Mái chùa che chở hồn dân tộc

     MANG VIÊN LONG
Mái chùa che chở hồn dân tộc

02-THÁNG 10-2009


Hình ảnh ngôi chùa trong thi ca, văn học… đã được nhiều tác giả nhắc đến, hướng về, như hướng về cội nguồn quê hương, với bao tình cảm, kỷ niệm sâu sắc khó quên trong đời. Tác giả Huyền Không là một tu sĩ, là Hòa thượng Thích Mãn Giác – vị Cao Tăng của Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ (viên tịch ngày 13.10.2006 tại chùa Việt Nam – Los Angeles, California – trụ thế 78 tuổi) đã viết bài thơ “Nhớ Chùa” (trong tập “Không Gian Thành Chiếc Áo”) khi đã trọn đời gắn bó, trải qua bao thăng trầm, để kết tụ lại thành nỗi nhớ thương da diết, tấm lòng thủy chung son sắt luôn hướng về “chùa xưa”, về quê hương, dân tộc.

Mở đầu bài thơ, tác giả cho biết nhân duyên đã thôi thúc, làm tràn đầy trong hồn mình nỗi “Nhớ Chùa” đã day dứt bấy lâu:

“Từ thuở ra đi vắng bóng chùa,
Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua!
Trong tôi bừng dậy niềm chua xót…
Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa.”

Hằng ngày được sống gần chùa, ở trong chùa – thì hình ảnh ngôi chùa đã trở nên quen thuộc, bình thường – nhưng khi đã “ra đi” (mà đi rất xa) – thì sự nhớ thương lại trỗi dậy, tăng lên theo chiều dài, cách biệt! Còn hơn thế nữa – khi “đường đời đã nhọc chuyện hơn thua” – thì nỗi nhớ lại cộng thêm “niềm chua xót” để tác giả phải “xao xuyến mơ về”.

Nhớ Chùa trước hết là nhớ làng. Trong làng lại có chùa. (Trong chùa lại có hồn của làng). Chùa và làng tuy hai mà một. Nhân đây, tác giả đã rất khéo léo ngầm giới thiệu ngôi chùa mà hồn mình đang vọng về:

“Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng,
Có con đường đỏ chạy lang thang;
Có hàng tre gợi hồn sông núi…
Im lặng chùa tôi ngập nắng vàng!”

Cảnh quê là cảnh làng quê tiêu biểu của Việt Nam (lũy tre thấp thoáng, đường đất ngoằn ngoèo…), và ngôi chùa sáng lên, sừng sững trong cõi yên lặng của đất trời.

Đi vào chi tiết, ngôi chùa hiện ra rõ nét hơn – những chi tiết cũng lại là những chi tiết quen thuộc, bình thường của bao ngôi chùa quê – nhưng sao lúc này chúng đã khiến tác giả quặn lòng thương nhớ đến vậy?

“Có những cây mai sống trọn đời,
Bên hàng tùng bách mãi xanh tươi…
Nhìn lên phảng phất hương trầm tỏa,
Đức Phật từ bi miệng mỉm cười!”

Dòng nhớ tưởng từng mạch nguồn âm ỉ chảy – thong thả mà réo gọi; êm đềm mà cũng thật sâu lắng xoáy dần vào tâm hồn ta: Đây cũng là nét sinh hoạt bình thường của một ngôi chùa, nhưng bây giờ nó hiện ra trong tâm trí tác giả với niềm nhớ tiếc, bâng khuâng:

“Tôi nhớ làm sao những buổi chiều
Lời kinh giải thoát vọng cao siêu,
Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi,
Cầu nguyện dân làng sống mến yêu!”

Bên cạnh “lời kinh giải thoát”, ngôi chùa cổ còn là nơi nương tựa tâm linh của làng quê – bởi vì với tấm lòng từ bi cao cả- ngôi chùa đã đêm ngày “cầu nguyện dân làng sống mến yêu”.

“Vì vậy làng tôi sống thái bình,
Sớm khuya gần gũi tiếng chuông kinh…
Sắn khoai gạo bắp nuôi dân xóm,
Xây dựng tương lai xứ sở mình!”
Lời nguyện cầu chí thành tha thiết của “ngôi chùa cổ” đã được sự hộ trì của chư Phật, chư Bồ-tát… Với cuộc sống yên vui, với “sắn khoai gạo bắp” thôi – từng bước dân làng đã đồng tâm xây dựng cho một  tương lai, ngày một tốt đẹp hơn. Đây cũng là lòng ao ước của người tu Phật – ước nguyện chuyển hóa cõi Ta bà thành miền Tịnh độ.

“Mỗi tối dân quê đón gió lành,
Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh…
Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi,
An ủi dân hiền, mọi mái tranh.”

Ngôi chùa trở nên đẹp hơn, gần gũi tha thiết hơn với bao cảnh đời quê nhọc nhằn – bởi vì luôn có tiếng chuông “thức tỉnh và an ủi”. Họ sống an vui với “gió lành và trăng thanh” đang dào dạt, rực rỡ khắp chùa và xóm làng… Nỗi nhớ về ngôi chùa tuy chỉ được ghi lại trong hai câu nhưng đã phát họa đầy đủ cả âm thanh và hình ảnh về một ngôi chùa đẹp của bất kỳ một ngôi chùa nào ở làng quê Việt Nam.

“Trầm đốt hương thơm bay ngạt ngào,
Thôn trên xóm dưới dạ nao nao…
Dân làng tắm gội lên chùa lễ,
Mười bốn, ba mươi – mỗi tối nào.”

Như một cuộn phim quay chậm, tác giả dần nhớ lại, mọi sinh hoạt của dân làng, của ngôi chùa, nhất là ngày rằm và mỗi cuối tháng đã vừa nói lên được tâm đạo của dân làng, vừa vẽ ra được một khung cảnh êm ấm, hạnh phúc của làng quê…

“Biết đến bao giờ trở lại quê?
Phân vân lòng gửi nhớ nhung về…
Tang thương dầu có bao nhiêu nữa,
Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê!”

Càng đi sâu vào nỗi nhớ tưởng, tác giả càng cảm thấy xót xa: “Biết đến bao giờ trở lại quê?” Lời thốt ra như một tiếng thở dài. Một tâm sự u uẩn, khó nguôi. Bởi vậy, tác giả chỉ biết “phân vân lòng gởi nhớ nhung về”. Gởi nỗi lòng, tâm sự, nhớ thương về quê xa để có sự đồng cảm, sẻ chia với nỗi cô đơn; và mong nhận nguồn an ủi…

Tấm chân tình của tác giả, một lần nữa, thể hiện qua lời nguyện đêm ngày: “Tang thương dầu có bao nhiêu nữa / Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê”. Nguyện cho chùa, mà cũng là để cầu nguyện cho làng, cho dân tộc…

Trong cõi yên vắng mênh mang của sự nhớ tưởng, bỗng nhiên, một tiếng chuông ngân lên, vẳng lại từ xa, có thể là tiếng chuông chùa Việt Nam, hay có thể là tiếng chuông quê nhà vọng dài từ quá khứ của ngôi chùa cổ làng quê mà đêm ngày tác giả luôn hoài vọng.

“Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng,
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung…
Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống muôn đời của tổ tông”.

© 2016 About Us | Terms & Conditions