Đài Loan cấm hoạt động môi giới hôn nhân quốc tế



Mặc Lâm, phóng viên đài RFA, Bangkok
2009-08-09

Đài Loan đã chính thức rút giấy phép hoạt động của tất cả các công ty môi giới hôn nhân với người nước ngoài, ngoại trừ các tổ chức bất vụ lợi.

Việc cấm cô dâu nước ngoài đã tác động mạnh đến những gia đình đang theo đuổi ước mơ lấy chồng nước ngoài trong đó Việt nam là nước chiếm tỷ lệ lớn nhất.

Bên cạnh sự thất vọng này là các mặt tích cực cho vấn đề xã hội đang làm nhiều nhà xã hội học suy nghĩ. Mặc Lâm có bài viết về vấn đề này sau đây.

VN đứng đầu các nước có phụ nữ tìm chồng Đài Loan

Bắt đầu từ ngày 1-8 các công ty thương mại môi giới hôn nhân ở Đài Loan đã bị chính quyền nước này thông báo cấm hoạt động môi giới hôn nhân quốc tế.

Đây là nỗ lực của chính quyền Đài Loan nhằm giảm bớt các vụ hôn nhân giả, đã xảy ra tại Đài Loan nhằm đem các cô gái từ trung Quốc vào Đài Loan một cách hợp pháp.

Riêng đối với những trường hợp khác, chẳng hạn những thanh niên Đài Loan vì khó thể kiếm vợ tại xứ của mình bởi nhìêu lý do, từ thu nhập đến địa vị xã hội cũng như ngoại hình khó đạt đựơc tiêu chuẩn của các cô gái Đài Loan trong thời đại mới đã khiến số người ế vợ này tìm đến các nước Đông Nam Á với hy vọng tìm được một nữ nhân phù hợp.

Trong các nước có số các cô gái tìm chồng Đài Loan ấy, đạt kỷ lục là Việt Nam. Theo lời Linh Mục Phê Rô Nguyễn Văn Hùng, người đang thực hiện các công tác nhân đạo trong việc giúp các cô gái lấy chồng Đài Loan bị ngược đãi cho biết:

“ Tuần vừa rồi sở di trú Đài Loan ra quyết định cấm công ty môi giới làm ăn để tuyển chọn cô dâu thì tính từ khoảng thời gian đó về trước, tôi thấy chiếm khoảng chín mươi mấy phần trăm trong các cuộc hôn nhân với cô dâu Việt Nam là qua môi giới cả.”

Theo Cơ quan nhập cư Đài Loan, tính đến tháng 6.2009, hơn 410.000 nam giới ở hòn đảo này kết hôn với những phụ nữ đến từ Trung Quốc hoặc một số nước ở vùng Đông Nam Á mà nhiều nhất là Việt Nam.

Trong số những cô dâu Việt Nam tại đây có một số lấy chồng Đài Loan khi làm công nhân xuất khẩu và gặp gỡ những thanh niên bản xứ.

Những trường họp này không bị chính quyền Đài Loan ngăn cấm vì hoàn toàn hợp pháp, thế nhưng số này rất ít, chỉ chiếm khoảng vài phần trăm mà thôi.

Đối với những cô gái tới Đài Loan qua đường môi giới bất hợp pháp trong nước, khi đến Đài Loan sẽ được tìm một việc làm nào đó trước khi thành hôn với người bỏ tiền ra mua họ.

Hình thức này vẫn là một việc làm bất hợp pháp tuy rất khó phát hiện. Phía sau những kịch bản này là các nguy hiểm khôn lường đang rình rập những cô gái nhẹ dạ. và đây cũng là sức ép dư luận khiến chính quyền Đài Loan đi đến quyết định mạnh mẽ như vừa nói.

Những thất vọng của các gia đình Việt Nam khi nghe tin này là có thật vì họ trông cậy vào sự đổi đời tuy xa vời nhưng vẫn còn có cái để mà trông đợi.

Bán mình đi lấy chồng nước ngoài, là một tình trạng quốc thể

Tình hình vài năm gần đây theo nhận xét của nhiều nhà xã hội học thì sự tha hóa đã đến mức báo động trên nhiều lãnh vực mà việc lấy chồng nước ngoài là bức thiết hơn cả. Một trong những người có bức xúc này là ông Lê Hồng Hà, nguyên chánh văn phòng Bộ Nội Vụ cho biết:

“ Các phạm pháp trong xã hội tăng lên rất mạnh và mọi người xem các báo chí thông thường một vài ngày lại thấy rất lo âu về tình trạng phụ nữ phải bán mình đi lấy chồng nước ngoài, là một tình trạng quốc thể.”

Việc thiếu vắng một đạo luật xử phạt các hành vi môi giới bất hợp pháp này trong bộ luật hình sự đã đưa đến nhiều trở ngại, trong đó có việc áp dụng mức phạt rất tùy tiện đã khiến người dân ngạc nhiên và cho rằng không có sức thuyết phục và khiến tình hình không khá hơn bao nhiêu.

Các cô gái vùng nông thôn Việt Nam là đối tượng được săn lùng của các tay môi giới. Các cô ngây thơ nghĩ rằng làm vợ một người nước ngoài tuy khó khăn ban đầu nhưng mọi việc đều bình thường về sau này khi cuộc sống hôn nhân dần dần ổn định.

Linh Mục Nguyễn Văn Hùng chia sẻ những kinh nghiệm của ông từng gặp trong nhiều trường hợp tại Đài Loan, ông nói:

“ Có một cú điện thoại từ Hàn Quốc gọi sang, một người 19 tuổi mới lập gia đình với người Hàn Quốc, cả hai qua bên đó rồi mới thấy ước mơ của mình về đời sống kinh tế sau khi kết hôn với người nước ngoài không được như mình nghĩ, và bây giờ bằng mọi cách muốn ly dị với người chồng của mình để về Việt Nam.

Lời khuyên của tôi là: Nếu mình muốn đi tìm hạnh phúc thì mình cần phải suy nghĩ thật chín chắn, có nghĩa là hôn nhân bắt đầu bằng giá trị của tình yêu mà giá trị tình yêu không thể nào có được khi cái tương quan giữa hai bên không có sự kính trọng và tôn trọng lẫn nhau.

Nếu kết hôn với một người nước ngoài qua một công ty môi giới thì sự cân bằng về giá trị yêu thương không có bởi vì một người có tiền không lấy được vợ ở nước mình và dùng số tiền đó để đi kiếm một người vợ ở nước khác. Vì nhu cầu đời sống kinh tế (các cô gái) đã phải buông thả cuộc sống của mình ở trong trò chơi này, vì vậy đời sống gia đình trong tương lai sẽ không có hạnh phúc.”

Đau lòng nhất là nhiều cha mẹ lại khuyến khích

Tuy nhiên không phải tất cả các cô gái đều có động cơ lấy chồng nước ngoài. Sức ép mạnh mẽ nhất sau lưng các cô là các bậc cha mẹ.

Cuộc sống thiếu thốn kham khổ và những hào nhoáng gỉa tạo của các gia đình có con lấy chồng nước ngoài đã thúc đẩy họ ép buộc con cái của mình bước chân vào đoạn đường đầy bất trắc. Linh Mục Nguyễn Văn Hùng cũng nhận thấy điều này khi ông nói:

“ Trong lịch sử Việt Nam đến giờ phút này, tôi muốn nói đến khoảng thời gian mà đất nước không bị băng hoại, tôi thấy chưa có một trường hợp nào mà cha mẹ đã phải giữ sự trinh tiết của con gái của mình và chờ người nước ngoài đến để gả bán.

Chuyện đó đã xảy ra ngày hôm nay và tôi nghĩ nó xảy ra bởi vì nền tảng đạo đức luân lý của xã hội bị băng hoại. Tôi khuyên những người làm cha làm mẹ trong xã hội Việt Nam ngày hôm nay, dù có nghèo cách nào đi chăng nữa, dù có thiếu thốn cách nào đi chăng nữa nhưng những đứa con trong nhà của mình là những con người, phải tôn trọng họ đúng giá trị của một con người.

Cái thứ hai, đời sống kinh tế tiền bạc không thể nào bù đắp được những giá trị tinh thần mà những giá trị tinh thần đó rất cần thiết để cho con người ta sống cuộc sống được sự bình an và hạnh phúc. Và tôi nghĩ nếu đã là con người thì ai cũng mong muốn được sống với giá trị như vậy.”

Và một sự thật khác: liệu có cha mẹ nào đủ ăn đủ mặt mà vẫn muốn bán con mình hay không? Câu hỏi này dành cho các cơ quan xã hội, các chương trình đào tạo và huấn nghệ, các chính sách hỗ trợ nông dân và nhất là một cơ chế pháp trị trong sáng và công minh có thể thuyết phục người dân vào khuôn khổ.

www.rfa.org

© 2016 About Us | Terms & Conditions