Con số kỳ diệu đằng sau các cuộc biểu tình

Darian Woods * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch 
Người Hong Kong chỉ cho thế giới cách phản kháng. 
Vào ngày 16 tháng Sáu, theo những người tổ chức biểu tình, khoảng 2 triệu người xuống đường. Họ chống lại dự luật cho phép dẫn độ từ Hong Kong sang Trung Quốc đại lục. Bà Carrie Lam, trưởng đặc khu Hong Kong, đã xin lỗi và hoãn xem xét dự luật. Nhưng người biểu tình muốn phải vĩnh viễn bãi bỏ dự luật, Nhiều người đang đòi bà Carrie Lam từ chức. Liệu họ có đạt được điều họ muốn? Cuộc nghiên cứu về các phong trào phản kháng nói gì?

Những người biểu tình ở Hong Kong có hai đặc trưng mà thật sự khiến họ dễ thành công: bất bạo động và hơn 3.5% dân số tham gia. 
Theo Gandhi hay những người Bolshevik? 
Trước hết, tại sao bất bạo động? Chẳng lẽ súng và xe tăng chẳng có hiệu quả hay sao, cho dù ta thích chúng hay không? 
Nhà khoa học chính trị Erica Chenoweth ở Đại học Harvard trước đây cũng thường tin điều này. Vào năm 2006, bà đến dự cuộc hội thảo về bất bạo động và cố ý gây tranh cãi. Bà Chenoweth đã nói với giới trí thức ở đấy rằng bà có thể "nghĩ đến nhiều trường hợp nơi bạo động rất thành công, như các cuộc cách mạng ở Algeria, Pháp và Nga." 
Maria Stephan, hiện nay là giám đốc viện Institute of Peace Hoa Kỳ, cũng có mặt ở đấy. Bà nói với Chenoweth, "Nếu chị quả thật hoài nghi về phản kháng bất bạo động... thì chị thử chứng minh điều ấy xem sao? " 
Bất bạo động thành công gấp hai lần 
Thế là Chenoweth nghiên cứu 323 phong trào thay đổi chế độ hay tự quyết trên toàn thế giới từ năm 1900 đến 2006. 
Rồi Stephan và Chenoweth cùng nhau viết bài và sách dựa trên những dữ liệu tìm thấy. Họ khám phá ra rằng trong suốt khoảng thời gian ấy những phong trào bất bạo động chính thành công 53%, trong khi ấy trong cùng thời gian những phong trào bạo động thành công chỉ 26%. 
Nhưng phải chăng bất bạo động tạo ra tỷ lệ thành công cao hơn? Hay phải chăng ta rất có thể chọn tọa kháng hơn là đấu súng khi ta biết chắc ta có thể thắng rồi? Khi Stephan và Chenoweth bao gồm thêm những dữ kiện về lý do các phong trào bất bạo động ngả sang bạo lực thì phản kháng ôn hòa vẫn thắng thế. Khả năng thành công không phải là một yếu tố trong việc liệu phong trào trở nên bạo lực. 
"Tôi ngạc nhiên", Chenoweth nói. "Tôi tưởng, về căn bản, cao lắm cũng không có sự khác biệt lớn giữa hành động vũ trang và không vũ trang." 
Con số kỳ diệu của những cuộc biểu tình 
Yếu tố kế tiếp: con số 3.5% ấy. "Một trong những câu hỏi các nhà hoạt động thường hỏi tôi là cuộc biểu tình cần bao nhiêu người," Chenoweth nói. " Cần bao nhiêu người tham gia để cuộc biểu tình bắt đầu có kết quả? " 
Dùng những báo cáo và những bài báo lịch sử, tập hợp dữ liệu của bà đã mã hóa số người có thể thấy được trên những tuyến đầu, cho dù là đình công, xuống đường, hay tham gia cuộc tọa kháng. 
Ró ràng là càng nhiều người tham gia được ghi nhận thì khả năng thành công càng cao. Nhưng khi số người tham dự trong dân chúng đạt đến ngưỡng 3.5 % thì khả năng thành công rõ ràng trở nên tất yếu. Những trường hợp như thế bao gồm Cách mạng Quyền lực Nhân dân ở Philippines và Cách mạng Hoa hồng ở Georgia. 
"Trên cái ngưỡng 3.5% ấy chưa từng có phong trào nào thất bại, và tôi hơi ngạc nhiên vì cái ngưỡng ấy khá nhỏ," Chenoweth nói. 
Nhưng Chenoweth vội nhấn mạnh rằng 3.5% chứng tỏ rất nhiều người nữa ủng hộ sự nghiệp. Điều ấy đưa chúng ta trở lại Hong Kong. 
Những người Hong Kong có những con số ở về phía họ 
Những cuộc biểu tình của Hong Kong cực kỳ lớn: theo tính toán của những người tổ chức gần 30% dân Hong Kong xuống đường. Ngay cả con số cảnh sát ước tính thấp hơn rất nhiều là gần 5%, nhưng cũng đã vượt xa ngưỡng 3.5%. 
Chenoweth nói những cuộc biểu tình này thiên về cải cách hơn các phong trào trong tập hợp dữ liệu của bà. Nhưng nếu những người biểu tình luôn luôn tuân thủ những nguyên tắc của bà và Stephan, "thì họ rõ ràng thuộc về những loại phong trào mà chúng tôi thấy cuối cùng thường thành công." 
Ngoài những cuộc xung đột lẻ loi với cảnh sát, những người biểu tình vẫn bất bạo động. Liệu chính quyền sẽ hoàn toàn đáp ứng những yêu cầu của những người biểu tình hay không thì không rõ ràng. Điều rõ ràng là chiến thuật -và số người tham gia-đang đứng về phía những người biểu tình. 
Darian Woods
Nguồn: 
https://www.npr.org/sections/money/2019/06/25/735536434/the-magic-number-behind-protests
Người dịch:
Trần Quốc Viêt danlambaovn.blogspot.com

Source: Dân Làm Báo

© 2016 About Us | Terms & Conditions