Tôi Là Ai: Nhận Thức Học Trong Truyện “Khi Từ Thức Về Trần” của Bình-Nguyên Lộc (Đinh Từ Bích Thúy - Da Màu)





Tôi Là Ai: Nhận Thức Học Trong Truyện “Khi Từ Thức Về Trần” của Bình-Nguyên Lộc Đinh Từ Bích Thúy   8.01.2015 http://damau.org/archives/35115
Hình bìa truyện vừa “Khi Từ Thức Về Trần” của Bình-Nguyên Lộc (Văn Uyển: 1969)
Họa sĩ Nguyễn Trung minh họa
http://www.damau.org/wp-content/uploads/2015/01/KTTVT-cover_thumb.jpg
Vì sao tôi đã chọn đề tài thuyết trình truyện vừa “Khi Từ Thức Về Trần” của Bình-Nguyên Lộc cho Hội Thảo Văn Học Miền Nam? Có nhiều lý do. Ông là một tác giả vừa đặc thù vừa tiêu biểu cho nền văn học miền Nam Việt Nam. Văn nghiệp ông phong phú như nồi cơm không đáy trong một truyện cổ tích tôi đọc hồi còn bé.
Có thể nói rằng không gian văn chương của Bình-Nguyên Lộc rất rộng, rất đa nguyên, nó bao gồm lịch sử, văn hóa, và bản sắc dân tộc. Văn chương của ông quan tâm về nhận thức học (epistemology), vì nhận thức học đi liền với khái niệm về bản sắc và truyền thống văn hóa. Bài khảo cứu của ông về nguồn gốc địa danh thành phố Sàigòn cũng là một câu chuyện rất thú vị về lịch sử di dân và nền tảng văn hóa của người dân miền Nam. Cái tên Sàigòn có phải từ gốc tiếng Miên là Prây Kor (Rừng Bò), hoặc từ tiếng Tàu, trước được phiên âm là Thầy Gòn, Sài Gòng, Xì Cống hay Sài Côn? Văn chương của Bình-Nguyên Lộc có sự nối kết giữa các thời đại, nhưng cũng cho ta thấy những đặc điểm về phong tục, tâm lý, và ngôn ngữ của một chặng điểm nhất định trong lịch sử miền Nam.
Theo nhà phê bình Thụy Khuê trong bài “Bình-Nguyên Lộc (1914-1987): Đất Nước Và Con Người” thì văn chương Bình-Nguyên Lộc “bắc cầu giữa hai khuynh hướng Nam-Bắc. Ông không hoàn toàn theo Bắc như Đông Hồ, mà cũng không giữ nguyên đặc chất Nam Kỳ như Hồ Biểu Chánh, Vương Hồng Sển. Thay vào đó Bình-Nguyên Lộc mở con đường thứ ba: giao lưu văn hóa Bắc Nam trong truyền thống di dân và tiếp cận ngôn ngữ.” Là một người viết sinh ra ở miền Nam, trong một gia đình Bắc di cư, rồi lớn lên ở Mỹ, đề tài di dân, bản sắc, di sản văn hóa và ngôn ngữ, là những đề tài luôn ám ảnh tôi. Bình-Nguyên Lộc đã giúp tôi hiểu thêm về nguồn cội của mình, đồng thời cho tôi thấy những điểm tương đồng giữa thời đại ông với thời đại tôi. Nếu Sàigòn, so sánh với Hà Nội, là một vùng đất mới trong văn chương Bình-Nguyên Lộc, thì nước Mỹ, so sánh với Việt Nam, là vùng đất mới cho văn chương Việt Nam di dân của thế kỷ 21.
Đặc biệt, truyện “Nếu Từ Thức Về Trần,” khoảng 69 trang, là một truyện cô đọng hóa những đề tài lớn của Bình-Nguyên Lộc, và tuy xuất bản vào năm 1969, hình như đã tiên đoán được những gì sẽ xảy ra cho người miền Nam sau biến cố 75. Nhân vật Từ Thức trong văn học Việt Nam, vì có sự liên hệ đến tên của thân phụ tôi, cũng là một nhân vật mà tôi muốn tìm hiểu thêm trong những khai phá văn chương của chính mình. Tại sao nhân vật trong truyền thuyết lại có tên là Từ Thức? Có phải vì ông từ chối sự thức tỉnh? Và thế nào là thức? Thế nào là “không tỉnh”? “Không tỉnh” có phải là ngủ mê? Như vậy truyện Từ Thức có liên hệ đến truyện Trang Tử nằm mơ thấy bướm? Cả hai Từ Thức và Trang Tử đều đánh dấu hỏi, “Tôi là ai”? Một cách khác, tôi là người của thời gian, và những liên hệ gia đình, chủng tộc, hay tôi là một thể chế vượt qua giới hạn không gian và thời gian? Đây cũng là một câu hỏi tự nhiên của mọi trí thức nghệ sĩ. Nghệ thuật hay đời sống? Trách nhiệm hay tự do? Thêm vào đó là bối cảnh chiến tranh làm chia cắt những mảnh đời. Từ Thức cũng là một hiện thân của Ulysses trong trường ca Homer. Ulysses, vì chiến tranh giữa Hy Lạp và Troy, đã phải bỏ quê hương trôi dạt nhiều nơi trong mười năm trời. Huyền thoại Từ Thức cũng có thể áp dụng vào hành trình di dân của người Việt Nam chống Cộng sản sau 1975. Trong truyện của Bình-Nguyên Lộc, câu hỏi của nhân vật Phi sau khi bị mất trí nhớ cũng có thể áp dụng cho thân phận người Việt tỵ nạn:
Nằm co ở xó chợ đêm đó, chàng nghĩ đến căn bịnh của mình chừng nào thì kinh sợ chừng ấy. Chàng bị cắt lìa ra khỏi cuộc đời và có muốn chun trở vào cũng không biết ngõ nào mà chun. Thân thể chảng đang có, tâm trí chàng đang có nhưng có từ bao giờ, có tại đâu, và tên họ gì, dính líu với những ai? Chàng có cũng như không, hay có cũng như một con vật, tệ hơn con vật vì con vật vẫn có đàn. Chàng có cũng như cái cây, cọng cỏ, nhưng tệ hơn cái cây cọng cỏ, vì cây cỏ còn cội rễ …. Chàng, chàng phải bắt đầu đi từ con số không, con số không thật sự với đầy đủ nghĩa đen của nó. (KTTVT, trang 12)
Câu hỏi của Từ Thức (và có thể cũng là của Trang Tử) do đó là câu hỏi căn bản của nhân loại. Vì thế, có rất nhiều những điển tích tương tự như truyện Từ Thức trong các tôn giáo, văn hóa của nhiều quốc gia. Washington Irving, nhà văn Mỹ vào thế kỷ 19, có truyện Rip Van Winkle, về một anh chàng được trẻ con và dân làng yêu quý nhưng thích trốn việc và hay bị vợ nạt, bèn bỏ lên núi với cây súng săn và con chó. Lên đỉnh núi anh ta thấy có một nhóm các cụ già đang chơi trò ném banh lăn. Họ mời anh ta uống bia. Uống xong Rip Van Winkle ngủ mê mệt, khi tỉnh dậy thì thấy súng bên mình đã rỉ sét, chó chạy đâu mất, và lúc xuống làng hỏi chuyện thì mới biết 20 năm đã trôi qua. Chân dung vua nước Anh là George Đệ Tam trong một quán ăn đã được thay vào chân dung anh hùng cách mạng Độc Lập Mỹ George Washington. Các bạn bè cũ của Rip thì ước gì họ được như ông, đã thoát cảnh bị vợ la mắng hằng ngày và cũng được ngủ qua những bất trắc trong cuộc chiến tranh dành độc lập cho Hoa Kỳ.
Trong truyền thống Ki-tô giáo có truyền thuyết nổi tiếng "Bảy Tín Đồ Mê Ngủ Thành Êphêsô," kể lại một nhóm Ki-tô hữu vào thế kỷ 3 chạy trốn trong một hang động để thoát cuộc đàn áp trong thời gian trị vì của hoàng đế La Mã Decius, rồi rơi vào một giấc ngủ thần kỳ và thức dậy khoảng 200 năm sau, giữa triều đại của hoàng đế Theodosius II, rồi khám phá rằng cả đế quốc La Mã đã theo đạo Ki tô. Truyền thuyết này cũng xuất hiện trong một sura nổi tiếng của kinh Koran, gọi là Sura Al-Kahf. Câu chuyện kể lại một nhóm tín đồ Hồi giáo thoát khỏi cuộc đàn áp của chính quyền bằng cách trốn trong một hang động và tỉnh dậy mấy trăm năm sau.
Trong văn hóa Trung Hoa có truyện Lạn Kha Tiên Khách từ Thuật Dị Ký của Nam Phưởng, văn sĩ thời Nam Triều. Ngày xưa, Vương Chất đi kiếm củi, vào núi này thấy hai cụ già ngồi đánh cờ vây dưới gốc cây thông. Hai cụ già đưa cho Vương Chất một hạt giống hạt dẻ, ăn vào không thấy đói khát nên người tiều phu bèn đặt cây rìu cạnh mình mà đứng xem cuộc cờ. Nhưng đến lúc mãn cờ nhìn xuống thì ôi thôi, rìu đã nát tự bao giờ. (Lạn là nát, Kha là rìu). Khi họ Vương về đến nhà thì mới biết một trăm năm đã trôi qua. Ngày nay, ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, cũng có một núi tên là núi Lạn Kha.
Theo Việt Nam Văn Học Toàn Thư (Bộ Hai) của Hoàng Trọng Miên, thì Từ Thức là một vị quan dưới đời Trần, niên hiệu Quang-Thái (1388-1399), giữ chức huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Từ Thức cai trị nhân đức nên được dân tình mến trọng, nhưng chỉ thích bầu rượu, túi thơ, cây đàn hơn là chồng giấy tờ ở công đường. Cấp trên gửi giấy khiển trách. Từ Thức thở than: “Lẽ nào chỉ vì một vài đấu thóc mà ta đành dìm thân trong chốn lợi danh? Sao bằng một chiếc thuyền con, ra thoát khỏi vòng cương tỏa”? Rồi Từ Thức trả ấn từ quan, đi ngao du những cảnh thiên nhiên, và một ngày nọ bước vào khe núi dẫn lên Thiên Thai. Từ Thức kết duyên với Giáng Hương, một nàng tiên, và sinh sống hạnh phúc ở cõi tiên. Nhưng Từ Thức không quên được quê hương, cha mẹ, bạn bè mà chàng đã bỏ lại dưới trần gian, nên xin phép Giáng Hương được trở về thăm quê trong một thời gian ngắn. Giáng Hương rất buồn nhưng không ngăn chồng, chỉ nói rằng, “Em chỉ sợ rằng đời sống thế gian quá nhỏ hẹp, ánh sáng mặt trời quá vắn vỏi, anh sẽ không còn tìm thấy sân vườn xưa trong cảnh cũ nữa đâu.” Từ Thức trở về, và như Giáng Hương đã tiên đoán, tất cả đã hoàn toàn đổi thay. Hỏi đến những người già cả trong làng xem có ai biết người tên Từ Thức không, thì mọi người đều nói, “Hồi chúng tôi còn bé, có nghe nói là ông cố ba đời chúng tôi mang tên đó. Ông ấy đi lạc vào núi đã tám chục năm nay. Từ đó đến nay chúng tôi đã trải qua ba đời vua.”
Như đã nêu trên, Bình-Nguyên Lộc đề cao khuynh hướng giao lưu văn hóa. Khuynh hướng này phát xuất từ lịch sử di dân của nguồn tộc Việt cùng ảnh hưởng bị ngoại bang đô hộ. Song song với khuynh hướng này là tinh thần sáng tạo của nhà văn trong cách tổng hợp và hiện đại hóa các ảnh hưởng văn chương trong và ngoài Việt Nam. Truyện “Khi Từ Thức Về Trần” lấy điển tích Từ Thức làm phông chính, nhưng trong cái phông này là cả một kho tàng văn học nhân loại mà kinh nghiệm của tác giả — sinh trưởng trong môi trường Pháp thuộc — đã thu nhận, và biết đâu, đây cũng là một cách mà ông mang văn chương Việt Nam vào bối cảnh văn chương hoàn cầu như một hành động “du kích” hay kháng cự. Bình-Nguyên Lộc đã pha chế vào truyện các điển tích quốc tế khác, như truyện Ulysses của Homer đã đề cập ở trên, kịch Hamlet King Lear của Shakespeare, và truyện “Le Voyageur Sans Bagage” (“Người Du Hành Không Hành Trang”) của Jean Anouilh. Đồng thời, ông cũng mang những đề tài chính trị, luật pháp và y khoa vào trong truyện, tựa như ông muốn dùng mệnh đề giả tưởng để hòa giải những nghịch lý văn hóa trong đời sống.
Tựa “Khi Từ Thức Về Trần” cho ta thấy ngay quan điểm của tác giả. Văn chương của ông thuộc về trần thế, hiện thực, kinh nghiệm, cùng các trách nhiệm liên can đến chính trị, xã hội và gia đình. Như con mèo trong thí nghiệm cơ học lượng tử của Schrödinger, mọi sự kiện có thể là điểm rẽ nhánh, tạo ra những trạng thái, nẻo đường khác, hoặc cũng là một hành trình chưng cất, loại trừ. Trạng thái sống và “chết” của mèo đều có thật, đều linh hoạt, như trạng thái “tỉnh” và “mê” của Từ Thức. Trái với điển tích xưa, truyện Từ Thức của Bình-Nguyên Lộc, tuy cho nhân vật chính một lối thoát ra khỏi vòng cương tỏa, không khuyến khích hay đề cao sự chối bỏ trách nhiệm trần thế.
Như Bình-Nguyên Lộc, nếu ta áp dụng khái niệm đa vũ trụ vào giả thuyết về con mèo của Schrödinger, mọi sự kiện đều sẽ là điểm rẽ nhánh. Trạng thái sống và chết của mèo nằm trên hai nhánh của vũ trụ, cả hai nhánh đều có thật, nhưng không tương tác với nhau http://www.damau.org/wp-content/uploads/2015/01/schrodinger-cat-multiverse-jpg_thumb.jpg
“Khi Từ Thức Về Trần” là truyện anh tài xế lái tắc xi gặp nạn trong lúc chở khách trong xe, lúc tỉnh ra thì mới biết thật ra anh trước đây là một thương gia gia giàu có tên Ngô Văn Sở, một hôm đi chơi ở Đà Lạt, đã trượt chân rơi xuống thác, rồi đập đầu vào vách đá và sau đó bị mất trí nhớ (mà Bình-Nguyên Lộc gọi là chứng bệnh kiện vong (amnesia). Khi Sở leo lên bờ thì thấy có bộ quần áo có kèm lý lịch của một người tên Nguyễn Văn Phi, giai cấp thợ thuyền, thì tưởng đó là lý lịch của mình, rồi từ đó đã dùng lý lịch của người này để sinh sống, sau đó lập gia đình với một cô gái quá thì, là con một người chủ tiệm tạp hóa trong một xóm lao động. Phi sau đó làm nghề lái tắc xi, và khi bị một tên cướp dùng vật nặng đập lên đầu thì cơn sốc này đã giúp Phi phục hồi lại trí nhớ, cùng những kỷ niệm của cuộc đời cũ, khi chàng là một chủ nhà buôn nhập cảnh xe gắn máy hiệu Thần Tốc. Lúc này Phi/Sở nhận thức rằng mình có hai cảnh đời đối nghịch, hai gia đình riêng rẽ. Thử thách của chàng nằm trong sự chọn lựa. Chọn lựa nào, trong cảnh đời nào, là một chọn lựa đúng? Như Bình-Nguyên Lộc trong đời tư đã thôi việc làm ở sở Ngân Khố trong thời Pháp thuộc, viện lẽ bị “bệnh thần kinh,” ẩn dụ chứng bệnh mất trí nhớ trong truyện “Khi Từ Thức Về Trần” biểu tượng cho “lối thoát ra khỏi vòng cương tỏa” của số mệnh và giai cấp. Nhưng thay vì được lên cõi tiên thoát tục, thì cuộc đời thứ hai của Sở — dưới tên Phi — là một cuộc đời lam lũ, bắt chàng phải lăn lóc giữa cuộc đời. Chính sự khổ đau trong cuộc đời thứ hai đã giúp Sở trở thành một người “trí thức” thật sự — là người vừa có trình độ giáo dục cao, vừa có sự nhận thức thấu đáo về tình cảm con người.
Bình-Nguyên Lộc cho ta biết rõ thời điểm lịch sử của truyện. Sở bị ngã vập đầu khi đi chơi thác ở Đà Lạt rồi mất trí vào năm 1946, và “tỉnh” trở lại 13 năm sau, là năm 1959. Vào tháng Ba năm 1946 (cũng là năm Bình-Nguyên Lộc xin thôi việc ở sở Ngân Khố Sàigòn), vì muốn quân đội của Tưởng Giới Thạch rút ra khỏi Việt Nam, Hồ Chí Minh đã ký hiệp ước với Pháp để Việt Nam sẽ được công nhận là một nhà nước tự trị trong Liên bang Đông Dương và khối Liên hiệp Pháp. Trước đó không lâu, Hồ Chí Minh cũng đã hợp tác với Pháp để diệt trừ các nhóm quốc gia chống Cộng. Tuy nhiên, những thương lượng của họ Hồ với Pháp đã thất bại và cuối năm 1946 đánh dấu điểm khởi đầu của Chiến Tranh Đông Dương Thứ Nhất, được chấm dứt với Điện Biên Phủ và sự phân chia của Việt Nam ở vĩ tuyến 17 vào năm 1954. Khi Sở tỉnh lại 13 năm sau lúc bị quân cướp đánh mạnh vào đầu, và nhận ra mình trước đây là một thương gia giàu có, thì lúc đó là năm 1959, vào thời Đệ Nhất Cộng Hòa của Ngô Đình Diệm ở miền Nam. Tuy người Pháp đã rút ra khỏi Việt Nam, nhưng đây là năm Đảng Cộng sản Bắc Việt mở màn chiến tranh du kích ở miền Nam, với sự thành lập của Trung Ương Cục Miền Nam mà về sau sẽ lãnh đạo các sinh hoạt của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Thời điểm này cũng là lúc đường mòn Hồ Chí Minh được bắt đầu khai thác, với Tổng Công ty Xây Dựng Trường Sơn là đoàn công binh và vận tải quân sự đã mở những mạch lưu thông xuyên qua Lào và Cam-Bốt để xâm nhập vào các tỉnh phía Tây Bắc của miền Nam.
Bình-Nguyên Lộc xuất bản truyện “Khi Từ Thức Về Trần” năm 1969, sau biến cố Tết Mậu Thân. Tôi không biết lúc đó ông nghĩ gì về tình hình sống còn của miền Nam, nhưng tôi đoán ông đã dùng văn chương để giải mã cho vấn đề “phân tâm” của Việt Nam, là một quốc gia vừa tư bản vừa lao động, vừa muốn theo kịp dòng hiện đại của quốc tế vừa lạc hậu, như hai con người trong nhân vật Phi/Sở, là chủ hãng buôn và cũng là một người tài xế. Là một cuộc nội chiến, chiến tranh Việt Nam cũng giống như một thân thể bị cắt làm hai.
Lúc Sở tỉnh dậy, chàng ta theo con đường Nguyễn Thái Học và đường Cô Giang để lần về ngôi nhà cũ là tiệm buôn Thần Tốc. Nguyễn Thái Học và Cô Giang là đôi uyên ương cách mạng tương xứng ở cả hai mặt tình cảm và chính trị. Trước khi bị chính quyền Pháp xử tử, Nguyễn Thái Học cũng đã dõng dạc phát biểu, “Nếu không thành công thì ta thành nhân.” Làm sao Bình-Nguyên Lộc thăng bằng hóa những xung đột về văn hóa, chính trị, giới tính hay tình cảm, cho một xã hội Việt Nam trong thời chiến? Tôi nghĩ quan điểm của ông đã được thể hiện trong bài “Nhân Cách Bình-Nguyên Lộc” của Mai Thảo. Bình-Nguyên Lộc đã phát biểu với Mai Thảo sau năm 1975 như sau:
Nói đến văn học, tuyệt đối không thể nói đến một lập luận, một giá trị độc tôn nào. Phải nhiều lập luận khác biệt, phải nhiều khái niệm đối nghịch, một vấn đề văn học, một nghi vấn lịch sử mới được chiếu sáng.
Khi nhân vật Sở, lúc bị mất trí, tự hỏi mình, “Tôi là Ai?” thì đó là một câu hỏi khẳng định sự tự do … rất hiện sinh, vì chàng ta không còn phải ràng buộc bởi bất cứ một quyến luyến tình cảm hay xã hội nào. Đó cũng là một câu hỏi mở đầu cho những đối thoại về quan điểm văn hóa và chính trị của con người Việt Nam, vì khi hỏi như vậy người ta chưa có một khái niệm cố định về bản sắc của mình và vẫn còn muốn khai phá, học hỏi. Khi hỏi “Tôi là Ai” người đặt câu hỏi khuyến khích những câu trả lời giúp mở ra những nẻo đường.
Sở về nhà thì thấy cảnh nhà đã thay đổi. Người vợ mà chàng đã yêu quý ngày xưa nay có vẻ xa lạ. Hai đứa con, một trai, một gái, đã lớn khôn. Cái dĩ vãng cổ truyền mà chàng nhớ lúc chưa gặp nạn, với gia đình ngồi quây quần trên bộ ván lúc cuối ngày, với những bảo vật lưu truyền của gia tộc, như ống điếu, ghế xích đu, bức ảnh đại gia đình chụp bốn thế hệ trang hoàng trong buồng ăn, đã được “tái tạo” với “bàn, ghế, tủ toàn bằng gỗ trắng, với những bức tranh vẽ những con người méo miệng, vẹo mũi, vẽ những ngôi nhà giống những con trâu, và những con trâu giống như cây xoài.” (KTTVT, trang 27).
Tuy lúc đầu Sở cảm thấy ngỡ ngàng vì những thay đổi quá mới, chàng dần nhận ra rằng sự lưu luyến dĩ vãng của chàng thật ra chỉ là một lưu luyến trưởng giả “rất thương mến yên ổn và thói quen.” Khi biết rằng người vợ xưa, tưởng chàng mất, nên đã tái giá, thì chàng tái tê, nhưng cũng rất thực tiễn:
Than ôi! Hòn Vọng Phu ở Kỳ Lừa, hòn Vọng Phu ở Bình Định đều là những sản phẩm của sức tưởng tượng …. Người ta lấy cây hương thật quý thắp lên thương tiếc chàng, cho yên lòng người ta rồi, rồi người ta quên chàng đi chớ khó mà biến thành tượng đá ôm con được. Buồn cười cho lòng người? Vâng! Nhưng cũng chính cho lòng mình. Ông ích kỷ quá. Bà có lỗi gì đâu? Ai bảo ông đi vắng lâu quá ….? Người có lỗi chính là ông, vì những kẻ vắng mặt bao giờ cũng có lỗi, tục ngữ Âu châu đã nói thế. Sức chịu đựng của con người, những tình cảm thiêng liêng nhứt như là lòng yêu nước, đức tin nơi một lý tưởng, cái gì cũng có chừng mực thôi.”(KTTVT, trang 38)
Hai câu đáng ghi nhớ: “Người có lỗi chính là ông, vì những kẻ vắng mặt bao giờ cũng có lỗi ….” Câu thứ hai, “[C]ái gì cũng có chừng mực thôi.”
Câu thứ nhất Bình-Nguyên Lộc đã lấy từ câu châm ngôn nổi tiếng của Benjamin Franklin, “The absent are never without fault, nor the present without excuse.” (Người vắng mặt không bao giờ vô tội, và người có mặt không bao giờ là không có nguyên cớ.)
Qua hai câu này, và qua sự nhận xét của Sở rằng điển tích Hòn Vọng Phu chỉ là một cách lãng mạn hóa, nếu không muốn nói là coi nhẹ những mất mát gây ra bởi sự vắng mặt của người đàn ông, ngược lại bắt người đàn bà bị đóng khung trong vai trò thủ tiết, ta có thể kết luận rằng Bình-Nguyên Lộc chất vấn ý nghĩa của những cuộc hành trình gây ra sự vắng mặt. Người vắng mặt, và nguyên nhân về sự vắng mặt của họ, phải được so sánh với những thử thách mà người có mặt – là những người ở lại – phải gánh chịu. Lý tưởng của kẻ vắng mặt không thể là một biện minh để áp chế những người ở lại.
Ở đây tôi chợt nhớ đến truyện Chốn Vắng của Dương Thu Hương, xuất bản vào năm 2009. Trong truyện này, cũng là một phiên bản của truyện Từ Thức, Dương Thu Hương đã thẳng tay chỉ trích khái niệm anh hùng của Đảng Cộng sản. Truyện kể Bôn, một người lính Bắc Việt, về nhà sau 14 năm lưu lạc ở những chiến trường. Miên, người vợ cũ của anh, tưởng anh đã chết nên đã đi bước nữa và hiện sống hạnh phúc với người chồng thứ hai và con trai của nàng. Nhưng ông Chủ tịch địa phương của Đảng đã gây áp lực, viện cớ rằng Bôn là “người hùng,” bắt buộc Miên phải về sống với chồng cũ “cho phải đạo.” Sự nài ép này trở nên một thảm kịch tay ba, và kết quả là một quái thai chết non.
Trái lại, truyện “Khi Từ Thức Về Trần” của Bình-Nguyên Lộc, sáng tác trong một môi trường tự do của miền Nam, đã có một cái nhìn thực tế và bình đẳng hơn về tình cảm vợ chồng. Lúc về nhà Sở, khác với Từ Thức là người trở về sau khi mọi sự đã trôi qua, phải đáp ứng “với cuộc dâu bể [vẫn còn] đang xảy ra.” Khi hỏi chuyện tại sao người vợ chàng không chung thủy thì vợ chàng đã đưa ra những lý lẽ khá vững chắc. Đợi chờ sau năm năm, không kiếm thấy tung tích chồng, nàng kết luận chàng đã chết và lập gia đình với người chồng mới, vì nàng “còn trẻ và cần phải sống cho mình.” Sau khi lập gia đình với người chồng thứ hai, người vợ cũng ủy quyền quản trị công ty Thần Tốc cho người con trai đầu theo truyền thống phụ hệ, và cũng là cách gìn giữ tài sản mà người chồng trước đã gầy dựng. Truyện cho ta thấy Bình-Nguyên Lộc rất am hiểu những vấn đề về luật pháp, xã hội và kinh doanh. Nhưng nhân vật chính của Bình-Nguyên Lộc dù sao vẫn không hoàn toàn “tư bản.” Sở vẫn có những tình cảm tao nhã của một người không vì quyền lợi mà quên hết tình gia đình. Sau khi trở về nhà, để tránh những xáo trộn trong gia đình, chàng không dùng luật pháp hay tư cách một người cha để lý luận rằng sự mất tích của chàng chỉ là một ngộ nhận – cho dù chàng có thể — để chiếm lại quyền làm chủ gia đình. Chàng nhìn nhận công lao của người con trai đã cống hiến vào công ty trong lúc chàng vắng mặt và bằng lòng với sự thay đổi này. Trong trường hợp này Sở đã biết xử cách rất tế nhị. Để được con chàng kính trọng và “cho lại” tình cha con mà chàng đã bị mất đi, chàng không thể dùng thế lực đứng trên danh nghĩa phong tục hay truyền thống văn hóa để lấn át con mình. Sự kính trọng, và tình cảm, phải được hun đúc, vun xới. Đây là một khái niệm vừa Tây Phương vừa Á Đông. Một chính quyền dân chủ, như một người lãnh đạo dân chủ, không bao giờ tự cho mình quyền lực, mà phải được dân ủy quyền. Đồng thời, người cha/người lãnh đạo phải có sự thăng bằng giữa tình cảm và chính trị. Nếu chúng ta nhớ đến thảm kịch Vua Lear của Shakespeare thì trong kịch Lear tin tưởng thái quá vào tình phụ hệ và ưa được phỉ nịnh, cho nên đã cho đứt quyền thế và đất đai của mình cho các con gái và con rể, và khi đã cho đi – thì Lear mất cả tình lẫn quyền, trở thành con số không. Lúc Sở về với gia đình chàng, trước nhất chàng phải chấp nhận tình cảnh hiện sinh của chính mình là con số không, rằng chàng đã mất đi tất cả vì sự vắng mặt trong 13 năm của mình. Từ con số không đó chàng mới có thể gầy dựng lại nền móng, lấy về cho mình tình máu mủ cũng như sự kính trọng từ các người thân của cuộc đời cũ. Những ý tưởng này đã được thể hiện trong đoạn văn sau đây của truyện:
[Sở] đọc các truyện Âu Châu, truyện Trung Hoa, truyện các triều đại vua chúa, nghe nói đến sự tranh dành đoạt lợi trong đó mà ghê tởm: anh giết em, cha giết con, chỉ vì sản nghiệp hay ngôi báu. [Sở] tin rằng người Việt ta thuần lương hơn, không đến đỗi ruột thịt mà đổ máu với nhau vì những cái ấy, nhưng dù sao với những người trong cuộc của những trường hợp oái oăm như thế, cũng thoáng nghĩ đến những tội ác mà họ không làm. Không làm, nhưng có nghĩ, là đủ xấu xa lắm rồi. Trời ơim thì ra bụng dạ con người thúi tha đến thế vì đồng tiền à? Không, ông không thể nào cho con trai ông phải nghĩ đến những điều ấy. Ông sẽ đi, và nó phải giữ kỷ niệm tốt đẹp trong tình cha con. Đời ông đã hỏng, còn bám níu làm gì. (KTTVT, trang 65).
Ở cuối truyện Phi trở về đời sống tài xế, vì chàng thấy những người thân trong cuộc đời cũ có thể sống đầy đủ trong sự vắng mặt của chàng. Chàng không nỡ bỏ người vợ nghèo và những đứa con nhỏ trong xóm lao động.
Vào thời điểm năm 1969, sau Tết Mậu Thân, khi sáng tác truyện “Khi Từ Thức Về Trần,” có lẽ Bình-Nguyên Lộc vẫn mong rằng cuộc chiến Việt Nam sẽ được giải quyết bởi những người Việt Nam trong hai miền Bắc, Nam. Ông đã viết “người Việt ta thuần lương hơn, không đến đỗi ruột thịt mà đổ máu với nhau vì [sản nghiệp hay ngôi báu].” Tôi đọc câu văn này như một lời thỉnh cầu của nhà văn, của giới trí thức vào thời điểm đó, muốn tránh chuyện cha con, anh em chém giết nhau, gây ra những chấn thương trầm trọng cho các thế hệ về sau. Nhân vật Sở “không thể nào cho con trai phải nghĩ đến chuyện [cha con tranh giành quyền lực]” để đưa đến cảnh tán gia bại sản. Thật buồn khi hoài vọng của Bình-Nguyên Lộc, của những người trí thức như ông, cuối cùng chỉ là một giấc mơ, để ngày hôm nay, 40 năm sau, chúng tôi, những người viết lớn lên ở nước ngoài sau biến cố 75, phải đóng vai Từ Thức về trần. Hoặc để có một ẩn dụ bình đẳng về giới tính, thì chúng tôi là những nàng công chúa ngủ trong rừng, lúc thức dậy là lúc phải gây dựng lại từ tro cốt của thế hệ cũ.
Để kết luận, tôi xin được đề cập đến bài ký “Bình-Nguyên Lộc ở Rừng U Minh” của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, http://www.voatiengviet.com/content/binh-nguyen-loc-o-rung-u-minh-04-23-2012-148554215/1119202.html.” Trong bài viết, Nguyễn Xuân Hoàng kể chuyện ông đến thăm Bình-Nguyên Lộc vào Tết năm 1982 ở Việt Nam. Trong buổi gặp gỡ này, Nguyễn Xuân Hoàng  tiết lộ rằng trước đây ông có một người bạn tù cải tạo rất thích truyện “Rừng Mắm” của Bình-Nguyên Lộc, vì truyện kể sự hy sinh của các cây mắm trên đất phù sa bị quật ngã trong quá trình khai hoang, để cho lên đời những đợt rừng tràm, rồi sau đó mới tới đời lúa, đời xoài. Nghe đến đây thì Bình-Nguyên Lộc cười mà nói “Truyện [Rừng Mắm] viết lâu rồi tôi không còn nhớ. Tuy nhiên tôi có thể nói sự sống mới là cái quý, chớ thân thể đâu phải là điều quan trọng.”
Khi Bình-Nguyên Lộc phát biểu, “[S]ự sống mới là cái quý, chớ thân thể đâu phải là điều quan trọng,” ông nói đến sự sống của văn chương, sự tồn tại của chữ nghĩa sau khi thân thể người viết đã tiêu tán với bệnh tật và thời gian. Đây là lời hứa hẹn vĩnh cửu của con người sáng tạo: Từ Thức sẽ trở về trần thế, như Thiên Chúa đã và sẽ được tái sinh. Truyện “Rừng Mắm” tả cảnh những cây lúa mọc lên giữa những gốc tràm chỉ bị lửa làm cháy xém, nhưng chưa bị tuyệt rễ:
Lúc ruộng chín, cây lúa cao quá, ngã rạp xuống, để lòi trăm ngàn gốc tràm lên, trông như ai đóng cọc để cất nhà sàn; năm xưa đốt rừng nhưng không đủ sức đánh những gốc tràm tươi không cháy được này. Tía thằng Cộc đành cấy lúa giữa những gốc ấy, mãi cho đến ngày nay mà gốc chưa mục. Tía nó nói mười năm nữa, tràm chết vẫn còn đưa cẳng lên như vầy. “[Mười] năm nữa, tràm chết vẫn còn đưa cẳng lên như vầy.
Có thể nói, những điều quan tâm của Bình-Nguyên Lộc rất đáng được nghiên cứu và phân tích trong thời kỳ internet. Dù lúc sinh thời ông lo lắng rằng nhiều tác phẩm, mà số đông viết theo thể feuilleton cho các nhật báo, qua những thời điểm loạn lạc chiến tranh ở Việt Nam, đã bị “thất bổn,” ngày nay, nhờ các trang mạng với sứ mệnh phục hồi Văn Chương Miền Nam như Việt Nam Thư Quán, http://vnthuquan.net/truyen/tacpham.aspx?tacgiaid=40, Viet Messenger, http://vietmessenger.com/books/?author=binhnguyenloc, và trang mạng Bình-Nguyên Lộc, http://www.binhnguyenloc.de/main.html, thực hiện bởi các vị Vinh Lan, Phan Tấn Tài và Trang Quan Sen ở Đức, bao gồm nhiều tài liệu quý cung cấp bởi chính con trai tác giả là Tô Hòa Dương, nhà giáo Nguyễn Văn Đông, nhà biên khảo Nguyễn Vy-Khanh, tiến sĩ Nguyễn Hữu Phước và họa sĩ Lê Tài Điển, chúng ta đã có một tủ sách, mặc dù chưa hoàn tất, nhưng cũng khá đáng kể về văn nghiệp Bình-Nguyên Lộc.
Xin kính chào quý vị.
--------------------
PHỤ LỤC:
Tiểu sử Bình-Nguyên Lộc:
Theo giấy khai sinh, Bình-Nguyên Lộc tên thật là Tô Văn Tuấn, sanh ngày 7-3-1915 tại làng Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa, thuộc Ðồng Bằng sông Ðồng Nai, Nam Việt. Theo tài liệu gia đình thì có lẽ ông đã chào đời từ năm 1914, nhưng trên giấy tờ bị khai xuống một tuổi. Ông sinh ra và lớn lên trong một ngôi nhà chỉ cách bờ sông Ðồng Nai hơn một trăm thước. Chính con sông Ðồng Nai nầy đã giúp ông chất liệu để hoàn tất một số tác phẩm.
Từ năm 1919-1920 ông theo học chữ nho với một ông đồ trong làng. Sau đó ông học trường Tiểu học ở Tân Uyên vào những năm 1921-1927. Năm 1929 ông theo học chương trình Pháp tại trường Trung học Pétrus Ký ở Sàigòn, và đậu bằng Thành Chung vào năm 1933. Rời trường Pétrus Ký ông thi vào ngạch thơ ký hành chánh. Ban đầu ông phục vụ tại Kho Bạc Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, rồi sau đó thuyên chuyển xuống Kho Bạc Sàigòn, sau nầy được gọi là Tổng Ngân Khố. Năm 1944, Bình-Nguyên Lộc viện lý do mắc bệnh thần kinh nên rời nghề công chức. Vào năm 1945 ông theo kháng chiến chống Pháp và tản cư về Thủ Dầu Một.
Vào khoảng năm 1948, ông xuống Sàigòn và cư ngụ hẳn ở đó tới năm 1985, sinh sống về nghề viết văn, làm báo. Tháng 10 năm 1985 ông được xuất ngoại theo chương trình đoàn tụ gia đình. Ông sang Mỹ định cư ở Rancho Cordova, một thành phố nằm trong thủ phủ Sacramento, tiểu bang California, và từ trần ở đó ngày 7-3-1987 vì bệnh huyết áp cao.
Văn Nghiệp:
Bắt đầu từ năm 1956 Bình-Nguyên Lộc bắt đầu viết feuilleton có cốt truyện phiêu lưu, tình cảm, và ký bút hiệu Bình-Nguyên Lộc. Vào khoảng thời gian 1957-1958, ông cộng tác với các tạp chí Bách Khoa, Văn Hóa Ngày Nay (của Nhất Linh) và làm chủ nhiệm tuần báo Vui Sống năm 1959. Năm 1960-1963 ông phụ trách trang văn nghệ của báo Tiếng Chuông, rồi năm 1964-1965 làm chủ biên nhật báo Tin Sớm.
Theo những dữ liệu đã thu thập được, Bình-Nguyên Lộc có khoảng 50 tiểu thuyết, 1000 truyện ngắn và bốn quyển sách nghiên cứu, trong đó quyển Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam là một công trình biên khảo cực kỳ công phu và đồ sộ, nhưng chỉ được in phần đầu. Theo lời tuờng thuật của Mai Thảo trong bài Nhân Cách Bình-Nguyên Lộc, bản thảo mà Bình-Nguyên Lộc gọi là Tập Hai của quyển Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam có khoảng 1000 trang viết tay, không được chính quyền Cộng sản sau 75 ủng hộ hay cho phổ biến. Theo một nguồn tin khác thì bản thảo này coi như bị thất lạc khi ông sang Hoa Kỳ.
Sáng tác trong thời kỳ có sự gắn bó mật thiết giữa văn chương và báo chí, tiểu thuyết của Bình-Nguyên Lộc là những vũ trụ phức tạp, hướng nhiều về hiện thực xã hội, tâm trạng người di dân từ thôn quê ra thành thị, từ Bắc vào Nam, các vấn đề tâm lý và triết học. Đò dọc, xuất bản năm 1959, là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông. Bình-Nguyên Lộc đã được Giải thưởng văn chương toàn quốc (thời Đệ Nhất Việt Nam Cộng hòa) cho tác phẩm này.
Các truyện ngắn và tùy bút đặc sắc của ông nằm trong các tập truyện Nhốt gió (1950), Ký thác (1960), Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình-Nguyên Lộc (1966), Tình đất (1966), Thầm lặng (1967), và Cuống rún chưa lìa (1969).
-------------------------------
HỘI THẢO VỀ 20 NĂM VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975   Người Việt & Việt Báo tổ chức ngày 6 & 7-12-2014   http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2014/12/hoi-thao-ve-20-nam-van-hoc-mien-nam.html

Xem toàn bộ Hội thảo Văn Học Miền Nam 1954-1975 (USA - 2014) http://damau.org/archives/category/chuyen-d%E1%BB%81/hoi-thao-van-hoc-mien-nam-2014-usa






© 2016 About Us | Terms & Conditions