“MẶT TRỜI CHÂN LÝ CHÓI QUA TIM…”

Quý độc giả Ephata và Giáo Sĩ Việt Nam thân mến,

Chiều ngày 27.7.2009, tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sàigòn, DCCT đã tổ chức một buổi cầu nguyện hiệp thông với Giáo Xứ Tam Tòa, hiệp thông với Giáo Phận Vinh. Cơn mưa chiều lất phất nhưng Nhà Thờ cũng chật kín và người ta tràn cả vào các lối đi. Mọi người cầu nguyện sốt sắng, ánh nến lung linh huyền ảo như vạn lời cầu chân thành rạo rực niềm tin, có một cái gì đó vui mừng, lại có một cái gì đó u uốt, có một cái gì đợi mong và hy vọng, bằng đó điều hòa quyện trăn trở, người tín hữu nói lên bằng ánh nến và lời cầu.

Những ngày tháng gần đây, chúng tôi nhận thấy một hiện tượng lạ, đó là: các bạn trẻ tìm đến ngôi Nhà Thờ này khá đông, họ tham dự sốt sắng các nghi lễ và không quên việc gặp gỡ nhau.

Chiều thứ năm Tuần Thánh năm 2009, sau khi cử hành các nghi lễ, cả Nhà Thờ tham dự phiên chầu Thánh Thể đầu tiên. Tôi mệt mỏi vì trời quá nóng, thay vì vào Nhà Thờ, tôi đứng bên ngoài gần cổng chính. Đông quá, người ta đến quá đông, khi tan chầu, tôi đứng lại để tiếp tục quan sát những người tìm đến và ra về, rất nhiều gương mặt trẻ đi qua, rất trẻ và rất nhiều, nhiều một cách lạ lùng, có lẽ lâu lắm rồi tôi mới được chứng kiến một lễ nghi Phụng Vụ chung mà lại đông bạn trẻ đến như thế. Rồi chiều thứ sáu Tuần Thánh cũng thế, tôi theo chân đoàn người đi đàng Thánh Giá chung quanh Nhà Thờ, một lần nữa tôi lại phải ngạc nhiên thán phục, bạn trẻ đông quá, đông đến bất ngờ.

Từ đó, tôi vẫn thường quan sát Nhà Thờ nơi tôi đang phục vụ và nhận ra rằng các bạn trẻ ngày càng đến với chúng tôi nhiều hơn. Điều gì đã gây ra sự kiện này ?

Nhiều năm gần đây, người ta thường nói bạn trẻ vùng thành phố ít đến Nhà Thờ, mà ít đến thật, cứ nhìn thời khóa biểu của các bạn sẽ tìm được nguyên do chính. Các bạn cả ngày vật lộn với cơn áo gạo tiền, các bạn cả ngày tất bật với các chương trình tự học, bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ, các bạn mất khá nhiều thời giờ cho chiếc máy vi tính và mạng Internet, và các bạn cũng tiêu khá nhiều giờ với những cuộc hẹn hò tình cảm lứa đôi, những tiêu pha hợp lý thôi ! Nhưng chẳng còn giờ đến Nhà Thờ, biết làm sao được ?!?

Sao bỗng dưng bây giờ lại có được nhiều bạn tìm đến đây như vậy ? Tôi đem thắc mắc này hỏi một số các bạn thân sơ, câu trả lời bất ngờ làm tôi suy nghĩ: "Thưa, chúng con đến đây vì chúng con thấy các cha ở đây nói cho chúng con biết những điều mà lâu nay chúng con thắc mắc không biết nó là cái gì, không biết nó ra sao ?" Nhưng sao lại chỉ có các bạn là thắc mắc mà thôi ? "Thưa cha, vì chúng con vào mạng chúng con đọc được những điều các cha muốn nói", đến đây thì dễ hiểu thôi, vì các bạn trẻ ở thành phố có nhiều điều kiện hơn để tham gia làm cư dân mạng truyền thông.

Tôi nhớ đến câu chuyện người phụ nữ bên bờ giếng năm xưa, chị khát nước thật sự trong đời chị, nhưng không ai nói cho chị biết là chị đang khát, thế giới quanh chị chỉ lên án chỉ trích chị, thế giới quanh chị chỉ nói những lời sáo rỗng, họ đào hào dựng vách cô lập chị và họ bảo đó là đạo đức, đó là truyền thống, đó là luật lệ, đó là sự an ổn của cộng đồng. Cho đến một ngày, có một con người chẳng giữ truyền thống luật lệ chi cả, – "ông là người Do Thái mà lại xin nước của tôi à ?" – con người ấy nói với chị về Sự Thật và về nỗi khổ đau oan khiên của chị, khi đó chị tìm được niềm vui, chị thật sự hạnh ngộ.

Sinh ra và lớn lên trong một môi trường kín kẽ, mọi phương tiện thông tin được định sẵn lối đi, mọi vận hành trong xã hội được định hình định dạng, người trẻ sinh ra trong vòng hơn ba mươi năm nay đã không có cơ hội và điều kiện tự nhiên để cảm thấy nỗi khát khao của con người, họ không biết mình có quyền gì và quyền ấy ra sao. Thật ra thì vẫn có đấy chứ, nhưng lại không biết là mình thiếu cái gì, và đâu là tên gọi của cái mình đang thiếu. Đọc báo chí và xem truyền hình, lang thang vào mạng, các bạn chợt nhận ra sự khác biệt của nhiều chiều thông tin xuôi ngược, bên phải, bên trái. Cuối cùng, các bạn nhận ra cái mình không có, cái mình bị lừa dối, cái mình bị tước đoạt và cái mình đang thiếu, đang đói khát.

Điểm dễ thương đáng vui mừng, đó là khởi đi từ nỗi chông chênh hoang mang, mất định hướng trong cuộc sống tâm linh và tinh thần ấy, đa số các bạn trẻ đã không tìm đến giải thoát của vật chất, của thú vui quyến rũ thường tình, họ chọn tìm đến với Nhà Thờ. Cũng vẫn còn phảng phất không ít do dự, thăm dò, nhưng rồi chính những thông tin độc địa hắc ám thế gian muốn chụp xuống đầu Nhà Thờ lại càng làm cho óc phản biện của người trẻ được đánh thức, cảnh tỉnh.

Sự thật thường được ví với ánh sáng, ấy là ở chỗ sự thật càng bị cắt xén, giấu giếm, đậy điệm, o ép, đè nén, trùm mền, ngụy tạo đủ kiểu, thì sự thật lại càng lộ ra những tia sáng, thoạt đầu chỉ le lói một tý thôi, nhưng rồi mỗi lúc một sáng thêm, cho đến khi sự thật chói lòa rực rỡ giữa thanh thiên bạch nhật. Người chống lại sự thật, tìm cách tiêu diệt sự thật thì hốt hoảng, sợ hãi. Ngược lại, người khao khát và yêu mến sự thật thì vui mừng, nong nả hớp lấy từng ngụm không khí cho đầy buồng phổi tâm linh và tinh thần.

Lâu nay chúng ta quen nghĩ, người lớn và người già chúng ta quen nhận định rằng: truyền giáo phải từ Nhà Thờ mà tuôn ra, tràn đến mọi nơi, mang theo hàng đoàn xe container đầy ắp những chân lý để rộng tay ban bố, phân phát, trao tặng. Không ngờ Chúa Thánh Thần – vâng, chúng ta xác tín đây là quyền năng của Gió Thiêng trời cao – lại có cách khác, siêu hơn nhiều: Ngài khơi lên nơi lòng nhân loại – ở đây chính là các bạn trẻ, rất trẻ – để họ thất vọng đối với thế gian xảo trá mà mầy mò tìm đến với Nhà Thờ, yên tâm là ở đấy đang nắm giữ Chân Lý. Họ sẽ chất vấn Nhà Thờ, đòi Nhà Thờ phải chia sẻ Chân Lý ấy thật trọn vẹn, y như dọn bàn ăn ra cho những người đang đói, đang khát. Trách nhiệm của Nhà Thờ bây giờ tự dưng nặng hơn, quan trọng hơn, sinh tử hơn.

Dạo bảy mươi lăm, thế hệ chúng tôi được nhồi nhét, bắt phải học thuộc lòng những câu thơ giác ngộ của người Cộng Sản trẻ tuổi nào đấy để mong chính bọn trẻ chúng tôi cũng phải giác ngộ chân lý như thế:

"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ,

Mặt trời chân lý chói qua tim.

Hồn tôi là một vườn hoa lá,

Rất đậm hương và rộn tiếng chim…"

Hóa ra, coi vậy mà không phải vậy. Một nửa sự thật không phải là sự thật. Văn chương đấy, nhưng "mặt trời" ấy là kiểu ngoa ngữ, và "chân lý" ấy là một thứ lộng ngôn. Chúng tôi đã từng là những người trẻ hoang mang ngơ ngác trước bùng binh của thời cuộc. Chúng tôi đã phải trả giá khá đắt, may mà không đến nỗi chìm nghỉm tuyệt vọng trong bóng tối bủa vây của thế gian, làm gì mà hoa với lá, đậm hương và rộn tiếng chim ?!? Và cũng may mà chúng tôi còn có Nhà Thờ…

Rồi mấy mươi năm đi qua, đối với thế hệ các bạn trẻ hiện tại, sau hàng loạt những biến cố ở Tòa Khâm Sứ, ở Thái Hà, ở Vĩnh Long, ở Nguyễn Thị Diệu, ở Thủ Thiêm, nay thì đang nóng bỏng ở Tam Tòa, các bạn trẻ đã thoát ra được khỏi một phần bóng tối, đón lấy ánh sáng chan hòa của Chân Lý. Cục diện bây giờ chỉ có tiến tới chứ không giậm chân hoặc giật lùi được nữa.

Vì Ánh Sáng ấy, Chân Lý viết hoa ấy, là Tin Mừng, là chính Chúa Giêsu !

Lm. VĨNH SANG – Lm. QUANG UY, thứ bảy 1.8.2009

Lễ kính Thánh An Phong, Đấng sáng lập DCCT   (E.M.)

© 2016 About Us | Terms & Conditions