Cung Hữu nghị: Khi mô làm xong nhớ gọi ngư dân






TỘI ÁC CỘNG SẢN VIỆT NAM:

Cung Hữu nghị [Trung - Việt] được xây dựng trong thời điểm này hẳn đánh dấu nhiều sự kiện không thể quên mà sự kiện đang rất nóng là Việt Nam quyết định tổ chức tăng cường phòng vệ lãnh hải tích cực hơn (như Vùng 2 hải quân và bảy tỉnh phía Nam vừa ký hiệp đồng bảo vệ chủ quyền biển đảo, bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế giáp Trường Sa) để chống trả hữu hiệu "lũ cướp biển Somali da vàng" đối với ngư dân Việt cũng như những kẻ cho tàu chiến ngang nhiên xâm phạm vùng biển của Việt Nam. Vâng, cứ xây một ngôi nhà cho thật to đi, nhưng để lấp cho đầy, thì trong đó, bên cạnh những bằng chứng quan hệ hữu hảo láng giềng có thực giữa nhân dân hai nước, xin các ngài chớ bỏ sót chứng tích về hàng loạt vụ "chơi đẹp" đã và đang diễn ra trên biển Đông mà nhân dân Việt Nam dù hiền lành ngây thơ đến đâu cũng biết cách ghi tâm khắc cốt. Hãy nhớ lại những lời nhỏ máu của cụ Phan Bội Châu sau khi viết xong Pháp - Việt đề huề chính kiến thư. Người Việt Nam chúng tôi rất biết đâu là "đề huề" chính hiệu đấy các ngài ạ.

Bauxite Việt Nam

Cung Hữu nghị: Khi mô làm xong nhớ gọi ngư dân…

Hà Văn Thịnh – Đại học Khoa học Huế

Ngày 1.12 là ngày mở đầu của Tuần lễ Thánh, mở đầu Năm Thánh của đồng bào Công giáo. Thế nhưng đó lại là một ngày thật buồn, của rất nhiều nỗi buồn…

1. Điều buồn thứ nhất là đọc báo để "nghe" Chủ tịch nước trả lời cử tri. Thì ra báo chí cứ nói, dư luận cứ bàn nhưng lãnh đạo vẫn ưng chi nói rứa. Phát biểu với cử tri Quận I và II tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 30.11.2009, Chủ tịch nước khẳng định rằng "… chính quyền các cấp phải cố gắng thêm một bước nữa để chia sẻ với bà con…"! Lại thêm "một bước" và chính quyền chỉ chia sẻ thôi chứ không phải là nhất định phải phục vụ, nhất định phải thay đổi. Từ "chia sẻ" nó mênh mông và trừu tượng lắm cái nghĩa nửa vời. Tiếp đó, ngày 1.12, Chủ tịch nước nói với cử tri Quận III rằng tham nhũng là do quản lý chưa tốt "chứ không phải do cán bộ mình"(?). Đọc đến đây, người dân không hiểu vì tham nhũng nó không có chân, phải có chân người mới có thể tha tham nhũng về nhà. Vậy, nếu không do cán bộ thì do ai để đục khoét tiền dân, của nước đây?

2. Điều buồn thứ hai là chuyện cái Cung Hữu nghị do Trung Quốc cấp tiền – một khoản tiền cực lớn (30 triệu USD) và rộng mênh mông (14.000m2). Như vậy, Trung Quốc sẽ có ngôi nhà văn hóa to nhất Hà Nội, chễm chệ ngay giữa Thủ đô. Chẳng có gì quảng cáo tốt hơn thế, thể hiện sức mạnh của quyền uy rõ hơn một ngôi nhà to nhất, giữa Thủ đô của một nước! Về chuyện thâm nho này, phương Tây phải gọi Trung Hoa bằng ông tổ. Thế nhưng, ngẫm mà xót xa cho chuyện ngư dân bị chết, bị cướp, bị chìm tàu; phân định biên giới thì "nhất định bạn (Việt Nam) phải tuân theo", đảo biển bị người ta chiếm thì hữu nghị cái gì? Đành thở dài và nói vuốt đuôi: Khi nào làm xong cái Cung Hữu nghị ấy, nhớ mời người nhà của ngư dân và thân nhân các liệt sĩ đã chết ở Hoàng Sa, Trường Sa ra làm lễ khánh thành!

3. Một đồng nghiệp của tôi vừa đi viếng – tham quan chùa Bái Bính (Ninh Bình) về nói rằng chùa to nhất nước, tốn kém vô cùng. Chùa không của ai cả nên vui vì nó là công trình tâm linh, trường tồn – chưa kể tác dụng "yểm" long mạch cho vận khí nước nhà hưng thịnh. Nhưng tôi buồn vì lẽ khác. Nhà có hai "con". Một được tổ chức sinh nhật rình rang, nhà cao cửa rộng còn một thì ngày sinh nhật im hơi lặng tiếng, chẳng có ngôi nhà nào cho to, cho đẹp, là lẽ làm sao? Chiều, tôi dạy môn lịch sử Mỹ, phần Nội chiến Nam Bắc (1861-1865), giảng bài với tâm trạng thật nặng nề: Năm 1863, Tổng thống Mỹ Abraham Lincohn đã khánh thành nghĩa trang Quốc gia – chôn chung cả cách mạng và phản cách mạng một nơi, với lý do thật giản dị – "tất cả những người chết đều là đồng bào của chúng ta". Tại đó, ngày 19.9.1863, TT Mỹ đã nói: "Tại đây chúng ta đoan quyết rằng cái chết không bao giờ là vô ích – rằng, dân tộc này, ơn Chúa, sẽ có sự hồi sinh mới của tự do – rằng một Chính phủ của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân sẽ không thể bị phá hủy trên trái đất này". Cuộc Nội chiến kết thúc, 20 vạn tù binh miền Nam được thả về nhà mà không cần cải tạo và, không ăn mừng chiến thắng. Lý do, một lần nữa cũng dễ hiểu, "những người bại trận là đồng bào của chúng ta".

Tại sao ta không học được chút gì từ lịch sử? Tại sao những người lãnh đạo có địa vị cao nhất nước lại không chú ý rèn giũa lời ăn tiếng nói? Tại sao chúng ta muốn hòa hợp, đoàn kết mà cứ phân biệt ngụỵ – ta?… Đi qua cầu Hiền Lương (hôm qua, 1.12), thấy bờ Bắc có lá cờ đỏ to lớn cuồn cuộn bay, bờ Nam lạnh lẽo, im lìm – nghĩ mà xót xa: Đến bây giờ mà còn tư duy như thế thì thử hỏi bao nhiêu năm nữa mới thống nhất, kết đoàn?

Huế, 2h30'.

HVT

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập


© 2016 About Us | Terms & Conditions