Lệ thuộc Trung Quốc không phải định mệnh của dân tộc VN


05/06/2014 22:32 (GMT + 7)


TTO - “Làm sao để thoát Trung?”- Buổi tọa đàm do Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, Nhà xuất bản Tri thức đồng tổ chức ngày 5-6 đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia, trí thức, SVHS.
BTC đã phải thay đổi địa điểm hội trường rộng hơn vào phút chót mà vẫn không đáp ứng đủ chỗ.Nhiều người sẵn sàng ngồi bệt xuống sàn hội trường và tràn ra ngoài hành lang để lắng nghe. Làm sao để thoát khỏi sự ảnh hưởng tiêu cực, thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc ? Làm sao để phát triển? Làm sao để tự giải phóng mình, hầu tự bảo vệ mình và kiến tạo một thời kỳ phát triển mới? Với vai trò người dẫn đề, TS Giáp Văn Dương - người sáng lập và điều hành cổng giáo dục trực tuyến mở đại trà GiapSchool - cho biết thống kê năm 2010 cho thấy đến 90% dự án trong nước mà tổng thầu rơi vào tay công ty Trung Quốc. “Việc “thoát Trung”, thoát khỏi sự lệ thuộc kinh tế, văn hóa… đối với Trung Quốc chính là đòi hỏi để phát triển và lịch sử đang trao cho VN cơ hội tốt hơn bao giờ hết. “Vậy thoát Trung là thoát đi đâu, thoát cái gì, thoát để làm gì,  thoát như thế nào? Thoát Trung chính là thoát ra thế giới để hội nhập quốc tế, thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của Trung Quốc đến VN trên các lĩnh vực văn hóa, chính trị, quân sự, thoát Trung để được là chính mình. Song muốn thoát Trung thì phải phát triển. Nếu kinh tế cứ lẹt đẹt, nền sản xuất không tự chủ, đến cả sách thiếu nhi cũng chỉ toàn dịch từ Trung Quốc thì làm sao thoát Trung được?” - TS Dương đặt vấn đề. Theo TS Dương, nền kinh tế thua kém đến 60 lần so với Trung Quốc trong khi dân số chỉ kém 15 lần cho thấy VN phải nỗ lực rất nhiều để cán mốc GDP đạt 1.000 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người 10.000 USD. “Có ba tiên đề cần thiết để đạt mục tiêu phát triển: Đó là đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, phát triển bền vững dựa vào chất lượng thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và phát triển để ổn định. Lâu nay ta cứ nghe nói ổn định để phát triển, nhưng việc cưỡng bức ổn định không thể mang lại phát triển mà chính phát triển mới là nền tảng để ổn định đất nước”. Dập tan sự nghi ngại về khả năng “thoát Trung” của đất nước khi nền kinh tế chưa thật sự mạnh, GS Trần Ngọc Vương- người có thâm niên 40 năm nghiên cứu VN, nghiên cứu Trung Quốc- khẳng định “lệ thuộc Trung Quốc không phải là định mệnh của dân tộc VN”. “Đúng là có tư tưởng cho rằng nước họ to thế thì làm sao ta thoát được sự lệ thuộc, rồi “tâm lý nô lệ Trung Quốc” cũng còn nặng nề trong nhiều tầng lớp nhân dân. Song hãy nhìn cách mà Nhật Bản, Hàn Quốc đã thoát Trung một cách ngoạn mục. Vậy VN phải làm gì? Việc phải làm đầu tiên chính là thoát khỏi dã tâm của nhà cầm quyền Trung Quốc. 2.000 năm lịch sử trở lại đây, từ chính quyền nhà nước phong kiến cho đến những nhà cầm quyền đương đại, chưa bao giờ Trung Quốc muốn ở bên cạnh có một đất nước VN mạnh. Thứ hai là phải thoát khỏi tâm lý bị lệ thuộc của chính mình” - GS Vương nhấn mạnh. “Thoát Trung” là sự nghiệp của toàn dân, của đất nước” - TS Giao phân tích. NGỌC HÀ

© 2016 About Us | Terms & Conditions