lên.

Trong thư đáp lễ, chủ tịch Trung Quốc đã gọi đồng nhiệm Bắc Triều Tiên là « Đồng Chí Chủ Tịch », và xác định mong muốn « thúc đẩy quan hệ giữa hai Đảng và hai nước đến một mức độ cân bằng và ổn định lâu dài ».

Quan hệ giữa hai nước láng giềng vùng Đông Bắc Á này đã xấu đi trong thời gian gần đây do những tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên mặc dù Bắc Kinh từ lâu nay luôn là đồng minh và nguồn trợ giúp Bình Nhưỡng về mặt kinh tế.

Lần cuối cùng mà hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA đề cập đến một thông điệp từ ông Tập Cận Bình là vào tháng 7 năm 2016. Theo các nhà phân tích, việc hai lãnh đạo ít trao đổi thư từ như vậy là dấu hiệu của quan hệ lạnh nhạt vì trước đó, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng thường gửi lời chúc mừng nhau nhân những ngày lễ trọng yếu.

Đối với giáo sư Yang Moo Jin thuộc Đại Học Bắc Triều Tiên Hoc ở Seoul, cuộc trao đổi thư từ mới nhất này cho thấy cả hai phía đang sẵn sàng cải thiện quan hệ.

Dấu hiệu tan băng trong quan hệ Trung Quốc-Bắc Triều Tiên được ghi nhận vào lúc Hoa Kỳ tiếp tục gây sức ép trên chế độ Bình Nhưỡng.

Theo hãng tin Anh Reuters, vào hôm qua, 01/11/2017, các thượng nghị sĩ thuộc hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đã đạt thỏa thuận về một « gói » trừng phạt mới nhắm vào Bắc Triều Tiên. Ủy Ban Ngân Hàng Thượng Viện Mỹ sẽ quyết định về hồ sơ này ngay vào tuần tới.

Trong khi đó, theo đài truyền hình Mỹ CNN vào hôm qua, một quan chức Mỹ vừa báo động rằng Bắc Triều Tiên đang hoàn thiện một phiên bản tiên tiến hơn của loại hỏa tiễn liên lục địa KN-20 sẵn có. Phiên bản mới này có khả năng bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ. - RFI
|
|

3.
Các lãnh đạo ly khai Catalunya trình diện tư pháp Tây Ban Nha

Các lãnh đạo ly khai Catalunya hôm nay 02/11/2017 đến Madrid để tư pháp lấy lời khai. Tuy nhiên ông Carles Puigdemont, nguyên chủ tịch vùng tự trị Catalunya lại vắng mặt. Đối với phe đòi độc lập, các rắc rối pháp luật chỉ mới bắt đầu, trong khi tiến trình bảo hộ Catalunya đang được tiến hành.

Từ Madrid, thông tín viên RFI François Musseau tường trình :

« Cuộc đối thoại của những người điếc, giữa chính quyền trung ương Tây Ban Nha và phe đòi độc lập Catalunya lại tiếp tục.

Đối với Madrid, vốn coi việc đòi ly khai là bất hợp pháp - qua việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý bị cấm đoán và đơn phương tuyên bố độc lập - đây chỉ đơn thuần là vấn đề pháp lý. Các thành viên của Nghị viện Catalunya đến thủ đô phải trả lời về các hành động của mình, tức việc không tôn trọng luật bầu cử và Hiến pháp, và cho phép tuyên bố độc lập.

Ngược lại đối với phe ly khai, đây chính là vấn đề chính trị. Chính quyền Rajoy dùng các lý do pháp lý để che giấu « một vụ thanh trừng chính trị », theo như bài diễn văn của ông Carles Puigdemont.

Ông phải trả lời trước các thẩm phán về các tội danh nặng nề là ly khai và nổi dậy, nhưng Puigdemont cho rằng cuộc đấu tranh của ông là hợp pháp, và Madrid muốn « đè bẹp chính nghĩa ». Do vậy lãnh tụ ly khai mới lên tiếng phản đối từ Bỉ, và từ chối trở về Tây Ban Nha. Nếu quay về, ông Puigdemont có nguy cơ lãnh một bản án rất nặng. »

Công tố viên trưởng Tây Ban Nha đòi khởi tố khoảng 20 người, là thành viên chính quyền vùng Catalunya đã bị Madrid giải thể và một số dân biểu, về các tội danh biển thủ công quỹ, ly khai và nổi dậy. Hai tội danh sau có khung hình phạt từ 15 đến 30 năm tù. Trong số các nhân vật bị triệu tập sáng nay có Oriol Junqueras, phó chủ tịch vùng, Carme Forcadell, chủ tịch Nghị viện Catalunya.

Hôm 27/10, có 70/135 dân biểu Catalunya bỏ phiếu tuyên bố « Cộng hòa Catalunya » độc lập, và vài tiếng đồng hồ sau đó chính phủ Tây Ban Nha nắm quyền kiểm soát vùng tự trị này. Chính quyền vùng bị cách chức, Nghị viện Catalunya bị giải thể, và việc bầu chính quyền mới sẽ được tổ chức vào ngày 21/12. Đây là cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất tại Tây Ban Nha kể từ khi chế độ độc tài Francisco Franco kết thúc (1939-1975).

Tạm giam 9 cựu lãnh đạo vùng Catalunya

Tin giờ chót cho biết, tư pháp Tây Ban Nha hôm nay đã ra lệnh tạm giam 9 lãnh đạo Catalunya, trong đó có phó chủ tịch vùng Oriol Junqueras, và ra lệnh truy nã châu Âu đối với cựu chủ tịch Carles Puigdemont, hiện đang ở Bỉ. Riêng ông Santi Vila, đã từ chức khỏi ban lãnh đạo vùng Catalunya trước khi tuyên bố độc lập, được tại ngoại hầu tra với điều kiện đóng tiền thế chân 50.000 euro. - RFI
|
|

4.
Tình báo Hàn Quốc nghi Triều Tiên sắp thử phi đạn mới

Triều Tiên có thể đang lên kế hoạch thực hiện một vụ thử phi đạn mới, cơ quan tình báo của Hàn Quốc nói với các nhà lập pháp hôm thứ Năm sau khi họ phát hiện các hoạt động dồn dập tại các cơ sở nghiên cứu của nước này, chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Seoul.

Triều Tiên đã tiến hành một loạt những vụ thử hạt nhân và phi đạn, thách thức các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nhưng chưa phóng phi đạn nào kể từ khi bắn một phi đạn bay ngang qua Nhật Bản vào ngày 15 tháng 9.

Tuy nhiên, cơ quan tình báo Hàn Quốc nói với các nhà lập pháp trong một buổi báo cáo rằng một loạt các hoạt động tấp nập bao gồm xe cộ di chuyển đã được phát hiện tại các cơ sở nghiên cứu phi đạn ở Bình Nhưỡng, nơi mà vụ thử nghiệm phi đạn mới nhất được tiến hành. Họ cho rằng đây là chỉ dấu cho thấy có thể sẽ có một vụ phóng nữa.

Giới tình báo không cho biết họ phát hiện các hoạt động này như thế nào.

Triều Tiên không giấu diếm kế hoạch hoàn thiện một phi đạn mang đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn tới lục địa Mỹ. Nước này thường xuyên hăm dọa sẽ hủy diệt nước Mỹ và "con rối" của Mỹ, Hàn Quốc.

Ông Trump sẽ đến thăm năm quốc gia Châu Á trong những ngày tới để dự các cuộc hội đàm trong đó Triều Tiên sẽ là trọng tâm chính. Các nước ông Trump đến thăm bao gồm đồng minh chủ chốt của Triều Tiên là Trung Quốc, và các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc, những nước đã theo dõi với nỗi lo lắng ngày càng tăng khi ông Trump và Triều Tiên đốp chát qua lại. - VOA
|
|

5.
Lãnh tụ Aung San Suu Kyi thăm bang Rakhine

Lãnh tụ Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi nói rằng mọi người đừng đấu tố lẫn nhau khi bà viếng thăm bang Rakhine, nơi mà nhà nước Miến Điện do bà lãnh đạo đang bị chỉ trích là tiến hành một cuộc thanh lọc sắc tộc chống lại người Hồi giáo Rohingya.

Tại khu vực Maungdaw bà đã gặp một số lãnh tụ Hồi giáo, và theo một số nguồn tin từ người Rohingya bà cũng có nói thêm hai điều nữa là mọi người nên sống hòa bình với nhau, và Chính phủ Miến luôn có mặt để giúp đỡ mọi người.

Chuyến đi của bà có sự tháp tùng của 20 viên chức quân đội, chính phủ và các nhà kinh doanh.

Đây là lần đầu tiên bà Suu Kyi đến bang Rakhine kể từ khi đảng do bà lãnh đạo chiến thắng cuộc bầu cử năm 2015, và với tư cách là một người từng nhận giải Nobel Hòa bình, bà bị chỉ trích là đã không làm gì để giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan đến người Rohingya.

Tính đến nay đã có đến hơn 600 ngàn người Hồi giáo Rohingya trốn sang nước láng giềng Bangladesh, và nhiều người đã bỏ mạng dọc đường đi. Cuối tháng 10 vừa qua, bà Suu Kyi tuyên bố sẽ cho những người Rohingya hồi hương và giúp đỡ họ tái định cư, tuy nhiên theo quan sát của Liên Hiệp Quốc, dòng người tị nạn vẫn liên tục tràn qua biên giới. - RFA
|
|

Tin Hoa Kỳ

6.
Phe Cộng hòa ra mắt dự luật cắt giảm thuế, nhưng khó khăn chờ đón

Các nghị sĩ Cộng hòa trong Hạ viện Hoa Kỳ hôm thứ Năm đã công bố một dự luật bị trì hoãn lâu nay để mang lại những khoản cắt giảm thuế mạnh mà Tổng thống Donald Trump đã hứa hẹn, khởi động một cuộc đua hối hả trong Quốc hội nhằm giành lấy chiến thắng lập pháp lớn đầu tiên của ông.

Dự luật dày 429 trang, có thể là cuộc cải tổ lớn nhất đối với hệ thống thuế của Mỹ kể từ những năm 1980, kêu gọi cắt giảm thuế doanh nghiệp xuống mức 20 phần trăm từ mức 35 phần trăm, cắt giảm thuế suất đối với các cá nhân và gia đình và chấm dứt một số khoản miễn thuế cho các công ty và các cá nhân.

Liệu Quốc hội có thông qua được luật này hay không, một dự luật sẽ ảnh hưởng đến hầu hết mọi công ty và mọi gia đình ở Mỹ, vẫn còn là điều chưa chắc chắn và một số nhóm vận động doanh nghiệp đã nhanh chóng lên tiếng phản đối dự luật này. Những điều khoản gây tranh cãi sẽ thử thách các nghị sĩ Cộng hòa, hiện đang kiểm soát Nhà Trắng và cả hai viện Quốc hội nhưng vẫn chưa thể mang lại bất kỳ thành tựu lập pháp quan trọng nào cho ông Trump kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1.

Một số điều khoản sẽ ảnh hưởng nặng nhất tới người đóng thuế ở các bang ngả về phe Dân chủ, như bãi bỏ những khoản khấu trừ thuế của bang và địa phương và cắt phân nửa khoản khấu trừ lãi khoản vay mua nhà mà nhiều người thích.

Dự luật này, được gọi là Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc Làm, tạo ra những thuận lợi mới cho những người Mỹ giàu có qua việc hạ giảm thuế doanh nghiệp, dần dài bãi bỏ thuế tài sản và bãi bỏ thuế tối thiểu bổ sung.

"Đây là một thời điểm rất quan trọng và đặc biệt đối với đất nước của chúng ta, đối với tất cả người Mỹ. Liệu chúng ta sẽ để cho những người bảo vệ hiện trạng giành thắng lợi và chứng kiến đất nước của chúng ta tiếp tục trượt dài hay sao?" Paul Ryan, Chủ tịch Hạ viện theo Đảng Cộng hòa, đặt câu hỏi, bất chấp số liệu kinh tế cho thấy tám năm tăng trưởng kinh tế liên tục.

Gặp gỡ ông Ryan và những nhân vật chủ chốt khác của phe Cộng hòa Hạ viện, ông Trump nói với các nhà lập pháp ông tin rằng họ sẽ duy trì được đà tiến cho việc cắt giảm thuế, và nhắc lại yêu cầu của ông là Quốc hội hãy chuyển cho ông luật này để ký ban hành trước dịp Lễ Tạ ơn của Mỹ vào ngày 23 tháng 11.

Đó là một thời biểu đầy tham vọng cho một bộ luật dài và đa diện như vậy. Nó chắc chắn sẽ đối mặt với một cuộc chiến vận động hành lang ác liệt giữa các lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dự luật này và sự phản đối dữ dội từ nhiều nghị sĩ phe Dân chủ.

Ông Trump gọi kế hoạch này là một "bước quan trọng" hướng tới việc giảm bớt thuế cho người Mỹ. "Chúng tôi chỉ mới bắt đầu thôi, và còn rất nhiều việc cần phải làm," ông nói thêm.

Hiệp hội Người xây nhà Quốc gia đả kích dự luật này, nói rằng nó sẽ gây tổn hại cho giá nhà và trừng phạt các chủ nhà ở các khu vực thành thị. Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia, một tổ chức vận động hành lang nhiều ảnh hưởng cho giới doanh nghiệp nhỏ, cũng chống lại dự luật này, trong khi Phòng Thương mại Hoa Kỳ ủng hộ nó.

Phe Dân chủ chống đối dự luật này vì họ cho rằng đây là thứ tặng không cho các tập đoàn và những người giàu có và nó sẽ khiến ngân sách liên bang càng thâm hụt.

Ủy ban Soạn thuế Hạ viện Hoa Kỳ sẽ bắt đầu chính thức cứu xét dự luật này vào tuần sau trước khi toàn thể Hạ viện có thể biểu quyết về nó. Dự luật cũng phải qua được Thượng viện, nơi mà phe Cộng hòa nắm thế đa số mong manh 52-48 và trước đó trong năm nay đã thất bại trong việc giành đủ sự ủng hộ để chuẩn thuận dự luật cải tổ y tế mà ông Trump muốn có. - VOA
|
|

7.
WSJ: Mỹ định danh 6 quan chức Nga tấn công tin tặc DNC

Bộ Tư pháp Mỹ đã thu thập đủ bằng chứng để buộc tội sáu thành viên của chính phủ Nga trong vụ tấn công tin tặc nhắm vào những máy tính của Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc (DNC) trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, báo Wall Street Journal đưa tin vào hôm thứ Năm, dẫn lời những người nắm rõ cuộc điều tra.

Các đặc vụ và công tố viên liên bang ở Washington, Philadelphia, Pittsburgh và San Francisco đã hợp tác trong cuộc điều tra vụ tấn công tin tặc DNC và các công tố viên có thể đưa vụ việc ra tòa vào năm sau, tờ báo cho biết.

Bằng việc đưa ra cáo buộc đối với những tin tặc cá nhân của quân đội và tình báo Nga, nhà chức trách Mỹ có thể khiến họ gặp khó khăn khi du hành, nhưng việc bắt giữ và giam cầm sẽ khó xảy ra, theo bản tin của tờ Journal.

Cuộc điều tra vụ tấn công tin tặc, được tiến hành bởi các chuyên gia về an ninh mạng, khởi sự từ trước khi công tố viên đặc biệt liên bang Robert Mueller được bổ nhiệm vào tháng 5 để giám sát cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 và sự thông đồng khả dĩ với ban vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump.

Ông Mueller và Bộ Tư pháp đã đồng ý cho phép cuộc điều tra mạng mang tính kỹ thuật được tiếp tục với đội ngũ các đặc vụ và công tố viên ban đầu, tờ Journal cho biết.

Các cơ quan tình báo Mỹ đã nói rằng các cơ quan tình báo Nga đứng đằng sau các vụ tấn công mạng, dẫn đến hàng ngàn email và các tài liệu khác bị Wikileaks tung ra vào năm ngoái. Cộng đồng tình báo kết luận vào tháng 1 rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đích thân chỉ thị một chiến dịch gây ảnh hưởng bầu cử theo hướng có lợi cho ông Trump.

Nga phủ nhận họ đã can thiệp vào cuộc bầu cử và ông Trump phủ nhận chiến dịch tranh cử của ông toa rập với chính phủ Nga.

Nếu vụ việc được các công tố viên liên bang khởi tố thì nó sẽ nêu đích danh những tin tặc cụ thể của quân đội và tình báo Nga đứng sau vụ tấn công nhắm vào DNC và những email của John Podesta, người từng là chủ tịch ban vận động tranh cử của đối thủ Đảng Dân chủ của ông Trump, Hillary Clinton.

Đây sẽ là lần thứ hai Mỹ cáo buộc người Nga về các tội phạm mạng. Vào tháng 3, Bộ Tư pháp đã buộc tội hai nhân viên tình báo và hai tin tặc Nga chủ mưu đánh cắp 500 triệu tài khoản Yahoo vào năm 2014. - VOA
|
|

8.
FDA cảnh cáo các công ty quảng cáo thuốc trị ung thư bằng cần sa

Cơ quan điều hành thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) hôm Thứ Tư đã gửi thư cảnh cáo bốn công ty về việc đưa ra các quảng cáo thuốc có cần sa để ngăn ngừa hay chữa trị ung thư.

Bản tin của hãng thông tấn UPI cho hay cơ quan FDA gửi thư đến các công ty có tên Greenroads Health, Natural Alchemist, That’s Natural! Marketing and Consulting, và Stanley Brothers Social Enterprises LLC, là những công ty hiện đang bán thuốc trái phép trên thị trường, trong có chứa chất cannabidiol (CBD), một chất hóa học trong cần sa và không được FDA chấp thuận trong bất cứ loại thuốc nào và trong bất cứ trường hợp nào.

Bác sĩ Scott Gottlieb, người đứng đầu FDA, cho hay “các chất có chứa cần sa sẽ được xem cũng giống như bất kỳ các chất nào khác trong các quảng cáo không kiểm chứng về khả năng thu nhỏ bướu ung thư.”

Bác sĩ Gottlieb nói thêm rằng “ Chúng tôi sẽ không để các công ty cố tình đánh lừa khách hàng đau yếu bằng cách quảng cáo hiệu năng các sản phẩm của họ mà không thể kiểm chứng,” theo UPI.

Cơ quan FDA cho hay họ phải có biện pháp ngăn ngừa tình trạng quảng cáo thuốc trị ung thư mà không thể kiểm chứng vì “hiện ngày càng có nhiều phương cách điều trị ung thư hiệu quả. Nếu để cho các công ty bán các sản phẩm không thể kiểm chứng về sự hữu hiệu ra thị trường thì điều này sẽ khiến nhiều bệnh nhân không dùng các sản phẩm từng được chứng nghiệm hiệu quả trong việc chống ung bướu và có thể kéo dài đời sống của họ,” cũng theo UPI. - nguoiviet
|
|

9.
Trump bổ nhiệm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang mới

Tổng thống Donald Trump đã bổ nhiệm một cựu quản lý đầu tư có chủ trương ôn hòa, Jerome Powell, làm chủ tịch mới của Ban quản trị Cục Dự trữ Liên bang, là ngân hàng trung ương của Mỹ.

Giới thiệu ông Powell hôm thứ Năm tại Vườn Hồng Nhà Trắng, tổng thống gọi đây là một cột mốc quan trọng nữa trong việc mang lại một nền kinh tế mạnh mẽ cho người dân Mỹ.

Ông Powell là một thành viên của ban quản trị Cục Dự trữ Liên bang (Fed) từ năm 2012. Ông Trump nói ông Powell có "trí tuệ và tài lãnh đạo" để dẫn dắt nền kinh tế Mỹ qua bất kỳ thách thức nào mà nó có thể gặp phải.

Ông ca ngợi ông Powell là một người xây dựng sự đồng thuận và lưu ý ông Powell luôn giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng trong Thượng viện khi ông được đề cử vào ban quản trị.

Ông Powell là một cựu thứ trưởng bộ tài chính dưới thời Tổng thống George H. W. Bush, và ông Trump nói rằng ông Powell hiểu cần phải làm gì để nền kinh tế phát triển.

Ông Powell nói ông vinh dự và khiêm nhường vì được đề cử. Ông nói nếu ông được Thượng viện chuẩn thuận, ông sẽ làm tất cả mọi thứ trong khả năng của mình để bình ổn giá cả và tối đa hóa tuyển dụng.

Các nhà phân tích gọi ông Powell là một người theo Đảng Cộng hòa có lập trường trung dung, và dường như sẽ tiếp tục chiến lược tăng dần lãi suất của Fed.

Dù ông Powell dự kiến sẽ tiếp tục phương sách thận trọng của chủ tịch Janet Yellen về tăng lãi suất, các nhà kinh tế nói ông có thể nới lỏng một số quy định tài chính được thiết kế nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính như cuộc khủng hoảng gây hỗn loạn thị trường năm 2007-2008.

Chức năng cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang là kiểm soát nguồn cung tiền của Mỹ bằng cách ấn định lãi suất mà theo đó các ngân hàng có thể vay và cho vay tiền. Cục hoạt động độc lập với phần còn lại của chính phủ. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

10.
Cựu tù nhân lương tâm Bùi Hằng bị Công an Hà Nội sách nhiễu --- Phóng viên tự do Huyền Trang bị hành hung --- Nhà tranh đấu Hoàng Đức Bình chính thức bị xét xử theo điều 258

Cựu tù nhân lương tâm Bùi thị Minh Hằng vào ngày 1 tháng 11 bị công an Hà Nội bắt, cưỡng đoạt điện thoại khi bà này đến thăm người thân tại thị xã Sơn Tây, thuộc Hà Nội.

Tin nêu rõ hai công an đến nhà người thân nơi bà Bùi thị Minh Hằng có mặt yêu cầu kiểm tra hành chính vào lúc 2 giờ chiều ngày 1 tháng 11. Bà này sử dụng điện thoại di động để thu lại cảnh đó thì bị một nhóm gần chục người từ bên ngoài xông vào bắt đưa vào một chiếc xe bảy chỗ đậu gần ngôi nhà rồi đưa đến trụ sở Công an Sơn Tây.

Tại đó bà bị lục soát, bị lấy điện thoại và ví tiền có 3 triệu đồng trong đó. Sau đó bà bị thẩm vấn bởi một viên chức tự xưng là thuộc Công An Hà Nội. Bà Bùi thị Minh Hằng từ chối trả lời những câu hỏi của viên công an nên bị bỏ một mình đến 8 giờ tối ngày 1 tháng 11, số công an trở lại yêu cầu bà ký biên bản nhưng bà từ chối. Cuối cùng họ đưa bà về trở lại nhà người thân ở Sơn Tây.

Công an yêu cầu bà Bùi Thị Minh Hằng trở lại làm việc trong ngày 2 tháng 11; tuy nhiên bà từ chối vì lý do sức khỏe.

Vào chiều tối ngày 2 tháng 11, bà Bùi Thị Minh Hằng cho Đài Á Châu Tự Do biết tình hình sức khỏe hiện nay và sẽ thông tin công khai về vụ việc liên quan bản thân bà khi có phương tiện:

“Tôi sẽ cố gắng có phương tiện trong thời gian sớm nhất để thông tin. Hiện nay tôi đang rất đau và phải ở cùng con cháu.”

Xin được nhắc lại cựu tù nhân lương tâm Bùi thị Minh Hằng là một trong những người tích cực tham gia đợt biểu tình ở Hà Nội vào năm 2011 và những sự kiện tương tự trong những năm sau đó. Mục tiêu các cuộc biểu tình nhằm chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam.

Bà bị bắt lần đầu vào tháng 11 năm 2011 tại Sài Gòn khi đứng giương biểu ngữ ủng hộ những người ở Hà Nội biểu tình hoan nghênh đề nghị của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về luật biểu tình . Lần đó bà bị đưa vào Trại cải tạo Thanh Hà ở Vĩnh Phúc. Đến cuối tháng tư năm 2012 bà mới được đưa về nhà ở Vũng Tàu.

Bà bị bắt lại lần thứ hai vào đầu năm 2104 khi cùng một số nhà hoạt động khác và tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không theo phái do Hà Nội lập nên đến thăm cựu tù chính trị Nguyễn Bắc Truyển tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

Bà bị đưa ra tòa cùng với anh Nguyễn Văn Minh và cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’. Bà bị tuyên án 3 năm tù giam.

Sau khi mãn án tù, bà Bùi thị Minh Hằng tiếp tục tích cực lên tiếng về tình hình Việt Nam. Bà sử dụng công cụ mạng xã hội như livestream của Facebook để bày tỏ chính kiến về những vụ việc diễn ra liên quan đến bắt bớ các thành phần đấu tranh, ủng hộ dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam. - RFA

***
Một phóng viên tự do chuyên viết tin bài cho mạng báo lề trái ‘Tin Mừng Cho Người Nghèo’, cô Huyền Trang, vào ngày 1 tháng 11 bị hành hung bởi thành phần lạ mặt sau khi tham dự lễ giỗ cựu tổng thống Việt Nam Cộng Hòa tại Nghĩa Trang Lái Thiêu, Bình Dương.

Tin cho biết cô Huyền Trang bị một nhóm người xông vào đánh ngay sau thánh lễ.

Cô kể lại vụ việc với Đài Á Châu Tự Do vào chiều tối ngày 2 tháng 11 như sau:

Sau khi kết thúc Lễ của cụ Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm thì tôi cùng các ông thương phế binh trở về Sài Gòn thì khi tôi leo lên được chiếc xe thì họ cố gắng hết sức họ kéo cánh cửa ra để lôi tôi ra khỏi và ở bên ngoài họ đã dùng gạch họ đập vào cánh cửa xe họ đã lao lên xe và đánh tới tấp vào màng tai cũng như vào đầu tôi. Và bác sĩ nói là chấn thương phần mềm và phải theo dõi , nói chung đã cho thuốc uống rồi

Vụ việc đối với phóng viên độc lập Huyền Trang xảy ra ngay trước Ngày Quốc tế Yêu Cầu Chấm dứt Dung Dưỡng Tội Ác Đối Với Nhà Báo, 2 tháng 11 hằng năm do Liên Hiệp Quốc đề ra.

Theo tổ chức quốc tế này thì trong vòng 11 năm qua có hơn 900 nhà báo bị giết hại vì đưa tin tức, thông tin đến cho công chúng. Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia thành viên phải thi hành những biện pháp dứt khoát chống lại sự dung thứ cho những tội ác đối với các phóng viên. - RFA

***
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ an hôm 30/10 kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm Sát tỉnh Nghệ An đề nghị truy tố Hoàng Đức Bình theo khoản 2, Điều 258 Bộ Luật Hình sự “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.”

Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho nhà hoạt động công đoàn độc lập và môi trường Hoàng Đức Bình, thông báo trên Facebook hôm 1/11 rằng với tội danh này, Bình sẽ đối mặt với mức án tù từ hai năm đến bảy năm.

Hoàng Đức Bình, 34 tuổi, bị bắt vào ngày 15/5, tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An khi đang đi trên một chiếc xe cùng linh mục Nguyễn Đình Thục.

Trực tiếp chứng kiến vụ bắt bớ, Linh mục Nguyễn Đình Thục, cho VOA biết cảnh sát giao thông đã chặn xe ô tô chở linh mục và ông Bình trên đường quốc lộ, tiếp đến hàng chục nhân viên công an mặc cảnh phục lẫn thường phục đã “tấn công một cách thô bạo và mở cửa” chiếc xe, “lôi” ông Bình ra rồi “đưa đi mất.”

Trước khi bị bắt, ông Bình tích cực tham gia các hoạt động phản đối vụ hãng Formosa gây thảm họa ô nhiễm biển miền trung Việt Nam, nhất là tại một số vùng có đông giáo dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh.

Ông Bình từng là Phó Chủ tịch Phong trào Lao động Việt, tổ chức được thành lập năm 2008 với mục tiêu giúp người lao động đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của họ. Chính quyền Việt Nam không công nhận tổ chức này. - VOA
|
|

11.
Lao động Trung Quốc làm chui ở Bình Thuận

Có hơn 500 lao động người nước ngoài chưa có giấy phép lao động và gần 300 người không thuộc diện cấp giấy phép lao động đang làm việc tại các dự án nhiệt điện Vĩnh Tân ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Sở Lao động-Thương binh& Xã hội cho biết số liệu vừa nêu trong báo cáo trình lên Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là hai đơn vị thuê mướn những lao động người nước ngoài bất hợp pháp này. Bên cạnh đó còn có Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Vận hành Kinh doanh Vĩnh Tân điện lực Trung Quốc và các nhà thầu phụ, bao gồm các công ty Lắp đặt Quảng Đông, Trung Kiến 2, Trung Kiến 3, Vận chuyển Trung Đặc và Tương điện Hồ Nam.

Trong báo cáo của Sở Lao động-Thương binh& Xã hội tỉnh Bình Thuận không nói rõ những lao động người nước ngoài trái phép tại các dự án nhiệt điện Vĩnh Tân mang quốc tịch nào, nhưng đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh xử lý theo quy định pháp luật nếu các chủ thuê mướn lao động người nước ngoài trái phép không hoàn tất hồ sơ theo thời hạn được yêu cầu. - RFA
|
|

12.
Việt Nam và Ấn Độ tăng cường hợp tác không quân

Việt Nam và Ấn Độ vào ngày 1 tháng 11 thảo luận triển khai Chương trình thúc đẩy hợp tác trong lãnh vực Phòng không-Không quân.

Nội dung thảo luận của chương trình vừa nêu được đưa ra nhân chuyến thăm và làm việc của Đoàn Tư lệnh Không quân Ấn Độ đến Việt Nam do Đại tướng Birender Singh Dhanoa, Tư lệnh Không quân làm Trưởng đoàn.

Tại trụ sở Bộ Quốc Phòng vào chiều ngày 1 tháng 11, đại diện của Việt Nam là Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng-Thượng tướng Phan Văn Giang và Đại tướng Birender Singh Dhanoa thống nhất hai bên sẽ triển khai những nội dung trao đổi một cách hiệu quả và cùng mong muốn quan hệ hợp tác quân đội giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển.

Đại tướng Birender Singh Dhanoa nói rằng ông hy vọng lực lượng Không quân của Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác huấn luyện, đào tạo, vận hành, sửa chữa trang thiết bị kỹ thuật không quân và an toàn bay.

Trong những năm gần đây, Việt Nam tỏ ý muốn mua tên lửa của Ấn Độ và Chính phủ Ấn Độ cũng cho biết có kế hoạch bán tên lửa hành trình Brahmos cho Việt Nam. - RFA
|
|

13.
Anh 'muốn tăng hợp tác thương mại với VN'

Với tư cách là đại diện của Chính phủ Anh trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại với Chính phủ Việt Nam, Nghị sỹ Edward Vaizey cho rằng Việt Nam là một đất nước "năng động, kì diệu" với nhiều tiềm năng mà nhiều người Anh chưa biết tới.

Trả lời Thông Tấn Xã Việt Nam, ông Vaizey cho rằng Việt Nam có nhiều ngành công nghiệp nổi trội có thể tạo cơ hội cho hai nước Anh - Việt thúc đẩy hợp tác, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.

Ông hy vọng sẽ có nhiều khách du lịch Anh đến thăm Việt Nam và có nhiều người Việt Nam đi du lịch Anh hơn.

Từ góc độ của nước Anh, Nghị sỹ Vaizey cho rằng kinh tế Việt Nam đang phát triển rất nhanh và nước Anh "vô cùng ghen tỵ về tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam".

Ông hi vọng chính phủ hai nước sẽ tăng cường hợp tác về các lĩnh vực giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng và sản xuất hàng hóa.

"Theo hiểu biết của tôi thì Việt Nam đánh giá cao hệ thống giáo dục của Anh và tôi rất hi vọng các trường đại học của Anh sẽ tăng cường sự hiện diện của mình tại Việt Nam," ông Vaizey nói với Thông Tấn Xã Việt Nam.

"Tôi cũng cho rằng các công ty hiện đại của Anh có thể làm việc với các công ty hiện đại của Việt Nam trên các lĩnh vực như công nghệ, hình thức mới của năng lượng và các dự án cơ sở hạ tầng và xây dựng lớn."

"Chúng tôi đánh giá cao tay nghề của người lao động Việt Nam."

Trước sự kiện Brexit, ông Vaizey cho biết dù bất cứ điều gì xảy ra, một trong những ưu tiên hàng đầu ông đặt ra vẫn là thúc đẩy giao thương giữa Anh và Việt Nam, đồng thời "đảm bảo để Chính phủ Anh nhận thấy tầm quan trọng của việc đạt được hiệp định tự do thương mại với Việt Nam".

Đánh giá về việc Việt Nam tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC, Nghị sỹ Vaizey cho rằng Thủ tướng Anh Theresa May "lấy làm tiếc" trước việc Mỹ xem xét lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tuy nhiên ông cho rằng "bản thân khu vực cũng mạnh để có thể tiếp tục TPP và thúc đẩy những mối quan hệ thương mại giữa các nước trong khu vực".

Ông Vaizey cho biết Anh muốn có những mối liên hệ gần gũi với những kế hoạch thực hiện TPP và luôn ủng hộ việc xóa bỏ rào cản thương mại giữa các nước.

Mặc dù có nhiều biến động chính trị xảy ra tại Anh trong 6 tháng đầu năm 2017, trao đổi thương mại Anh - Việt vẫn có tín hiệu tích cực.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Anh đạt gần 2,399 tỷ USD, tương đương cùng kì năm 2016. Nhập khẩu từ Anh và Việt Nam đạt 341,5 triệu USD, giảm 0,5% so với cùng kì năm trước.

Theo Cục Thống kê Anh, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh bao gồm thủy sản, máy vi tính và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ nội thất, giày dép, sản phẩm dệt may, hạt điều, cà phê, cao su và các chế phẩm từ cao su, điện thoại.

Hồi tháng Hai, ông Liam Fox, Bộ trưởng Thương mại Anh thăm Hà Nội, bày tỏ hy vọng tăng quan hệ hợp tác với Việt Nam. - BBC
|
|

14.
Dương Trung Quốc: Dùng từ ‘đầu thú’ với dân làng Đồng Tâm là ‘không ổn’

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc hôm 2/11 đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem vụ Đồng Tâm là “bài học” kinh nghiệm và chính quyền không nên dùng từ “đầu thú” khi đối thoại với dân làng.

Báo Tuổi Trẻ trích lời ông Dương Trung Quốc trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội và ngân sách, nói câu chuyện Đồng Tâm là một ví dụ tiêu biểu về cuộc khủng hoảng lòng tin, chứ không thuần tuý là một vụ án hình sự.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nói: “Những khiếu nại của người dân không được quan tâm, xem xét kịp thời, để tích tụ lại, trở thành hiện tượng tức nước vỡ bờ.”

Ngoài ra, ông Dương Trung Quốc còn phản đối việc công an Hà Nội dùng từ “đầu thú” khi kêu gọi những người dân đã bắt và giữ lực lượng an ninh ra nạp mình cho chính quyền.

Báo Thanh niên dẫn lời nhà sử học nói:

“Tôi nghĩ rằng dùng từ ‘đầu thú’ là không ổn. Chúng ta đã mất đi ngôn ngữ để đối thoại với dân rồi sao?”

Ngay tại cuối kỳ họp trước của Quốc hội, ông Dương Trung Quốc cho biết đã viết thư gửi tới 7 lãnh đạo cao nhất của Trung ương và Hà Nội về vấn đề Đồng Tâm, nhưng chỉ có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi đáp thư của ông.

Trong các bức thư đó, ông nêu một vấn đề cử tri đặt ra: “Tại sao một lực lượng tinh nhuệ nhất, được trang bị tốt nhất lại bị bắt và giữ? Câu trả lời duy nhất: Đó là vì họ vẫn giữ được phẩm chất của người công an nhân dân. Họ không coi dân là kẻ thù. Họ chấp nhận giải pháp như vậy.”

Ông nói chúng tôi tán thành việc phải thượng tôn pháp luật, xử lý đến cùng: “Chúng ta khởi tố những người dân ở Đồng Tâm vi phạm, nhưng cho đến nay những cán bộ công an đánh dân, bắt dân không đúng quy định của luật pháp vẫn hoàn toàn đứng ngoài pháp luật.”

Vào tháng 8, Công an Hà Nội gửi giấy triệu tập hơn 70 người dân xã Đồng Tâm, với lý do là để làm rõ về vụ “bắt người trái phép” và “gây rối trật tự công cộng” xảy ra ở xã hồi giữa tháng 4.

Hồi giữa tháng 4, khi chính quyền Hà Nội tìm cách thu hồi đất ở xã Đồng Tâm để trao cho tập đoàn nhà nước Viettel làm dự án, người dân đã chống trả, giữ lại 20 nhân viên cảnh sát, và “đóng cửa” làng trong nhiều ngày.

Sau một tuần, người dân xã đã thả số người bị cầm giữ khi chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết bằng văn bản không truy tố người dân.

Tuy nhiên, đầu tháng 6, công an thành phố đã khởi tố vụ án hình sự về việc dân Đồng Tâm giữ người nhà nước. Chủ tịch Chung bị nhiều người lên án “phá vỡ cam kết”. - VOA
|
|

15.
Việt Nam hy vọng TPP không có Mỹ ‘đột phá’ tại APEC

Nước chủ nhà Việt Nam hy vọng sẽ có bước tiến triển đột phá của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Hội nghị thượng đỉnh APEC nơi các nguyên thủ quốc gia của 21 nền kinh tế khu vực họp mặt vào tuần sau.

Việt Nam trông đợi rằng 11 thành viên còn lại của hiệp định thương mại khu vực ven Thái Bình Dương có thể thảo luận và tiến tới đồng thuận về một hiệp định sửa đổi sau khi Mỹ rút khỏi TPP.

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói tại một cuộc họp báo được truyền thông trong nước ghi nhận hôm 2/11 rằng ông hy vọng các cuộc đàm phán tại Nhật Bản tuần này sẽ “thu hẹp những khác biệt trong quan điểm” để các bộ trưởng và lãnh đạo có thể thông qua một hiệp định sửa đổi tại diễn đàn lần này.

Theo nhận định của vị thứ trưởng ngoại giao này, cuộc gặp thượng đỉnh tại Đà Nẵng sẽ có ý nghĩa then chốt đối với các thành viên TPP.

Trưởng đoàn đàm phán TPP Nhật Bản, Kazuyoshi Umemoto, hôm 1/11 cho biết “Đà tiến tới một hiệp định tại hội nghị ở Đà Nẵng đã gia tăng đáng kể.”

Nhật Bản là nước chủ nhà của 3 vòng đàm phán mới nhất về TPP-11 vừa kết thúc tại Chiba. Ông Umemoto cho biết mọi thành viên đều tỏ ý muốn đạt được tiến bộ và kết quả tại APEC ở Việt Nam.

Nhận định về triển vọng của TPP-11, phó ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của Viện nghiên cứu chiến lược kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Toàn Thắng cho VOA biết: ​"Tháng 5/2017 khi Nhật đưa vấn đề (TPP-11) ra, các nước lúc đầu có chần chừ nhưng cho tới thời điểm hiện nay theo một vài báo cáo của Canada, Singapore và báo cáo của (CIEM) thì triển vọng có vẻ sáng sủa hơn."

Theo Tiến Sỹ Thắng, sau khi tổng thống mới nhậm chức lúc đó rút Mỹ ra khỏi TPP, Việt Nam có đắn đo về việc tham gia TPP-11 nhưng hiện nay các nhà lãnh đạo có vẻ quyết tâm tham gia vào khối kinh tế khu vực có tổng kim ngạch thương mại đạt hơn 356 tỷ USD vào năm ngoái.

Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn cho phóng viên trong nước biết hôm 2/11 rằng “Việt Nam sẽ đóng góp tích cực cùng các thành viên trong TPP để có kết quả tích cực nhất, đáp ứng được lợi ích của các thành viên trong TPP.”

Giải thích về mặt lợi ích mà Việt Nam sẽ có được từ TPP-11, Tiến sỹ Thắng nói​ "Trừ Mỹ ra thì với hầu hết các nước ở châu Á (Việt Nam) đã có hiệp định (thương mại). Với một số nước như Canada, Peru và Mexico thì (Việt Nam) chưa có hiệp định vì vậy mình có thể khai thác được thêm từ TPP-11. Tuy nhiên thì cũng có nghĩa mình mở cửa khá nhiều vì TPP-11 là một thỏa thuận khá sâu mà nó dựa trên nền tảng của thỏa thuận với Mỹ cho nên cũng có những cái (Việt Nam) phải nhượng bộ. Thế nhưng bây giờ khi sức hấp dẫn vào thị trường Mỹ không còn nữa thì nhiều người lo ngại như vậy sẽ thiệt cho Việt Nam."

Việt Nam, cũng như các nước thành viên, đang xem xét tạm hoãn thực thi một số điều khoản liên quan đến Mỹ như dược phẩm, thanh toán thẻ. Trước đây Việt Nam kỳ vọng vào thị trường Mỹ nhưng sau khi Mỹ rút ra rồi thì những điều khoản đó không còn cần thiết nữa, theo Tiến sỹ Thắng. Nhà nghiên cứu của CIEM nhận định các nước thành viên sẽ bàn bạc xem có tạm hoãn một số điều khoản liên quan tới Mỹ hay tiếp tục thực thi.

Theo Tiến sỹ Thắng, nghiên cứu của Canada Foundation cho thấy sự đồng thuận của các nước tham gia hiệp định mà không thay đổi các điều khoản là “tương đối cao.”

"[Các nước] đồng ý tham gia mà không thay đổi gì về các điều khoản là do trên cơ sở [các nước này] vẫn kỳ vọng vào việc nhỡ sau này Mỹ trở lại," theo chuyên gia của CIEM. "Có lẽ quan trọng nhất là nếu như không tham gia mà các nước còn lại vẫn tham gia, ví dụ TPP-10, thì có thiệt hay không? Về mặt nguyên tắc thì có thể bị thiệt. Thế nhưng nếu các nước khác vẫn chơi mà mình không chơi thì mình thiệt. Đó là cái mà tôi nghĩ chính phủ Việt Nam và các nước khác đều cân nhắc ở điểm đó."

Sau khi New Zealand đồng ý sửa các luật không chịu ảnh hưởng của TPP trong tuần này, Reuters nhận định 11 quốc gia còn lại trong TPP không có Mỹ sắp đi đến ký kết một hiệp định thương mại toàn diện.

Được thành lập năm 1989 với 12 nền kinh tế và sau đó mở rộng ra 21 thành viên, APEC hiện nay đại diện cho 2.8 tỷ người và chiếm gần 60% GDP toàn thế giới.

Cũng tại buổi họp báo hôm 2/11, thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết tất cả các lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC đã xác nhận sẽ tham dự APEC tại Đà Nẵng từ 6-11 tháng 11. - VOA
|
|

16.
Dân Việt nằm chờ mua iPhone X ở Singapore

Trong số hàng ngàn người xếp hàng mua iPhone X ở Singapore có không ít người Việt. Một số người được bao ăn ở, máy bay và trả 200 đô la Singapore (hơn $141) để mua chiếc điện thoại mới nhất này.

Theo báo Tuổi Trẻ, đến tối 2 Tháng Mười Một, tại cửa hàng Apple trên phố Orchard, Singapore, có hàng ngàn người xếp hàng chờ vào mua iPhone X, chiếc điện thoại mới nhất của hãng Apple.

Nhân viên cửa hàng Apple cho biết đến 7 giờ 30 tối cùng ngày, đã có gần 500 số thứ tự phát cho những người xếp hàng đầu tiên. Bên ngoài khu rào chắn là một hàng người đứng xếp hàng dài gần 200 mét, chờ đến lượt nhận phiếu để bước bên trong khu vực có rào chắn ziczac.

Ngoài các nhân viên bảo vệ của Apple Store, còn có khá nhiều cảnh sát rảo quanh khu vực này để bảo đảm trật tự và an ninh.

Báo này cho hay, anh Tr.H., một người chuyên bán iPhone tại Sài Gòn, cho biết đã gửi ba người vào xếp hàng bên trong khu bảo vệ ziczac ngay trước cửa hàng Apple Store với giá thuê 200 đô la Singapore/người (hơn $141), chưa kể tiền vé máy bay và ăn ở từ ngày 1 Tháng Mười Một.

Anh H. cho biết đã nhận được đặt hàng ở Việt Nam cho ít nhất tám điện thoại iPhon

© 2016 About Us | Terms & Conditions