VẤN ĐỀ BIÊN GIỚI VÀ HẢI ĐẢO VIỆT NAM. Bác sỹ Nguyễn Đan Quế (Cao trào Nhân bản Việt Nam)

Vấn đề biên giới trên đất liền & trên biển :

1858 Pháp nổ phát súng đầu tiên đánh vô Đà Nẵng.

1862 Pháp chiếm miền Nam.

1884 đặt ách thống trị trên toàn quốc Việt Nam.

1895 Pháp vẽ bản đồ Đông Dương sau khi ký hiệp ước với triều đình Mãn Thanh ấn định biên giới dài 1300 km giữa Việt Nam và Trung Quốc.Để chống Pháp, Hồ Chí Minh thành lập đảng Cộng Sản Đông Dương, hoạt động ở cả Việt –Miên- Lào, với sự trợ giúp của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Năm 1941, Hồ Chí Minh về Việt Nam lập chiến khu dọc theo biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Để bảo đảm an toàn, đoạn đường chót tầu hỏa và đường bộ của Trung Quốc ăn sâu vào lãnh thổ Việt Nam có nơi 500 mét, nhiều nơi đến cả cây số và dùng nơi này làm cơ quan đầu não, huấn luyện cán bộ, dưỡng quân, tiếp nhận và cất dấu vũ khí. Nếu Pháp hành quân hay dùng máy bay oanh tạc vùng này , Trung Quốc sẽ la ầm lên là vi phạm lãnh thổ của họ.

1954 chia đôi đất nước.

Vì cần phát động chiến tranh với miền Nam, hai đảng Cộng Sản Việt Nam và Trung Quốc ký thỏa thuận ngầm đường biên “ hậu phương lớn” , “ núi liền núi sông liền sông” và Phạm Văn Đồng còn chính thức gửi công hàm ngày 14 tháng 9 năm 1958 lên tiếng công nhận hải phận của Trung Quốc là 12 hải lý, tính nhờ Trung Quốc bảo vệ dùm 3/4 biển Đông bên ngoài lãnh hải Bắc Việt vì lúc đó Hà Nội chưa có Hải Quân.

1972 Trung Quốc ký thông cáo chung Thượng Hải với Mỹ để lộ rõ ra chiều hướng chuyển từ đối đầu sang hợp tác, cho phép Mỹ rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam kéo theo tiến trình giải quyết chiến tranh VN với hiệp định Paris ra đời vào ngày 27-1-1973.

Tháng Giêng năm 1974, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ quần đảo Hoàng Sa giao chiến với Hải QuânTrung Quốc. Quần đảo này nằm ở 14o 30’ – 17o00’ độ vĩ bắc và 111o 30’- 114o00’ độ kinh đông, ngang ngoài khơi tỉnh Đà Nẵng. Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà đi vòng đánh từ Bắc xuống, Hải Quân Trung Quốc đánh bọc hậu từ phía Nam lên. Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa thua, Trung Quốc chiếm giữ đảo và giam giữ một số tù binh nhưng đối xử tử tế và sau đó thả cho về. Sự việc xẩy ra chỉ hai ngày sau khi Ngoại Trưởng Mỹ Henry Kissinger gặp những nhà lãnh đạo Bắc Kinh. Mỹ không lên tiếng và Hải Quân Mỹ đang tuần tra trong vùng khi xảy ra tranh chấp đã phớt lờ không can thiệp, bênh vực Hải Quân VNCH, nhưng điều kinh ngạc và nổi bật nhất là chính quyền Hà Nội đã không có một lời phản kháng. Nếu Hà Nội tự nhận là đại diện hợp pháp cho Việt Nam và nếu họ còn cho Hoàng Sa là của Việt Nam thì trên phương diện pháp lý họ phải lên tiếng phản đối Trung Quốc xâm lăng và xác nhận chủ quyền khi một cuộc tranh chấp như thế xẩy ra. Cũng trong thời gian này, Trung Quốc , Việt Nam Cộng Hòa , Malaysia, Philippine, Brunei lên tiếng đòi chủ quyền quần đảo Trường Sa ngang ngoài khơi Vũng Tàu.

Từ năm 1975 đến cuối năm 1978, biên giới Việt Nam -Campuchia triền miên rối loạn. Đầu năm 1979 Việt Nam tiến quân sang Campuchia. Trung Quốc liền ra tay đánh vào biên giới phía Bắc của Việt Nam, nói là trừng phạt dậy cho Việt Nam một bài học, Trung Quốc coi vùng mà trước đây Hà Nội giao cho họ nhờ bảo đảm an toàn dùm là phần đất của họ.

1991 Việt Nam và Trung Quốc nối lại quan hệ ngoại giao. Vấn đề biên giới trên bộ và trên biển được đặt ra thương thảo lại, nhưng khi ngồi vào bàn hội nghị ,Việt Nam bị thất thế vì Trung Quốc đưa ra những văn kiện ký kết năm 1958 giữa hai chính phủ và hai đảng và vì đã không lên tiếng xác nhận chủ quyền ở Hoàng Sa khi sảy ra cuộc tranh chấp năm 1974 giữa Trung Quốc và Việt Nam Cộng Hòa. Hà Nội muốn trở lại đường biên giới ký kết giưã Pháp và triều đình Mãn Thanh , nhưng Bắc Kinh bác, bắt phải dựa trên những ký kết với nhau trong qúa khứ,lấy lý do là hai đảng vẫn còn hiện hữu mà lại đang nắm chính quyền , không có chuyện công nhận những việc mà phong kiến và thực dân thiết lập. Phiá Việt Nam đuối lý , đành ngậm bồ hòn làm ngọt, nhượng bộ hoàn toàn những đòi hỏi của Trung Quốc ,mất gần 1000 km2 trên vùng biên giới phiá Bắc. Thua me gỡ bài cào , Hà Nội dở trò tiểu bá lấn chiếm biên giới Lào và Campuchia. Phiá Lào và Campuchia muốn trở lại đường biên giới mà Pháp vẽ năm 1895 , nhưng Việt Nam lại bác bỏ , chỉ muốn dựa trên cột mốc mới ấn định bởi một vài văn kiện do Hà Nội ép Lào và Campuchia ký hồi gần đây, lưu manh hơn nữa là Hà Nội đưa dân đến lập nghiệp chiếm cứ những vùng đất ăn gian. Hiện nhân dân Lào và Campuchia rất phẫn uất về vụ này.

Cuối năm nay 2001, Quốc Hội bù nhìn Việt Nam mới lén lút thông qua hiệp ước về biên giới Việt - Trung. Không một người dân nào được biết rõ nội dung của bản hiệp ước này, Hà Nội chỉ loan báo vắn tắt là hai bên sẽ cắm mốc biên giới vào đầu năm 2002. Chúng ta đòi hỏi nhà cầm quyền Hà Nội phải công bố đầy đủ chi tiết về bản hiệp ưóc biên giới này và chúng ta sẽ không công nhận bất cứ nhượng bộ nào về đất đai cho ngoại bang.

Vấn đề Hoàng Sa & Trường Sa:

Nhờ những tiến bộ về khoa học nhất là trong phạm vi kỹ thuật vi điện tử nhân loại đã bắt đầu có thể khai thác tài nguyên ở dưới đáy biển. Lục địa chỉ chiếm có 29% diện tích của trái đất và nguồn ø tài nguyên đã cạn vì bị khai thác dòng dã qua bao nhiêu thế kỷ trong khi đó biển cả chiếm đến 71% mà tài nguyên phong phú còn nguyên vẹn chưa từng bị khai thác vì không có kỹ thuật. Do đó, lục địa không còn là miếng mồi ngon cho các siêu cường tranh chấp nữa , mục tiêu béo bở bây giờ là đáy biển. Trước đây, khi sức mạnh chi phối thế giới là quân sự , một số các hòn đảo được coi là quan yếu vì là vị trí chiến lược giúp cho vấn đề hành quân. Nhưng nay sức mạnh chi phối thế giới đang chuyển dần sang kinh tế, một số những hòn đảo khác đột nhiên trở thành quan trọng vì có liên quan trực tiếp đến bản đồ tài nguyên dưới đáy biển. Hoàng Sa và nhất là Trường Sa nằm trong trường hợp này. Chính vì vậy mà qua bao nhiêu thế kỷ không có những tranh chấp gì về hai quần đảo này nhưng đùng một lúc vào năm 1974 nhiều nước đã nhao nhao lên đòi chủ quyền về hai quần đảo này.

Vấn đề khai thác đáy biển dẫn đến vấn đề phân chia tài nguyên dưới đáy biển. Chắc chắn các siêu cường nắm kỹ thuật cao muốn soạn thảo các luật có lợi cho mình. Đã có đề nghị : Đáy biển sâu hơn 200m thuộc về tất cả các nước. Xuống sâu hơn 200m ai có kỹ thuật khai thác tài nguyên kiếm được sẽ thuộc về người đó. Ai cũng hiểu là chỉ có các siêu cường giầu có mới có đủ điều kiện và kỹ thuật để làm.

Vấn đề khai thác lòng biển và đáy biển sẽ còn nhiều tranh cãi và tranh chấp. Một số nước đã đơn phương tuyên bố thềm lục địa thuộc về quốc gia họ dài tới 200 hải lý, hải phận nước này chồng lên hải phận nước kia gây nên tranh chấp liên quan đến nhiều quốc gia. Các nước giầu thực sự quan tâm đến phạm vi rộng lớn hơn nhiều đó là khai thác tài nguyên sâu trong lòng đáy biển ở trong hải phận quốc tế. Đối với các đảo mà chủ quyền không rõ ràng có nhiều nước tranh chấp, họ có chiều hướng ủng hộ quốc tế hóa những đảo đó, nhằm có bảo đảm về an ninh và không bị quốc hưũ hóa trong khi khai thác . Vì lợi nhuận nhiều, họ sẵn sàng trả tiền thuê cao , các quốc gia tranh chấp sẽ chia nhau theo một thỏa thuận nào đó.

Lập trường của dân tộc ta :

Chúng tôi quan niệm rằng , đất nước Việt Nam là của chung cho mọi người dân Việt Nam , tất cả mọi công dân Việt Nam , trong cũng như ngoài nước đều có bổn phận bảo vệ lãnh thổ , tài nguyên của Việt Nam do tiền nhân đã dày công để lại. Không ai được độc quyền yêu nước và cũng không một ai, một đoàn thể hay đảng phái nào trong bất cứ hoàn cảnh nào có thể nhân danh dân tộc Việt Nam ký kết những văn kiện bán nước cho ngoại bang. Trên căn bản đó, chúng tôi đề nghị :

Về vấn đề biên giới trên bộ : Nhân dân ta không bị ràng buộc bởi hiệp định phân định đường biên giới trên bộ mới ký kết năm 2001 giưã Hà Nội và Bắc Kinh và cũng sẽ không công nhận cột mốc sắp cắm mà chỉ coi đây như một bước sai lầm đâm lao phải theo lao của Bộ Chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam , đặt quyền lợi của đảng trên quyêøn lợi tổ quốc , dâng đất để được Trung Quốc ủng hộ , hy vọng được tiếp tục ngồi lại thống trị nhân dân ta. Nhân dân ta không coi những thỏa thuận ngầm giữa Hà Nội và Bắc Kinh là có giá trị , toàn bộ vấn đề biên giới trên bộ phải trở lại bản đồ do Pháp vẽ năm 1895 cho cả ba biên giới tiếp giáp Trung Quốc , Lào và Campuchia. Sở dĩ chúng tôi đề nghị dùng bản đồ này vì đây là bản đồ đầu tiên được vẽ một cách khoa học và vô tư bởi các chuyên viên về địa dư của Pháp. Chỉ có dùng bản đồ biên giới do Pháp vẽ chúng ta mới hy vọng tránh khỏi những tranh chấp triền miên và tạo đuợc một nền hòa bình vĩnh cửu cho bán đảo Đông Dương. Nhân dân ta cũng tố cáo trước dư luận trong nước và quốc tế sự hèn hạ của tập đoàn Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam để mất đất tổ tiên để lại cho Trung Quốc nhưng lại đi hiếp đáp chiếm đất của Lào và Campuchia.

Về vấn đề hải đảo : Nhân dân ta muốn giải quyết hòa bình những tranh chấp về các hải đảo dựa trên :

- Luận cứ các bên đưa ra dính đến sự hiện diện từ xưa trên đảo.

- Nằm nhiều ít trên thềm lục địa.

- Luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982.

- Bảo đảm quyền lợi và an ninh cho giới khai thác tài nguyên đáy biển.

Điều cần nêu lên ở đây là các cường quốc muốn quốc tế hóa các hải đảo đang tranh chấp để khai thác kinh tế với quy chế hư chủ , nghĩa là các nước đang tranh chấp là chủ nhưng không được có các hoạt động quân sự và không có quyền quốc hữu hóa ngược lại họ có quyền tham gia vào các cuộc thương thảo trong việc khai thác vùng biển xung quanh các đảo này và chia lợi nhuận. Trong mọi trường hợp các nước khai thác tài nguyên đáy biển cần theo đúng luật lệ và các hiệp ước quốc tế không được ỷ mạnh làm càn. Tóm lại, một cách tổng quát, quyền lợi của các nước tranh chấp sẽ được giải quyết tính toán theo vị quan trọng của những đảo này trong bản đồ tài nguyên đáy biển. Chúng ta cần nắm vững những điểm này để bảo vệ quyền lợi đất nước trong những cuộc thương thảo tương lai về quy chế của các đảo này.

BS Nguyễn Đan Quế

Sài Gòn, 9/8/2011


© 2016 About Us | Terms & Conditions