VỤ ÁN HAI NÔNG DÂN Ở BÌNH THUẬN BỊ TRUY TỐ TỘI NHẬN HỐI LỘ (LS Trần Hồng Phong - Bình Luận Án)




Vụ án hai nông dân bị truy tố tội nhận hối lộ: có đáng phải truy tố, có đúng tiền hối lộ?  Luật sư Trần Hồng Phong  -  Bình Luận Án Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017 http://dandensg.blogspot.com/2017/07/vu-hai-nong-dan-bi-truy-to-toi-nhan-hoi.html
Ngày 12 và 13 /7/2017, TAND huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hai bị cáo là nông dân Nguyễn Thành Nam và Nguyễn Thanh Tuấn, bị truy tố về tội nhận hối lộ. Phiên toà đã diễn ra sôi nổi, công khai, hấp dẫn với sự tham gia của 4 luật sư bào chữa. Cuối cùng, trước những lý lẽ sắc bén, cùng những câu hỏi đắt giá làm sáng tỏ vấn đề của các luật sư, VKS đành "xuống nước" đề nghị miễn hình phạt cho hai bị cáo (trong khung hình phạt 2-7 năm tù. Và trước đây chính Viện từng đề nghị 7-8 năm tù). Sau một ngày nghị án, Toà đã tuyên các bị cáo vẫn phạm tội "nhận hối lộ", nhưng miễn hình phạt cho hai bị cáo.  Tuy vậy, các luật sư và bị cáo cho biết sẽ kháng cáo, vì hai nông dân không thể phạm tội nhận hối lộ - vốn thuộc nhóm các tội phạm về chức vụ, quyền hạn. 

https://1.bp.blogspot.com/-pbOkXxDEmos/WWg9b3kyzYI/AAAAAAAAL70/upfJVyRrB7cmdc_f5NOj4SenJ-5_B0RewCLcBGAs/s400/hai-nong-dan.jpg
Ảnh: hai bị cáo nông dân tại phiên toà sơ thẩm ngày 12/7/2017. Ảnh Phương Nam.

Nội dung vụ án:

Theo thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM, được biết như sau: Thời điểm năm 2013-2014, nhà nước có chính sách cho vay vốn đối với các hộ nông dân nghèo ở xã Hàm Cần, do Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hàm Thuận Nam thực hiện.

Để được vay vốn, theo quy định các hộ nông dân phải lập hồ sơ, có xác nhận của Ban giảm nghèo xã. Khi đó, hai anh nông dân là Nguyễn Thanh Tuấn và Nguyễn Thành Nam đã giúp các hộ nông dân nghèo viết đơn vay vốn, lập hồ sơ gửi đến ban giảm nghèo cấp xã. Sau đó trình cho UBND xã xác nhận rồi chuyển hồ sơ lên Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Hàm Thuận Nam làm thủ tục vay cho người dân.

Quãng đường từ thôn Lò To xã Hàm Cần đến Ngân hàng CSXH huyện đi về khoảng 60 km, khá vất vả. Thấy ông Tuấn bỏ công việc đồng áng, nên các hộ dân được vay vốn đã tự nguyện bồi dưỡng cho ông để chi phí xăng xe, mua card điện thoại để giao dịch...vv. Tổng số tiền bồi dưỡng ông Tuấn nhận từ 12 hộ dân là 13,6 triệu đồng.

Sau đó, có một số đơn thư gửi tới cơ quan chức năng, tố cáo hành vi nhận tiền (bồi dưỡng) của ông Tuấn. Từ đây, cơ quan tiến hành tố tụng tại địa phương đã khởi tố vụ án nhận hối lộ, khởi tố bị can đối với hai nông dân Nguyễn Thành Nam và Nguyễn Thanh Tuấn.

Tháng 3/2015, công an bắt tạm giam hai anh Tuấn, Nam gần 2 tháng.

Sau quá trình điều tra, VKSND huyện Hàm Thuận Nam ra cáo trạng quy kết trong hai năm 2013-2014, lợi dụng nhiệm vụ được giao, ông Tuấn đã ép buộc những hộ dân cần vay 10-30 triệu đồng phải bồi dưỡng từ 200.000 đồng đến 2 triệu đồng/hộ. Tổng cộng ông Tuấn đã nhận của 12 hộ dân tổng cộng 13,6 triệu đồng. Đây chính là tiền "nhận hối lộ".

Với ông Nam, VKS cho rằng mặc dù không trực tiếp đòi tiền hối lộ nhưng với chức năng, quyền hạn của tổ trưởng tổ vay vốn, khi triệu tập các hộ dân đến họp bình xét cho vay vốn đã gợi ý các hộ dân phải “bồi dưỡng” cho ông Tuấn. Cạnh đó, ông Tuấn còn chia cho ông Nam hơn 1 triệu đồng từ việc nhận tiền “bồi dưỡng” nên ông Nam cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nhận hối lộ.

Tháng 8/2015, TAND huyện Hàm Thuận Nam đưa vụ án ra xét xử (lần đầu), tuyên phạt anh Tuấn 8 năm tù, anh Nam 7 năm tù. Cả hai anh kháng cáo kêu oan.

Tháng 12/2015, TAND tỉnh Bình Thuận xét xử phúc thẩm, tuyên huỷ toàn bộ án sơ thẩm để điều tra xét xử lại.

Sau khi có cáo trạng mới, khoảng tháng 4/2017, nhà báo Phương Nam của báo Pháp luật TP.HCM đã đăng tin trên trang cá nhân, bày tỏ mong muốn có luật sư hỗ trợ pháp lý cho hai bị can.
Bốn luật sư Đặng Huỳnh Lộc, Dương Phi Anh (Đoàn Luật sư TP.HCM); Trần Văn Đạt, Nguyễn Hoài Tiến (Đoàn Luật sư Bình Thuận) đã nhận bào chữa miễn phí cho hai bị cáo.

Như vậy, phiên toà ngày 12,13/7/2017 vừa qua là xét xử lại (lần 2).

Phiên toà sơ thẩm gay cấn, hấp dẫn

Ngày 12/7/2017, phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án này đã diễn ra theo hình thức lưu động, ngay tại trụ sở UBND xã Hàm Cần, thu hút sự quan tâm của nhiều người dân địa phương. Báo Pháp luật TP.HCM cử phóng viên trực tiếp đưa tin từ phòng xử án.

Tại phiên toà, các luật sư đã tập trung hỏi người đại diện của Ngân hàng CSXH Hàm Thuận Nam về quyền hạn, chức vụ của hai nông dân trong việc xét cho các hộ nghèo vay vốn và đại diện UBND xã Hàm Cân về quyền hạn, chức vụ của hai bị cáo tại địa phương. Câu trả lời cho biết:

- Hai bị cáo nông dân không có quyền hạn gì trong việc quyết định cho vay, hoặc từ chối vay đối với các hộ nông dân có hồ sơ vay vốn.

- Hai bị cáo không có quyền hạn, chức vụ gì và UBND xã không ra quyết định nào bổ nhiệm hai nông dân này phụ trách việc vay vốn. Việc hai nông dân này hỗ trợ bà con làm hồ sơ vay vốn là do người dân tự bầu lên và Ngân hàng CSXH huyện Hàm Thuận Nam hợp đồng với họ.

Về việc vì sao có đơn tố cáo, các luật sư đã hỏi những người dân ký đơn tố cáo, thì hầu hết mọi người đều cho biết "do điều tra viên mời lên yêu cầu viết đơn". Bản thân họ chỉ nghĩ đơn giản là đưa tiền "bồi dưỡng" cho hai nông dân giúp họ vay vốn. Đối với một số đơn tố cáo có cùng nội dung, một nét chữ viết, nhiều hộ dân cho biết đơn do một người viết giúp. (Ghi chú: Giải thích về vấn đề này, đại diện VKSND huyện Hàm Thuận Nam cho rằng sau khi điều tra lại CQĐT đã thay đổi điều tra viên nói trên).

Tại phiên toà, hai bị cáo khai như sau:

Bị cáo Tuấn: gia đình ông làm nông, mỗi đợt xét duyệt cho vài hộ dân vay ông đã phải bỏ hết việc nhà và mất hơn một tuần lễ để viết giúp đơn, rồi đi nhiều nơi để ký xác nhận. Sau đó, ông phải vượt hàng chục cây số đi làm thủ tục. Hơn hai năm trời ông bỏ công sức ra giúp cho nhiều người. Thấy ông vất vả, họ tự nguyện bồi dưỡng chứ ông không hề ép buộc hay gợi ý ai.

Bị cáo Nam: tôi không nhận tiền của hộ dân nào. Số tiền hơn 1 triệu đồng mà cáo trạng quy kết là tiền túi của ông tạm ứng ra cho ông Tuấn mua bốn con gà mang lên Ngân hàng CSXH huyện để làm cơm trưa đãi các nhân viên ngân hàng để họ tạo điều kiện giải ngân cho những hộ nghèo sớm có tiền vay. Sau đó, khi nhận tiền bồi dưỡng của những hộ dân cho, ông Tuấn đã trả lại cho ông số tiền trên.

Trong phần tranh luận, ý kiến của các bên như sau:

Đại diện VKS: hành vi của hai bị cáo đã cấu thành tội nhận hối lộ. Tuy nhiên do có nhiều tình tiết giảm nhẹ, chưa đến mức cách ly khỏi xã hội, nên đề nghị miễn hình phạt đối với hai bị cáo.

Các luật sư: Hành vi của bị cáo Tuấn không cấu thành tội nhận hối lộ. Các hộ dân có nhu cầu vay vốn, có ý nhờ ông Tuấn làm giúp và hoàn tất các thủ tục vay nên được trả công và tiền xăng xe. Đây là quan hệ dân sự. Việc bị cáo bỏ công sức, chi phí đi lại làm hồ sơ vay là có thật. Hơn nữa bị cáo là người không có chức vụ, quyền hạn gì trong việc cho vay hay không cho vay, nên không thể kết án bị cáo tội nhận hối lộ được. Đối với bị cáo Nam, các luật sư cho rằng trong cuộc họp bị cáo chỉ phát biểu: “Bà con phụ tiền cho anh Tuấn đi làm giùm” không có nghĩa là ông Nam đồng phạm với ông Tuấn nhận hối lộ.

Do vậy, cả bốn luật sư đều đề nghị HĐXX tuyên cả hai bị cáo không phạm tội.

Sau 1 ngày nghị án, sáng 13/7/2017, Toà đã tuyên hai bị cáo Tuấn, Nam vẫn phạm tội nhận hối lộ. Nhưng được "miễn hình phạt".

Ps. Một thông tin khá thú vị là ngay sau khi "lãnh án", bạn đọc báo Pháp Luật Tp. HCM đã gửi tặng nóng hai bị cáo 5 triệu đồng. Nhà báo Phương Nam và Ls Đặng Huỳnh Lộc đã trực tiếp trao cho hai bị cáo. Đây quả là điều hiếm gặp. Ơ sao lại kỳ thế nhỉ?

......

Bình luận của luật sư Trần Hồng Phong

1. Trước hết, ngoài chuyện bồi dưỡng hỗ trợ, thường là sự cám ơn, tình cảm giữa những người nông dân với nhau, thì việc anh Tuấn chạy xe lên xuống vài chục chuyến, đoạn đường 60km, chắc chắn cũng phải tốn nhiều thời gian, ít thì mỗi lần cũng mất một buổi đi làm. Mỗi lần lại phải cho con xe máy một vài lít xăng ... - ấy là những khoản chi phí hợp lý hợp tình và pháp luật thừa nhận - trong quá trình làm hồ sơ vay vốn của các hộ nông dân. Không hiểu phía VKS có khi nào đã nghĩ đến và tính toán ra khoản chi phí này là bao nhiêu? Ai phải bỏ ra. Hay "hiển nhiên" xem như là trách nhiệm anh Tuấn, phải làm giúp các hộ vay vốn mọi việc, kể cả phải móc tiền túi đổ xăng, gửi xe, uống nước, gọi điện thoại? ...vv. Nếu vậy, thì xin hỏi căn cứ vào quy định nào? có trái với đạo lý con người hay không?

2. Để kết luận có hành vi phạm tội hay không? pháp luật quy định phải bảo đảm 4 yếu tố gọi là CẤU THÀNH TỘI PHẠM. Trong đó có yếu tố CHỦ THỂ. Mỗi tội danh khác nhau, thì CHỦ THỂ sẽ có thể khác nhau (dù đều là con người). Chẳng hạn như đối với tội đào ngũ - thì chủ thế phải là quân nhân (vì người thường thì có ngũ đâu mà đào?). Tương tự, tội nhận hối lộ thuộc nhóm tội CÁC TỘI PHẠM VỀ CHỨC VỤ - quy định tại Chương XXI Bộ luật hình sự năm 1999. Tức là chủ thể của tội này BẮT BUỘC PHẢI LÀ NGƯỜI CÓ CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN.

3. Vậy, thế nào là có chức vụ quyền hạn? Ai là người được xem là có chức vụ quyền hạn? nông dân như hai bị cáo Tuấn, Nam trong vụ án này có phải là người có chức vụ quyền hạn hay không? Đặc biệt là có thể quyết định được việc cho/không cho vay hay không? Mời quý vị đọc lại phần trả lời của Ngân hàng và Đại diện chính quyền xã Hàm Cần tại phiên toà sẽ thấy rõ vấn đề này.

4. Trong vụ án này, có thể khẳng định các luật sư bào chữa đã rất bản lĩnh, tỏ rõ năng lực chuyên môn của mình. Xin thưa ngồi đây "chém gió" như tôi thì dễ, nhưng để "chống" lại và bác bỏ quan điểm kết tội của một hệ thống các cơ quan đại diện pháp luật, qua nhiều công đoạn điều tra công phu, họp bàn thống nhất, ... hoàn toàn không đơn giản.

5. Nếu so với việc năm 2015 hai bị cáo bị lãnh án tù 8 năm và 7 năm, thì kết quả lần này quả là không tưởng tượng được! Người ta bàng hoàng không hiểu điều gì đã xảy ra trong tư duy và quan điểm của VKS, khi trước đó đề nghị mức án đến 7-8 năm tù, nay bất ngờ đề nghị "miễn hình phạt". Tôi phải dừng tại đây vài giây, KHÓC cho sự oan nghiệt mà các bị cáo đã phải gánh chịu.

6. Trong vụ án này, không thể nhắc đến tinh thần "chiến đấu", tầm ảnh hưởng lan toả của báo Pháp luật TP.HCM, cùng sự "tuyệt vời" của nhà báo Phương Nam. Đây hoàn toàn không phải là lời đãi bôi phù phiếm, mà là sự nghiêm túc, trân trọng. Lại trộm nghĩ phải chi vụ án nào có dấu hiệu oan sai, ức hiếp cũng được báo chí lên tiếng thì hay biết bao.

(Còn tiếp. Vui lòng chờ).
......

Quy định tại Bộ luật hình sự (1999):

CHƯƠNG XXI: CÁC TỘI PHẠM VỀ CHỨC VỤ


Điều 277. Khái niệm tội phạm về chức vụ


Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ.

Người có chức vụ nói trên đây là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ .

Điều 279. Tội nhận hối lộ

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

đ) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:

a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Được đăng bởi Bình Luận Án vào lúc 14:04 





© 2016 About Us | Terms & Conditions