NHỮNG LUẬN ĐIỆU CỘNG SẢN VỀ DÂN CHỦ

                         NHỮNG LUẬN ĐIỆU CỘNG SẢN VỀ DÂN CHỦ

   Để cố bám vào quyền hành bằng cách duy trì chế độ độc tài, phản dân, hại nước, Cộng sản Việt Nam đã đứa ra một số luận điệu như : Dân chủ là những giá trị Tây phương, không thích hợp với Đông phương, nên Việt Nam không cần dân chủ ; Trình độ dân trí Việt Nam chưa cao để có dân chủ ; Nếu thực hiện dân chủ thì sẽ đi đến chỗ loạn, Thập nhị sứ quân ; Dân chủ sẽ đến khi có phát triển kinh tế v..v… .
   Có phải thế không ?

1)      Tự do, dân chủ là những giá trị Tây phương, không thích hợp với Đông phương ?

Tự do là những quyền căn bản của con người, đi từ quyền tự do sinh sống, tự do mưu cầu hạnh phúc, tự do đi lại, tự do hội họp, đến quyền tự do tư tưởng, ngôn luận, chính trị, tự do tín ngưỡng v.v... Đó là những quyền bẩm sinh, bất khả nhượng. Con người dù là Đông hay Tây, da vàng, da trắng, da đen hay da đỏ, khi sinh ra đều có những quyền này. Ngay cả một con vật như con chim, khi chúng ta nhốt nó vào trong lồng, dù là lồng vàng, cũng như ta cho nó ăn cao lương mỹ vị ; nhưng nó cũng muốn bay ra ngoài, vì nó muốn có tự do ; huống chi là con người. Những quyền tự do căn bản này đã được ghi trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, và được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chấp nhận vào ngày 10/12/1948. Những người soạn thảo ra Bản Tuyên Ngôn này đã lấy 2 câu trâm ngôn Đông Tây làm kim chỉ nam. Đó là : «  Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân » ( Cái gì anh không muốn người ta làm cho anh, thì anh đừng làm cho người khác), và câu «  Ne fais pas à un autre ce que tu ne veux pas qu’il te soit fait » cũng đồng nghĩa với câu trên.
Lời mở đầu của Bản Tuyên Ngôn nói rõ :
   «  Xét rằng sự công nhận nhân phẩm bẩm sinh, sẵn có của mọi người, một thành viên của đại gia đình nhân loại ; và sự công nhận quyền bình đẳng, bất khả nhượng, là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới.
   «  Xét rằng việc sao nhãng và khinh miệt những quyền căn bản của con người là những hành động man rợ, đi ngược lại lương tâm và lương tri của nhân loại ; và một thế giới mà trong đó mọi người đều có quyền tự do ngôn luận, tin tưởng, không bị đe dọa bởi nghèo khổ, thế giới đó phải được coi là ứơc vọng cao cả của con người.
   «  Xét rằng quả là cần thiết để những quyền căn bản của con người được bảo vệ bởi một nhà nước pháp quyền, để con người không bị áp bức ; trong trường hợp ngược lại, thì con người có quyền nổi lên chống độc tài và áp bức. »
   Chế độ dân chủ là chế độ tôn trọng nhân quyền, trái với chế độ độc tài vi phạm nhân quyền.

   Chúng ta nên nhớ Cộng sản Việt Nam đã ký công nhận Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Qhuyền, nay lại đưa ra luận điệu chống lại. Điều này chứng tỏ một lần nữa cộng sản Việt Nam không tôn trọng chữ ký như đã xẩy ra trong quá khứ, và đây là một chính quyền độc tài, man rợ, vì đã không tôn trọng nhân quyền, như Lời Mở Đầu Bản Tuyên Ngôn nói rõ.
   Vì vậy luận điệu trên của cộng sản là hoàn toàn sai.

2)      Tình trạng dân trí của Việt Nam còn thấp kém nên chưa thể có dân chủ và nhân quyền.

Đây là một luận điệu quá coi thường dân Việt Nam. Thử hỏi ở trên thế giới này có đến khoảng 200 quốc gia, mà đại đa số đều chấp nhận chế độ dân chủ. Dân Việt Nam lại lại tệ và thấp kém như cộng sản nói sao. Chúng ta nhớ vào thời chiến tranh 1954-1975, cộng sản Việt Nam đã tâng bốc dân Việt Nam lên là dân tộc thông minh và anh hùng, là « đỉnh cao trí tuệ của loài người tiến bổ », nay thì lại hạ thấp, chẳng qua vì chỉ muốn giữ quyền. Quả thật Việt Nam chúng ta có câu : «  Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. » Đó là lưỡi cộng sản. Tôi không nghĩ rằng dân trí Việt Nam còn thấp kém để không được hưởng dân chủ. Dân tộc Việt Nam có truyền thống dân chủ từ lâu, ngay cả xa xưa dưới thời quân chủ, phong kiến. «  Phép vua thua lệ làng » và Hội Nghi Diên Hồng dưới thời Trần là những bằng chứng. Hơn thế nữa, càng những người dân thấp cổ bé họng, càng xứng đáng được dân chủ che trở, vì họ thiếu phương tiện và không biết bảo vệ quyền lợi của mình.

3)      Nếu thực hiện dân chủ hiện nay ở Việt Nam thì sẽ đi đến loạn, Thập Nhị Sứ Quân

  Thực ra chính Việt Nam hiện nay dưới chế độ cộng sản mới là dưới Thập Nhị Sứ Quân. Các ông tỉnh ủy, huyện ủy, các ông quan lớn tha hồ hoành hành, sách nhiễu dân, thông đồng với mafia buôn bán xì ke, ma túy giết hại giới trẻ, thông đồng với tú bà buôn bán người ra ngoại quốc, bắt trẻ em làm nô lệ tình dục bên Căm Bốt, thông đồng với tư bản ngoại quốc bóc lột công nhân Việt Nam, vì chế độ này là chế độ «  bất tài, bất lực và bất lương » như cựu đại tá cộng sản Phạm quế Dương nói. Dưới chế độ dân chủ do dân bầu ra người lãnh đạo, dựa trên tài và đức.  Chính những nước dân chủ mới là những nước không loạn, vì họ biết giải quyết tranh chấp của họ bằng đấu tranh chính trị khong bạo động, qua những cuộc bầu cử, mà người dân là trọng tài. Trong khi đó ở những nước độc tài, người dân thì bị bịt miệng bằng cây súng và cái còng. Giới lãnh đạo thì chia bè, chia phái, thanh tóan nhau ngay cả bằng bạo lực, mỗi một khi vấn đề quyền hành được đặt ra. Đó mới chính là loạn. Theo Lời Kêu Gọi cho Quyền Thành lập và Hoạt động Đảng phái tại Việt Nam năm 2006, của 116 Nhà đấu tranh Dân chủ quốc nội Việt, công bố ngày 6/04/06, thì :
   «  Thực tế chung trên toàn cầu : Tuyệt đại đa số các Quốc gia đều có một nền chính trị đa nguyên, đa đảng, một bầu không khí chính trị công khai lành mạnh qua bầu cở và sinh hoạt chính trị dân chủ bình đẳng trong nghị trường. Đảng thắng cử lên cầm quyền và đảng thất cử thành đối lập, hai bên giám sát lẫn nhau và như thế tương trợ nhau, đang khi lập pháp, tư pháp, hành pháp, rồi báo chí, quân đội, tôn giáo đều hoạt động độc lập, tất cả chỉ vì ích lợi Nước nhà.Mọi Công dân có tài năng và thiện chí tại các Nước đó đều có cơ hội phục vụ công ích và xây dựng Quốc gia qua các chính đảng. »
   Luận điệu cho rằng sau chế độ độc tài sẽ là loạn, đây là luận điệu của tất cả những chế độ độc tài trên thế giới. Thử hỏi sau những chế độ độc tài cộng sản ở Liên sô, Đông âu và những chế độ độc tài khác như Suharto ở Nam Dương, Marcos ở Philippines, những nước này có loạn không hay sau đó, người dân được tôn trọng, nhân quyền được bảo đảm, kinh tế đươc phát triển hơn, nói như một nhà chính khách : «  Dân chủ là mảnh đất mầu mỡ cho phát triển kinh tế nẩy mầm » (1).

4)      Luận điệu cho rằng cứ làm kinh tế trước, phát triển kinh tế trước, rồi dân chủ sẽ tới sau (1)

   Đây là luận điệu đơn giản hóa vấn đề, chẳng hạn họ đã đưa ra hình ảnh giữa bát cơm và quyển sách về dân chủ và nhân quyền, thì người dân chọn bát cơm. Đề tài này tôi cũng đã có dịp bàn nhiều ở những bài khác. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ ở đây là vấn đề phát triển kinh tế là một hiện tượng phước tạp, nó liên quan đến nhiều lãnh vực, trong đó chính trị và đạo đức là nền tảng. Một quốc gia mà chính quyền dành phần lớn ngân sách quốc gia cho công an, quân dội kìm kẹp dân và cho thông tin tuyên truyền lừa gạt dân, trong khi ấy thì ngân sách về môi sinh, giáo dục, y tế thì rất thấp. Như vậy thì hỏi làm sao mà có được những người khỏe mạnh, tài giỏi để làm kinh tế. Đấy lại chưa nói tới những chính quyền độc tài thường là những chính quyền tham nhũng, hối lộ. Làm ăn lương thiện thì không có đất sống, làm ăn gian xảo, mánh mung, thì dễ thành công. Nhưng đây chỉ là những thành công giả tạo, không có gì lợi ích lâu bền cho quốc gia dân tộc, cho phát triển kinh tế. (2)

5)      Luận điệu theo đó những người không cộng sản không có người lãnh đạo và không có tổ chức

   Thử hỏi ở những nước độc tài, từ cổ chí kim, trên toàn thế giới, có nước nào có lãnh đạo, có tổ chức đối lập không, vì nếu có thì đã không phải là độc tài, vì ở dưới chế độ này, người dân vừa cất tiếng chống đối, vừa tụ họp một số người, thì đã bị bỏ tù, lấy đâu mà có lãnh đạo và tổ chức. Hơn thế nữa những người cộng sản đưa ra luận diệu này, một là quá lỗi thời, hai nếu không lỗi thời, thì quá hèn mạt, vì một vài đặc quyền đặc lợi cá nhân, mà bênh vực cho bạo chúa, đi ngược lại quyền lợi quốc gia, dân tộc. Lỗi thời vì ngày hôm nay chúng ta không còn ở thời đại tôn thờ lãnh tụ. Quan trọng chính là cơ chế. Ngay ngày xưa Manh Tử cũng đã nói : «  Nhân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. » ( Người dân là nhất, sau đến cơ chế, cuối cùng mới tới quan quyền). Cơ chế là quan trọng, sau đó mới tới quan quyền, lãnh tụ.Thực vậy, với xã tắc, cơ  chế dân chủ, thì người dân có đủ trình độ bầu người lãnh đạo của mình, không phải chỉ một người, mà cả một giai tầng, dựa trên tiêu chuẩn tài và đức ; và cũng với cơ chế dân chủ, người dân có thể truất phế người mình bầu, khi họ nhận thấy người lãnh đạo này hay đảng nắm quyền no không xứng đáng.

   Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, viếng thăm Việt Nam năm 2000, có viếng thăm Đại học Hà nội và tuyên bố : Đừng nghĩ rằng một nhà báo, một nhà trí thức hay nhà bình luận viết một bài báo đi ngược lại đường lối chính quyền, mà nghĩ rằng họ có âm mưu lật đổ chính quyền. Việc một nhà trí thức, một nhà báo viết một bài bình luận chống lại chính quyền là một việc rất bình thuờng ở những quốc gia dân chủ. Hơn thế nữa, họ còn được hoan hô, kính trọng, vì nhiều khi họ sáng suốt hơn những người cầm quyền, chỉ cho chính quyền và dân những điều lợi ích cho quốc gia, dân tộc. » Đó là tinh thần dân chủ. Nó bắt đầu bàng công nhận người thứ nhì, tổ chức thứ nhì, công nhận những sai lầm của chính mình, những cái hay của người khác, đi từ cá nhân đến chính quyền. Dân chủ không phải là tổ chức chính trị tốt đẹp nhất, hoàn hảo nhất, vì từ xưa đến giờ chưa có một tổ chức chính trị nào tốt nhất, hoàn hảo nhất. Nhưng dân chủ là tổ chức giúp cho con người tránh được những xấu xa, sai lầm một cách mạnh mẽ nhất từ xưa đến giờ. Tránh được những xấu xa sai lầm chính là con đường dẫn đến tốt đẹp và hoàn hảo. Nếu không muốn nói là tốt đẹp và hoàn hảo vậy./.

                                                 Paris ngày 9/04/2006

                                                       Chu chi Nam

(1)    Xin xem bài : Dân chủ hóa Việt Nam hay Dân chủ, mãnh đất mầumở để cho phát triển kinh tế nẩy mầm, đăng trên http://chuchinam.tripod.com hay www.nghiencưlichsu.net.ms/ hoặc www.anhduong.net; www.danchu.net; www.vietlandnews.net .
(2)    Xin xem bài : Chế độ dộ chủ và chế độ độc tài, chế độ nào phục vụ người dân.

© 2016 About Us | Terms & Conditions