TƯƠNG LAI GIA ĐÌNH BÉ NGÔ THỊ CẨM HIẾU SAU BẢN ÁN PHÚC THẨM (Huyền Trang - GNsP)





Tương lai gia đình bé Ngô Thị Cẩm Hiếu sau bản án phúc thẩm Huyền Trang, GNsP Đăng ngày 19.03.2016 - 5:29am http://www.tinmungchonguoingheo.com/blog/2016/03/19/tuong-lai-gia-dinh-be-hieu-sau-ban-an-phuc-tham/
GNsP (19.03.2016) – Những ngày vừa qua, công luận vui mừng và chúc mừng gia đình cô bé Dân oan Ngô Thị Cẩm Hiếu đã được đoàn tụ với cha với mẹ, khi Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Phước tuyên bà Tâm mức án bằng thời hạn tạm giam và bà được trả tự do tại tòa, ông Huynh bị tuyên án 3 năm tù giam nhưng do ông đang tại ngoại nên ông vẫn được sum vầy bên gia đình. Nhưng, niềm hạnh phúc ấy có là niềm hạnh phúc đích thực khi nỗi oan sai của gia đình bé Hiếu chưa được các cơ quan chức năng làm rõ để “giải oan” vụ án mất đất của gia đình? Cuộc sống mưu sinh của gia đình nông dân cùng đinh, tiện dân này sẽ ra sao khi hai ông bà được trả tự do, tuổi đã già, sức khỏe yếu, nhiều bệnh tật và mất đất canh tác khi bé Hiếu mới chỉ 13 tuổi?
Các cơ quan tiến hành tố tụng vụ án hình sự đã chỉ “xét xử” phần ngọn vụ án “hỗn chiến” giữa gia đình ông Huynh-bà Tâm với người được gọi là bị hại – ông Nguyễn Bá Tuyên, nhưng đã cố tình bỏ qua “nguyên nhân dẫn đến vụ án”. Nguyên nhân chính nào đã “đẩy” ông Huynh-bà Tâm vào chốn ngục tù, khi bản chất của sự việc chính là gia đình ông Huynh là nạn nhân bị cướp đất, ông bà đi khiếu kiện, rồi tranh chấp đất, dẫn đến tù tội với bản án nặng và bị quy chụp vào tội danh “cố ý gây thương tích” tại khoản 3, Điều 104 BLHS?
 Nay, Tòa án “khoan hồng” trong vụ án hình sự, trả tự do cho bà Tâm, ông Huynh thì chưa bị bắt chấp hành hình phạt, để tạo ra cảm giác “vui mừng” vì gia đình được đoàn viên. Nhưng, tương lai của gia đình cô bé Dân oan Ngô thị Cẩm Hiếu sẽ ra sao khi gia đình bị mất đất? Tại sao Tòa không làm rõ nguyên nhân để kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét lại vụ án dân sự cho “bị hại” Ngô văn Huynh và Nguyễn Thị Tâm, bị gia đình “chủ nợ” Nguyễn Bá Tuyên bức hiếp, xiết nợ trái pháp luật, dẫn đến mất đất, mất nhà…?
Kẻ chủ mưu và đồng phạm “cố ý gây thương tích” chính là “nạn nhân” của cường hào ác bá mới
Vào năm 2005, vụ việc của gia đình ông Huynh-bà Tâm bắt đầu từ một giao dịch dân sự vay mượn tiền của gia đình chủ nợ Nguyễn Bá Tuyên. Do gia đình ông Huynh-bà Tâm không có tiền để trả, nên bị chủ nợ “xiết nợ” đất trái pháp luật dưới sự bảo kê và bao che của các cán bộ xã Đường 10. Các cán bộ này chính là con, anh, em của chủ nợ –  ông Nguyễn Bá Tuyên.
Bất mãn với hành vi “xiết nợ” đất của ông Tuyên dưới sự bao che của cường hào ác bá, gia đình ông Huynh đã đi khiếu kiện nhiều nơi đến các cấp có thẩm quyền. Trong thời gian đó, cơ quan chức năng huyện Bù Đăng có văn bản xác định “hành vi xiết nợ là trái pháp luật đề nghị công an xem xét xử lý chủ nợ”, còn vụ việc vay-nợ sẽ được Tòa án dân sự giải quyết. Tuy nhiên, công an huyện Bù Đăng chỉ chấp hành có “một nửa” chỉ đạo của cấp trên, nghĩa là đưa vụ việc vay-nợ giữa ông Tuyên và gia đình ông Huynh ra Tòa án dân sự giải quyết, “một nửa còn lại” là “xử lý hành vi xiết nợ” của anh em ông Tuyên được công an đáp trả rằng “không có dấu hiệu hình sự”.
Sau khi Tòa án dân sự xét xử nhanh chóng, thi hành án khẩn trương, có nhiều dấu hiệu trái pháp luật, trong khi ông Huynh-bà Tâm đang mải đi khiếu nại các cấp có thẩm quyền thì đất đai của ông Huynh-bà Tâm bị “cưỡng chế” một cách nhanh chóng giao cho gia đình chủ nợ.
Ông Huynh-bà Tâm khiếu nại cho rằng Tòa Dân sự xử không đúng, thi hành án làm sai trình tự thủ tục. Thực tế đất đai của gia đình ông Huynh-bà Tâm nhiều hơn so với diện tích ghi trên giấy tờ, giá trị cao hơn nhiều so với giá “đấu giá”, mà trong cuộc đấu giá ấy, chỉ có duy nhất chủ nợ Nguyễn Bá Tuyên được tham gia và được trúng giá. Bản án của Tòa Dân sự chỉ tuyên giao đất, còn “tài sản gắn liền với đất” như cây điều, cà phê… trên mảnh đất vẫn “thuộc sở hữu” của ông Huynh-bà Tâm. Trong lúc chưa được các cơ quan chức năng xem xét, ông Huynh-bà Tâm cảm thấy ấm ức với chủ nợ, phần khác cho rằng cây điều vẫn là của mình nên bà Tâm đã vào rẫy của bà -mà lúc này gia đình ông Tuyên đã được giao đất- để hái điều do chính công sức của mình (ông Huynh-bà Tâm) vun xới nhiều năm.
Thế nhưng, chủ nợ-ông Tuyên lại cho rằng, bà Tâm hái điều trên mảnh đất bị “xiết nợ” chính là hành vi trộm cắp tài sản của ông Tuyên, do đó ông đã đánh bà Tâm và bé Hiếu nhiều lần. Lần cuối cùng, ông đánh và giữ bà Tâm, và bà đã la lên kêu cứu “bé Hiếu ơi cứu mẹ”, thì bé Hiếu chạy ra và liền kêu cứu thất thanh “ba ơi, ông Tuyên đánh mẹ”… Ông Huynh nghe thấy tiếng kêu cứu của đứa con gái nhỏ và vợ ông, thì với phản xạ của một người cha-người chồng ông đã cầm khúc cây đánh trả lại ông Tuyên với mục đích là “giải vây” và “bảo vệ” cho vợ-con ông đang trong tình thế bị ông Tuyên đánh đập nguy kịch đến tính mạng. Khi bà Tâm được giải cứu thì ông Huynh bị ông Tuyên đánh trả, để cứu lấy chồng, bà Tâm cũng đã dùng cây gậy để đánh lại ông Tuyên với mong muốn ông Huynh được “giải vây”. Chuyện “đánh qua, đánh lại” này cả hai bên đều có thương tích. Tuy nhiên sau đó, chủ nợ Nguyễn Bá Tuyên biến thành “người bị hại”. Ông Huynh-bà Tâm trở thành tội phạm, nối tiếp nhau vào tù, bỏ mặc đứa con gái nhỏ chưa đầy 10 tuổi bơ vơ, không nơi nương tựa…
Người bị hại Nguyễn Bá Tuyên “biết cách” để biến thương tích của mình thành thương tật đủ để ông Huynh-bà Tâm bị kết án mỗi người 5 năm 6 tháng tù giam. Còn thương tích của ông Huynh-bà Tâm dù cũng có giấy chứng thương nhưng Tòa không xét, vì không nộp ngay từ đầu. Cũng từ đây, vụ án oan bị “cưỡng chế” mất đất canh tác chìm dần vào quên lãng, người ta chỉ quan tâm, chú ý đến vụ án “cố ý gây thương tích”.
http://www.tinmungchonguoingheo.com/wp-content/uploads/2016/03/5-1024x577.jpg Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Phước tuyên bà Tâm mức án bằng thời hạn tạm giam và bà được trả tự do tại tòa, ông Huynh bị tuyên án 3 năm tù giam nhưng do ông đang tại ngoại nên ông vẫn được sum vầy bên gia đình. Tuy nhiên, ông Huynh-bà Tâm được trả tự do nhưng sẽ sống ở đâu, sống bằng nghề gì?
Được trả tự do nhưng ở đâu, sống bằng gì?
Người viết trong tư cách là một công dân đi tham dự phiên tòa phúc thẩm (lần 1); phiên tòa sơ thẩm (lần 2) và trong phiên tòa phúc thẩm (lần 2), thì nhận thấy trong các phiên tòa những người tham gia tiến hành tố tụng đã không lưu tâm đến “nguyên nhân chính” đã “đẩy” ông Huynh-bà Tâm vào tù tội chính là từ vụ án dân sự vay-mượn nhỏ đã để lại một hậu quả nghiệm trọng, đáng tiếc xảy ra. Khi ông Huynh-bà Tâm bị kết án nặng nề, cha-mẹ-con ly tán, mất đất không nhà không cửa, sau đó được tòa tuyên trả tự do tại Tòa, cả gia đình ông Huynh-bà Tâm-bé Hiếu òa lên trong tiếng khóc với niềm vui được đoàn tụ gia đình sau nhiều năm xa cách. Nhưng niềm hạnh phúc đó có thực sự trọn vẹn và đích thực khi nỗi oan của gia đình vẫn chưa được “giải oan”? Và, cuộc sống của gia đình bé Hiếu sẽ như thế nào khi cả gia đình nông dân này đã bị mất đất canh tác? Họ sẽ làm gì để mưu sinh khi ông Huynh-bà Tâm tuổi đã cao mà con còn nhỏ, sức khỏe yếu, nhiều bệnh tật, đặc biệt bà Tâm chân bị đau, tai trái bị điếc, một mắt bị mù?
Một điểm cần đáng lưu tâm rằng, Luật sư bảo vệ quyền lợi cho “người bị hại”- ông Tuyên- cũng chính là người đã từng được bà Tâm mời giúp đỡ, bảo vệ cho bà trong giai đoạn khiếu nại vụ án, gặp lại bà Tâm, Luật sư này tỏ ra cảm thông cho hoàn cảnh tù tội của bà Tâm và chia sẻ: “Tôi đã khuyên bà mà không nghe, bà mà không đi khiếu nại thì đâu bị bắt!”. Như vậy phải chăng, vụ án bị hại Nguyễn Bá Tuyên được “dựng” lên nhằm chấm dứt “khiếu nại” của ông Huynh-bà Tâm đối với nỗi oan sai mất đất, mất nhà? Và bản án mà Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Phước tuyên ông Huynh ba năm tù giam vào ngày 16.03.2016 vừa qua là một “bản án thòng lọng”, có thể bắt ông Huynh đi chấp hành án bất cứ lúc nào, nếu như ông Huynh-bà Tâm vẫn lại phục hồi ý chí khiếu kiện đòi đất? Thông điệp của bản án này là hãy chấp nhận sự oan sai, chấp nhận sự vô trách nhiệm, vô lương tri của các cơ quan tiến hành tố tụng đã “tiếp tay” gây ra nỗi oan cho ông Huynh-bà Tâm-bé Hiếu.
Một hoàn cảnh éo le của những con người nghèo khổ, bất hạnh, cùng đinh trong xã hội đã được các cơ quan bảo vệ pháp luật “dựng lên” với một tương lai mù mịt và đen tối. Nhiều mảnh đời trong xã hội cũng bị nhà cầm quyền “gây dựng lên” như vậy, nhưng những người dân khác vẫn “im lặng” thậm chí “làm ngơ”! Đau xót hơn là cả “vui mừng”, vì ông Huynh-bà Tâm được khoan hồng “giảm án” oan!
Huyền Trang, GNsP



© 2016 About Us | Terms & Conditions