PIVOT LÊN ÁN QUY TẮC MỚI VỀ PUBLIC CHARGE - CÔNG PHÍ hay GÁNH NẶNG XÃ HỘI (Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến)
Sep 22, 2019
Nhân Quyền Cho Việt Nam
PIVOT Lên Án Quy Tắc Mới Về Public Charge - Công Phí Hay Gánh Nặng Xã Hội Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến (PIVOT) 21/09/2019 https://vietbao.com/p112a299009/hoi-nguoi-my-goc-viet-cap-tien-pivot-len-an-quy-tac-moi-ve-public-charge-cong-phi-hay-ganh-nang-xa-hoi
Vào ngày Thứ Tư 14 tháng 8 năm 2019, Bộ Nội An đã công bố quy tắc mới về Public Charge (công phí hay Gánh nặng xã hội). Quy tắc này sẽ có hiệu lực trong vòng 60 ngày. Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến (PIVOT) chống lại chính sách này vì sẽ đe dọa sức khỏe, sự an toàn, kinh tế và sự đoàn kết dân chúng trong xã hội. Người nhập cư đóng góp cho xã hội, nộp thuế và tăng cường lực lượng lao động của chúng ta. Quy tắc về công phí buộc người nhập cư hợp pháp phải đưa ra một lựa chọn rất khó khăn cho cuộc sống: từ bỏ chăm sóc sức khỏe, thực phẩm, hỗ trợ nhà ở hoặc tách rời gia đình.
Quy tắc này sẽ trừng phạt và có khả năng tách rời hàng triệu cư dân hợp pháp khỏi gia đình của họ qua việc từ chối họ nhập cư vào Hoa Kỳ hoặc thường trú hợp pháp. Nhằm vào các cá nhân đã nhập cư hợp pháp, quy tắc đề xuất đã gây ra sự sợ hãi và lo lắng giữa các cộng đồng di dân đa dạng, không biết họ có thực sự sẽ bị ảnh hưởng bởi quy tắc mới hay không. Điều nguy hiểm là các thành viên trong cộng đồng sẽ sợ hãi khi tìm kiếm sự chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ vì sợ bị trục xuất và gia đình bị phân ly. Thí dụ, tại Cơ Quan Y Tế Á Châu, một trung tâm y tế cộng đồng có trụ sở tại Oakland phục vụ khoảng 30.000 bệnh nhân, dự án về quy tắc này sẽ tác động đến 60% bệnh nhân của họ.
Quy tắc về công phí mới này sẽ từ chối tình trạng thẻ xanh thường trú đối với những người nhập cư sử dụng các phúc lợi công cộng quan trọng, chẳng hạn như Trợ cấp y tế (Medicaid), các chương trình hỗ trợ dinh dưỡng, thuốc cho người già và Hỗ Trợ Nhà Ở “Section 8”. Quy tắc vô nhân đạo sử dụng sự giàu có, tuổi tác, sức khỏe, tình trạng gia đình và giáo dục làm hướng chỉ định cho những người có thể đến Hoa Kỳ và những người có thể ở lại. Với một trong bốn đứa trẻ ở Hoa Kỳ có ít nhất một cha mẹ là người nhập cư, quy tắc về công phí có thể gây rủi ro cho sự tăng trưởng, phát triển và thành công của 19 triệu trẻ em, 86% trong số này là công dân Hoa Kỳ.
Tiến sĩ Thu Quách, Chủ tịch Ủy Ban Chính Sách của PIVOT, cho biết,
"Năm ngoái, ngay cả trước khi luật lệ chính thức ban hành, chúng tôi đã thấy những tác động đối với cộng đồng người nhập cư, vì bệnh nhân từ chối dịch vụ và gia đình từ chối sự trợ cấp thực phẩm và nhà ở cần thiết. Là một người từng nhận trợ cấp công cộng, tôi kinh hoàng trước chính sách vô nhân đạo và tàn nhẫn này. Các bà mẹ, trẻ em và gia đình không thể nâng cao cuộc sống, giáo dục và sinh kế của họ nếu họ quá sợ hãi khi tiếp cận các dịch vụ căn bản. Quy tắc này sẽ có tác động rất rộng lớn, ảnh hưởng đến 26 triệu người và chúng ta sẽ thấy những tác động này sẽ gây ra nhiều hậu quả cho các thế hệ."
Bác sĩ Tùng Nguyễn, Chủ tịch Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến và Chủ tịch Cộng đồng người Mỹ gốc Á đảo Thái Bình Dương (AAPI Progressive Action) khẳng định:
“Quy tắc này là một cuộc tấn công trực tiếp vào người nhập cư hợp pháp bằng cách lấy đi quyền truy cập vào các chương trình phúc lợi công cộng mà họ và gia đình họ đã trả qua thuế. Mọi người sẽ chết vì thiếu chăm sóc sức khỏe, thiếu nhà ở và suy dinh dưỡng trong những giai đoạn khó khăn tạm thời trong cuộc sống của họ. Đất nước chúng ta sẽ bị tước đi những đóng góp từ những người nhập cư này, là những đóng góp vượt trội hơn nhu cầu mà họ cần. Chúng tôi nhận thấy rằng đây là một phần trong chiến lược tổng thể của Chính quyền Trump để tấn công tất cả người nhập cư, hợp pháp và không có giấy tờ, và chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh trong mọi lĩnh vực để chống lại quy tắc này bằng mọi phương cách."
Web:www.pivotnetwork.org Facebook: https://www.facebook.com/PIVOTorg/ Twitter: @PIVOTorg
----------------------
Để giúp qúy đọc giã hiểu rõ hơn quy tắc mới về Public Charge này, sau đây là một số câu hỏi quan trọng và phần trả lời do tổ chức One Nation sưu tập.
Quy định mới về Public Charge (Gánh nặng xã hội) Những câu hỏi thường gặp (FAQ) dành cho cộng đồng
*Lưu ý:Đây là thông tin chung, không phải là tư vấn pháp lý.
Bộ Nội An đã công bố quy định cuối cùng về Gánh nặng xã hội vào Thứ Tư, ngày 14 tháng 8 năm 2019. Quy định này dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 15 tháng 10 năm 2019. Nếu quý vị lo lắng hoặc băn khoăn về luật “gánh nặng xã hội” mới và có câu hỏi, chúng tôi hy vọng các câu trả lời dưới đây có thể giải quyết mối quan tâm của quý vị.
1. Các chương trình mới nào sẽ bị xem là gánh nặng xã hội?
- Trong nhiều thập kỷ, chương trình hỗ trợ tiển mặt là một phúc lợi được liệt kê theo dạng gánh nặng xã hội và đã bị giới hạn - chẳng hạn như Hỗ trợ tạm thời cho các gia đình nghèo khó (TANF) và Tiền trợ cấp cho người già (SSI) - và chương trình chăm sóc dài hạn do chính phủ chi trả. Theo quy định mới, các phúc lợi sau đây có thể bị xem là gánh nặng xã hội:
• Trợ cấp y tế Medicaid (được gọi là Medi-Cal ở California), nhưng có những miễn trừ dưới đây được áp dụng cho: o Trợ cấp y tế khẩn cấp o Phúc lợi cho những người dưới 21 tuổi o Phúc lợi cho phụ nữ trong thời gian mang thai và 60 ngày sau khi sanh o Dịch vụ tại trường dành cho học sinh trong tuổi giáo dục bậc trung học o Dịch vụ được tài trợ bởi Medicaid nhưng được cung cấp bởi Đạo luật Giáo dục cho người Khuyết tật
• Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP), hoặc Phiếu Thực phẩm, còn được gọi là CalFresh ở California.
• Hỗ trợ Nhà ở Section 8- phiếu giảm giá và hỗ trợ thuê nhà
• Nhà ở công cộng
Ngoài ra, các chương trình phi tiền mặt của chính quyền tiểu bang và chính quyền địa phương sẽ không được xem là gánh nặng xã hội như chương trình Trợ cấp y tế Medicaid và SNAP được tiểu bang tài trợ.
Luật mới đặt ra một định mức, theo đó một người bị xem là gánh nặng xã hội nếu họ nhận 12 tháng bất cứ một trong những chương trình này và trên 36 tháng. Thí dụ khác: nếu quý vị nhận phúc lợi của cùng một lúc 5 chương trình trong một tháng, thì điều này sẽ được tính là 5 tháng.
2.Có những yếu tố nào khác bị xem là gánh nặng xã hội không?
- Có, quy định cũng bao gồm các yếu tố khác có thể được sử dụng để xác định liệu một người nhập cư sẽ trở thành một gánh nặng xã hội trong tương lai hay không. Người nhập cư xin nhập cảnh hợp pháp hoặc thường trú hợp pháp sẽ được xem xét về các yếu tố như lợi tức và tài sản; khả năng Anh ngữ; trình độ học vấn; tình trạng sức khỏe; hoặc không có bảo hiểm sức khỏe tư, và không được sự trợ giúp của chương trình ACA để chi trả cho mình.
3. Khi nào luật mới sẽ có hiệu lực?
- Trừ khi có quyết định của tòa án để ngăn chặn luật thi hành, luật mới sẽ có hiệu lực vào ngày 15 tháng 10 năm 2019.
4. Tôi có nên ra khỏi chương trình Trợ cấp y tế Medicaid, SNAP và các chương trình công cộng khác ngay bây giờ không?
- Không. Luật sẽ không có hiệu lực cho đến ngày 15 tháng 10 năm 2019. Ngoài ra còn có nhiều vụ kiện để ngăn chặn luật có hiệu lực.
Ngoài ra, nếu Medicaid hoặc SNAP mà quý vị tham gia chỉ được tài trợ từ tiểu bang, thì nó sẽ không bị xem là gánh nặng xã hội.
5. Tôi là thường trú nhân hợp pháp (LPR) (nghĩa là tôi có thẻ xanh); Tôi có thể nộp đơn nhập tịch sau khi luật gánh nặng xã hội mới này thi hành hay không, nếu tôi sử dụng các chương trình phúc lợi xã hội?
- Có thể. Không phải thắc mắc hoặc băn khoăn về việc sử dụng các chương trình phúc lợi xã hội nếu quý vị là thường trú nhân (LPR) và đang nộp đơn vào quốc tịch.
6. Tôi là người tị nạn. Luật mới có sẽ áp dụng cho tôi không?
- Không. Luật về gánh nặng xã hội không áp dụng cho những người đến Mỹ theo diện tị nạn.
7. Luật này có ảnh hưởng đến tất cả mọi người không?
- Không, một số nhóm không phải là đối tượng cho gánh nặng xã hội. Nó bao gồm những người theo diện dưới đây: • Công dân Hoa Kỳ • Phần lớn những thường trú nhân hợp pháp • Người đào tị và người tị nạn • Tình trạng thiếu niên nhập cư đặc biệt • Diện phi di dân U • Người tự đứng đơn khiếu nại theo diện VAWA • Diện phi di dân T • Diện DACA • Diện TPS (Tình trạng được bảo vệ tạm thời) • Những người khác (diện con lai; thông dịch viên quân sự người Afghanistan và Iraq; một số đương đơn xin điều chỉnh người Cuba và Haiti; một số người Nicaragua và Trung Mỹ theo diện NACARA; đương đơn ghi danh; người được tạm tha của Liên Xô và Lautenberg Đông Nam Á)
8. Có bất kỳ cơ hội nào để tôi có thể bị trục xuất vì ĐANG sử dụng các chương trình phúc lợi xã hội không?
- Có, nhưng rất hiếm - chỉ khi (1) quý vị đang sử dụng hỗ trợ tiền mặt hoặc chăm sóc dài hạn trong vòng năm năm đầu tiên sau khi nhập cư, (2) quý vị hoặc người bảo lãnh hổ trợ của quý vị được yêu cầu thanh toán các chi phí cho các dịch vụ đã sử dụng và (3) quý vị hoặc người bảo lãnh hổ trợ của quý vị từ chối chi trả.
9. Trong tương lai, có bất kỳ cơ hội nào mà tôi có thể bị trục xuất vì sử dụng các chương trình phúc lợi xã hội không?
- Không. Không có thay đổi đối với các tiêu chuẩn trục xuất trong luật mới ngoài việc mở rộng xem xét các chương trình đến Trợ cấp y tế Medicaid, SNAP và chương trình Trợ cấp Nhà ở cũng như hỗ trợ tiền mặt và chăm sóc dài hạn. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đang lên kế hoạch thực hiện các thay đổi đối với các tiêu chuẩn trục xuất trong tương lai. Chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời này khi nó thay đổi.
10. Luật sư của tôi nói với tôi rằng tôi không nên tham gia vào bất kỳ chương trình phúc lợi xã hội nào như Medicaid hoặc SNAP. Tôi nên làm gì?
- Luật sư thường rất thận trọng, đặc biệt là trong thời điểm không chắc chắn. Luật sư có thể không quen thuộc với các quy định và điều kiện cho các chương trình này, và có thể không hiểu đầy đủ các vấn đề gánh nặng xã hội. Luật mới nói rằng những thay đổi sẽ không được áp dụng hồi tố. Việc đã và đang sử dụng các chương trình hỗ trợ mới này như (Trợ cấp y tế Medicaid, SNAP và hỗ trợ nhà ở), sẽ không được xem xét cho vấn đề nhập cư trước khi luật có hiệu lực.
11. Tôi là thường trú nhân hợp pháp (LPR); Tôi có phải lo lắng về gánh nặng xã hôi khi tôi trở về sau chuyến du lịch bên ngoài Hoa Kỳ không?
- Như trước đây, các thường trú nhân hợp pháp (LPR) được khuyên là KHÔNG nên đi ra ngoài Hoa Kỳ hơn 180 ngày. Nếu quý vị đã ở bên ngoài Hoa Kỳ hơn 180 ngày, quý vị có thể được coi là người mới nhập cư và có thể được coi là một gánh nặng xã hội sau khi luật mới được thi hành. Hiện tại quý vị là thường trú nhân hợp pháp (LPR), quý vị nên giới hạn đi du lịch ra nước ngoài và đi dưới 180 ngày.
12. Nếu tôi sử dụng các chương trình phúc lợi xã hội, tôi có thể bảo lãnh thân nhân trong gia đình hay không?
- Có thể không. Luật bảo lãnh tài trợ đã không thay đổi. Quý vị vẫn có thể kiến nghị để đưa thân nhân trong gia đình của mình đến Mỹ. Tuy nhiên, nếu quý vị đang sử dụng các chương trình phúc lợi xã hội, quý vị sẽ không thể nộp “một bản khai chứng nhận tài trợ” cho thấy quý vị có thể hỗ trợ tài chính cho thân nhân của mình. Quý vị có thể phải tìm người khác để nộp bản khai chứng nhận tài trợ.
13. Tôi không có giấy tờ định cư hợp pháp. Nếu tôi nộp đơn xin Trợ cấp y tế Medicaid, SNAP hoặc các chương trình khác cho con tôi, liệu họ có thể báo cáo về tôi cho cơ quan thực thi di trú hay không?
- Không. Thông tin quý vị cung cấp khi quý vị đăng ký vào các chương trình phúc lợi xã hội sẽ không được sử dụng cho mục đích thực thi luật di trú. Luật mới không thay đổi điều này. Nếu quý vị nộp đơn cho con của quý vị, quý vị sẽ chỉ được yêu cầu cung cấp thông tin về tình trạng nhập cư của con mình. Nếu quý vị không có giấy tờ định cư hợp pháp và nộp đơn thay mặt cho con mình, quý vị không nên cung cấp bất kỳ thông tin nào về tình trạng nhập cư của chính mình. Quý vị có thể nói, ‘tôi không đăng ký bảo hiểm y tế (hoặc Phiếu Thực phẩm) cho bản thân tôi.”
--------------------------------------------
XEM THÊM
Đừng lấy oán báo ơn Linh Kochan, PIVOT Member August 30, 2019 https://www.pivotnetwork.org/tieng-viet/dung-lay-oan-bao-an
Bạn có là người Việt tị nạn năm 75? Bạn có là người Việt vượt biển sau năm 75? Bạn có là người Việt qua diện HO?
Bạn bây giờ là người Việt Mỹ? Bạn ủng hộ Trump về mọi mặt? Bạn cho rằng những người tị nạn bây giờ là bất hợp pháp, không có quyền xin tị nạn, phải trở về nước của họ? Bạn cho rằng người Việt tị nạn giỏi hơn, hay hơn, cao cả hơn những người tị nạn bây giờ? Bạn có nhớ lịch sử của người tị nạn Việt Nam - đã bỏ Việt Nam và đến những nước khác bất hợp pháp để xin tị nạn, phần đông không biết tiếng Anh và chỉ có hai bàn tay trắng với một mảnh áo trên thân? Bạn nghĩ gì khi chính những người đến nước Mỹ trước bạn, gồm luôn cả những người di dân Việt trước 75, 62% người Mỹ đã không ủng hộ tị nạn Việt Nam, đã cho bạn là "Việt cộng, ma cô, đĩ điếm, ăn cướp, những tệ nạn xã hội"?
Nếu như chính sách của Mỹ lúc đó như chính sách của Mỹ bây giờ, nếu như chính phủ Mỹ đã làm theo ý muốn của phần đông dân số Mỹ chống đối tị nạn Việt Nam, bạn có nghĩ mình và các con cháu mình được sinh sống trên đất Mỹ ngày hôm nay?
Sau năm 75, chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt. Mỹ đã phủi tay với Việt Nam. Họ không có nợ gì với người Việt. Họ không phải làm gì cho người Việt. Họ không phải nhận người Việt tị nạn. Họ có thể bắt bạn trở về Việt Nam để bạn rồi cũng như số phận của hàng triệu người Việt khác - Đi tù, đi kinh tế mới, không có công ăn, việc làm, không có tương lai. Nhưng chính phủ Mỹ đã đi ngược lại sự chống đối của phần đông công dân Mỹ để chấp nhận người tị nạn Việt Nam. Những người tị nạn Việt Nam đã mang ơn rất lớn của nước Mỹ.
Người Việt mình có câu, "Đừng lấy oán báo ơn". Đừng vì sự kỳ thị, khinh miệt, ghen tuôn, cuồng tín mà quay lưng lại với những người tị nạn đến sau mình. Mình đều là con người với nhau. Gia đình nào cũng muốn có một cuộc sống và tương lai tốt đẹp cho mình và con cái mình. Cái đồng tiền, chức vụ, trí tuệ không phải là cái để so sánh ai hơn ai. Bạn đã được người khác giúp đỡ vì lòng nhân đạo của họ. Bạn hãy vì lòng nhân đạo, đưa tay ra giúp đỡ những người kém may mắn khác hoặc ít nhất đừng chà đạp, hất hủi những người tị nạn đến sau mình. "Đừng lấy oán báo ơn".
Bây giờ, những người Việt tị nạn đã trở thành công dân Mỹ, đã gọi nước Mỹ là quê hương thì không một ai khác có thể đuổi người Việt Mỹ ra khỏi nước Mỹ. Và ngược lại, những người Việt Mỹ cũng nên đừng có những lời lẽ như Trump để đuổi những người Mỹ khác không đồng ý với mình ra khỏi nước Mỹ hoặc tước đi cái quyền của những người tị nạn muốn xin định cư tại Mỹ. Bạn đã được sống "The American Dream" của bạn. Hãy cho người khác có cơ hội được kiếm "The American Dream" của họ.
Bạn đã bỏ thí mạng sống để đi tìm sự công bằng, tự do, nhân đạo và dân chủ cho mọi người, hãy đừng để mất những giá trị quý báu đó trong bạn.
Source: Nhân Quyền Cho Việt Nam