TỔNG THỐNG DONALD TRUMP PHÁT BIỂU TRƯỚC LƯỠNG VIỆN QUỐC HỘI HÔM 28/2/2017 (tin tổng hợp)




Tổng thống Donald Trump phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ hôm 28/02/2017 tổng hợp 01/03/2017 http://thongluan-rdp.org/qu-c-t/item/991-t-ng-th-ng-donald-trump-phat-bi-u-tr-c-l-ng-vi-n-qu-c-h-i-m-hom-28-02-2017
Diễn văn 'gởi thông điệp mạnh tới NATO, Trung Quốc' (VOA, 01/03/2017) Các nhà lãnh đạo thế giới đang ngẫm nghĩ về bài phát biểu đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước lưỡng viện Quốc hội tối thứ Ba 28/2. Tổng thống Mỹ nói về cam kết của Hoa Kỳ với NATO và kế hoạch của ông sẽ lập lại một hệ thống thương mại toàn cầu mới.
Bài diễn văn của Tổng thống Trump trực tiếp nhắm tới người Mỹ, trong đó ông nhắc đi nhắc lại cam kết đặt nước Mỹ lên ưu tiên hàng đầu, nhưng cả thế giới đã theo dõi bài phát biểu này. Tổng thống Trump :
"Sự lãnh đạo của Mỹ được dựa trên những lợi ích an ninh cốt lõi mà chúng ta chia sẻ với các đồng minh trên toàn thế giới. Chúng ta mạnh mẽ ủng hộ NATO, mộtliên minh được thành lập từ sự gắn kết của các đồng minh qua 2 cuộc chiến thếgiới đã đập tan chủ nghĩa phát xít, đẩy lui cuộc Chiến tranh lạnh, và đánh bại chủnghĩa cộng sản. Nhưng các đối tác của chúng ta cần phải đáp ứng những nghĩa vụtài chính của họ".
Giọng điệu hòa diệu hơn của Tổng thống Trump đã được mọi người đón nhận, theo giám đốc về chính sách quốc tế Ian Bond của Trung tâm Cải cách Châu Âu có trụ sở tại London. Ông nói với VOA qua Skype :
"Ông Trump không nhắc lại phát biểu của ông trước đây rằng NATO đã lỗi thời, mà ngược lại ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của NATO. Ông cũng nói rõ là các thành viên của NATO phải đóng góp chi phí của họ". Tổng thống Trump hứa sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lớn nhất trong lịch sử của Hoa Kỳ.
Nhà nghiên cứu chính sách quốc tế Ian Bond nhận xét : "Thậm chí nhiều người trong Ðảng Cộng hòa đã nói với ông Trump rằng sẽ là một sai lầm khi rút lại các chương trình hỗ trợ phát triển của Mỹ ở nước ngoài và cắt bớt ngân sách của bộ Ngoại Giao để dành tiền tăng chi tiêu quân sự".
Ông David Kelly, giám đốc nghiên cứu của viện nghiên cứu Chính sách Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận định rằng Mỹ giảm hoạt động ở nước ngoài được cho sẽ tạo cơ hội cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, tăng ảnh hưởng. Ông nói : "Một lần nữa, ông Trump đã bỏ ngỏ những khoảng trống lớn cho Trung Quốc để khai thác các mối quan hệ ngoại giao".
Bắc Kinh được Tổng thống Trump nhắc đến khi ông lập đi lập lại rằng hệ thống thương mại toàn cầu hiện nay không có lợi cho Mỹ. Ông Trump : "Chúng ta đã mất 60.000 nhà máy kể từ khi Trung Quốc tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001".
Ông Trump không trực tiếp nhắc tới lệnh cấm du hành đối với các công dân từ 7 nước phần lớn dân theo đạo Hồi. Lệnh này đã bị tòa án dừng lại. Ngoài hứa hẹn sẽ tiêu diệt nhóm khủng bố Nhà nước Hồi Giáo, Tổng thống Trump đã không nhắc gì tới Châu Phi – một khu vực đang chú tâm theo dõi chính sách của tân chính phủ Mỹ đối với khu vực này, theo nhà phân tích Steven Gruzd của Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nam Phi : "Chúng ta chưa thấy các chính sách của ông Trump đối với Châu Phi sẽ như thế nào trong tháng đầu tiên. Chúng ta không thấy có một trợ lý bộ trưởng ngoại giao đặc trách khu vực này. Chúng ta thấy còn nhiều chức đại sứ đang bỏ trống, trong đó có chức đại sứ ở Nam Phi".
Giọng điệu có chừng mực hơn trong bài phát biểu của Tổng thống Trump nói chung đã được hoan nghênh. Nhưng các nhà phân tích nói nhiều nhà lãnh đạo thế giới muốn thấy các chi tiết cụ thể hơn của chính sách mà Tổng thống Trump hứa về một "chương mới cho sự vĩ đại của nước Mỹ".
Henry Ridgwell
* * * * *
Tổng thống Trump ‘lãnh đạo’ thế giới, hướng về Biển Đông ? (VOA, 01/03/2017)
Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng Hoa Kỳ "một lần nữa sẵn sàng lãnh đạo [thế giới]", và đề xuất gia tăng ngân sách quốc phòng thêm hàng chục tỉ đôla, mà tin cho hay, một phần trong số đó để "tăng cường sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ ở các thủy lộ quốc tế trọng yếu, trong đó có Biển Đông".
Trong bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ tối 28/2, lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, ông Trump cho biết rằng ông muốn "truyền đi thông điệp đoàn kết và sức mạnh, và đó là một thông điệp phát đi từ sâu trong trái tim của tôi".
Ông nói tiếp trong sự tán thưởng của các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa : "Một chương mới về Sự Vĩ đại của nước Mỹ giờ đang bắt đầu. Một sự tự hào dân tộc mới đang lan khắp đất nước chúng ta. Đồng minh của chúng ta thấy rằng nước Mỹ một lần nữa đã sẵn sàng lãnh đạo. Tất cả các nước trên thế giới, bạn lẫn thù, sẽ thấy rằng Hoa Kỳ vững mạnh, Hoa Kỳ tự hào, và Hoa Kỳ tự do".
Trong bài phát biểu về nhiều vấn đề sát sườn của nước Mỹ như công ăn việc làm, an ninh và chống khủng bố, ông Donald Trump còn nói tới việc đề xuất ra Quốc hội "một ngân sách nhằm tái xây dựng quân đội", và coi đó là "một trong những sự gia tăng chi tiêu quân sự quốc gia lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ".
Chính quyền của ông Trump đề xuất tăng thêm ngân sách 54 tỷ đôla dành cho Lầu Năm Góc, lên hơn 600 tỷ đôla trong năm 2018, tức tăng 10%.
Hãng tin Reuters hôm 28/2 dẫn lời một quan chức Mỹ rành về dự thảo gia tăng quốc phòng đưa tin rằng tiền tăng thêm "sẽ được dành cho việc đóng tàu, "tậu" máy bay quân sự và tăng cường sự hiện diện mạnh mẽ tại các thủy lộ quốc tế trọng yếu, trong đó có Biển Đông".
Tiến sỹ Tạ Văn Tài, một nhà nghiên cứu về vấn đề Biển Đông. Về thông tin trên, tiến sỹ Tạ Văn Tài, một nhà nghiên cứu ở Mỹ về các vấn đề liên quan tới vùng biển tranh chấp này, cho biết rằng ông "rất hoan nghênh" các tuyên bố mạnh của ông Trump.
Ông nói thêm : "Điều này khá hơn. Trước đây, mấy năm của ông Obama thì chỉ tuyên bố, nhưng mà vẫn còn đi rón rén. Nói chung, chính quyền Trump họ sẽ mạnh với Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng mà mạnh đến đâu thì tôi không phát biểu ý kiến nhiều được bởi vì ông Trump khá khó tiên liệu. Chắc chắn là ông ấy sẽ mạnh mẽ hơn chính quyền trước".
Ông Tài cho rằng nếu Mỹ mạnh mẽ ở biển Đông, Việt Nam sẽ hưởng lợi. Hôm 18/2, lần đầu tiên dưới thời kỳ nắm quyền của ông Trump, hải quân Mỹ đã triển khai hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cùng đội tàu chiến đã trở lại bắt đầu tuần tra "tự do hàng hải" ở Biển Đông.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Điều hành Ủy ban Cứu người vượt biển BPSOS ở Mỹ, nói với VOA Việt Ngữ rằng cộng đồng người Mỹ gốc Việt "mong Hoa Kỳ đóng một vai trò quan trọng hơn, ổn định hơn tại vùng Biển Đông".
Ông nói thêm : "Tôi nghĩ rằng mọi người đều khá phấn khởi khi thấy Hoa Kỳ có vẻ như có một thái độ quyết liệt hơn, cứng rắn hơn, và cũng đã bắt đầu triển khai lực lượng của mình vào Biển Đông, khác hơn với thời của Tổng thống Obama. Tuy nhiên, chúng ta còn phải chờ xem đây có phải chăng là một chiến lược dài lâu hay đây lại là một thái độ hơi vội vã, và sau đó lại thay đổi như đã từng xảy ra trong 30 ngày cầm quyền của Tổng thống Trump".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 28/2 bày tỏ hy vọng rằng sự gia tăng chi tiêu về quốc phòng của Hoa Kỳ sẽ mang lại ích lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định toàn cầu. Phát ngôn viên Lục Khảng nói rằng việc liên hệ giữa sự gia tăng quân sự của Mỹ đối với tình hình Biển Đông chỉ là một sự phỏng đoán.
Ông Lục cũng kêu gọi các quốc gia ngoài cuộc, thường dùng để ám chỉ Mỹ, tôn trọng nỗ lực của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông. Hãng tin Reuters hôm 28/2 dẫn lời các nhà ngoại giao cho biết rằng năm ngoái, Trung Quốc ấn định chi tiêu quân sự ở mức gần 140 tỷ đôla. Cùng ngày, tờ báo có tư tưởng dân tộc Hoàn cầu Thời báo kêu gọi Bắc Kinh gia tăng chi tiêu quân sự thêm ít nhất 10% nữa để đối phó với sự bất ổn do Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ra.
Trong phần kết bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ, Tổng thống Donald Trump nói rằng "Hoa Kỳ sẵn lòng tìm kiếm những người bạn mới, và củng cố quan hệ đối tác mới với các quyền lợi chung". "Chúng ta muốn hòa thuận và ổn định, chứ không phải chiến tranh và xung đột… Nước Mỹ ngày nay làm bạn với những nước từng là kẻ thù", ông Trump nói.
Viễn Đông
* * * * *
Tổng thống Mỹ đọc diễn văn trước Quốc Hội Hoa Kỳ (RFI, 28/02/2017)
Giống như những người tiền nhiệm, vào cùng thời điểm này, tức là khoảng một tháng sau khi nhậm chức, vào tối nay, 28/02/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đọc diễn văn quan trọng đầu tiên trước Quốc Hội, nơi mà đảng Cộng Hòa chiếm đa số.
Theo AFP, về mặt kỹ thuật, đây không phải là một thông điệp về tình hình Liên bang gửi tới quốc dân, nhưng động thái này có cùng mục tiêu như một thông điệp. Ông Trump trình bày phương hướng, những nét chính trong chính sách của tân chính quyền trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
Một số nhà quan sát cho rằng đây cũng là dịp để nguyên thủ Hoa Kỳ tiếp xúc một cách trực tiếp với ngành lập pháp mà ông rất cần để có được sự ủng hộ trong việc thực hiện các chương trình của chính phủ.
Một trong những nội dung quan trọng của bài diễn văn hôm nay đã được ông Trump cho biết từ trước, đó là việc tăng ngân sách quốc phòng ở mức kỷ lục.
Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet tường trình :
 "Barack Obama giảm, Donald Trump tăng lên : Ngân sách quốc phòng sẽ được bổ sung 54 tỷ đô la, tức là tăng gần 10% so với mực hiện nay. Như vậy, nguyên thủ Hoa Kỳ muốn thực hiện lời hứa là bảo vệ các công dân Mỹ. Ông nói : Ngân sách này sẽ tập trung vào lĩnh vực công an và an ninh quốc gia. Chi ngân sách sẽ tăng ở mức kỷ lục trong lĩnh vực quốc phòng để tái xây dựng quân đội Hoa Kỳ vào một thời điểm mà nước Mỹ đang cần nhất.
Liệu có thực sự cần tăng ngân sách quốc phòng với quy mô lớn như vậy hay không ? Các chuyên gia quân sự không hẳn tin như vậy. Đương nhiên, các quan chức bộ Quốc Phòng chắc chắn sẽ vui mừng vì họ phàn nàn là quân đội suy yếu do việc giảm ngân sách và phải trải qua nhiều thập niên chiến tranh.
Phần ngân sách mới được bổ sung sẽ chi cho việc đóng tàu chiến, chế tạo máy bay, qua đó, củng cố sự hiện diện của Mỹ trên các tuyến hàng hải quan trọng, như eo biển Ormuz và Biển Đông.
Để có thêm khoản tăng ngân sách quốc phòng này - mà việc thông qua tại Quốc Hội sẽ rất khó khăn – ông Trump đề nghị cắt giảm ngân sách của các bộ và các cơ quan sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quyết định này, là cơ quan bảo vệ môi trường và bộ Ngoại Giao : Ngân sách của bộ Ngoại Giao có thể sẽ giảm tới 30% với hậu quả là các quỹ viện trợ quốc tế sẽ bị giảm đáng kể".
Cũng tại Mỹ, nhà tỉ phú Wilbur Ross hôm qua 27/02 đã được Nghị Viện phê chuẩn cho chức bộ trưởng Thương Mại. Mặc dù Wilbur Ross bị chất vấn về mối liên hệ với các quan chức cấp cao của Nga, nhưng nhà tỉ phú 79 tuổi này vẫn được tới 72/100 phiếu thuận của các thượng nghị sĩ, trong đó có nhiều thượng nghị sĩ phe Dân Chủ.
RFI tiếng Việt
* * * * *
Mỹ tăng ngân sách quốc phòng : Châu Á lao vào chạy đua vũ trang ?  (RFI, 28/02/2017)
Vào lúc Tổng thống Donald Trump thông báo tăng 9 % ngân sách quốc phòng và muốn kho vũ khí hạt nhân của Mỹ phải vượt qua mặt Nga, vậy Châu Á Thái Bình Dương, đứng đầu là Trung Quốc, sẽ lao vào một cuộc chạy đua vũ trang ? Động thái của Washington là tín hiệu khuyến khích Châu Á phát triển các chương trình vũ khí hạt nhân ?
Trong bài phân tích trên trang mạng của báo Nhật Bản The Diplomat số ra ngày 28/02/2017, Ankit Panda không mấy lạc quan cho rằng, chắc chắn là Bắc Kinh sẽ lại càng nhân cơ hội này để "hiện đại hóa và phát triển các phương tiện phòng thủ thích hợp".
Một ngày trước khi phát biểu tại Quốc Hội, đích thân Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 thông báo bơm thêm 54 tỷ đô la cho ngân sách quốc phòng Mỹ vào năm tới, nâng ngân sách của Lầu Năm Góc lên thành hơn 620 tỷ thay vì 584 tỷ đô la trong tài khóa 2017 – tương đương với 3,3 % tổng sản phẩm nội địa. Ngược lại, Nhà Trắng sẽ mạnh tay cắt giảm các khoản chi tiêu "không mang tính quân sự".
Hiện tại ngân sách quốc phòng của Mỹ đứng đầu thế giới, cao hơn rất nhiều so với ngân sách quốc phòng của Trung Quốc. Theo các số liệu chính thức được Bắc Kinh công bố là chưa đầy 200 tỷ đô la cho tài khóa 2016.
Tuần trước, trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Anh Reuters, Tổng thống Donald Trump khẳng định muốn kho vũ khí hạt nhân của Mỹ phải "vượt trội hơn tất cả" các nước khác, kể cả Nga. Chủ nhân Nhà Trắng đặc biệt lo ngại khi thấy "tiềm lực hạt nhân và quân sự của Hoa Kỳ đã bị tụt hậu".
Trong thời gian vận động tranh cử, ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng Hòa từng chủ trương cắt giảm viện trợ cho các đồng minh Châu Á, và kêu gọi Hàn Quốc hay Nhật Bản phải tự lực trong lĩnh vực an ninh, không nên trông chờ vào Mỹ.
Cũng trong thời gian vận động tranh cử, nhà tỷ phú địa ốc Donald Trump không ngừng chỉ trích Hoa Kỳ can thiệp vào Iraq năm 2003, hay quyết định của Tổng thống Obama dẫn đầu liên quân quốc tế oanh kích vào sào huyệt của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria và Iraq. Nhưng khi trở thành Tổng thống Hoa Kỳ, ông Trump đã có một cái nhìn khác.
Liên quan đến khu vực Châu Á Thái Bình Dương, tác giả Ankit Panda lưu ý : ông Trump luôn chủ trương nâng số lượng tàu chiến của Hải Quân Hoa Kỳ đang từ 272 chiếc lên thành hơn 350 chiếc. Một phần trong số đó sẽ có nhiệm vụ tuần tra trong vùng Châu Á Thái Bình Dương.
Có điều, vào lúc đề nghị tăng ngân sách quốc phòng của Tổng thống Trump còn phải được Quốc Hội xem xét và thông qua, thì theo ghi nhận của nhà báo Ankit Panda, có lẽ Bắc Kinh không lãng phí thời gian để tiếp tục củng cố thêm các phương tiện quân sự của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, các phương tiện của Hải Quân Trung Quốc đã được nâng cấp một cách nhanh chóng. Bắc Kinh đã trang bị thêm cho lực lượng này cả tàu trên mặt nước lẫn tàu ngầm. Sau khi tàu sân bay Liêu Ninh đã đi vào hoạt động, Trung Quốc sắp trình làng thêm chiếc hàng không mẫu hạm thứ nhì.
Tất cả những động thái nói trên sẽ ảnh hưởng đến toàn khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Đây là nơi mà theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Stockholm SIPRI, trong 5 năm qua, các chi phí quân sự tăng cao chưa từng thấy kể từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc.
Đáng quan ngại hơn cả là việc Hoa Kỳ tăng ngân sách quốc phòng còn có nguy cơ tràn sang cả lĩnh vực vũ khí hạt nhân.
Hai ngày trước lễ Giáng Sinh 2016, khi chưa chính thức nhậm chức, Tổng thống tân cử Donald Trump trong một tin nhắn trên mạng Twitter khẳng định : Hoa Kỳ "cần củng cố mạnh mẽ và phát triển khả năng nguyên tử cho đến khi nào thế giới tỉnh ngộ về vũ khí hạt nhân".
Gần đây hơn lãnh đạo Nhà Trắng không che giấu tham vọng dưới nhiệm kỳ Tổng thống của ông, sức mạnh hạt nhân của Hoa Kỳ phải là số một trên thế giới.
Donald Trump không ngần ngại chỉ trích hiệp ước START cắt giảm số đầu đạn hạt nhân của Nga và Mỹ được thông qua dưới thời Tổng thống Barack Obama là một "hiệp ước tồi tệ".
Những tuyên bố như trên chẳng những là động lực thúc đẩy Moskva lao vào một cuộc chạy đua vũ trang mà còn châm thêm củi lửa để Trung Quốc tăng thêm kho vũ khí nguyên tử, phát triển các hệ thống tên lửa hiện đại như MIRV có khả năng mang nhiều đầu đạt hạt nhân.
Chính sách phòng thủ đang được Tổng thống Donald Trump định hình có nguy cơ đẩy Châu Á Thái Bình Dương và cả phần còn lại của thế giới vào một cuộc chạy đua vũ trang. Ngành công nghiệp vũ khí thông thường và hạt nhân đang trông thấy một tương lai tương sáng, nhưng đây hoàn toàn không phải là một tin vui với nhân loại.
Thanh Hà
* * * * *
Trump muốn tăng chi tiêu quốc phòng thêm 54 tỷ USD (BBC, 28/02/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách tăng chi tiêu quốc phòng thêm 10% trong dự thảo ngân sách năm 2018. Kế hoạch chi tiết là tăng chi tiêu quốc phòng thêm 54 tỷ đôla nhưng đồng thời cắt giảm khoản tiền tương đương ở những nơi khác, gồm viện trợ nước ngoài. Tổng thống đã tham khảo ý kiến ​​các cơ quan chính phủ về kế hoạch này và sẽ trình dự thảo ngân sách trước Quốc hội tháng 5/2017. Từ đây đến thời điểm đó, ông cần xác định những cơ quan có thể sẽ bị cắt giảm ngân sách. Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain cho biết ngân sách quốc phòng 603 tỷ đôla - được quan chức Nhà Trắng vạch ra - sẽ không đủ. Tại cuộc họp với các thống đốc bang sáng 27/2, ông Trump nói : "Chúng ta sẽ làm nhiều hơn với số tiền chi ra ít hơn, đồng thời khiến chính phủ trở nên tinh gọn và có trách nhiệm". Tổng thống, người từng tuyên bố sẽ tăng chi tiêu quân sự và duy trì các chương trình phúc lợi xã hội trong chiến dịch tranh cử, cho biết ngân sách sẽ tập trung vào "quân sự, an ninh, phát triển kinh tế".
'Chi thì dễ...' "Nó sẽ bao gồm khoản tăng lớn cho chi tiêu quốc phòng để tái thiết quân đội đang suy yếu trong thời điểm mà chúng ta cần lực lượng này hùng mạnh nhất", ông nói. Chi tiêu quân sự của Mỹ sụt giảm những năm gần đây do cuộc chiến ngân sách tại Quốc hội dẫn đến đóng băng chi tiêu quốc phòng. Đề xuất của ông Trump sẽ đưa nước Mỹ gần hơn với chi tiêu quốc phòng trong thời chiến. Ông cũng cho biết sẽ chi "lớn" cho cơ sở hạ tầng như đường xá và đường ray.
Anthony Zurcher, phóng viên BBC tại Bắc Mỹ, phân tích : "Việc giữ lời hứa trong chiến dịch tranh cử - đẩy mạnh quốc phòng và các chương trình phúc lợi - sẽ đưa Tổng thống vào thế khó. Nếu muốn tăng ngân sách quốc phòng thêm 54 tỷ đôla mà không thêm vào thâm hụt, khoản này sẽ phải đến từ nơi nào đó. Theo dự báo, Cơ quan Bảo vệ Môi trường đang đối mặt với việc bị cắt mạnh ngân sách trong lúc ngân sách hàng năm của tổ chức này chỉ hơn 8 tỷ đôla - quả là giọt nước trong biển cả. Bộ Ngoại giao cũng có khả năng bị cắt giảm ngân sách, và ngân sách 50 tỷ đôla hàng năm của họ khiến họ dễ bị để ý đến hơn. Lý do chính khiến chính quyền Trump công bố khoản tăng chi tiêu quốc phòng trước khi tiết lộ khoản tiền đó từ đâu ra : Chi thì dễ, cắt mới khó".

* * * * *
Tổng thống Mỹ nghiên cứu đề xuất tăng cường chống khủng bố (RFI, 28/02/2017)
Ngày 27/02/2017, Nhà Trắng đã nhận được các đề xuất của bộ Quốc Phòng tăng cường cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS-Islamic State hay Daesh), đồng thời nhấn mạnh vai trò của Hoa Kỳ trong cuộc chiến diễn ra từ hai năm nay. Bản kế hoạch do bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis soạn thảo được các quan chức chủ đạo của chính quyền Mỹ thảo luận. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc không nêu rõ nội dung bản báo cáo trên và cũng không nhắc đến lộ trình đưa ra các quyết định. Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ Jeff Davis chỉ cho báo giới biết đó là một tài liệu ấn định khuôn khổ cuộc thảo luận sắp tới, với mục đích thắng nhanh tổ chức thánh chiến Daesh. Những đề xuất trên có ý nghĩa rộng hơn, không chỉ mang tính quân sự và không chỉ liên quan đến Iraq và Syria.
Trong số các đề xuất, Washington có thể tăng số lượng cố vấn quân sự Mỹ tại Syria và Iraq, thậm chí cho phép lính Mỹ trực tiếp tham chiến chống Daesh. Trong khi đó, người tiền nhiệm Barack Obama phản đối lựa chọn này. Tuy nhiên, Obama vẫn gửi hơn 5.000 lính Mỹ đến Iraq để huấn luyện và cố vấn cho lực lượng quân sự nước này. Còn tại Syria chỉ có khoảng 500 cố vấn Mỹ.
Trong đợt vận động tranh cử Tổng thống Mỹ, nhà tỉ phú Donald Trump không ngừng chỉ trích diễn biến chậm chạp trong cuộc chiến chống Daesh ở Iraq và Syria. Ngày 28/01/2017, chỉ tám ngày sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ đã ra lệnh cho bộ Quốc Phòng trong vòng 30 ngày chuẩn bị một kế hoạch mới nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống Daesh. Chính quyền Donald Trump từng hy vọng vào quá trình sưởi ấm quan hệ với Moskva, một nhân tố chủ đạo trong cuộc xung đột tại Syria, để tìm ra được giải pháp về các vấn đề chính trị liên quan đến Syria thời hậu Daesh. Dường như quá trình cải thiện quan hệ Nga-Mỹ không được thuận buồm xuôi gió cho lắm và Tổng thống Donald Trump vẫn chưa lên kế hoạch gặp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin. Theo AFP, các quyết định về Daesh mà Donald Trump chuẩn bị đưa ra cũng là một bài trắc nghiệm về mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ và bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis.
Thu Hằng
* * * * *
Donald Trump phác họa chính sách nhập cư chọn lọc (RFI, 01/03/2017)
Chỉ có những người "xứng đáng" mới "đáng" được phép định cư tại Mỹ. Trên đây là nét chính trong dự án cải cách chính sách nhập cư mà tổng thống Mỹ Donald Trump đề ra trong diễn văn đầu tiên đọc trước Quốc Hội lưỡng viện ngày hôm qua, 28/02/2017.
Gần hai tháng sau diễn văn nhậm chức tổng thống tô vẽ nước Mỹ như một bức tranh u ám, thông điệp về chính sách của Donald Trump đọc trước Quốc Hội lưỡng viện kích động niềm tự hào của Hiệp Chủng Quốc. Bên cạnh những hứa hẹn đầu tư vực dậy kinh tế quốc gia, củng cố sức mạnh quân sự với những ngân sách khổng lồ, tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng Hoà cho rằng, để được hùng mạnh hơn, nước Mỹ cần phải noi gương Canada và Úc trong chính sách di dân nhập cư.
"Kinh nghiệm Úc và Canada" Theo ông Donald Trump, Ottawa và Canberra áp đặt điều kiện buộc những người nước ngoài muốn sang Canada hay Úc lập nghiệp phải có khả năng chuyên môn. Biện pháp "chọn lọc" này, nếu được áp dụng tại Mỹ, sẽ giúp tiết kiệm "hàng tỷ đô la hàng năm" cho ngân sách quốc gia, tức là tiền thuế của dân. Lãnh đạo hành pháp cho rằng đề nghị "cải cách tích cực" sẽ thuyết phục được phe Dân Chủ trong Quốc Hội ủng hộ, cho dù số phận của hơn 10 triệu di dân bất hợp pháp gây bất đồng sâu sắc giữa hai đảng. Tổng thống Trump nhấn mạnh là những ai muốn tới Mỹ sinh sống phải có phương tiện tự túc để không trở thành một gánh nặng cho nước Mỹ cưu mang. Nếu đảng Dân Chủ và Cộng Hoà đều "hướng tới phúc lợi chung của người dân Mỹ" thì có thể hợp tác với nhau giải quyết được vấn nạn kéo dài từ nhiều thập kỷ. Theo AFP, vài giờ trước khi đọc diễn văn chính sách, tổng thống Mỹ thổ lộ với các phóng viên là ông có nghĩ đến khả năng "hợp thức hóa" tình trạng cư trú của những di dân không giấy tờ hợp lệ, với điều kiện là họ không phạm pháp. Đã đến lúc phải có "một đạo luật mới về di dân" mà chuyện này chỉ có thể đạt được, nếu hai bên, chính quyền và đối lập, chịu thỏa hiệp.
"Mị dân" Để làm tăng thêm tác động tâm lý, tổng thống Mỹ mời gia đình một số nạn nhân tiêu biểu tham gia trong nhóm cử tọa làm nhân chứng. Một người là cha của một thiếu niên bị một di dân cư trú bất hợp pháp, thành viên một băng xã hội đen vừa ra tù, sát hại. Hai nhân chứng kia là quả phụ, có chồng là cảnh sát viên, cũng bị một di dân có tiền án, bắn chết. Theo lệnh Nhà Trắng, từ nay các nạn nhân các vụ án mà thủ phạm là di dân nhập cư sẽ được chính phủ Mỹ đặc biệt giúp đỡ qua một cơ quan mới có tên là VOICE (Victims Of Immigration Crime Engagement). Đảng Dân Chủ phản ứng tức khắc. Lãnh đạo nhóm thượng nghị sĩ đối lập Chuck Schumer chỉ trích luận điểm "mị dân, phản ảnh xu hướng cứng rắn" của tổng thống Cộng Hoà. Trong suốt bài diễn văn, ông Donald Trump dùng lời lẽ kích động tinh thần quốc gia : nước Mỹ trên hết. Ông xác quyết sẽ ngăn chận nạn "nhập cư trái phép và tội phạm" và sẽ khởi công xây "bức tường lớn giữa Hoa Kỳ và Mexico".
Tú Anh





© 2016 About Us | Terms & Conditions