Công nhân Việt Nam ở Malaysia



Đỗ Hiếu, phóng viên RFA, Malaysia 2009-12-29 Trong các buổi phát thanh trước Ban Việt Ngữ - Đài Á Châu Tự Do (RFA) chúng tôi đã gởi đến quý vị những tin tức, phóng sự, hình ảnh nói lên hoàn cảnh khó khăn, đôi khi đi đến chỗ tuyệt vọng, không lối thoát của giới lao động Việt Nam ra nước ngoài kiếm sống.

Bao nhiêu người bị lường gạt của cải, bóc lột công sức, cuối cùng thì tiền mất tật mang, tán gia bại sản, và cũng đã có rất nhiều trường hợp mất mạng hay tật nguyền. Mời quý vị theo dõi câu chuyện về nguy cơ mà lao động Việt Nam phải chịu đựng, qua cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc điều hành Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS), đang công tác tại Đông Nam Á.
Hiện tượng nô lệ mới Đỗ Hiếu : Xin ông cho Đài chúng tôi biết về tình trạng của người lao động Việt Nam tại Malaysia, hiện nay có chừng bao nhiêu người đang có mặt và làm việc nơi đây, thưa ông?
TS Nguyễn Đình Thắng : Hiện nay chúng tôi ước lượng khoảng 80 ngàn tới 100 ngàn công nhân Việt Nam đang lao động tại Mã Lai. Đó là nơi tập trung đông đảo công nhân Việt Nam nhất ở trong tất cả các quốc gia mà có nhận người Việt đi lao động. Vào thời cao điểm của vấn đề lao động ở Mã Lai thì chúng tôi ước lượng khoảng 100 đến  110 ngàn công nhân, tuy nhiên do nền kinh tế suy thoái hiện nay mà nhiều công nhân bị nghỉ việc cũng như nhiều hãng xưởng tại Mã Lai không nhận thêm công nhân từ Việt Nam, do đó tôi ứơc lượng khoảng từ 80 ngàn đến 100 ngàn.

Nhưng trở ngại mà họ đang phải đối đầu, thứ nhất là hoàn toàn không có sự bảo vệ về vấn đề quyền lợi của công nhân khi mà họ gặp những trở ngại do chủ nhân gây ra như không tôn trọng hợp đồng hoặc là bóc lột sức lao động của họ như không trả tiền lương, hoặc gặp nhiều trở ngại khác trong vấn đề lao động, thì họ không biết nơi nào để cầu cứu.

Họ liên lạc với Toà Đại Sứ Việt Nam ở tại Kuala Lumpur thì phần lớn không nhận được sự trợ giúp. Thứ hai, khi họ liên lạc về Việt Nam để kêu gọi các công ty môi giới đã đưa họ sang Mã Lai thì các công ty môi giới này phần lớn là phủi tay và không nhận trách nhiệm.
Đỗ Hiếu :  Chúng tôi nghe nói là có xảy ra tình trạng buôn người ở Malaysia, vậy người lao động Việt Nam có gặp những trở ngại hay nguy cơ gì không ?
TS Nguyễn Đình Thắng : Rất nhiều, bởi vì thứ nhất ở tại Mã Lai thì luật lệ Mã Lai thường là bênh vực cho chủ nhân và rất là không để ý đến, không quan tâm đến những người gọi là "khách thợ" tức là họ đến làm việc tại Mã Lai từ một quốc gia khác. Thứ hai, ngay tại Việt Nam thì luật lệ Việt Nam cũng không bảo vệ cho những công nhân - công dân của mình khi được xuất khẩu lao động sang các quốc gia khác. Chính vì vấn đề đó, sự thiếu sót về sự bảo vệ pháp lý ở cả hai quốc gia, quốc gia gốc cũng như quốc gia tiếp nhận là Mã Lai, do đó rất nhiều công nhân Việt Nam đã bị bóc lột một cách thậm tệ đến mức độ có thể xem như là trong tình trạng gọi là nô lệ thời đại mới, như vậy được xem là bị buôn người.
Chúng tôi lấy một ví dụ điển hình ở tại vùng Penang mà thôi. Tỉnh Penang, nơi đó có khoảng 7 ngàn công nhân Việt Nam ở toàn tỉnh Penang, cho tới hiện nay chúng tôi đã can thiệp cho khoảng gần 3 ngàn rồi, có nghĩa là khoảng 40% đã là nạn nhân của sự buôn người. Gần như tuần nào văn phòng của chúng tôi đều có nhận thêm một vài cú điện thoại cầu cứu và cái đó cho thấy rằng có lẽ cái tỷ lệ những công nhân Việt bị rơi vào thảm cảnh buôn người rất là cao ở tại Mã Lai.
Can thiệp và trợ giúp của Boat People SOS Đỗ Hiếu : Thưa ông, Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển đã làm được những điều gì và có thêm dự tính gì khác trong tương lai hầu giúp đỡ người lao động Việt Nam đang gặp khó khăn không?
TS Nguyễn Đình Thắng : Bắt đầu cuối năm 2005 chúng tôi đã quan tâm đến vấn đề tình trạng buôn người mà rất nhiều công nhân Việt Nam là nạn nhân. Chúng tôi đã sang Mã Lai rất nhiều lần để nghiên cứu, để tiếp xúc với các tổ chức dân sự, với Toà Đại Sứ Hoa Kỳ, với một số toà đại sứ khác ở Kuala Lumpur. 

Và đầu năm 2008 chúng tôi đã phối hợp với một số tổ chức khác ở ngoại quốc cũng như ngay tại bản địa Malaysia để lập ra Văn Phòng Hỗ Trợ Công Nhân Việt Nam trên toàn quốc Mã Lai, và từ đó đến nay văn phòng này đã can thiệp cho khoảng trên 40 vụ lớn nhỏ khác nhau, tổng cộng là trên 3 ngàn công nhân đã được can thiệp, giải cứu và hỗ trợ.
Công việc kế tiếp chúng tôi dự trù là phát triển các nỗ lực mà đã rất thành công ở tại Penang ra toàn quốc Mã Lai; chính vì lý do đó mà cách đây một tháng chúng tôi đã mở thêm một văn phòng ở tại Kuala Lumpur và có tuyển một luật sư người Mã Lai để làm người quản trị chương trình chống buôn người trên toàn quốc Mã Lai. Tôi cũng sang Mã Lai để tiếp xúc với Chính Phủ Mã Lai, tiếp xúc với các tổ chức Liên Hiệp Quốc và những tổ chức dân sự ở Mã Lai để mở rộng tầm hoạt động, bởi vì có tổng cộng 80 ngàn đến 100 ngàn công nhân, rất nhiều người Việt ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ Mã Lai đang cần sự trợ giúp
Đỗ Hiếu : Đài Á Châu Tự Do chúng tôi xin cám ơn TS Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc điều hành Uỷ ban Cứu Người Vượt Biển đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi hôm nay.
TS Nguyễn Đình Thắng : Chúng tôi rất chân thành cảm ơn Đài Á Châu Tự Do đã cho chúng tôi cơ hội để trình bày về một thảm cảnh mà càng ngày càng đông những người Việt đi lao động nước ngoài đang phải đối phó một mình, đó là tình trạng buôn bán lao động đang rất phổ cập không những ở Mã Lai mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới.
Đỗ Hiếu RFA, Kuala Lumpur, Malaysia

www.rfa.org


© 2016 About Us | Terms & Conditions