Đánh đồng bào mình hành động của kẻ man rợ. (L/S Nguyễn Bắc Truyển)
Đánh đồng bào mình hành động của kẻ man rợ.
Nguyễn Bắc Truyển
Tù nhân chính trị đang bị quản chế.
- Điều 71 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam quy định: "Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm".
- Điều 7 của Bộ luật tố tụng hình sự quy định:"Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm,..".
- Điều 69 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam quy định: "Công dân có quyền....biểu tình...".
Trong một lần đến làm việc với Cơ quan an ninh điều tra TP Hồ Chí Minh theo lệnh triệu tập, tôi có nói chuyện với viên thượng tá an ninh về việc các nhân viên công lực gần đây hay đánh người dân khi thi hành cộng vụ. Ông nói điều đó là có thật, nhưng thường xảy ra ở các vùng miền xa xôi hẻo lánh. Ngày hôm nay ngay tại Thủ đô Hà Nội, một clip video (trên trang báo điện tử Dân Làm Báo) đã quay cảnh một nhân viên an ninh đã đạp thẳng vào mặt một công dân Việt Nam đang bị nắm giữ hai tay hai chân, không có khả năng gây nguy hiểm cho bất kỳ ai. Tôi không biết viên thượng tá an ninh sẽ giải thích như thế nào khi xem clip video về hành động của người nhân viên công lực có hành vi côn đồ và những người nhân viên công lực khác không có một động thái nào ngăn chặn hành vi côn đồ vi phạm pháp luật.
Trong trại giam thi hành án tù, tôi cũng hiếm thấy cảnh sát trại giam đánh người. Còn tù thường phạm với nhau thì giải quyết vấn đề bằng tay chân là chuyện bình thường. Nhưng khi "thượng cẳng tay hạ cẳng chân" thì họ cũng hành động mã thượng: một là không ai được báo cho quản giáo hay cảnh sát trại giam; hai là một đánh với một, cần thì buộc tay nhau lại bằng sợi dây cho khỏi chạy; ba là khi xong chuyện không hằn thù cá nhân vì mọi việc được giải quyết. Nhà tôi nuôi mèo, nhiều lúc nó ăn vụng, tôi không nỡ đánh vì "chó tha mèo đậy" chứ đừng nói chi đạp vào mặt một con người với nhau khi người đó đang ngã ngựa, không có hành động tấn công ai. Clip video làm cho tôi ngỡ ngàng và căm giận (tôi nghĩ nhiều đồng bào cũng có cảm giác như vậy). Tôi thấy người nhân viên công lực đó rất hèn hạ. Tôi không biết ngoài đời anh ta có gan làm điều đó để giải quyết vấn đề như những người tù giang hồ hay không? Và điều gì làm cho anh ta thù hằn người thanh niên để có một hành vi dã man như vậy? Những kiến thực về thực thi pháp luật, những đạo đức tư tưởng phục vụ người dân...anh ta được học như thế nào? Anh thanh niên bị đánh có tội gì khi thể hiện lòng yêu nước bằng hành động tham gia biểu tình chống Trunbg quốc gây hấn xâm lược?
Thân thể của công dân được pháp luật nước CHXHCN Việt Nam bảo vệ. Ai vi phạm cũng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Chúng ta hãy chờ xem Bộ Công an, Công an Thủ đô Hà Nội sẽ giải quyết vấn đề này ra sao để cho người dân phục và pháp luật được thực thi . Công an luôn nhìn các cuộc biểu tình là bạo động, tuy nhiên qua những hành động này chúng ta thấy được ai là người gây hấn trước tiên. Ở đời "quả báo nhãn tiền", ác với người thì có ngày cũng bị quả báo, không những quả báo cho chính bản thân của người thủ ác mà còn liên lụy đến những người thân của mình. Giáo lý nhà Phật có dạy về luật nhân quả.
Sài Gòn, ngày 18/7/2011.