Tổng hợp thông tin Tiên Lãng 09.02.2012

Khi Bí thư Hải Phòng "cởi mở" đến...bất ngờ

Khôi Nguyên (TuanVietnam) Việc gặp gỡ báo chí để thông tin đến người dân cả nước chiều 7/2 của Bí thư Hải Phòng Nguyễn Văn Thành là sự "cởi mở" tự thân hay lãnh đạo Hải Phòng đã ở vào tình thế "nước đến chân", "cực chẳng đã"? 

Có lẽ, ngày hôm qua (7/2) là ngày mà ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Hải Phòng "cởi mở" nhất với báo chí và dư luận cả nước. Sau khi dự họp báo công bố những kết luận ban đầu về vụ việc thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn tại huyện Tiên Lãng, Bí thư Nguyễn Văn Thành còn trả lời phỏng vấn VTV một cách "cởi mở" đến... bất ngờ.

Lẽ tất nhiên, nội dung trả lời báo chí của ông Nguyễn Văn Thành cũng như cách thức xử lý vụ việc ban đầu ở huyện Tiên Lãng của thành phố Hải Phòng đúng, sai thế nào, hợp lý hay chưa còn phải chờ những kết luận chính thức của nhiều cơ quan chức năng. Nhiều cơ quan đã vào cuộc thời gian qua và cũng chỉ còn ít ngày nữa những kết luận của họ sẽ được công bố rộng rãi. 

Nhưng vấn đề cần được bàn đến và cần được nhìn nhận nhiều chiều là việc gặp gỡ báo chí để thông tin đến người dân cả nước là sự "cởi mở" tự thân hay lãnh đạo Hải Phòng đã ở vào tình thế "nước đến chân", "cực chẳng đã"...? 

Ai cũng biết, vụ việc ầm ĩ ở huyện Tiên Lãng đã bùng phát từ lâu nhưng cách đây vỏn vẹn ba ngày mới thấy báo chí đưa tin lãnh đạo thành phố Hải Phòng xuống huyện Tiên Lãng tiếp xúc vớí người dân. Quãng đường từ trụ sở các cơ quan của thành phố Hải Phòng đến huyện Tiên Lãng cũng chưa đầy 30km. Trong khi đó, trước khi lãnh đạo Hải Phòng xuống gặp dân đã có tới 6 đoàn trung ương gồm Măt trận Tổ quốc, Hội Nông dân Việt Nam, các đoàn của bốn bộ Tài nguyên- Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tư pháp, Công an phải vào cuộc và đã xuống gặp người dân trước đó. Bí thư Nguyễn Văn Thành có nói bản thân ông theo dõi báo chí thường xuyên về vụ việc tại Tiên Lãng thế nhưng vụ việc xảy ra cả tháng trời mà đích thân Bí thư Nguyễn Văn Thành mới xuống Tiên Lãng tiếp xúc với người dân thì đây rõ ràng là một sự quan liêu, tắc trách hay nói nhẹ hơn là không nhận thức được tầm quan trọng của vụ việc trên địa bàn. 

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành (giữa). Ảnh: QĐ-Dân Trí 

Cũng cần nói thêm là trước khi thành phố Hải Phòng họp báo, Bí thư Hải Phòng trả lời báo chí thì ai cũng biết chỉ còn vài ngày nữa đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp về vụ việc này. 

Trong khi trả lời báo chí, Bí thư Nguyễn Văn Thành có nhắc tới nghị quyết Trung ương 4. Xin trích nguyên văn một đoạn trong bản nghị quyết này: "Cán bộ chủ chốt và cán bộ dân cử các cấp phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, chủ động nắm bắt tâm tư, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời". Cứ xét theo nội dung này của nghị quyết, có lẽ, trước khi trả lời báo chí Bí thư Hải Phòng Nguyễn Văn Thành chưa thuộc hết nghị quyết hay nói cách khác là giữa việc nói và làm của ông Nguyễn Văn Thành chưa nhất quán

Những nhà báo trực tiếp tác nghiệp tại Hải Phòng thời gian qua chắc hẳn ngay từ những giờ đầu tiên đặt chấn đến thành phố này ai ai cũng mong muốn được gặp, được biết quan điểm của người đứng đầu cấp ủy thành phố cảng ra sao trong việc giải quyết vụ việc ở Tiên Lãng . Thế nhưng chưa một tờ báo nào có được vinh hạnh này. 

Cho đến tận chiều ngày 7-2 Bí thư Nguyễn Văn Thành xuất hiện để chủ trì một cuộc họp báo. Điều đó khiến sự "cởi mở" của ông bí thư làm cho nhiều người cảm thấy bất ngờ là vậy.


*

GS.Đặng Hùng Võ không đồng ý kết luận Thành ủy Hải Phòng

"Chúng ta hy vọng rằng các cơ quan sẽ xử lý một cách chính xác với mục tiêu pháp luật đất đai được thực thi nghiêm. Không có chuyện địa phương cấp xã, cấp huyện lại thực hiện trái pháp luật đất đai."

Vụ việc thu hồi, cưỡng chế đất đối với nông dân Đoàn Văn Vươn tại xã Quang Vinh, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đang thu hút sự chú ý của dư luận cả nước, đặc biệt là khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hải Phòng kiểm tra làm rõ đúng, sai, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc giao đất, sử dụng đất, thu hồi đất, tổ chức cưỡng chế đối với hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn. 

Ngày 7/2, một lần nữa, vụ việc này lại trở thành tâm điểm của dư luận khi ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã thông báo quyết định đình chỉ công tác với Chủ tịch Lê Văn Hiền và Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Khanh để kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, cùng với đó chỉ ra những sai sót của lãnh đạo huyện Tiên Lãng. 

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường trả lời xung quanh vấn đề này.

PV: - Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng vừa ra quyết định đình chỉ công tác đối với Chủ tịch huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền và Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khanh để kiểm điểm trách nhiệm cá nhân. Theo ông, đây là quyết định vì sự thật, công bằng hay chỉ là biện pháp nhằm trấn an dư luận?

GS. Đặng Hùng Võ: - Chúng ta nên tin đó là sự thật. Sau khi thảo luận thì tổ chức đã nhận ra những thiếu sót, những sai phạm trong khi thực hiện việc quản lý đất đai, xử lý đất đai ở Tiên Lãng. Và chúng ta tin rằng đó là sự thật. Nếu còn có vấn đề gì thì đó là câu chuyện sau này.

GS. Đặng Hùng Võ. Ảnh: GD 

PV: - Vụ "cưỡng chế" đất đai nhà ông Đoàn Văn Vươn đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nhưng lãnh đạo huyện Tiên Lãng chỉ bị cách chức, kiểm điểm, ông nghĩ sao?

GS. Đặng Hùng Võ: - Tôi cho rằng đây là xử lý bước đầu. Và quyết định đình chỉ công tác để kiểm điểm là xử lý bước đầu. Còn khi kiểm điểm, khi xem xét tiếp vụ việc thì sẽ có nhiều việc khác, ở mức độ nghiêm trọng có liên quan đến các cá nhân này.

Sau khi tổ chức Đảng chủ trì kiểm điểm cá nhân đó và chính quyền cũng như vậy thì câu chuyện nó mới là bắt đầu. Thành ra chúng ta chưa thể nói đó là nặng hay nhẹ được.

PV: - Bí thư Thành ủy Hải Phòng có dẫn chứng ra lý do sai phạm của chính quyền Tiên Lãng rằng: "Không có phương án sử dụng đất đai sau khi thu hồi để công khai đối với người có đất bị thu hồi". Thưa ông, điều này có nghĩa sai phạm của lãnh đạo huyện Tiên Lãng chỉ là "chưa đưa ra phương án sử dụng đấy sau khi thu hồi", còn việc thu hồi đất nhà ông Vươn vẫn đúng luật?

GS. Đặng Hùng Võ: - Hôm qua tôi có nghe trên truyền hình, tôi cũng không đồng ý với nhận định đó.

Bởi vì ở đây phải nói việc thu hồi là không đúng luật chứ không phải là chưa có phương án sử dụng đất đai sau khi thu hồi. 

Theo tôi, đây mới chỉ là ý kiến riêng của đồng chí Bí thư đã phát biểu trên truyền hình. Tất nhiên, đồng chí có nói một ý rằng mọi việc tiếp theo về mặt pháp luật còn chờ ý kiến của Bộ Tài nguyên Môi trường.

Tôi cho rằng, đây mới chỉ là nhận định ban đầu và còn rất nhiều ý kiến của các Bộ có liên quan chứ không phải chỉ ý kiến của Bộ Tài nguyên Môi trường cũng như các tổ chức như Mặt trận Tổ Quốc. Cá nhân tôi cho rằng, Hội Nông dân cũng cần phải có ý kiến.

Và cuối cùng là quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đấy là yếu tố quan trọng nhất

PV: - Ông nhận xét gì về "lý do" cách chức, "làm rõ trách nhiệm cá nhân" như vậy?

GS. Đặng Hùng Võ: - Tôi vẫn cho rằng, bước đầu chúng ta phải làm như thế là hoàn toàn đúng. Bởi vì bước đầu để xem xét một việc cụ thể thì phải có chuyện kiểm điểm cá nhân, cá nhân nhận thức về những chuyện đã xảy ra.

Sau đó còn ý kiến của nhiều phía nữa thì mới có thể dẫn đến kết luận về sai phạm thấu đáo được.

PV: - Sự việc xảy ra được hơn 1 tháng nhưng cho đến nay lãnh đạo Hải Phòng nói rằng chưa có kết luận ai là người phá dỡ nhà ông Vươn? Dư luận nghi ngờ phải chăng lãnh đạo Hải Phòng vẫn còn bao che cho cấp dưới. Ông nghĩ sao về việc này?

GS. Đặng Hùng Võ: - Không thể kết luận ngay như thế được, bởi trước một vụ gọi là "phá nhà" mang tính chất phá hoại tài sản, tức là mang yếu tố hình sự mà để kết luận yếu tố hình sự thì chúng ta phải có thời gian, phải điều tra từ nhiều phía. Và tôi tin rằng, Hải Phòng cũng đang cho làm việc đó để có thể kết luận việc này.

Trước đây, Hải Phòng nói rằng là do dân phá. Thế nhưng báo chí chứng minh rằng không phải dân phá. Sau đó, về phía huyện Tiên Lãng cũng xác nhận không phải dân phá. Vậy thì, ở đây là ai phá? 

Tất cả điều đó cho chúng ta thấy câu chuyện cũng phức tạp. Điều quan trọng nhất là vấn đề ai ra lệnh phá, tức là có người ra lệnh phá hay không? Nếu có thì là ai? Hay là tự họ tham gia vào việc phá? Họ phá chỉ vì muốn vơ vét của hay phá vì mục đích gì? Tất cả đều đang để ngỏ. Chúng ta phải có công tác điều tra xem xét cụ thể.

Sáng nay, báo chí cũng thông tin một số người dân tố cáo lãnh đạo Tiên Lãng và xã Vinh Quang đến thuê họ lái máy xúc phá nhà ông Vươn.

Chưa biết cụ thể thực hư vụ việc thế nào nhưng tôi cho rằng người phá cụ thể là có, nhân dân biết, vậy thì phải bắt đầu từ những người đó. Và đó là thủ tục của công tác điều tra.

PV: - Qua vụ việc này GS có kiến nghị, đề xuất gì với Chính phủ và các cấp tổ chức thanh tra việc sử dụng đất đai tại các địa phương, đặc biệt là đất nông nghiệp?

GS Đặng Hùng Võ: - Những đề xuất đó, tôi cũng đã nói rất nhiều trong phần sửa Luật đất đai. Lần này tôi cho rằng câu chuyện đó là câu chuyện khác.

Ví dụ chúng ta có đổi mới về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, hoặc kéo dài ra hoặc bỏ thời hạn... Những thứ ấy hiện nay đang nằm trong vòng thảo luận của cơ quan xây dựng pháp luật. Đó cũng là một trong những tiêu điểm sẽ được xem xét ở Hội Nghị TƯ lần tới và cũng được xem xét ở Quốc hội thông qua Luật đất đai mới.

Tất cả những câu chuyện đó tôi cho rằng đây là hệ quả, một sự bức xúc về pháp luật. Nó cũng là một yếu tố dẫn đến câu chuyện ở Tiên Lãng. Nhưng ta hãy để riêng chuyện đó ra, còn hiện nay chúng ta thấy rằng những xử lý mới bắt đầu.

Vậy thì chúng ta hy vọng rằng các cơ quan sẽ xử lý một cách rất chính xác với mục tiêu pháp luật đất đai được thực thi nghiêm. Không có chuyện địa phương cấp xã, cấp huyện thực hiện trái pháp luật đất đai.

Mục đích của chúng ta là sao cho người nông dân, những người trực tiếp sản xuất, những người rất cần sử dụng đất ổn định có thể đầu tư dài hạn, làm tăng năng suất và sản lượng của nông nghiệp. 

Đó là những việc mà không chỉ tôi mà ai cũng muốn như vậy. Một đất nước pháp quyền thì phải có việc thực thi pháp luật nghiêm đối với tất cả các ngành luật khác nhau trong đó có luật đất đai.

Sự việc này Thủ tướng cũng có chỉ đạo làm rõ, tôi rất tin tưởng vào sự sáng suốt của Thủ tướng, và rất tin tưởng Thủ tướng sẽ có những quyết định chính xác để tạo ra những bước đi mới về mặt quản lý cho nước ta.

PV: - Xin cảm ơn GS!

Khải Nguyên/PNTD


*

Người dân Tiên Lãng chưa thỏa mãn với mức kỷ luật cán bộ 

Một ngày sau khi Hải Phòng quyết định kỷ luật hàng loạt cán bộ liên quan đến vụ cưỡng chế đầm của ông Đoàn Văn Vươn, người dân Tiên Lãng tập trung khá đông trên cống Rộc và cho biết chưa thỏa mãn với kết quả xử lý.

Chiều 8/2, thời tiết khá lạnh nhưng nhiều người dân vẫn tập trung về cống Rộc ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, để xem công an khám nghiệm hiện trường và bàn tán về sự việc. Bà Thàm (60 tuổi) ở xóm Chùa cho biết, kể từ sau vụ cưỡng chế, bà thường xuyên theo dõi vụ việc. Bà mong từng ngày công bố kết quả ai đúng, ai sai để dân nơi đây còn yên tâm làm ăn. 

"Chúng tôi già rồi không nói làm gì nhưng nếu vụ này không làm rõ và nhanh thì tầng lớp thanh niên sẽ mất hết lòng tin. Tới đây, ai sẽ dám học hỏi làm ăn kinh tế như anh Vươn...", bà Thàm nói. 

Người phụ nữ thuần nông cho biết tối 7/2 xem chương trình thời sự thấy nhắc đến việc thành phố kỷ luật một số lãnh đạo như ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch huyện; ông Nguyễn Văn Khanh, Phó chủ tịch huyện... 

"Ông Hiền dù có công đến mấy nhưng khi có tội vẫn phải chịu. Hiện nay mới tạm đình chỉ công tác thì chưa nói được gì...", bà lão tuổi 60 chia sẻ. 

Phó chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam Vũ Văn Trác đến đầm nhà ông Vươn chiều 8/2. 
Ảnh: Tiến Dũng.

Bà Mơ, 57 tuổi, ở xóm Chùa xã Vinh Quang kể, dù không có quan hệ huyết thống nhưng nhiều ngày qua bà đã phải rơi nước mắt cho số phận vợ con của anh em ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý. Căn nhà 2 tầng bao công xây dựng, đầm tôm cá tốn bao nước mắt cũng như tiền bạc đầu tư vào đó giờ chưa biết kết quả điều tra cuối cùng của cơ quan chức năng đi đến đâu. 

Cũng kể từ khi xảy ra sự việc, bà Mơ cho hay vẫn thường đi qua lán dựng tạm, nơi vợ ông Vươn, vợ ông Quý và 4 đứa con của họ sinh sống, để động viên. Theo bà, lãnh đạo Thành ủy khá thẳng thắn nhìn nhận và xử lý nhưng đến giờ chỉ mừng thầm được một nửa. Mọi việc đều phải chờ cơ quan pháp luật phán quyết. 

"Giờ tôi chỉ mong đầm của chủ nào vẫn là của chủ đó và thực hiện theo đúng luật. Nếu Vươn phạm tội gì thì xử tội đó, còn đầm thì có thể giao cho vợ con anh ta quản lý tiếp...", bà Mơ nói. 

Đứng ở khu đầm 12,5 ha nằm ngay sát đầm nhà ông Vươn, ông Vũ Văn Họa (thôn Chùa Trên) cho rằng, việc đình chỉ công tác lãnh đạo huyện và xã chưa được rõ ràng, cần làm rõ tội của từng người. 

"Những ông có tội, khả năng chỉ bị kiểm điểm. Và kiểm điểm xong sau này quay lại làm thì sẽ khổ người dân. Những ai có năng lực lãnh đạo thì làm, không thì cho nghỉ hẳn. Không hiểu gì về luật thì sẽ lại gây ra vụ như anh Vươn. Cứ kéo dài như thế này, người dân bức xúc lắm", ông Họa chia sẻ. 
Người dân ngồi trên cống Rộc bàn tán về vụ phá đầm ông Vươn chiều 8/2. Ảnh: Hà Anh.

Cũng có 23 ha đầm ở xã Tây Hưng (Tiên Lãng) trong tình trạng sắp bị thu hồi vì hạn điền 14 năm, ông Hoàng Văn Tin cho biết, quyết định xử lý của Hải Phòng đối với các lãnh đạo xã, huyện liên quan đến vụ cưỡng chế đầm của ông Vươn mới cho thấy hiện tượng bề nổi, đằng sau đó còn rất nhiều vấn đề. 

"Giờ nói ra thì phải có chứng cứ, còn thực chất thông tin ngầm thì chúng tôi hiểu rất nhiều. Tôi muốn hỏi tại sao ông Bí thư huyện ủy lại để cho chính quyền làm việc này? Ông bí thư không biết hay là làm ngơ?", ông chủ 23 ha đầm trong diện thu hồi nói thêm. 

Lý giải cho hành vi của ông Vươn, ông Tin cho hay, khi thu hồi đất của ông Vươn, huyện Tiên Lãng không hề có biên bản kiểm kê tài sản, đến ngày đưa luôn lực lượng xuống tịch thu và phá hủy tài sản. Điều này dẫn đến việc chống trả chứ nếu làm đúng quy trình, dân sẽ bàn giao. 

"Mong mỏi của chúng tôi là làm sao huyện thu hồi thông báo dừng đầu tư và quyết định thu hồi đất, để giao lại cho người dân tiếp tục sản xuất; đồng thời đề nghị xử lý nghiêm những cán bộ, công chức để xảy ra vụ việc, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của chúng tôi để đổi mới đội ngũ cán bộ", ông Tin chia sẻ.

Không đồng tình với cách cưỡng chế, phá nhà cũng như mức kỷ luật một số cán bộ huyện, xã tham gia phá nhà ông Vươn, ngày 8/2, một công chức gần 50 tuổi ở quận Hồng Bàng lên tiếng: "Với cách trả lời của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành tôi cho rằng còn nhiều mập mờ chưa được rõ ràng. Tôi nghĩ không phải ai cũng thỏa mãn". 

Theo người phụ nữ này, mọi việc cần phải nhìn nhận từ gốc. Bà đặt ra hàng loạt câu hỏi: "Chính quyền có cần thiết cưỡng chế một gia đình chưa có tiền án tiền sự với sự tham gia của cả trăm người? Liệu ông Vươn có bị dồn nén đến bước đường cùng nên mới phạm pháp?". 

Những ngày qua, câu chuyện của ông Vươn không chỉ xuất hiện ở quán nước ven đường, cà phê mà còn ở chốn công sởr thành phố Cảng. Hầu hết người dân kỳ vọng vào phán quyết của Thủ tướng trong buổi họp cuối tuần này. 

Hà Anh - Tiến Dũng



Liên chi hội thủy sản không đồng tình việc kỷ luật ở Tiên Lãng 

Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đã có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị kỷ luật thêm 7 cán bộ huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang vì được cho là có sai phạm trong việc cưỡng chế thu hồi đất đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn. 

Văn bản do Phó chủ tịch Liên chi hội Lương Văn Trong ký ngày 7/2 nêu rõ tổ chức này không đồng tình với việc xử lý cán bộ huyện Tiên Lãng do Thành ủy Hải Phòng công bố chiều cùng ngày. 

Liên chi hội bày tỏ ngoài chủ tịch, phó chủ tịch huyện Tiên Lãng bị đình chỉ công tác thì "người phải chịu trách nhiệm đầu tiên về Đảng, đã để xảy ra một việc đặc biệt nghiêm trọng như vậy" phải là Bí thư Đảng bộ huyện Tiên Lãng và đề nghị cách chức, buộc thôi việc và khai trừ Đảng ông này. 

Ngoài ra, tổ chức này đề nghị cách chức, buộc thôi việc, khai trừ Đảng đối với 6 cán bộ huyện Tiên Lãng làm việc tại Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tư pháp huyện Tiên Lãng, Ban Tuyên giáo Huyện ủy và Chánh văn phòng UBND huyện. 

Theo Liên chi hội, những cán bộ này đã tham mưu cho huyện về quản lý, sử dụng đất đai, giải quyết khiếu nại, tuyên truyền sai sự thật về việc cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ ông Đoàn Văn Vươn... 

Vợ ông Vươn đã dựng lại túp lều trên nền căn nhà bị san phẳng sau vụ cưỡng chế. 
Ảnh: Nguyễn Hưng.

Liên chi hội cũng đề nghị cách chức, khai trừ đảng, buộc thôi việc đối với hai lãnh đạo của xã Vinh Quang vì trực tiếp chỉ đạo việc thu hồi, cưỡng chế đất. 

Riêng trường hợp ông Nguyễn Văn Khanh, Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, Liên chi hội bày tỏ sự không đồng tình việc đình chỉ công tác ông này vì cho rằng ngày 18/10/2010 và liên tiếp trong năm 2011, ông Khanh đã phản đối việc cưỡng chế đất của Chủ tịch huyện. 

"Nhưng Huyện ủy, UBND huyện Tiên Lãng buộc ông Khanh làm trưởng đoàn cưỡng chế là có vấn đề không lành mạnh cần xem xét", văn bản của Liên chi hội nêu rõ. 

Ngoài ra, Liên chi hội cũng đề nghị Thủ tướng cho phép cử đại diện tham gia cuộc họp (dự kiến ngày 10/2) để báo cáo "thông tin khách quan tốt nhất, thực tế nhất, để Thủ tướng nắm được những thông tin đa chiều, khách quan khi giải quyết vụ việc, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên". 

Trước đó chiều 7/2, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành đã họp báo công bố chủ trương kiểm điểm tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy và Bí thư huyện ủy về trách nhiệm thiếu lãnh đạo kiểm tra để xảy ra hậu quả do chưa thực hiện đầy đủ trình tự đền bù, hỗ trợ và thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai. 

Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền và Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Khanh, người trực tiếp lãnh đạo tổ chức cưỡng chế thu hồi đất, bị đình chỉ công tác để kiểm điểm trách nhiệm cá nhân. 

Ngoài ra, các ông Lê Văn Mải, Trưởng công an huyện Tiên Lãng, Phạm Đăng Hoan, Bí thư Đảng ủy và Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang bị kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc sau khi có kết luận về trách nhiệm cá nhân. 

Ngày 5/1/2012, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương, trong số này có người đứng đầu công an huyện Tiên Lãng. 

Ngày 10/1, 4 bị can gồm: Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, song được tại ngoại và cho áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.

Hà Anh


*

Vụ cưỡng chế: Tâm trạng trái chiều sau kết luận của TU Hải Phòng 

(GDVN) - Hầu hết người dân được hỏi đã bày tỏ nỗi vui mừng khi Thành ủy Hải Phòng ra quyết định đình chỉ công tác đối với lãnh đạo Tiên Lãng. Một số người lại bày tỏ nuối tiếc cho vị Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng!

Có mặt tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng ngay sau khi Thành ủy Hải Phòng có quyết định đình chỉ công tác hàng loạt cán bộ huyện Tiên Lãng, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam ghi nhận ý kiến người dân tại đây. Khi phóng viên muốn tìm hiểu về dư luận tại địa phương, một số người bày tỏ sự e ngại vì cho rằng sợ phóng viên là người của báo, đài địa phương (?). 

Một số người dân bày tỏ sự vui mừng đối với quyết định của Thành ủy Hải Phòng 

Tuy nhiên khi biết phóng viên là báo từ Hà Nội xuống, nhiều người đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình nhưng họ e ngại không dám cung cấp tên tuổi cho phóng viên. Hầu hết người dân ở đây cho rằng, tuy quyết định kỷ luật một số cán bộ của Thành ủy Hải Phòng hơi muộn nhưng họ hoan nghênh quyết định trên. Đồng thời họ còn đề nghị làm rõ việc xử lý một số lãnh đạo thành phố Hải Phòng phát biểu là người dân ra đập phá nhà của ông Vươn.

“Ông Vươn là người đầu tiên khai phá mảnh đất trên, trước đó ngày đêm chúng tôi đã phải nghe tiếng sóng của biển vỗ vào tận trong đê. Khi có bão, nước tràn qua cả đê. Từ khi ông Vươn tiến hành khai phá, trồng cây chắn sóng, người dân đã yên tâm mỗi khi mùa lũ bão về”, một người dân cho biết.

Source: Dân Làm Báo