KHÔNG CÓ AI HẠI DÂN, HẠI NƯỚC NHƯ ...EVN

QLB 
Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh 
Trả lời báo chí thời gian gần đây, Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh đã đố các nhà báo: "Tìm đâu ra một doanh nghiệp gánh trên vai hơn 90 triệu dân (như EVN). Một doanh nghiệp luôn phải thực hiện nhiệm vụ to lớn, khó khăn như vậy. Lỗ cũng phải làm vì nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ quốc gia..." và để tiếp tục bao biện cho hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế khi công ty mẹ Tập đoàn EVN cho vay ra bên ngoài vượt quy định 45.000 tỷ đồng, Ổng lại nói: việc EVN liên tiếp đứng ra đi vay vốn rồi đem cho các đơn vị thành viên vay lại là một việc bắt buộc nhưng hoàn toàn không có chuyện rủi ro. Hiện tài chính của các doanh nghiệp thành viên đó chưa lành mạnh nên các định chế tài chính không cho vay, buộc EVN phải đứng ra vay rồi cho các Tổng công ty này vay lại, nên nợ đó được ghi cho EVN.
“Đó là những đứa con của mình thì mình phải lo. Còn rủi ro thì không có, bởi nói là Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhưng bản chất chính là Chính phủ Việt Nam. Nếu EVN vỡ nợ thì sẽ thế nào? Các anh chị có thể tìm được trên thế giới xem có tập đoàn điện lực quốc gia nào phá sản không, có tập đoàn điện lực nào được phép vỡ nợ không”, ông Thanh nói.

Đây là phát ngôn gây sốc không kém phát ngôn cách đây chưa lâu: Ổng đau lòng, khi lương ngành điện chỉ 7,3 triệu, không đủ sống. Bất chấp thu nhập bình quân hàng triệu người khác, cùng thời điểm (kể cả bây giờ) chỉ 2 - 3 triệu đồng/tháng. Phát ngôn này thể hiện não trạng của các Ông lớn Độc quyền và những ai đang muốn ôm DNNN, gắn cho nó cái mác chủ đạo, chỉ có điều, chưa biết chủ đạo để kéo kinh tế đất nước đi lên hay chủ đạo để xả lũ, để lỗ và dìm chết cả dân tộc này. Lần đầu tiên có ông lãnh đạo DNNN thật thà, thẳng thắn coi bản chất của mình chính là chính phủ, vừa trấn an những người cho vay, vừa đe doạ những ai định đụng vào "việc tăng giá vô tội vạ của Ổng". Nó phơi bày sự thối nát, kém hiệu quả không cách gì gỡ được của Kinh tế nhà nước. Nó cũng đồng thời nói lên vì đâu EVN yếu kém, vì đâu EVN dám đối lập lợi ích của 90 triệu dân và cả nền kinh tế với chính lợi ích của EVN. Thái độ vô cảm, trâng tráo, thách thức sự kiên nhẫn, chịu đựng của nhân dân. Thì ra, mọi cố gắng của cả hệ thống, xây dựng luật doanh nghiệp 2005 thay thế luật DNNN trước đó, với mục đích tạo môi trường bình đẳng để các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp cùng phát triển, đã bị EVN xé toạc. Nếu người viết không nhầm thì Phạm Thanh Bình của Vinashine, Dương Chí Dũng của Vinalines cũng đã từng dương dương tự đắc như vậy. Một DN coi thường pháp luật như thế, một vị lãnh đạo phát biểu ấm ớ hội tề như thế nhưng vẫn được tuyên xưng là tấm gương học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh.

Mỗi lần tiếp xúc với báo chí, các nhà báo chắc mẫm thể nào ông Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc EVN cũng sẽ ngô nghê "nổ". Tính ông vậy. Nhưng khi nghe ổng nói ổng làm Tổng Giám đốc, gánh trên vai 90 triệu dân, thì thấy ông xúc phạm dân mình quá đáng. Ai đang gánh ai, ai đang bỏ tiền ra để bù lỗ cho 3.000 tỷ đồng EVN kinh doanh viễn thông thua lỗ ? Trong 3.000 tỷ đồng này, nghìn tỷ nào đã bị tham ô tham nhũng, nghìn tỷ đồng nào bị lãng phí để trót lọt hành vi tham ô và nghìn tỷ đồng nào để mua hàng đống thiết bị vừa lạc hậu về công nghệ vừa kém cỏi về công năng, giờ chỉ còn là rác thải chẳng khác gì "ụ nổi" của Vinalines? Ai cũng biết, Phạm Lê Thanh là một trong hai người phải chịu trách nhiệm chính trong 3.000 tỷ thua lỗ này.

Bao năm nay, EVN dẫm đạp lên luật pháp, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến thua lỗ hàng nghìn tỷ, rồi cứ thế, đều đặn mỗi năm vài lần tăng giá bán, đổ khó khăn lên đầu 90 triệu nhân dân. Làm được như thế bởi: nói là Tập đoàn điện lực Việt Nam nhưng bản chất là Chính phủ Việt Nam ?

Khi nói, EVN phải đi vay, rồi cho các đơn vị con của EVN vay lại là không có rủi ro, thì thật ra ông lãnh đạo này đang nói thẳng với dư luận rằng: Cốt lõi trong quản lý sản xuất kinh doanh tại EVN là lời thì EVN hưởng, còn lỗ thì nhân dân chịu.

EVN đã đúng khi thách đố các nhà báo: tìm đâu ra trên thế giới này tập đoàn điện lực quốc gia bị vỡ nợ, bị phá sản ? Đúng là không có. Nhưng mặt khác, có thể khẳng định, tuyệt đối không đâu trên trái đất này có tập đoàn điện lực quốc gia bất chấp mọi quy định về quản lý kinh tế của nhà nước, kinh doanh vì lợi ích của chính mình như EVN. Sướng vui trên sự bần cùng của đồng loại, hạnh phúc trên sự mất mát, chết chóc của nhân dân. Thật là khó kiếm vị lãnh đạo nào với những phát biểu ngông cuồng nhưng lại thiếu hiểu biết đến như vậy. Hãy xem kết luận thanh tra EVN rồi ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm về điều này.

Để chống lãng phí, Quốc hội, Chính phủ quy định tiêu chuẩn xe công chỉ trên dưới 1 tỷ đồng, nhưng vì tiêu tiền dân, EVN tự cho mình hưởng bằng 250% quy định. Luôn luôn nói mình đặc thù để thụ hưởng dịch vụ trái với quy định của nhà nước bắt dân nghèo chịu trận như đưa cả sân tenis, biệt thự, bể bơi vào giá điện. Phù phép vốn vay ưu đãi lãi suất thấp, vay mượn lòng vòng rồi đưa vào giá điện gấp gần 10 lần lãi suất ưu đãi. Rồi thì cố tình hạch toán sai, biến lãi thành chi phí, lấy tiền dân học thạc sỹ chui; rồi thì đầu tư ngoài ngành, mất toi cả vốn, đầu tư ra ngoài Công ty mẹ vượt vốn điều lệ nhiều chục nghìn tỷ đồng...Hàng mấy chục sai phạm, sai phạm nào cũng để lại hậu quả, ít thì vài tỷ, vài chục tỷ, nhiều thì vài trăm, vài nghìn tỷ. Ấy vậy mà cũng chỉ cần kiểm điểm qua loa cho xong chuyện.

Đúng là không thể có Doanh nghiệp nào, ở bất cứ đâu ngày ngày ngang nhiên hoành hành trục lợi trên đầu 90 triệu người dân Việt và cả nền kinh tế như EVN. Không có ai giỏi vô hiệu hoá các quy định về quản lý kinh tế như EVN. Không có ai hại nước, hại dân như EVN. Nói cách khác, không ai huỷ hoại niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội nhiều và nghiêm trọng như EVN. Cần gì phải Nghị định này, nghị định nọ, cần gì phải nói điều đao to búa lớn như tái cơ cấu hay ổn định chính sách nọ kia...Hãy dựa vào cái đang có, xử lý dứt điểm, nghiêm túc từng vấn đề, quy rõ trách nhiệm cá nhân, đó mới là những việc cần làm ngay.
QuangTuan
Source: Quan Làm Báo

© 2016 About Us | Terms & Conditions