Ba thập kỷ sau khi cố “trưởng lão” Đặng Tiểu Bình đề ra chính sách cải cách mở cửa, câu châm ngôn "giấu mình, chờ thời" xem ra đã hết hiệu lực, không còn phù hợp với sức mạnh quân sự hiện thời của Trung Quốc.
Trong những năm đầu của cải cách mở cửa, phương châm chủ đạo của Trung Quốc là câu châm ngôn “giấu mình, chờ thời” của nhà lãnh đạo lão thành Đặng Tiểu Bình. Bây giờ, ba thập kỷ sau khi cố “trưởng lão” Đặng Tiểu Bình đề ra chính sách cải cách mở cửa, câu châm ngôn này dường như đã hết hiệu lực hoặc đơn giản là không còn thích hợp với sức mạnh quân sự hiện thời của Trung Quốc.
Tranh chấp với các quốc gia Đông Nam Á về  tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông giàu năng lượng là một biểu hiện cho thấy sự thay đổi của Trung Quốc, đặc biệt là cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn Scarborough.

Nhà phân tích quốc phòng Ross Babbage, người sáng lập quĩ tư vấn an ninh tư nhân Kokoda Foundation ở Canberra, nhận định: "Đây không phải là những gì mà chúng ta từng thấy cách đây 20 năm. Trung Quốc đã hoàn toàn thay đổi và các nhà lập kế hoạch an ninh đang tự hỏi liệu Trung Quốc sẽ như thế nào sau 20 năm nữa?”.
Giữa lúc Bắc Kinh tiếp tục hiện đại hóa hải quân với tốc độ chóng mặt, người ta cảm thấy lo lắng thấy rằng Trung Quốc đang làm cái điều hoàn toàn trái ngược với phương châm “giấu mình, chờ thời” của cố “trưởng lão” Đặng Tiểu Bình.
Giữa lúc cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines vẫn tiếp tục ở bãi cạn Scarbourough, các phương tiện truyền thông nhà nước và các trang web quân sự Trung Quốc thông báo việc hạ thủy tàu chiến Type 056 tuần duyên tàng hình đầu tiên tại nhà máy đóng tàu Hudong ở Thượng Hải, trong khi 3 chiếc khác cùng loại đang được chế tạo.
Các nhà phân tích hải quân cho biết tàu tuần duyên tàng hình Type 056 có lượng giãn nước 1.700 tấn, trang bị pháo 76mm, nhiều tên lửa và ngư lôi chống tàu ngầm, sẽ không có đối thủ trong việc tuần tra ở Biển Đông. Loại tàu chiến mới này của Trung Quốc vượt xa các loại tàu chiến hiện có của một số nước khác cũng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Tàu tuần duyên tàng hình Type 056. Ảnh defence,pk
Tàu tuần duyên tàng hình Type 056 là ví dụ mới nhất của quá trình tăng cường sức mạnh hải quân, cho phép Trung Quốc thống trị các vùng biển gần.
Tên lửa chống hạm Dongfeng 21. Ảnh defence,news
Trong khi các tàu chiến tuần duyên tàng hình mới này phục vụ cho các cuộc xung đột cấp thấp, giới chuyên gia nói rằng những ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là triển khai nhiều hơn nữa tên lửa tầm xa tiên tiến,  tàu ngầm tàng hình, máy bay tấn công và các loại vũ khí mạng xuất để chống lại sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực.
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20. Ảnh asian defence news
Để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, Mỹ buộc phải chuyển hướng chiến lược, tập trung vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bất chấp việc đã bị kiệt quệ bởi các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan cũng như ngân sách quốc phòng bị cắt giảm.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã công bố chi tiết chiến lược chuyển trọng tâm sức mạnh quân sự sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo chiến lược này, Mỹ sẽ triển khai 60% tổng số tàu chiến ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, so với 50% hiện nay. Lực lượng này sẽ bao gồm 6 tàu sân bay và phần lớn các tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu tuần duyên và tàu ngầm của Hải quân Mỹ.
Phó giáo sư Lý Minh Giang, giảng dạy ở Đại học Kỹ thuật Nanyang ở Singapore, nói: “Do những căng thẳng và tranh chấp ở Biển Đông trong những năm gần đây, các quốc gia trong khu vực - nhất là các quốc gia Đông Nam Á -  dường như chào đón và hỗ trợ chiến lược tái cân bằng của Mỹ trong khu vực. Rất có thể, xu hướng này sẽ tiếp tục trong những năm tới. Các vụ tranh chấp ở Biển Đông có thể sẽ vẫn là một vấn đề an ninh nổi cộm trong khu vực và sẽ tiếp tục quan hệ phá hoại quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia cũng tuyên bố chủ quyền khác”.
Theo Đấtviệt
Source: Quan Làm Báo

© 2016 About Us | Terms & Conditions